Hoa sen
Như chuối như tre, sen là loại cây, loại hoa tận hiến cho con người nhiều nhất, từ lá, hoa, thân, cho tới củ.
Sen là loài hoa hương thơm không chỉ ở hoa mà còn ở lá. Hương ở lá mới là hương đặc trưng của sen.
Như chuối như tre, sen là loại cây, loại hoa tận hiến cho con người nhiều nhất, từ lá, hoa, thân, cho tới củ.
Sen là loài hoa hương thơm không chỉ ở hoa mà còn ở lá. Hương ở lá mới là hương đặc trưng của sen.
Nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành.
Việc được (hoặc bị) nâng điểm (một cách gian dối) trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, thí sinh chắc đều biết. Có điều biết trước hoặc biết sau khi thi mà thôi!
Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó. Ảnh minh họa. |
Trong số những học sinh đó nhiều em nhận được kết quả trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân. Có em vui, có em mừng pha chút hổ thẹn. Họ thầm cảm ơn bố mẹ? Họ trách móc cha mẹ đã làm một việc không đúng? Tâm trạng đó đều có thể xảy ra nhưng tất cả đều tặc lưỡi cho sự đã rồi. Chưa thấy trường hợp nào đứng lên tố cáo… mình?! Thế là bỗng dưng các em thành tòng phạm - thành kẻ dung túng và đồng lõa cho một việc làm sai trái của người lớn. Và dừng lại ở đó, giờ đây các em còn là nạn nhân. Cả thí sinh thi đỗ và những em gần đỗ trong kỳ thi vừa qua đều là nạn nhân.
Những học sinh học thực, thi thực nhưng không sức nào chọi lại với học tiền thi tiền thì buồn bã, chán nản; mất niềm tin ở chính nơi luôn dạy họ niềm tin và những điều tốt đẹp. Tương lai liệu đã khép cánh cửa hẹp trong khi các em còn cả cuộc đời phía trước?
Những sinh viên ngồi chưa ấm ghế dưới mái trường đại học thì sự việc vỡ lở, giờ chia tay các bạn trong sự xấu hổ, bẽ bàng, trở lại quê nhà cũng khó tránh khỏi những ánh mắt diễu cợt pha chút hả hê, thương hại. Ai trong số các em dám dũng cảm đứng lên, vượt qua cú ngã ngựa (có thể không mong muốn) này để tiếp tục dự thi vào kỳ thi tiếp theo, hay lại tiếp tục trượt dài theo vết xe đổ của chính mình và của cha mẹ? Các em còn cả một cuộc đời phía trước!
Không gì đau xót hơn trong phiên tòa mà thủ phạm-bị cáo là cha mẹ, là người thầy; còn nạn nhân (đồng thời cũng là tòng phạm) là con mình, là học sinh của chính mình! Tấn bi hài kịch đó đã làm vấy bẩn hình ảnh thiêng liêng, mô phạm, mực thước cần có của đạo học, nhất là với các nước Á Đông có truyền thống tôn sư như Việt Nam.
Học sâu học rộng, dạy cao siêu cỡ nào chưa biết nhưng nhà trường tiên tiến trên khắp hành tinh này đều dạy học sinh hai chữ TRUNG THỰC. Học chưa giỏi có nhiều nguyên do nhưng không thể chấp nhận thiếu trung thực trong trường học. Trung thực là cái gốc để làm NGƯỜI, là căn cốt để tạo nên sự LƯƠNG THIỆN.
Rồi đây cuộc cách mạng KH-KT và công nghệ có thể lên đến 4 chấm, 5 chấm nhưng sự lương thiện mãi mãi là vốn quý của sản phẩm NGƯỜI trong tương lai, ở mọi nơi, trong mọi thể chế chính trị. Không có lương thiện thì càng nhiều chấm càng nhanh dẫn loài người tới chỗ diệt vong!
Ấy vậy mà một số thầy cô, cha mẹ, một số người có chức có quyền đã phỉ báng vào sự trung thực khi trâng tráo nâng điểm cho học sinh. Sự việc đó diễn ra có thể trước mắt, có thể sau lưng thí sinh, nhưng diễn ra ở thời điểm các em đang ngập ngừng và bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một vết đen theo suốt cuộc đời các em.
Tại sao phần lớn thí sinh được hoặc bị nâng điểm lại theo học quân đội, công an? Câu trả lời ai cũng biết: Những trường này được “bao cấp” tận răng; khả năng thải loại trong quá trình học không nhiều; ra trường được sắp xếp việc làm, ít phải cạnh tranh thi thố như các ngành nghề khác. Những bậc cha mẹ có tiền, có quyền thật giỏi toan tính khi chấp nhận bỏ ra tiền tỉ để “đầu tư” một lần, cho tương lai con mình, trong một cuộc thi. Một cái giá quá hời?
Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành. Một vài trường hợp cá biệt làm theo lối đó có thể công thành danh toại theo quan niệm của người Việt, nhưng tôi tin bất hạnh sẽ nhiều hơn khi một thế hệ tem phiếu, đánh máy chữ, viết thư tay..., lại đi thay đôi chân, nghĩ thay cái đầu của 9X trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và công dân toàn cầu.
Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó, vì với phẩm chất ấy, các cháu chỉ tác oai tác quái thay cho những ý tưởng cải tạo xã hội để ngày một tốt đẹp hơn.
Thứ hai, việc gian dối trong kỳ thi vừa qua cũng lưu ý ngành giáo dục nên xem xét cách tuyển sinh.
