Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại( Hoàng Tụy)

(Diễn từ tại buổi lễ trao giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh, 2011)

Hoàng Tụy


Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hoá, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.

Làm khoa học ở một đất nước nghèo khó tôi vốn có duyên nợ nhiều với giáo dục. Xuất thân là một thầy giáo trung học rồi dần dần tự mày mò học tập, nâng cao trình độ mà trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học. Bắt đầu dạy học ở tuôi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tich cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn (chứ không phải rủi ro) học phổ thông ở nhà trường thời thực dân (nhưng không phải nhà trường thực dân), ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình. Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà. Mà cũng từ đó được mở rộng tầm mắt, có cách nhìn hệ thống đối với nhiều vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hồi còn anh Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại Học tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu và trình bày về tư duy hệ thống trong các xêmina giáo dục do anh ấy chủ trì. Những tư tưởng, quan niệm của tôi về giáo dục, văn hoá, kinh tế xã hội ngay từ những ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ cách nhìn hệ thống đó cho nên ít nhiều cũng có tính hệ thống nhất quán, nếu có lúc cần thay đổi thì cũng do logic sự vật chứ không tuỳ hứng, tuỳ tiện, tuỳ thời.

Một thế kỷ nay chưa bao giờ vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy giáo dục càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.

Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam cũng nhận xét thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi ngay chuyên gia trong nước đã có không it lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoài.

Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục. Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Đó là nội dung thiết yếu hai bản kiến nghị mà một nhóm trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước đã gửi Trung Ương Đảng, Quốc Hội và Chính Phủ năm 2004 và năm 2009 (bản Kiến nghị 2004 đã được phổ biến rộng rãi, còn bản Kiến nghị 2009 chưa được nhiều người biết do bị hạn chế phổ biến).

Như chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội Nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng mười năm sau đó, Thủ Tướng Chính Phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong hai lĩnh vực nêu trên. Cho nên các nghị quyết Đại Hội X và ba Hội Nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ. Đặc biệt sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ Trưởng GD và ĐT năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.

May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, it nhất về nhận thức. Sau một thời gian ngắn được ngộ nhận là thành tich đặc biệt của giáo dục, sự kiện này cuối cùng đã cho thấy rõ quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ lại nghiêm túc và tỉnh táo hơn về nhà trường của chúng ta. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe Thủ Tướng long trọng tuyên bố cần một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước. Với niềm hân hoan như đã lâu chưa hề có, tôi đã lắng nghe bài diễn văn buổi tối đó của Thủ Tướng, y như người đang khát giữa trưa hè nóng bức mà được uống bát nước chè tươi.

Sau tuyên bố của Thủ Tướng, nguyên Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình cũng đã lên tiếng đầy sức thuyết phục kêu gọi thực hiện cải cách giáo dục để tiến lên một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu cấp thiết chấn hưng đất nước. Nhiều bậc thức giả khác đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Ai nấy đều tin rằng đã đến lúc cần kết thúc giai đoạn đổi mới vụn vặt, chuyển sang cải cách mạnh mẽ thì giáo dục mới có thể ra khỏi bế tắc, trì trệ. Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11, tôi cũng đã cố gắng thuyết phục Bộ Trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của TƯ. Trước hết hãy có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn GS, PGS, xây dựng đại học đăng cấp quốc tế, v.v.

Tuy nhiên cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ Tướng tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã long trọng hứa hẹn với dân nhiều lần, mà đấu tranh thực hiện cũng gian khổ chẳng khác gì việc đòi giảm sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến hay sao ? Tôi thật sự lo lắng khi thấy bất chấp mọi lời khuyên, cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi. Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào địa ngục thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3,4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp.

Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vây ? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này ?

Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ thấy nhất là một đất nước mà người dân tin rằng “cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được” -- một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu. Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tuỳ thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư ? thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưỡng như ban đầu, thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã đựơc nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có, hay gì gì đó thì đố ai biết qui mô đến đâu. Có điều chắc chắn là những chuyện tiêu cực trong giáo dục và kèm theo đó, bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cở trở thành một nét văn hoá tiêu biểu của xã hội ta hiện nay.

Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu môt tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “đổi mới” liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm nầy qua năm khác.

Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.

