“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.”
Những bức thư Bác gửi nhân ngày khai trường, mỗi câu nói trong những buổi gặp gỡ với thầy giáo, cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh... thật giản dị nhưng chứa đựng nhiều bài học quý về GD.
Ngay từ những năm đầu tiên của nước VNDCCH, Bác Hồ đã quan tâm tới GD. Những sắc lệnh đầu tiên của nước VN non trẻ là hai việc: cứu đói cho dân và học hành. Bác xếp hai công việc này vào hàng bức thiết lúc bấy giờ. Đói - chết, nhưng không có học cũng chết. Bởi theo bác “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người viết: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Bất cứ thời đại nào, một dân tộc yếu luôn là một nước nhược tiểu, lăm le bị đe doạ từ nhiều phía.
Hôm nay ai cũng vui vì Nhà nước coi “GD là quốc sách hàng đầu” tầm quan trọng của tri thức, của nguồn nhân lực chất lượng cao, thêm một lần nữa, được nhấn mạnh và đề cao. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, Nhà nước cũng đã cố gắng chi hơn 20% tổng chi ngân sách hàng năm cho GD. Cách đây 66 năm, trong những Ngày Mùa Thu Tháng Tám lịch sử ấy, với những sắc lệnh đầu tiên cho bình dân học vụ, với mục tiêu diệt giặc đói và giặc dốt, Bác cũng đã thực sự coi GD là quốc sách. GD có vai trò quan trọng đặc biệt ngay trong điều kiện của một đất nước non trẻ, đang đối mặt với nạn đói, đang chống chọi với đủ loại kẻ thù nội và ngoại xâm.
Ngày hôm nay, các nhà sư phạm đưa ra khẩu hiệu: “Lấy học sinh làm trung tâm” Rồi nhiều hội thảo, tốn kém nhiều tiền của, tranh luận nảy lửa xem GV đóng vai trò then chốt hay quyết định… Nhưng hãy xem lá thư của bác gửi cho GV và học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước VNDCCH, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là nhờ một phần lớn vào công lao học tập của các ”. Không phải một phần mà là phần lớn công học tập. Viết câu này, Bác đã trao trách nhiệm cho học sinh. Bác thực sự đã coi học sinh là chủ thể học tập. Đồng thời, trong nhà trường phải thi đua dạy tốt và học tốt.
Hôm nay, chúng ta có nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào, nhiều giải pháp… liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học… Nhưng cũng chính vào cái thời điểm đất nước vừa tuyên bố độc lập thì Bác đã xác định ngay: Học phải đi đôi với hành.
“Đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội” là yêu cầu cấp thiết của ngành GD hiện nay. Thực ra yêu cầu này không mới. Ngay trong những ngày đầu lập nước và trong thời gian đấu tranh thống nhất đất nước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nhiều lần căn dặn: “Học phải có mục đích. Học trong nhà trường phải gắn liền với lao động, sản xuất.” Theo lời kể của GS Nguyễn Cảnh Toàn, hưởng ứng lời kêu gọi này của Bác, những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều trường học ở miền Bắc đã tổ chức các hoạt động liên kết với đồng ruộng, nhà máy, xí nghiệp... Vẫn biết các em “thiếu nhi như búp trên cành, biết ăn ngủ học hành là ngoan”. Nhưng “nhà trường phải gắn với xã hội, gắn với thời cuộc.” Chính vì thế, Bác đề nghị “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình” .
Hôm nay nơi này nơi kia còn trăn trở với phương pháp GD nhồi sọ, thì ngay từ những năm chống thực dân Pháp, Trong Thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc 8-1950, Bác đã chỉ ra cách dạy trẻ: “Cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả.”
Hầu như tất cả những công việc mà GD hôm nay đang tất bật triển khai, thì dường như, Bác đã đề cập cách đây hơn 60 năm với lối nói nhẹ nhàng, kín đáo, giản dị; bằng tất cả sự trải nghiệm của một người bôn ba nhiều châu lục, nhận thức sâu sắc sự kém cỏi, yếu đuối của một dân tộc thiếu cái chữ, thiếu hiền tài.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