Anh đi mua vàng 9999 ở cửa hàng A, khi đến cửa hàng B bán, bảo 9999 thì họ không bao giờ tin mà phải thử lại. Anh nội soi ở bệnh viện A, nếu muốn khám hiệu quả ở bệnh viện B thì họ vẫn khuyến cáo anh nội soi lại.
Việc công nhận kết quả của nhau chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh sự nghiêm túc và chất lượng thiếu đồng nhất và rất xôi đỗ như ở Việt Nam.
Không phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục trong việc giảm bớt gánh nặng cho nhà trường và thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh nhưng nên chăng hãy lấy mục đích của thi cử làm chính để xây dựng phương án thi cử. Một công việc có hiệu quả khi nó đạt được mục đích. Nếu không, dù kỳ thi luôn được đánh giá là “nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc, tiết kiệm” thì cũng chẳng có giá trị và nghĩa lý gì!
Tây Bắc bạt ngàn hoa dã quỳ, hoa tớ dày, hoa mận, hoa đào... nhưng hoa ban vẫn được coi là biểu tượng.
Người Tây Bắc trước đây thường phát nương khi hoa nở và tra hạt lúc hoa tàn. Năm nào hoa ban nở trắng rừng là năm đó mưa thuận gió hoà. Hoa ban không chỉ là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thuỷ mà còn là chỉ dấu báo hiệu vụ mùa bội thu, là “tờ lịch” mẹ thiên nhiên trao tặng bà con thiểu số chúng em nơi này.
Là loài hoa đẹp nhưng ban không đỏng đảnh kiêu kỳ. Hoa ban có sức sống mãnh liệt! Đất cằn cỗi sỏi đá cỡ nào ban cũng mọc được, mưa dầm nắng hạn cỡ nào ban cũng chịu được. Để tránh sạt lở vùng duyên hải có sú, vẹt, bần, mắm... thì Tây Bắc có ban. Ban có bộ rễ chắc khoẻ bấu chặt vào vách núi dựng đứng, hiên ngang vững vàng đứng đó giữ đất, giữ nước, giữ những hạt đất màu quý báu cho bà con chúng em.
Tháng ba, Tây Bắc đến mùa ban nở rồi anh ạ!
Anh đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều kỳ hoa dị thảo nhưng em tin về độ đậm đà thì nhiều loại rau củ quả ở miền núi Tây Bắc có phần hơn. Sở dĩ có sự khác nhau một phần do mảnh đất quê em mà các anh cầu kỳ gọi là thổ nhưỡng đấy! Đất Tây Bắc chưa bạc màu, chưa bị các loại thuốc hoá học và phân vô cơ làm chai đất. Những lớp thực bì được cây rừng gom góp trong hốc đá hốc đất hàng trăm năm có nguồn dinh dưỡng quý giá giúp hạt thóc nương, bắp ngô nương và rau quả vùng này ăn một lần là nhớ.
Trong đóng góp ấy có công của cây ban. Nó kiên cường đứng đó giữ lớp màu, giữ mạch nước ngầm cho đất để tạo nên hương vị ngọt ngào hôm nay.
Hoa ban xưa nở trắng rừng chứ hôm nay anh lên đã vơi đi ít nhiều. Gỗ cây ban không tốt, củi cây ban thì khói, song nó vẫn bị cuốn phăng đi trong tiếng trống tiếng chiêng của phong trào khai hoang năm nào, kể cả khi ông bà chúng em nơi này vẫn biết hoa của nó là thứ có thể làm no bụng lúc mất mùa hay khi giáp hạt.
Giờ người ta nhân giống và trồng ban ở dọc một vài đoạn đường Tây Bắc. Cũng rất tốt! Du khách không cần phóng tầm mắt tìm ban nữa mà chúng ngay bên cạnh mình, thoả sức “check-in”.
Vài người bảo hoa ban phải ở trong rừng mới đẹp, mới thấy sự nổi bật của nó giữa ngút ngàn rừng xanh. Em thấy ý kiến hơi cực đoan! Chắc chỉ vì luyến tiếc sự tồn tại của cây ban ở đại ngàn Tây Bắc từ ngàn năm, rồi mai một, nay xuất hiện như đồng phục trên đường mà nói vậy thôi. Trồng được thế cũng quá tốt rồi! Như áo cóm váy nhung e ấp thấp thoáng bên cầu thang nhà sàn hay trên đường nhựa thì cũng đều đẹp cả thôi anh nhỉ. Giờ mỏi mắt mới thấy bóng váy Mông dọc đường quốc lộ, sợ ít bữa nữa cũng chả còn.
Anh tìm cho em một loài hoa, loài cây nào đó dưới xuôi để ví với cây ban đi! Có loại cây nào sẵn sàng chút sạch sành sanh lá xánh lộc nõn trên mình, chắt chiu dành dụm chút nhựa sống ít ỏi nơi đất cằn để cựa mình rực rỡ đơm hoa cho đời như cây ban không, anh nhỉ?
Tháng ba, Tây Bắc, mùa ban nở rồi anh ạ!/.
Khen cũng là một phương dạy học. Chúng ta nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học nhưng đơn giản nhất là lời khen lại ít người để tâm.
Xét cho cùng thì khen cũng là khoa học đánh giá. Điểm nghiêng về định lượng, còn khen hoặc phê bình thiên về định tính. Trong khi đó, với cấp học dưới, khoa học đánh giá lại nghiêng về định tính hơn định lượng. Do đó, lời khen tiếng chê đặc biệt có ý nghĩa đối với các cháu mầm non, học sinh tiểu học và THCS.