Không đi sâu vào những việc quản lý cụ thể tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng giáo dục. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế cuộc sống đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn thiển cận, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.

Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miêt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh. Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác. Đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo hay thời trung cổ ở Châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi Phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hoá giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.

Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất it trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi. Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: chúng ta nói nhiều về công nghiệp hoá nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong cả nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rôt cục chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại. Sự thể nghiêm trọng đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống giáo dục hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp đại học hay cao đẳng mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, theo hướng như đã trình bày trong bản Kiến nghị 2009: sau trung học cơ sở phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỉ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lương đầu vào đại học, tạo điều kiện nang cao chất lượng đại học . Như vậy, sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.

Thứ ba là xây dựng đại học. Vị trí và tính chất của giáo dục đại học trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với chỉ cách đây vài thập kỷ. Nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng đại học tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược. Trong đó việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tich phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.

Thứ tư và cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay. Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ số đó vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc cực kỳ khó khăn của tất cả thầy giáo của ta. Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của ta mà giáo dục còn được như thế này đó thật sự là kỳ công.

Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và … lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không giữ nổi thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hoá, khoa học nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm với những khó khăn thực tế liên quan đến tham nhũng. Song có thể nói không quá đáng, kinh nghiệm hơn ba mươi năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tôt được nhiệm vụ. Vậy nên giải quyết cái u nầy là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục (và khoa học) thật sự trở thành quôc sách hàng đầu. Tuy nhiên cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu làm không minh bạch đường hoàng như hiện nay thì chỉ gây thêm hỗn loạn, cũng rất nguy hiểm.

Để kết thúc, xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.

Và một lần nữa xin trân trọng cám ơn Quỹ Văn Hoá Phan Châu Trinh.

Hoàng Tụy

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Kỷ luật, niềm tin và trách nhiệm

Qua thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, một lần nữa, thế giới lại biết tới nước Nhật với tinh thần yêu thương, đầy trách nhiệm và có kỷ luật cao. Chính phủ và cả người dân bình tĩnh ứng phó với những diễn biến tồi tệ nhất, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Để có được sự chủ động và bĩnh tĩnh như thế không thể không nói tới vai trò của giáo dục.

Cả thế giới đang dồn sự chú ý vào nước Nhật không chỉ vì nền kinh tế thứ 3 của thế giới đang gặp đại thiên tai mà họ còn đang học tập cái cách mà người Nhật ứng phó với thảm họa. Sau thảm họa động đất, cả thế giới đã biết đến một nước Nhật với tinh thần kỷ luật cao, sự tập trung và bình tĩnh trong xử lý các tình huống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tâm lý bình tĩnh và kỷ luật, chẳng hạn như người dân có niềm tin tuyệt đối vào chính phủ Nhật Bản trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hiện nay. Họ tin rằng chính phủ sẽ có những giải pháp đúng đắn và đang dốc sức vì nhân dân.

Hai ngày qua, Đài TNVN và báo chí cả nước đưa đậm câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi từ chối phần thực phẩm được ưu tiên để nhường lại cho tất cả mọi người khác. Câu chuyện trung thực, cảm động về sự hy sinh này được một cảnh sát người Nhật gốc Việt chứng kiến và kể lại.

Cậu bé này đứng trên tầng 3 của trường nhìn thấy sóng thần hung hãn cuốn bố mình đi khi ông đến đón cậu ở trường. Gia đình, người thân không còn ai. Trong giá rét, trên người chỉ có cái áo mỏng, cậu bé đang đứng cuối hàng chờ phân phát khẩu phần ăn. Sợ đến lượt cậu bé thì hết thực phẩm, người cảnh sát đã tới bên, cởi tấm áo quân phục khoác lên người và cho cậu túi lương khô của mình. Cậu bé cúi gập người cảm ơn và chạy lên chỗ những người đang phát thực phẩm, để túi lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Cậu bé nói: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Ở tuổi lên 9, công việc của chính phủ, rồi niềm tin, thể chế… là những khái niệm xa lạ với một học sinh lớp 3. Nhưng chính GD trong nhà trường và gia đình đã giúp em có cách ứng xử như một người trưởng thành, đang chịu trách nhiệm với cả cộng đồng.

