Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Trị chứng chưa trị căn

Bắt đầu từ tháng 3 này, Hà Nội triển khai việc bí mật ghi hình học sinh vi phạm giao thông khi tới trường và sử dụng điện thoại sai mục đích. Việc làm kiên quyết này của ngành GD Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên cách thức và biện pháp xem ra vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Tháng 10 năm ngoái, Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đã đánh tiếng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Việc này được giới chức ngành GD Hải Phòng thông báo sau sự kiện băng ghi âm lời mắng nhiếc của GV với học sinh được phát tán trên mạng.

Không biết ngành GD Hải Phòng đã triển khai việc này chưa nhưng Hà Nội đã quyết tâm thực hiện, trước mắt ở 5 trường THPT: Quang Trung, Kim Liên, Phan Đình Phùng, Việt Đức và Trần Phú. Và không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ĐTDĐ mà còn mở rộng ra ở lĩnh vực chấp hành an toàn giao thông.

Được biết quyết định nói trên được đưa ra sau Hội nghị: “Triển khai mô hình điểm các biện pháp đảm bảo GD trật tự an toàn giao thông và quản lý sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích trong và ngoài nhà trường.”

Trước hết, nói về “đảm bảo trật tự an toàn giao thông” mà cụ thể là việc học sinh đi xe máy trái luật tới trường. Việc này đã nói nhiều nhưng thực hiện chưa hiệu quả. Mấy năm trước, ngành GD HN có đề nghị bên công an chuyển danh sách học sinh vi phạm giao thông về trường. Không thấy hội nghị nói trên tổng kết phần việc này. Có lẽ hiệu quả không cao nên giải pháp “bí mật ghi hình học sinh vi phạm” mới được đưa ra.

Việc đơn giản là chuyển danh sách học sinh vi phạm về trường mà còn chưa thấy nói tới kết quả, nay tổ chức ghi hình - một việc rất cồng kềnh, tốn kém khiến cho mọi người không khỏi nghi ngờ về tính khả thi.

Ai ghi hình? Ai ngồi xem để xác nhận đó là học sinh A, học sinh B? Xin thưa, việc này không đơn giản. Thầy và trò hiện đã quá vất vả với việc học, nay phải ngồi nhận mặt học sinh trên màn hình thì thật vất vả quá!

Học sinh tham gia giao thông phải tuân thủ Luật Giao thông. Nếu xử nghiêm thì không có hiện tượng lộn xộn như hôm nay.

Người ta có thể viện lý do: Xử lý vi phạm giao thông thì sợ các em muộn học, muộn thi… Đấy là cách nói chẳng những ngụy biện mà còn được ngụy trang dưới cái vỏ bọc tình người và sự cảm thông. Tại sao công an chưa xử lý dứt điểm học sinh vi phạm giao thông? Câu trả lời có thể mọi người đều biết.

Khái niệm “sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích” mà ngành GD Hà Nội đưa ra là một khái niệm mơ hồ. Chức năng nào của điện thoại cũng đều có mục đích. Mục đích là do người dùng quy định. Khi điện thoại chặn lên tờ giấy cho khỏi bay, ta coi đó là “cục chặn giấy”; khi đưa lên miệng a lô a lô thì nó là điện thoại. Vậy chặn tờ giấy kia là sai mục đích ?

Nghe đâu tới đây Bộ GD-ĐT cũng sẽ đưa hành vi sử dụng điện thoại vào điều lệ trường. Thực ra không cần tốn nhiều thời gian để hội thảo, hội nghị, mất quá nhiều thời gian vào việc này. Trong Điều lệ trường trung học đã ghi: “Học sinh không được làm việc riêng trong giờ học”. Thiết nghĩ như vậy là đủ. Bởi dùng điện thoại trong giờ học là việc riêng.

Quy định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội là: “Cấm gọi điện, nhắn tin cho bạn bè với nội dung xấu, ghi hình, ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”. Khi đọc quy định này, mọi người lại nhớ ngày xưa học trò chuyền tay nhau mấy truyện nhảm chép tay. GV bắt được thì học sinh bị quy tội “tàng trữ văn hóa phẩm độc hại”, bị đánh giá về đạo đức, hạnh kiểm. Như vậy là cách xử lý đã có. Đâu cần thiết phải tốn thời gian bàn luận.

Còn quản lý việc ghi hình, chụp ảnh, ghi âm rồi đưa lên mạng là việc làm không đơn giản. Mặt khác, cần xem lại hành vi nên phê phán ở mặt nào? Bởi học sinh vẫn đánh nhau cho dù có hay không việc ghi hình. Ghi hình không phải là căn nguyên của xung đột, mẫu thuẫn trong học sinh, giáo viên. Chỉ có điều, các đối tượng trong đoạn băng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý khi hình ảnh của mình bị phát tán trên mạng. Vậy thì thử đặt vấn đề: Nếu đoạn phim đó được giao nộp cho người có trách nhiệm thì có đáng phê phán hay không?

Ngày hôm nay, nhà trường chúng ta yêu cầu sao đỏ đuổi theo, nhòm vào từng mặt học sinh đi muộn hoặc vi phạm cái gì đó để ghi tên; lớp trưởng có quyền báo cáo cô (thậm chí xử phạt tại chỗ) các em không ngủ trưa, không làm bài…thì có khác gì việc ghi âm ghi hình kia đâu.

Có công bằng không khi mà người lớn bí mật quay phim trẻ em thì được trong khi các em quay phim giáo viên mắc nhiếc, mạt sát học sinh lại bị lên án? Người lớn có thể biện hộ: Đấy không phải nhiệm vụ của học sinh. Nhưng thử xem, ở đâu cũng kêu gọi: Chống tiêu cực là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội cơ mà.

Việc làm của ngành GD Hà Nội nhìn chung được ủng hộ. Nhưng đây mới chỉ là bài thuốc trị chứng mà chưa chưa trị căn, giải quyết cái sự đã rồi để răn đe, phòng ngừa. Thử đặt câu hỏi: Tại sao các em lại tung lên mạng thay vì trao đổi trực tiếp với người lớn chúng ta. Đấy mới là cái gốc của vấn đề./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