Phát phiếu bé ngoan là một hình thức biểu dương, là vật chất hóa lời khen của cô sau một ngày sinh hoạt trên lớp. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường, tình trạng phát phiếu bé ngoan một cách dễ dãi, thiếu chọn lọc và cân nhắc đang diễn ra phổ biến. Một chuyên gia GD ở nhóm Cánh Buồm kể, tan lớp, một bà mẹ hỏi: Con hôm nay không được phiếu bé ngoan à? Thế là cháu vội chạy vào xin cô một chiếc rồi chạy ra dúi vào tay mẹ. Cô giáo hồn nhiên cười rạng rỡ vì vừa có một cử chỉ ban phát làm vui lòng… phụ huynh.
Vẫn biết lứa tuổi mầm non thì nên khen nhiều hơn chê, nhưng khen có chừng mực thì học sinh mới cảm thấy trân trọng lời khen và phần thưởng bé ngoan. Chỉ khi nào học sinh thấy quý tấm phiếu bé ngoan, các em mới hiểu rõ vì sao cô khen mình. Và chỉ khi ấy, các em mới nhớ và lặp lại những thao tác (mà cô đã nhận xét là tốt) trong buổi học hôm sau. Và lúc đó tấm phiếu bé ngoan mới thực sự phát huy giá trị. Hay nói cách khác, khi đó, tấm phiếu bé ngoan mới làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.
Cách khen học trò là một kỹ năng đòi hỏi cha mẹ cũng như giáo viên phải am hiểu tâm lý lứa tuổi cũng như phương pháp sư phạm. Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”. Lời khen tương tự như vậy. Khen bằng cái gì (tức là phần thưởng vật chất) không quan trọng bằng cách khen như thế nào.
Hiện nay lời khen có phần đơn điệu và nhàm chán. Ở trên lớp, giáo viên hầu như lặp đi lặp lại câu: Cảm ơn em. Em đã trả lời đúng; em có tinh thần xung phong nhưng câu trả lời chưa đúng; em làm rất tốt, cả lớp cho một tràng pháo tay... Cách khen như thế không sai nhưng xem ra nó vẫn chưa phát huy tối đa tác dụng của lời khen. TS Nguyễn Thành Nam ở nhóm Cánh Buồm tâm sự: Cách khen như thế nào để học sinh biết rằng, giáo viên và phụ huynh quan tâm tới cả quá trình thực hiện công việc, chứ không hẳn chỉ vì kết quả cuối cùng. Chẳng hạn như thấy một học sinh mầm non xếp được căn nhà thật cao, thay vì khen, “con giỏi quá”, giáo viên hay phụ huynh có thể ngạc nhiên, reo lên: Con làm thế nào mà xếp được cái cột cao như thế này? Đấy cũng là một lời khen. Khen như thế các cháu sẽ phấn khởi hơn. Và quan trọng là, các cháu biết người lớn đã bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện công việc của mình. Khi đó, mọi thao tác để thực hiện công việc, dù đơn giản hay phức tạp, một lần nữa lại được tái hiện, giúp trẻ hiểu bài sâu hơn. Đây cũng là cơ hội để xem xét khả năng thuyết minh của trẻ, đồng thời hướng dẫn các em mở rộng phương án giải quyết vấn đề, rèn tư duy mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo.
Không chỉ cách khen, thái độ khi khen hoặc chê học sinh cũng vô cùng quan trọng. Bằng trực giác, học sinh, dù ở mầm non, dễ dàng phát hiện ra những lời khen hời hợt, chiếu lệ. Khen không thực lòng dễ tạo tâm lý háo danh, hư danh, ảo tưởng; chê không đúng, không chừng mực, dễ đẩy học sinh vào trạng thái tâm lý bất cần.
Dạy học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học rất khó. Cái khó không hẳn ở nội dung bài học mà ở cách dạy. Dạy học sinh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Phụ huynh đôi khi cũng không hiểu hết phương pháp dạy con. Chẳng hạn cháu chơi ngoan một mình thì bố mẹ mải mê làm việc khác. Đến khi quấy khóc thì vồ vập chạy lại cưng nựng. Lúc cháu nín lại bỏ đi tiếp tục với công việc của mình. Làm thế khác nào khuyến khích cháu không ngoan. Vô tình phụ huynh đã giúp con hình thành phản xạ có điều kiện về sự ngoan và hư. Nghĩa là chỉ quấy khóc mới nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Có bà mẹ muốn con ăn no, bèn bảo, “ăn nốt miếng này, không mai mẹ cho đi lớp?!” Nói như thế, vô hình trung, chính mẹ cũng ngầm coi việc đến trường như một hình phạt. Trẻ nuốt nốt miếng cơm đồng thời “nuốt” vào trong lòng ý tứ của người mẹ, rằng: Đến trường là một cái gì đó khổ sở. Cháu bé đã ăn, nhưng từ nay trở đi, trong suy nghĩ của nó, đi học không còn là niềm vui nữa.
GS Hồ Ngọc Đại có lần nói: Dạy trẻ con khó lắm! Đừng căn cứ vào quy định tốt nghiệp trung cấp sư phạm là dạy được mà đánh giá thấp vai trò người thầy ở tiểu học. Cho tới hôm nay, khi giáo dục đã hoàn thành một số mục tiêu phổ cập, lượng học sinh tiểu học đã giảm đáng kể, có lẽ chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo giáo viên tiểu học cũng nên xem lại./.
230 học sinh không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình đã nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn hạn chế...
Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng trong sự tương tác thiếu trách nhiệm, không chính danh đang khiến những thành viên trở nên hồ đồ.
Phùng Quán có bài thơ định mệnh "Lời mẹ dặn" với những câu:
"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu".
Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ số 21, ngày 27/9/1957 đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh khốn khổ vì bị cho là “mang biểu tượng hai mặt”, với ý đồ xấu... Ông bị chửi bới nhiếc móc thậm tệ. Trên văn đàn, trong hừng hực khí thế đấu Nhân văn - Giai phẩm, Phùng Quán bị "đập" cho tơi bời.
Trong bối cảnh đó thì bài thơ "Lời mẹ dặn- Thật hay không?" ký tên Trúc Chi xuất hiện để đả phá, chụp mũ Phùng Quán:
"Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu quân gái điếm cao bồi,
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,
Yêu những người đáng ghét của muôn người.
Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó mái chim mồi".
Đọc "Bạn văn" của Nguyễn Quang Lập về sự việc này mới thấy cái buồn, cái đau và tức giận của thi sỹ Phùng Quán! Suốt từ đó (1957) Phùng Quán đi khắp nơi khắp chốn tìm cái bút danh Trúc Chi kia, anh Lập hỏi để làm gì, Phùng Quán buồn buồn nói để xem mặt mũi thế nào thôi.
Sau ba chục năm đằng đẵng tìm kiếm cái tên Trúc Chi, có lúc tưởng như không còn hy vọng, tình cờ năm 1989 Phùng Quán có được tập thơ "Một đôi vần", trong đó có bài "Lời mẹ dặn-Thật hay không?" của Hoàng Văn Hoan, bút danh Trúc Chi (lúc này ông Hoan đang cư trú ở Trung Quốc). Gặp Nguyễn Quang Lập, Phùng Quán vuốt chòm râu bạc như cước, thở ra nhẹ nhõm, khẽ ngâm nga: "Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi... "
Mình không rành văn thơ, cũng không bàn quan điểm nọ kia, thi thoảng đọc bài nào tâm đắc thì nhớ đại ý, hiếm khi nhớ trọn vẹn, nhưng vừa rồi xảy ra mấy vụ cãi cọ nảy lửa trên mạng xã hội, bỗng dưng nhớ chủ đề này, càng thấy CHỮ NGHĨA ĐÚNG LÀ GƯƠM ĐAO, đau đớn lắm, chỉ người trong cuộc mới thấm, mạng ảo giờ thực hơn đời thực, còm một chữ cũng phải nghĩ, chẳng phải chuyện đùa!
Bố của cậu bé – nhân vật chính của vụ ồn ào trên mạng mới đây - có chát với tôi rằng anh chỉ lo cho cháu bé vì nó đã biết vào mạng. Tôi khuyên anh đưa gia đình đi nghỉ đâu đó xa xa, khuyên xong mới thấy ngớ ngẩn. Tránh sao được, cả thế giới này ngập tràn Internet!
Ném đá là một từ cực đắt và không thể thay thế để diễn tả hành vi đánh hôi trên mạng. Ở các quốc gia Hồi giáo, ném đá là một hình phạt. Hãy thử tưởng tượng kẻ phạm tội bị chôn dưới đất, chỉ thò cái đầu lên khỏi mặt đất, xung quanh dân tình bu vào ném đá cho tới chết thì thôi.
Dù tử tội được trùm bao bố lên đầu thì người ném đã cũng không khỏi run tay vì hình ảnh và âm thanh ghê rợn phát ra. Nhưng ném đá trên mạng thì không ai nghe thấy và nhìn thấy, cũng chẳng biết người ném là ai. Chính sự vô danh và vô hình này khiến người ta cư xử độc địa và vô cảm.
Đọc Thiện ác và smartphone của Đặng Hoàng Giang ta bắt gặp nhưng câu như thế này: “Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống như người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không ai nhìn thấy. Khi ẩn danh người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài”.
Những người sử dụng mạng xã hội, hỏi rằng đã hiểu biết tường tận về nó chưa thì tin rằng không ái dám chắc. Ngay cả những nghiên cứu nghiêm túc, bài bản về mạng xã hội hiện vẫn còn hụt hơi so với tốc độ phát triển kinh hoàng của nó.
Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng sự tương tác thiếu (hoặc không chịu) trách nhiệm, không chính danh (không có tên thật) vô hình trung làm cho thành viên của nó trở nên hồ đồ, thậm chí nhiều thành viên ngộ nhận là Robinhood hay Lục Vân Tiên của thời đại.
Like, comment làm cho ai cũng có cảm giác được trao quyền lực khiến nhiều người hả hê, mãn nguyện, tưởng mình đã làm được một việc có ích. Nhưng đáng tiếc là thông tin trên mạng xã hội thường thiếu tính xác thực và ít thể hiện bản chất nên nếu như cứ hồn nhiên lao vào cơn cuồng nộ tập thể để phán xét và thóa mạ một cách vội vàng sẽ gây hậu quả nặng nề.
Trở lại câu chuyện của thi sỹ Phùng Quán. Dù sau này Phùng Quán thoát khỏi cảnh rượu chịu, cá trộm, văn chui, nhưng những tổn thương tinh thần thì dai dẳng hơn nhiều. Nó khiến ông hơn 30 năm chỉ làm mỗi việc là tìm cho bằng ra người ấy, người viết ra những câu chữ cay độc, chỉ để nói với người ấy một câu, một câu thôi…
Thời thi sỹ Phùng Quán chỉ có vài ba tờ báo, sự việc cũng chỉ lẩn khuất trong giới văn nghệ mà còn làm cho thi sỹ đau như thế, thời mạng mẽo này những lời lẽ thóa mạ, chụp mũ, đánh hội đồng, lăng nhục tập thể kiểu như thế, nếu xảy ra, không biết sẽ kinh khủng như thế nào!/.
Năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đại trà chương trình, SGK lớp 11, thí điểm phân ban lớp cuối cùng - lớp 12. Trong hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình THPT mới cũng như trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2007-2008, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời những băn khoăn, lo lắng của các địa phương về phân ban.
Việc học sinh, đặc biệt ở phía Bắc, dồn cả vào Ban Cơ bản, theo Bộ không có gì phải lo vì học sinh vẫn học tự chọn nâng cao một vài môn nào đó. Như thế là có phân hoá, đúng theo chủ trương phân ban. Lãnh đạo Vụ Trung học cũng động viên các trường vượt qua khó khăn vì đây là “thời kỳ quá độ” của phân ban. Bộ GD-ĐT, Viện Chiến lược và Chương trình GD cho rằng, việc cho ra đời Ban Cơ bản là sáng suốt, linh hoạt...
Tuy nhiên, nếu ai theo dõi tiến trình phân ban thì hẳn thấy hình như Bộ đang “té nước theo mưa”. Bởi ai cũng biết Ban Cơ bản thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn”, khi mà các phương án phân ban của Bộ nêu ra trước đó đều bị từ chối. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan khi làm việc với TP Hồ Chí Minh về lĩnh vực giáo dục - đào tạo và thanh thiếu nhi từng nói: “Thực chất của Ban Cơ bản là không phân ban”.
Vì thế, việc thành phố chủ trương cho các học sinh theo Ban Cơ bản tự chọn nâng cao các khối A, B, C, D nhưng vẫn giảng dạy theo SGK thuộc Ban Cơ bản có thể dẫn đến việc thực hiện sai lệch với chủ trương của Nhà nước là phân chia theo ba ban chính: Tự nhiên, Xã hội và Cơ bản.
Thế nhưng, chủ trương này hiện phổ biến trong các trường THPT cả nước. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT năm học vừa qua số học sinh theo học Ban cơ bản gần 74%. Trong hội nghị sơ kết một năm đổi mới giáo dục THPT, nhiều tỉnh cũng khẳng định năm học 2007-2008 này sẽ chỉ duy trì một Ban Cơ bản. Sau đó cho các em học nâng cao các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ tương ứng với 4 khối thi A, B, C, D hiện nay. Ngoài việc học sinh chọn SGK nâng cao để học thì việc dạy các môn nâng cao này cũng được thực hiện thêm trong tiết học tự chọn.
Học sinh phần đông đều chọn Ban Cơ bản với mục đích là học các môn không thi ĐH theo một chương trình không nặng và chọn SGK nâng cao các môn thi ĐH. Còn các trường cũng đều muốn dạy một Ban Cơ bản cho dễ điều hành. Như vậy, trường THPT liệu có biến thành một cơ sở luyện thi ĐH công khai? Thực ra điều này đã được một số hiệu trưởng dự báo từ khi bắt đầu thí điểm phân ban.
Theo Báo cáo sơ kết một năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT: Phân ban đại trà có tác dụng chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, dự báo sẽ làm giảm tỷ lệ học sinh chọn con đường thi vào ĐH. Với những gì đang diễn ra thì người ta khó liên tưởng kết luận trên với thực tiễn. Phân ban thực ra đang bị chi phối bởi việc thi đại học. Nếu như năm học 2008-2009 chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất với 6 môn thi thì chưa biết số phận của phân ban ra sao.
Nhà trường ở Việt Nam cái cần thì không dạy và cái chưa cấp bách thì lại đổ đống lên đầu thày và trò, từ an toàn giao thông, HIV/AIDS tới chống tham nhũng... Chưa xác định rõ nội dung nào chính khoá, nội dung nào ngoại khoá; việc nào của nhà trường, việc nào của gia đình; kiến thức nào chỉ cần thiết kế như một trò chơi, một chủ đề thảo luận… nên mấy chục năm rồi xã hội kêu ca, giáo dục loay hoay mà quá tải vẫn hoàn quá tải. Nhiều học trò học ngày học đêm mụ mị cả người, có em học tới lớp 7 mà quả bưởi không biết bổ, nhìn ruộng mạ nói đồng cỏ, nhìn cây sắn bảo cây ngô.
Chính vì ngáo ngơ như thế nên cha mẹ sợ! Hè đến là tìm đủ các lớp dạy khôn cho con học như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thuyết trình và học kỳ quân đội.
Học sinh tham gia học kỳ quân đội (Ảnh: Hà Nội Mới) |
Xưa, do bối cảnh thời chiến, nhu cầu mở các trường thiếu sinh quân là cần thiết chứ thời nay tập trung các cháu lại học vài ba bữa chẳng biết để làm gì?
Ngay cả việc được dạy dỗ bài bản như trong trường thiếu sinh quân, dưới góc nhìn giáo dục, cũng chỉ nên coi là nhiệm vụ ở một giai đoạn nhất định. Một đứa bé liệu có phát triển hoàn thiện về tâm hồn, tâm lý và tính cách khi tách chúng ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là gia đình?
Nói vậy để thấy quan điểm đưa trẻ vào trường lớp, nhồi nhét đủ thứ vào đầu chúng.., đã tới lúc báo động. Nó đang tạo ra một làn sóng, một phong trào khiến cho học sinh và phụ huynh nhắm mắt nhắm mũi chạy theo trong khi mục tiêu và kết quả rất không rõ ràng.
Quân đội-kỷ luật sắt-chiến tranh là những điều loài người có lương tri không hề muốn. Cực chẳng đã mới phải cầm súng bắn vào đồng loại. Tôi không rõ các em được học cụ thể những gì ở học kỳ quân đội nhưng nếu bắt buộc yêu cầu phải biết dùng súng như trong hình ảnh (tràn lan trên mạng) thì rất không cần thiết.