Ở Nhật Bản, cho tới thời điểm này, hầu hết học sinh vẫn đến trường. Đồng nghiệp của tôi đang làm ở Ban tiếng Việt, Đài PT-TH NHK Nhật Bản cho biết chưa có ý định đưa con về VN bởi việc học tập vẫn diễn ra bình thường.

Ý thức độc lập và tự cường của dân tộc Nhật Bản có truyền thống từ xa xưa. Nhà canh tân và đồng thời là nhà GD, nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản Fukuzawa cách đây hơn một thế kỷ đã đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia, tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác.”

Ngay từ tiểu học, học sinh đã được giáo viên cho biết nước Nhật nghèo tài nguyên, khoáng sản, lại thường phải hứng chịu thiên tai, bởi vậy chỉ có trí tuệ mới đưa dân tộc trở nên hùng cường; ngay từ bậc học mầm non, tiểu học, học sinh Nhật Bản đã được giáo dục những kỹ năng biết tự cứu mình trong những hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ với một hiệu lệnh ngắn gọn học sinh đã biết chui tọt xuống gầm những chiếc bàn được chế tạo đặc biệt chắc chắn để tránh thương vong do động đất.

Điều này lý giải tại sao ngay trong học kỳ đầu tiên của lớp 1, những bài học GD thể chất lại là bài tập… bò. Học sinh phải học các kiểu bò khác nhau, từ kiểu chó, kiểu thỏ, kiểu ếch cho tới kiểu nhện. Tất cả là để giúp học sinh chủ động vượt thoát khỏi thảm họa trong những điều kiện tồi tệ nhất như đang xảy ra.

Học sinh tiểu học Nhật Bản cũng phải đến trường với chiếc cặp khá to. Tôi đã có lần được sờ vào một chiếc cặp như thế đang được bán ở VN. Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà giới thiệu là cặp siêu nhẹ. Đúng là nhẹ thật! Chiếc ba lô chừng 2-3 lạng nhưng có thể đựng được số lượng sách vở bằng với chiếc ba lô nặng hơn một cân của các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước. Vì con người, vì tương lai, vì học sinh… đâu cần những sáo ngữ mà chỉ mong những việc làm nho nhỏ như sản xuất ra chiếc cặp kia thôi.

Một chính phủ vì dân như thế thì người dân và cả học sinh có niềm tin và không hoảng loạn trước đại họa, ít nhất là cho đến thời điểm này, là điều dễ hiểu.

Cuối năm học, học sinh tiểu học ở Nhật Bản không lo nhiều đến điểm số. Mỗi em chọn một thứ mình thấy đã giỏi hơn, biết hơn, tiến bộ hơn để báo cáo. Có bạn biểu diễn tính cộng trừ rất nhanh; có bạn lại báo cáo về việc biết đọc chữ Hán, biết được hoa Asagao lớn lên như thế nào; còn nhiều bạn nhảy dây, mỗi bạn biểu diễn một kiểu nhảy; có bạn vẽ tranh; có bạn chơi trò chơi truyền thống…Sau đó học sinh phát biểu cảm tưởng xem bạn nào biểu diễn hay, hay ở điểm gì? Bạn A khen bạn B, bạn C lại khen bạn D. Học sinh không chỉ biết vui vì được đón nhận lời khen ngợi, mà còn học cách nhìn nhận điểm tốt của người khác.

Như một hệ quả tất yếu, một nền GD như thế, mặc nhiên sẽ vun đắp cho học sinh tinh thần trách nhiệm và tình thương đồng loại như những gì mà học sinh lớp 3 kia đã làm, khiến cho cả thế giới xúc động.

Đất nước Nhật Bản giờ đây đang trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi học trò.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Trị chứng chưa trị căn

Bắt đầu từ tháng 3 này, Hà Nội triển khai việc bí mật ghi hình học sinh vi phạm giao thông khi tới trường và sử dụng điện thoại sai mục đích. Việc làm kiên quyết này của ngành GD Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên cách thức và biện pháp xem ra vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Tháng 10 năm ngoái, Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đã đánh tiếng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Việc này được giới chức ngành GD Hải Phòng thông báo sau sự kiện băng ghi âm lời mắng nhiếc của GV với học sinh được phát tán trên mạng.

