Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Nhà khoa học và cơm áo gạo tiền.

Xưa, có lần thầy giáo văn bảo, cơm áo không đùa với khách thơ. Theo cách hiểu giản dị của tôi là, thơ phú không nuôi nổi thân, chớ đùa! Chẳng biết cách hiểu ấy đúng không. Nhưng nay, tôi lại thấy nó có nghĩa, các nhà thơ nhà văn “rất cơm áo” nữa là đằng khác.

Tác giả của Tràng Giang - nhà thơ Huy Cận cuối đời được báo chí quấn quýt. Chắc là ông phát chán với mấy anh phóng viên nên hễ thấy ai đề cập phỏng vấn, ông hỏi ngay, nói bao nhiêu… tiền. Nếu thù lao năm chục thì ông nói đúng 5chục... Chắc là ông thiên về lượng (thời gian) chứ hàm lượng tri thức trong lời ông nói thì không thay đổi?

Vừa rồi gặp mấy chuyện vớ vẩn, thấy “cơm áo không đùa khách thơ” nay phải mở rộng nghĩa.

Chuyện vớ vẩn 1: Chuyện này gắn với một nhà khoa học được xã hội đặt cho cái tên “nhà rùa học”. Ông là người “to tiếng” nhất trong lĩnh vực rùa Hồ Gươm. Ai cũng biết tiếng ông. Ông ý thức được điều đó. Phòng ông sách vở ngồn ngộn, không còn chỗ để chân. Bộ nhớ máy vi tính chủ yếu bài, ảnh về rùa. Ông có thể say sưa nói về rùa cả giờ đồng hồ. Một lần nhỡ lời, buột miệng nói “con rùa ở Hồ Gươm”. Ông lắc đầu quầy quậy chỉnh ngay, “không được nói thế, phải gọi là cụ rùa”. Với ông, rùa Hồ Gươm đã vượt thoát ra khỏi con rùa sinh học mà trở thành cái gì đó thiêng liêng, thần bí.

Ông khẳng định rùa Hồ gươm là loài mới, không đâu có. Trong khi đó, các nhà khoa học khác khẳng định họ hàng của rùa Hồ Gươm có ở một số nơi. Ông đặt tên rùa Hồ Gươm là Leloi … Chắc muốn gắn với truyền thuyết trả kiếm thần và khẳng định là loài duy nhất? Ngoài quan sát những lần Rùa Hồ Gươm nổi lên thì bằng chứng khoa học là mẫu ADN được giám định cho kết quả không giống với bất kỳ loài rùa nào trên thế giới. Tuy nhiên, mẫu giám định được lấy từ tiêu bản rùa trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội. Trong khi đó không ai dám xác nhận rùa Hồ Gươm và con rùa đã chết là một.

Câu chuyện rùa Hồ Gươm là loài nào chưa ngã ngũ thì Cụ Rùa ngã bệnh. Cuộc họp nào về rùa Hồ Gươm cũng có mặt ông. Dĩ nhiên rồi. Ai hiểu rùa Hồ Gươm hơn ông. Ông nói vanh vách cụ nổi bao nhiêu lần, vào những ngày nào.

Ông là mục tiêu săn đuổi của báo chí trong những ngày này. Có lần Đài TNVN mời ông phỏng vấn. Sau khi dự họp ở UBNDTP về giải pháp cứu rùa, ông đến thẳng đài để trả lời. Làm việc xong, đài có chút nhuận bút be bé để trong phong bì đẹp. Xuống nhà xe, ông đếm thì chỉ có… 200.000đ. Vì thế ông lộn lên, gọi người phỏng vấn ra truy cứu. Ông cho rằng như thế là chưa tương xứng, là coi rẻ chất xám của nhà khoa học, là thiếu tôn trọng… Những thông tin sốt dẻo như thế mà trả có 200 bạc à ... Ông cứ oang oang ngoài sảnh khiến người phỏng vấn bất ngờ không kịp thanh minh.

Ông không phải là người “đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Số là hôm trước, ông được chương trình thời sự (ngay tầng trên) mời trả lời trực tiếp trên sóng (online), đâu chưa đầy 10 phút, được trả 300 ngàn. Đằng này nói khản cả giọng nửa giờ đồng hồ… Chắc ông nghĩ người phỏng vấn đã ăn chặn của ông 100 nên ông phải làm cho ra nhẽ ?

Đúng là tác phong và suy nghĩ của nhà khoa học: rõ ràng, minh bạch. Chả biết ông có nghĩ đến sự hơn kém một trăm ngàn không nhỉ ?

Nếu hết lòng về cụ rùa linh thiêng, người ta chắc là sẽ mong muốn được thông tin đến công chúng mọi điều mình biết, đâu cần tiền?

Tôi thường tâm niệm, đến tuổi thất thập, quỹ thời gian còn rất ít, con người ta chỉ mong làm điều có ích mà không nghĩ tới lợi ích cá nhân. Sự việc trên buộc tôi phải xem lại suy nghĩ của mình.

Chuyện vớ vẩn thứ 2: Chuyện này về nhà Hà Nội học. Cũng như rùa học, Hà Nội học là cái danh xã hội gán cho vị này khi ông để tâm nghiên cứu về Hà Nội. Danh hiệu này ở VN có lẽ không có người thứ 2. Nói thể để thấy tiếng tăm ông nổi như cồn.

Một lần bốc máy xin phép ông làm việc. Ông có ý từ chối. Thấy lý do từ chối có vẻ yếu ớt, cảnh vẻ … tôi cố thuyết phục. Đột nhiên ông lạnh lùng, “cậu trả tôi bao nhiêu?”

Tôi cảm ơn ông và buồn bã đặt máy.

Cô bạn đồng nghiệp kể, có lần đến nhà ông làm việc, thấy ông đang ngồi ngoài cửa chì chiết với bà đồng nát, cái đống giấy này mà mày trả tao có cừn ấy à? Thôi ! Không bán, không bán…

Cô bạn đồng nghiệp, vốn hay xúc động, sốc trước hành vi của nhà Hà Nội học. Cô trân trân ngó ông, thật khác xa với hình dung trước đó ít phút. Và cô đã đưa ra một quyết định cũng… rất bất ngờ: Quay ngoắt xe cố không để nhà Hà Nội học nhìn thấy.

Chuyện đòi tiền khi phỏng vấn ở VN không còn là sự lạ. Một học sinh mù đã làm thế khi tôi muốn phỏng vấn. Cậu là một trong những thí sinh mù đi thi ĐH, vì thế, rất đáng biểu dương. Song, với hành vi xin tiền, tôi chẳng những không phỏng vấn mà còn nhìn anh ta với ánh mắt khác.

Lại nhớ nhà toán học người Nga Grigori Perelman từ chối giải thưởng uy tín trị giá triệu đô, sẵn lòng sống trong một ngôi nhà giản dị, mới ngộ ra rằng, VN không có những nhà văn hóa lớn, nhà khoa học tầm cỡ thế giới cũng chẳng có gì là lạ./.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