Hướng dẫn trẻ nhỏ làm bất cứ điều gì có thể gây tổn thương tình cảm, nguy hiểm tính mạng người khác chưa bao giờ là sứ mệnh của một nền giáo dục nhân văn. Tôi thực sự lo sợ, và dù không muốn nhưng vẫn liên tưởng tới thói vô cảm, hung hãn, côn đồ…
Hồi còn làm phóng viên thường trú ở Tây Bắc, trong chuyến công tác tới Mai Châu – Hoà Bình, tôi gặp một đoàn học sinh của Úc đi dã ngoại (đi từ bản này qua bản khác). Các em tự kiếm (một phần) tiền cho chuyến đi. Khi đến Mai Châu, các em phải tự lên kế hoạch từng chặng đường, tự mang vác, tự giao tiếp với người bản địa, tự cắm trại nấu nướng, tự xử lý khi gặp khó khăn…, sau đó viết báo cáo từng chặng. Giáo viên (đi theo) chỉ quan sát và can thiệp khi thấy cần thiết. Đấy là cách người ta dạy cho học sinh tính kỷ luật, tính tự lập.
Giáo dục tính tự giác, tự lập và kỷ luật (nếu chưa có điều kiện như các nước) thì gia đình cũng có thể dạy được hà cớ gì cứ phải trao vào tay quân đội, dùng tới kỷ luật sắt? Vả lại, tuổi của các em không nhất thiết đúng 5 giờ sáng trời còn chưa tỏ mặt người, còi thổi toe toe là phải vùng dậy chạy ra sân hô một - hai - một - hai, cũng không cần cầu kỳ phải gập chăn chiếu vuông như cục gạch.
Hiện nay, sẽ bổ ích nếu giúp học sinh hiểu biết thêm công việc, đời sống của người lính để làm phong phú thêm kiến thức xã hội cho các em. Nhưng dạy tập làm người lính từ lúc quá nhỏ thì thành chuyện khác mất rồi. Quân đội là công việc nghiêm túc và hệ trọng của người trưởng thành, không thể tuỳ tiện dạy cho trẻ nhỏ./.
Khí phách và lòng tự hào dân tộc luôn là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thử thách
Ngô Thiệu Phong
Như đã khoe cùng các bạn, tôi đôi ba lần được đi ra nước ngoài. Sau một vài hôm làm việc lại mong ngóng trở về. Và lần nào cũng vậy, ngóng cổ ra phía cửa sổ để ngắm thành phố của mình từ trên cao. Chẳng riêng tôi, nhiều người cũng làm thế và đã một vài lần, tôi nghe có người thảng thốt: Nhà cửa gì mà kỳ cục quá trời nè!
Cũng đúng thôi. Người Việt sống ở nước ngoài lâu năm, quen với sự ngay ngắn, nề nếp, quy củ…, nay về thăm quê, dẫu yêu quê hương nhưng cũng chẳng thể dối lòng trước sự lộn xộn đập ngay vào mắt. Và nếu sống một thời gian dài hơn ở trong nước người ta còn thấy sự lộn xộn ấy đang diễn ra hàng ngày.
Hàng loạt chính sách trên trời ban ra không có tính khả thi, bị dư luận phản đối rầm rầm; cờ Trung Quốc trong sách học sinh, trong túi nho bán ở siêu thị; du lịch Việt Nam đi quảng cáo danh thắng Trung Quốc ở một hội chợ bên trời tây…
Người dân bức xúc nên đã có phản ứng. Tôi cho rằng phần lớn họ đều yêu Tổ quốc, yêu quê hương, vì không kiềm chế nổi nên mới tỏ thái độ như vậy.
Điều này cũng lý giải vì sao khi người Việt ra nước ngoài thì luôn hướng về Tổ quốc, đến khi về sống và làm việc ở quê nhà lại có tư tưởng “hướng ngoại”, thường so sánh rằng ở nước ngoài họ làm thế này, làm thế kia…
Chúng ta còn nhiều lộn xộn, chúng ta chưa làm được như các nước, vì sao? Viết tới đây tôi giật mình nhớ lời một quan chức nào đó trong chính phủ nói gần 1/3 công chức vô dụng, “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Cái ý này cũng được ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhắc lại trên báo chí mới đây.
Nói “vô dụng” là còn nhẹ. Người dân chắc chỉ chấp nhận từ “vô dụng” khi đám công chức ấy đừng ăn lương bằng chính đồng tiền thuế của dân.
Trong một lần trò chuyện với mấy bạn sinh viên rất giỏi, vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về, tôi nói đất nước cần có các bạn thì mới phát triển được. Những tưởng câu nói của mình được hưởng ứng và làm ai đó cảm động, nhưng không, một bạn nhún vai, nhoẻn cười, nói anh hơi lạc quan, chúng em không phải là những người làm chính sách.
Đến bao giờ những người trẻ thực sự có năng lực, muốn cống hiến như các bạn sinh viên kia mới lọt được vào hệ thống, thay thế cho gần 30% công chức vô dụng hiện nay, để tạo ra chính sách? Để sách học của học sinh không còn những lỗi ngớ ngẩn chết người? Để không còn có những chính sách trên giời nữa?
Khí phách và lòng tự hào dân tộc luôn là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thử thách trong quá khứ.
Năm ngoái, được dự một cuộc họp với Hiệp hội Phát thanh truyền hình tư nhân ở Philippines, tôi thấy trước khi khai mạc, các thành viên (chỉ vài chục người) đều đứng cả dậy, tay phải đưa lên ngực, áp chặt vào tim, mặt hướng lên quốc kỳ và hát vang bài quốc ca của họ. Không có nhạc, không cần lời ca dìu dặt trầm bổng đi kèm. Họ tự thể hiện tình yêu thiêng liêng và trách nhiệm với Tổ quốc.