Không biết ngành GD Hải Phòng đã triển khai việc này chưa nhưng Hà Nội đã quyết tâm thực hiện, trước mắt ở 5 trường THPT: Quang Trung, Kim Liên, Phan Đình Phùng, Việt Đức và Trần Phú. Và không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ĐTDĐ mà còn mở rộng ra ở lĩnh vực chấp hành an toàn giao thông.

Được biết quyết định nói trên được đưa ra sau Hội nghị: “Triển khai mô hình điểm các biện pháp đảm bảo GD trật tự an toàn giao thông và quản lý sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích trong và ngoài nhà trường.”

Trước hết, nói về “đảm bảo trật tự an toàn giao thông” mà cụ thể là việc học sinh đi xe máy trái luật tới trường. Việc này đã nói nhiều nhưng thực hiện chưa hiệu quả. Mấy năm trước, ngành GD HN có đề nghị bên công an chuyển danh sách học sinh vi phạm giao thông về trường. Không thấy hội nghị nói trên tổng kết phần việc này. Có lẽ hiệu quả không cao nên giải pháp “bí mật ghi hình học sinh vi phạm” mới được đưa ra.

Việc đơn giản là chuyển danh sách học sinh vi phạm về trường mà còn chưa thấy nói tới kết quả, nay tổ chức ghi hình - một việc rất cồng kềnh, tốn kém khiến cho mọi người không khỏi nghi ngờ về tính khả thi.

Ai ghi hình? Ai ngồi xem để xác nhận đó là học sinh A, học sinh B? Xin thưa, việc này không đơn giản. Thầy và trò hiện đã quá vất vả với việc học, nay phải ngồi nhận mặt học sinh trên màn hình thì thật vất vả quá!

Học sinh tham gia giao thông phải tuân thủ Luật Giao thông. Nếu xử nghiêm thì không có hiện tượng lộn xộn như hôm nay.

Người ta có thể viện lý do: Xử lý vi phạm giao thông thì sợ các em muộn học, muộn thi… Đấy là cách nói chẳng những ngụy biện mà còn được ngụy trang dưới cái vỏ bọc tình người và sự cảm thông. Tại sao công an chưa xử lý dứt điểm học sinh vi phạm giao thông? Câu trả lời có thể mọi người đều biết.

Khái niệm “sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích” mà ngành GD Hà Nội đưa ra là một khái niệm mơ hồ. Chức năng nào của điện thoại cũng đều có mục đích. Mục đích là do người dùng quy định. Khi điện thoại chặn lên tờ giấy cho khỏi bay, ta coi đó là “cục chặn giấy”; khi đưa lên miệng a lô a lô thì nó là điện thoại. Vậy chặn tờ giấy kia là sai mục đích ?

Nghe đâu tới đây Bộ GD-ĐT cũng sẽ đưa hành vi sử dụng điện thoại vào điều lệ trường. Thực ra không cần tốn nhiều thời gian để hội thảo, hội nghị, mất quá nhiều thời gian vào việc này. Trong Điều lệ trường trung học đã ghi: “Học sinh không được làm việc riêng trong giờ học”. Thiết nghĩ như vậy là đủ. Bởi dùng điện thoại trong giờ học là việc riêng.

Quy định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội là: “Cấm gọi điện, nhắn tin cho bạn bè với nội dung xấu, ghi hình, ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”. Khi đọc quy định này, mọi người lại nhớ ngày xưa học trò chuyền tay nhau mấy truyện nhảm chép tay. GV bắt được thì học sinh bị quy tội “tàng trữ văn hóa phẩm độc hại”, bị đánh giá về đạo đức, hạnh kiểm. Như vậy là cách xử lý đã có. Đâu cần thiết phải tốn thời gian bàn luận.

Còn quản lý việc ghi hình, chụp ảnh, ghi âm rồi đưa lên mạng là việc làm không đơn giản. Mặt khác, cần xem lại hành vi nên phê phán ở mặt nào? Bởi học sinh vẫn đánh nhau cho dù có hay không việc ghi hình. Ghi hình không phải là căn nguyên của xung đột, mẫu thuẫn trong học sinh, giáo viên. Chỉ có điều, các đối tượng trong đoạn băng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý khi hình ảnh của mình bị phát tán trên mạng. Vậy thì thử đặt vấn đề: Nếu đoạn phim đó được giao nộp cho người có trách nhiệm thì có đáng phê phán hay không?

