Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Nhìn và cười .

*Nhìn.
Giờ ra phố người ta nhìn nhau sao thiếu thân thiện! Hầu hết mọi cái nhìn đều gớm ghiếc, sắc nhọn, như chực ăn tươi nuốt sống người đối diện.

Hành vi này quá quen khiến người ta không còn cảm thấy lạ. Trên đường, mọi người dường như đang thổi hai luồng lửa giận dữ chứ không phải nhìn nhau thân ái. Chế Lan Viên hẳn buồn khi hôm nay “gặp mỗi mặt người đều (không) muốn ghé môi hôn”.

Thời lọc cọc xe đạp leng keng tàu điện, người ta thường nhìn nhau ấm áp. Hay tại “mặt trái của cơ chế thị trường”? Hay bọn xấu đang “diễn biến hòa bình”?

Mỗi người có câu trả lời của mình. Tôi thì nghĩ ánh nhìn cũng phán ánh mặt nào đó của đời sống xã hội. Một xã hội chưa vào nề nếp, cái ác, cái xấu còn ngang nhiên xuất hiện ở mọi nơi thì việc người ta có cái nhìn áp chế, dằn mặt… cũng dễ hiểu. Ánh nhìn dữ dội ném ra để đề phòng có việc chẳng lành thì mình luôn giành thế thượng phong, ít ra về tâm lý. Ngẫm kỹ thấy nực cười vì hành vi ấy thể hiện sự yếu ớt về nhiều mặt và rất trẻ con.

Không kiềm chế được cảm xúc, không tự tin vào bản thân nên mới phải tung ra ánh nhìn kiểu “trên phân” như vậy. Tôi đồ rằng từ “nhìn đểu” mới xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt cách nay chừng 20 năm.

Không chỉ nhìn nhau bằng đôi mắt “hình viên đạn”, bây giờ người ta còn nhìn một cách vô hồn, tạm đặt tên là “ánh nhìn của người mù”. Xin lỗi! Ngàn lần không dám đem khuyết tật của người khiếm thị ra làm trò, nhưng quả thực chưa tìm được cách đặt tên hình tượng hơn.

Ánh nhìn ấy thả vào không trung, trước mặt người đối diện, một cách vô hồn, vô cảm. Họ nhìn mà như chả thèm nhì; nhìn với thái độ kẻ cả, trịch thượng và bất cần… bất luận tuổi tác của người đối diện. Thật ghê rợn khi ánh nhìn dạn dĩ và kênh kiệu ấy lại xuất hiện trên một khuôn mặt còn non choẹt.

Kiểu nhìn “khiếm thị” ấy, suy cho cùng cũng nhằm át vía người đối diện, ra cái điều ta đây không thèm chấp.

Trong một xã hội mà xô xát luôn rình rập, hứa hẹn được giải quyết ổn thỏa bằng bạo lực và đồng tiền đã đẻ ra những ánh nhìn quái thai như vậy.



*Cười.
NSND Đàm Liên đã trình diễn ấn tượng về các điệu cười trên sân khấu tuồng. Như vậy là các điệu cười thể hiện tâm trạng, sắc thái tâm lý, thậm chí cốt cách con người… có từ lâu và nó đã thành biểu trưng cá tính nhân vật trên sân khấu.

NSND Đàm Liên cười vài chục “điệu” thể hiện các loại nhân vật, cá tính khác nhau đã tài, nhưng dẫu sao cũng chỉ là việc tái hiện âm thanh bằng âm thanh. Ông Vương Trí Nhàn, bằng con chữ, mà “cười” được cho người khác hiểu thì cũng phải phục sát đất. Ông Vương Trí Nhàn “cười” như thế này:

“Những cuộc tranh luận nho nhỏ là một bộ phận trong sinh hoạt tinh thần nói chung của con người hiện đại. Theo lẽ thông thường, sau một hồi bàn cãi thể nào cũng có kẻ thua người được, người kém thế hơn nếu có đầu óc phục thiện hẳn phải nghiêm chỉnh nhìn nhận chỗ kém cỏi của mình. Đằng này ở ta những người thua cuộc có một lối thoát khỏi thế bí rất lạ. Là lật ngược câu chuyện, coi mọi việc chẳng qua là trò đùa và cười, cười lấy được. Tiếng cười ở đây là một thứ màn ngụy trang, một cách lấp liếm cốt quên mọi chuyện cho nhanh, thực chất là hành động của con đà điểu rúc đầu vào cánh, lảng tránh tất cả. Đôi khi lại thấy lối cười khẩy, ra cái điều đây chỉ là chuyện vặt ta không thèm chấp, cười để làm nhòe câu chuyện trong một màn sương hư vô. Nó tạm thời gỡ cho người thua cuộc đỡ mất thể diện, thậm chí còn làm cho anh ta có cái vẻ sang trọng hơn người…”

Tuy nhiên trong xã hội hiện nay còn xuất hiện nhiều kiểu cười khác nữa chứ không chỉ dừng lại ở hai điệu “cười ra vẻ” và “cười ra dáng” như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã viết.

Đấy là điệu cười vô cảm, vô hồn không một chút sắc thái. Cười không xuất phát từ nhu cầu tự thân. Đấy là điệu cười của kẻ xu nịnh và dốt nát nhưng biết bị bắt bài nên biến thái một cách tinh vi. Nó vừa “ra vẻ” vừa “ra dáng” nhưng thấp thoáng sự lọc lõi, gian manh và đậm chất giang hồ. Cái cười ấy không còn là cười khẩy của kẻ tự coi là bề trên một cách trịch thượng. Nó phát ra tiếng hẳn hoi, nảy, đều, một tràng dài, không trọng âm, không ngữ điệu. Nó có cái gì đó vừa thỏa mãn, vừa bất cần, vừa ra vẻ như ta đây biết tỏng tòng tong, nhưng kỳ thực chỉ là một dạng xập xí xập ngầu, che đậy những khiếm khuyết, thiếu hụt cơ bản về trí tuệ và văn hóa.

Buồn thay, điệu cười như thế nhan nhản khắp nơi, cả ở những cơ quan công quyền.

Người nước ngoài sang VN, chẳng biết có xã giao hay không, nhưng thường khen người VN hay cười. Cũng may là họ thấp thoáng đâu đó thôi. Ơn trời! Nhiều người không bao giờ quay trở lại nên chắc chẳng tìm hiểu kỹ tiếng cười của người VN ta.


Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