Philippines cũng đang phải đối mặt với bao khó khăn, nhưng qua cử chỉ của các doanh nhân Philippines với đất nước trong cuộc họp ấy, tự nhiên tôi tin họ sẽ vượt qua và thành công.
Đấy! Tôi lại “hướng ngoại”, lại mắc “bệnh so sánh” mất rồi. Dẫu sao cũng cần nhắc lại, chúng ta chưa bao giờ có súng to tàu lớn, nền kinh tế của chúng ta còn lâu mới đuổi kịp các nước lớn trong khu vực. Vì thế chỉ có niềm tin, lòng tự hào dân tộc, chỉ có sự đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn rất lớn lúc này./.
Hầu như tỉnh thành nào cũng quyết “sắm” cho mình một trường ĐH, cho nó oách.
Ngô Thiệu Phong
“TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT lấy số liệu thống kê chính thức trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong 10 năm (2001-2011) cho thấy: Trong 10 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng thêm 59 trường, cũng trong ngần ấy thời gian số lượng các trường ĐH, CĐ công lập đã là 158. Như vậy mỗi 1 trường ngoài công lập được mở ra thì có khoảng 2,68 trường công lập ra đời. Từ đó TS Tùng ví các trường ĐH, CĐ công mọc như siêu nấm.”
Đoạn trích trên lấy ở báo Giáo dục Việt Nam, một tờ báo của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Dĩ nhiên, vì thế nên các bài viết trên báo này ít nhiều thể hiện quan điểm của các trường ngoài công lập. Song, “phát hiện” của TS Tùng rất xác đáng và có “sức nặng”. Số liệu của chính ngành GD nhé, không lại bảo chưa chuẩn!
Nói cho công bằng thì cả công lẫn tư đều phát triển nhanh và mạnh chưa từng thấy. Nhìn vào hình thức thì sự phát triển như thế là đáng mừng. Nhiều trường là thêm nhiều cơ hội học hành cho một xã hội luôn cổ vũ tinh thần học tập.
Đấy là chưa kể đến 2020 phải đạt chỉ tiêu 40% sinh viên ngoài công lập, 450 ngàn sinh viên/vạn dân theo tinh thần Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ. Vì thế trường ngoài công lập tăng là đúng chớ sao?
Gần đây Bộ GD-ĐT cũng thấy tỷ lệ trên “có vấn đề” nên xin Thủ tướng cho giảm song mọi sự đã rồi. Trường nào “lên đời” thì đã lên, trường nào thành lập mới thì cũng đã tuyển sinh cả rồi. Đẹp cả đôi đường.
Chuyện của các trường ngoài công lập xin kể sau, giờ quay lại chuyện của TS Lê Trường Tùng. TS Tùng than là trường công mọc nhanh hơn tư là do các trường “lên đời” nhanh quá, từ trung cấp lên cao đẳng rồi từ cao đẳng vọt lên đại học. Có người kể, qua một đêm, sáng sau tỉnh dậy mình đã là giảng viên đại học. Câu chuyện này có thực.
Cùng với cơn sốt bến cảng, sân bay thì hầu như tỉnh thành nào cũng quyết “sắm” cho mình một trường ĐH, cho nó oách.
Tôi đã vài lần được cùng nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về các tỉnh thì thấy tỉnh nào cũng đề xuất xây trường ĐH.
Khi đề xuất thành lập mới chưa được chấp thuận thì họ tìm cách xoay để nâng cấp, “lên đời” các trường trung cấp, cao đẳng hiện có.
Dại gì mà không “lên đời”. Thử hỏi bây giờ ai thèm học trung cấp, cao đẳng nữa? Không “lên đời” nhanh thì các ĐH ở trung ương, rồi các ĐH mới thành lập nó hốt hết sinh viên à? Vì thế, dù có ăn chực nằm chờ để hoàn tất thủ tục cũng phải cố.
Không những thế nhiều ĐH còn tham. Đã ĐH, ngon lành rồi, nó còn “đẻ” ra thêm các hệ cao đẳng rồi cả trung cấp nữa mới đau. Nguồn tuyển là cứ chui hết vào đấy. Thử hỏi còn ai thiết tha nộp đơn thi vào mấy cái trường trung cấp và cao đẳng ở “tỉnh lẻ” nữa? Kinh phí nhà nước rót xuống theo “đầu” sinh viên, không có sinh viên coi như “chết” chứ “sống” thế nào được.
Phải lên đời thôi! Đấy là “tương lai” của các trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh. Càng ngày sinh viên sư phạm ra trường càng thừa mứa. Ai còn vào sư phạm nữa đây? Cao đẳng đa ngành ư? Cái tên ấy sao “hoàng tráng” được bằng ĐH.
Câu chuyên “lên đời” nôm na là như vậy. Trường nào đủ điều kiện thì việc nâng cấp hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng…, Bộ GD-ĐT cũng “khổ sở” trong câu chuyện này lắm chứ! “Lên đời” là “quyết tâm chính trị” đâu riêng của trường. Có sự Ngại và Nể…
Tiêu chí để được “lên đời” rõ rành rành, trưng lên bàn “soi” thì chẳng thiếu cái gì, cứ đẹp như mơ, vậy mà bẵng đi vài năm, thanh tra kiểm tra thấy thiếu be thiếu bét. Chẳng hiểu ra làm sao?! Xem ra ai ai cũng đều có lỗi cả./
Kỷ niệm một thời đói khổ vẫn nguyên đấy, thế mà nhiều người chóng quên, lãng phí vô tội vạ.