Ngày hôm nay, nhà trường chúng ta yêu cầu sao đỏ đuổi theo, nhòm vào từng mặt học sinh đi muộn hoặc vi phạm cái gì đó để ghi tên; lớp trưởng có quyền báo cáo cô (thậm chí xử phạt tại chỗ) các em không ngủ trưa, không làm bài…thì có khác gì việc ghi âm ghi hình kia đâu.

Có công bằng không khi mà người lớn bí mật quay phim trẻ em thì được trong khi các em quay phim giáo viên mắc nhiếc, mạt sát học sinh lại bị lên án? Người lớn có thể biện hộ: Đấy không phải nhiệm vụ của học sinh. Nhưng thử xem, ở đâu cũng kêu gọi: Chống tiêu cực là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội cơ mà.

Việc làm của ngành GD Hà Nội nhìn chung được ủng hộ. Nhưng đây mới chỉ là bài thuốc trị chứng mà chưa chưa trị căn, giải quyết cái sự đã rồi để răn đe, phòng ngừa. Thử đặt câu hỏi: Tại sao các em lại tung lên mạng thay vì trao đổi trực tiếp với người lớn chúng ta. Đấy mới là cái gốc của vấn đề./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Nhà khoa học và cơm áo gạo tiền.

Xưa, có lần thầy giáo văn bảo, cơm áo không đùa với khách thơ. Theo cách hiểu giản dị của tôi là, thơ phú không nuôi nổi thân, chớ đùa! Chẳng biết cách hiểu ấy đúng không. Nhưng nay, tôi lại thấy nó có nghĩa, các nhà thơ nhà văn “rất cơm áo” nữa là đằng khác.

Tác giả của Tràng Giang - nhà thơ Huy Cận cuối đời được báo chí quấn quýt. Chắc là ông phát chán với mấy anh phóng viên nên hễ thấy ai đề cập phỏng vấn, ông hỏi ngay, nói bao nhiêu… tiền. Nếu thù lao năm chục thì ông nói đúng 5chục... Chắc là ông thiên về lượng (thời gian) chứ hàm lượng tri thức trong lời ông nói thì không thay đổi?

Vừa rồi gặp mấy chuyện vớ vẩn, thấy “cơm áo không đùa khách thơ” nay phải mở rộng nghĩa.

Chuyện vớ vẩn 1: Chuyện này gắn với một nhà khoa học được xã hội đặt cho cái tên “nhà rùa học”. Ông là người “to tiếng” nhất trong lĩnh vực rùa Hồ Gươm. Ai cũng biết tiếng ông. Ông ý thức được điều đó. Phòng ông sách vở ngồn ngộn, không còn chỗ để chân. Bộ nhớ máy vi tính chủ yếu bài, ảnh về rùa. Ông có thể say sưa nói về rùa cả giờ đồng hồ. Một lần nhỡ lời, buột miệng nói “con rùa ở Hồ Gươm”. Ông lắc đầu quầy quậy chỉnh ngay, “không được nói thế, phải gọi là cụ rùa”. Với ông, rùa Hồ Gươm đã vượt thoát ra khỏi con rùa sinh học mà trở thành cái gì đó thiêng liêng, thần bí.

Ông khẳng định rùa Hồ gươm là loài mới, không đâu có. Trong khi đó, các nhà khoa học khác khẳng định họ hàng của rùa Hồ Gươm có ở một số nơi. Ông đặt tên rùa Hồ Gươm là Leloi … Chắc muốn gắn với truyền thuyết trả kiếm thần và khẳng định là loài duy nhất? Ngoài quan sát những lần Rùa Hồ Gươm nổi lên thì bằng chứng khoa học là mẫu ADN được giám định cho kết quả không giống với bất kỳ loài rùa nào trên thế giới. Tuy nhiên, mẫu giám định được lấy từ tiêu bản rùa trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội. Trong khi đó không ai dám xác nhận rùa Hồ Gươm và con rùa đã chết là một.

