Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Kỷ luật, niềm tin và trách nhiệm

Qua thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, một lần nữa, thế giới lại biết tới nước Nhật với tinh thần yêu thương, đầy trách nhiệm và có kỷ luật cao. Chính phủ và cả người dân bình tĩnh ứng phó với những diễn biến tồi tệ nhất, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Để có được sự chủ động và bĩnh tĩnh như thế không thể không nói tới vai trò của giáo dục.

Cả thế giới đang dồn sự chú ý vào nước Nhật không chỉ vì nền kinh tế thứ 3 của thế giới đang gặp đại thiên tai mà họ còn đang học tập cái cách mà người Nhật ứng phó với thảm họa. Sau thảm họa động đất, cả thế giới đã biết đến một nước Nhật với tinh thần kỷ luật cao, sự tập trung và bình tĩnh trong xử lý các tình huống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tâm lý bình tĩnh và kỷ luật, chẳng hạn như người dân có niềm tin tuyệt đối vào chính phủ Nhật Bản trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hiện nay. Họ tin rằng chính phủ sẽ có những giải pháp đúng đắn và đang dốc sức vì nhân dân.

Hai ngày qua, Đài TNVN và báo chí cả nước đưa đậm câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi từ chối phần thực phẩm được ưu tiên để nhường lại cho tất cả mọi người khác. Câu chuyện trung thực, cảm động về sự hy sinh này được một cảnh sát người Nhật gốc Việt chứng kiến và kể lại.

Cậu bé này đứng trên tầng 3 của trường nhìn thấy sóng thần hung hãn cuốn bố mình đi khi ông đến đón cậu ở trường. Gia đình, người thân không còn ai. Trong giá rét, trên người chỉ có cái áo mỏng, cậu bé đang đứng cuối hàng chờ phân phát khẩu phần ăn. Sợ đến lượt cậu bé thì hết thực phẩm, người cảnh sát đã tới bên, cởi tấm áo quân phục khoác lên người và cho cậu túi lương khô của mình. Cậu bé cúi gập người cảm ơn và chạy lên chỗ những người đang phát thực phẩm, để túi lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Cậu bé nói: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Ở tuổi lên 9, công việc của chính phủ, rồi niềm tin, thể chế… là những khái niệm xa lạ với một học sinh lớp 3. Nhưng chính GD trong nhà trường và gia đình đã giúp em có cách ứng xử như một người trưởng thành, đang chịu trách nhiệm với cả cộng đồng.

Ở Nhật Bản, cho tới thời điểm này, hầu hết học sinh vẫn đến trường. Đồng nghiệp của tôi đang làm ở Ban tiếng Việt, Đài PT-TH NHK Nhật Bản cho biết chưa có ý định đưa con về VN bởi việc học tập vẫn diễn ra bình thường.

Ý thức độc lập và tự cường của dân tộc Nhật Bản có truyền thống từ xa xưa. Nhà canh tân và đồng thời là nhà GD, nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản Fukuzawa cách đây hơn một thế kỷ đã đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia, tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác.”

Ngay từ tiểu học, học sinh đã được giáo viên cho biết nước Nhật nghèo tài nguyên, khoáng sản, lại thường phải hứng chịu thiên tai, bởi vậy chỉ có trí tuệ mới đưa dân tộc trở nên hùng cường; ngay từ bậc học mầm non, tiểu học, học sinh Nhật Bản đã được giáo dục những kỹ năng biết tự cứu mình trong những hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ với một hiệu lệnh ngắn gọn học sinh đã biết chui tọt xuống gầm những chiếc bàn được chế tạo đặc biệt chắc chắn để tránh thương vong do động đất.

Điều này lý giải tại sao ngay trong học kỳ đầu tiên của lớp 1, những bài học GD thể chất lại là bài tập… bò. Học sinh phải học các kiểu bò khác nhau, từ kiểu chó, kiểu thỏ, kiểu ếch cho tới kiểu nhện. Tất cả là để giúp học sinh chủ động vượt thoát khỏi thảm họa trong những điều kiện tồi tệ nhất như đang xảy ra.

Học sinh tiểu học Nhật Bản cũng phải đến trường với chiếc cặp khá to. Tôi đã có lần được sờ vào một chiếc cặp như thế đang được bán ở VN. Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà giới thiệu là cặp siêu nhẹ. Đúng là nhẹ thật! Chiếc ba lô chừng 2-3 lạng nhưng có thể đựng được số lượng sách vở bằng với chiếc ba lô nặng hơn một cân của các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước. Vì con người, vì tương lai, vì học sinh… đâu cần những sáo ngữ mà chỉ mong những việc làm nho nhỏ như sản xuất ra chiếc cặp kia thôi.

Một chính phủ vì dân như thế thì người dân và cả học sinh có niềm tin và không hoảng loạn trước đại họa, ít nhất là cho đến thời điểm này, là điều dễ hiểu.

Cuối năm học, học sinh tiểu học ở Nhật Bản không lo nhiều đến điểm số. Mỗi em chọn một thứ mình thấy đã giỏi hơn, biết hơn, tiến bộ hơn để báo cáo. Có bạn biểu diễn tính cộng trừ rất nhanh; có bạn lại báo cáo về việc biết đọc chữ Hán, biết được hoa Asagao lớn lên như thế nào; còn nhiều bạn nhảy dây, mỗi bạn biểu diễn một kiểu nhảy; có bạn vẽ tranh; có bạn chơi trò chơi truyền thống…Sau đó học sinh phát biểu cảm tưởng xem bạn nào biểu diễn hay, hay ở điểm gì? Bạn A khen bạn B, bạn C lại khen bạn D. Học sinh không chỉ biết vui vì được đón nhận lời khen ngợi, mà còn học cách nhìn nhận điểm tốt của người khác.

Như một hệ quả tất yếu, một nền GD như thế, mặc nhiên sẽ vun đắp cho học sinh tinh thần trách nhiệm và tình thương đồng loại như những gì mà học sinh lớp 3 kia đã làm, khiến cho cả thế giới xúc động.

Đất nước Nhật Bản giờ đây đang trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi học trò.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