Đọc báo thấy Hà Nội tháo gỡ hai cầu vượt cho người đi bộ để xây cầu vượt. Cây cầu dành cho người đi bộ mới “sống” được 5 năm đã phải di dời.
Phí quá! Mỗi cây cầu tiêu tốn ngót nghét chục tỷ. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải Hà Nội nói “không gọi là lãng phí vì vẫn sử dụng được”. Thế nhưng ông này kể riêng cái móng đã mất vài tỷ.
Vài tỷ mà không gọi là lãng phí? Quy ra bò không biết bao nhiêu con. Nay chuyển sang chỗ khác cộng thêm vài trăm triệu tiền công nữa chắc cũng chẳng là cái “đinh” gì?
Lại nhớ ngành bưu chính viên thông đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền để khai thác điện thoại thẻ, cột dựng khắp cả nước, đúng lúc điện thoại di động ra ầm ầm, điện thoại thẻ chết yểu, nay thành chỗ để người và chó đi… tè.
Thôi thì kỹ thuật, công nghệ phát triển hàng ngày, không lường hết cũng dễ cảm thông. Đằng này mới xây đã phá lại còn ngụy biện “vì nhu cầu khác lớn hơn”. Sao các bác không thấy cái “nhu cầu” ấy từ khi lập quy hoạch nhỉ?
Khi lập kế hoạch này chiến lược kia thì tầm nhìn xa vời vợi. Hóa ra “tầm nhìn” toàn trên giấy?
Có người phàn nàn về “văn hóa kế thừa”,“tư duy nhiệm kỳ”, “năng lực công chức”…, tôi bán tín bán nghi, nhưng qua câu chuyện đập phá trên có lẽ cũng phải nghĩ lại.
Nếu có cuộc thi đào đường và đập phá có lẽ nước ta giành quán quân thế giới. Nghĩ mà xót! Hồi tôi còn bé, rơi có vài hạt cơm xuống chiếu mà bố bắt nhặt bỏ lại vào bát cho kỳ hết, mẹ nói, mỗi hạt cơm là một giọt mồ hôi của bố mẹ đấy!
Thầy giáo tôi kể, hồi còn là sinh viên đại học, nhà trường thưởng cho lớp nửa hộp sữa bò. Bốn mươi sinh viên không biết chia làm sao, cuối cùng đành pha loãng rồi dùng xi lanh hút “tiêm” vào miệng từng người.
Chẳng biết thầy có tếu không nhưng tôi tin là thực, vì khi kể chuyện này, một đồng nghiệp bĩu môi, xì cái, nói tưởng gì, thời bao cấp cả phòng nơi bố anh làm việc được phân một cuộn len to như quả bóng nhựa. Nâng niu cuộn len trên tay mà người nọ nhìn người kia, cuối cùng “nghị quyết” là tở ra chia đều, mỗi người được một cuộn bằng quả chanh.
Kỷ niệm một thời đói khổ vẫn nguyên đấy, thế mà nhiều người chóng quên, lãng phí vô tội vạ. Dự án sắm sanh thì cũng vì những quy định tưởng chặt nhưng hóa cứng nhắc, rồi phết phẩy này nọ mà lãng phí, thất thoát không biết bao nhiêu.
Đất nước đang lúc khó khăn thế mà các vị ngồi đấy dự tính xây vài chục rạp chiếu phim, xây bảo tàng nghìn tỷ… bằng tiền ngân sách. Thật hết biết!
Ngóng sang các nước mà thèm cái cung cách của người ta. 2011, Italy bị vỡ nợ, kinh tế khó khăn, mùa giáng sinh năm ấy, bà Bộ trưởng Lao động đã lên ti vi nói rằng quà chỉ dành cho trẻ thay vì trước đây người lớn đều được.
Nước Mỹ giàu có vậy nhưng dân Mỹ sẵn sàng chờ đợi, xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua hàng giảm giá. New York xây dựng đường sắt trên cao (Highline) từ cuối thế kỷ 19. Nay bỏ đi rồi, nhưng người Mỹ tiết kiệm, đổ đất tạo thành công viên trên cao, kiểu vườn treo Babilon. Thế là vừa đỡ công phá dỡ, có thêm chỗ vui chơi, lại bảo tồn được di tích lịch sử.
Cuối những năm 90, tôi đi dọc sông Đà nhìn những cái chợ mái tôn đỏ rực bên bờ sông không một bóng người, thuyền buôn cũng chẳng ghé qua, mà tiếc. Nhà nước ưu ái xây chợ cho dân di vén nhưng không cần biết đặt chỗ nào cho phù hợp. Đến hôm nay câu chuyện lặp lại với những siêu thị hoành tráng ở các thành phố lớn. Văn minh thương mại rất cần, nhưng văn hóa chợ của một cộng đồng cũng phải xem xét chứ đừng xổ toẹt.
Báo Thanh niên vừa có bài “Làng chơi ngông”, kể về 40 nóc nhà người Sê Đăng vừa có tiền đền bù đất nên ùn ùn sắm xe hơi, ngồi nhà hát karaoke và nhậu nhẹt vô tội vạ. Có nên trách người dân không khi mà đây đó Nhà nước vẫn còn phung phí những đồng tiền do chính họ làm ra?
Đất nước vừa qua cơn khốn khó bao lăm, so với các nước khá giả xung quanh, còn thua họ nhiều bề, sao mà lãng phí thế?
Lãng phí là một tội ác, và ở ta đã có luật chống nạn này, nhưng cho đến nay, hình như chưa ai bị đi tù về tội lãng phí cả!