Câu chuyện rùa Hồ Gươm là loài nào chưa ngã ngũ thì Cụ Rùa ngã bệnh. Cuộc họp nào về rùa Hồ Gươm cũng có mặt ông. Dĩ nhiên rồi. Ai hiểu rùa Hồ Gươm hơn ông. Ông nói vanh vách cụ nổi bao nhiêu lần, vào những ngày nào.

Ông là mục tiêu săn đuổi của báo chí trong những ngày này. Có lần Đài TNVN mời ông phỏng vấn. Sau khi dự họp ở UBNDTP về giải pháp cứu rùa, ông đến thẳng đài để trả lời. Làm việc xong, đài có chút nhuận bút be bé để trong phong bì đẹp. Xuống nhà xe, ông đếm thì chỉ có… 200.000đ. Vì thế ông lộn lên, gọi người phỏng vấn ra truy cứu. Ông cho rằng như thế là chưa tương xứng, là coi rẻ chất xám của nhà khoa học, là thiếu tôn trọng… Những thông tin sốt dẻo như thế mà trả có 200 bạc à ... Ông cứ oang oang ngoài sảnh khiến người phỏng vấn bất ngờ không kịp thanh minh.

Ông không phải là người “đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Số là hôm trước, ông được chương trình thời sự (ngay tầng trên) mời trả lời trực tiếp trên sóng (online), đâu chưa đầy 10 phút, được trả 300 ngàn. Đằng này nói khản cả giọng nửa giờ đồng hồ… Chắc ông nghĩ người phỏng vấn đã ăn chặn của ông 100 nên ông phải làm cho ra nhẽ ?

Đúng là tác phong và suy nghĩ của nhà khoa học: rõ ràng, minh bạch. Chả biết ông có nghĩ đến sự hơn kém một trăm ngàn không nhỉ ?

Nếu hết lòng về cụ rùa linh thiêng, người ta chắc là sẽ mong muốn được thông tin đến công chúng mọi điều mình biết, đâu cần tiền?

Tôi thường tâm niệm, đến tuổi thất thập, quỹ thời gian còn rất ít, con người ta chỉ mong làm điều có ích mà không nghĩ tới lợi ích cá nhân. Sự việc trên buộc tôi phải xem lại suy nghĩ của mình.

Chuyện vớ vẩn thứ 2: Chuyện này về nhà Hà Nội học. Cũng như rùa học, Hà Nội học là cái danh xã hội gán cho vị này khi ông để tâm nghiên cứu về Hà Nội. Danh hiệu này ở VN có lẽ không có người thứ 2. Nói thể để thấy tiếng tăm ông nổi như cồn.

Một lần bốc máy xin phép ông làm việc. Ông có ý từ chối. Thấy lý do từ chối có vẻ yếu ớt, cảnh vẻ … tôi cố thuyết phục. Đột nhiên ông lạnh lùng, “cậu trả tôi bao nhiêu?”

Tôi cảm ơn ông và buồn bã đặt máy.

Cô bạn đồng nghiệp kể, có lần đến nhà ông làm việc, thấy ông đang ngồi ngoài cửa chì chiết với bà đồng nát, cái đống giấy này mà mày trả tao có cừn ấy à? Thôi ! Không bán, không bán…

Cô bạn đồng nghiệp, vốn hay xúc động, sốc trước hành vi của nhà Hà Nội học. Cô trân trân ngó ông, thật khác xa với hình dung trước đó ít phút. Và cô đã đưa ra một quyết định cũng… rất bất ngờ: Quay ngoắt xe cố không để nhà Hà Nội học nhìn thấy.

Chuyện đòi tiền khi phỏng vấn ở VN không còn là sự lạ. Một học sinh mù đã làm thế khi tôi muốn phỏng vấn. Cậu là một trong những thí sinh mù đi thi ĐH, vì thế, rất đáng biểu dương. Song, với hành vi xin tiền, tôi chẳng những không phỏng vấn mà còn nhìn anh ta với ánh mắt khác.

Lại nhớ nhà toán học người Nga Grigori Perelman từ chối giải thưởng uy tín trị giá triệu đô, sẵn lòng sống trong một ngôi nhà giản dị, mới ngộ ra rằng, VN không có những nhà văn hóa lớn, nhà khoa học tầm cỡ thế giới cũng chẳng có gì là lạ./.
Ngô Thiệu Phong