Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Co-vít rồi lở đất bỗng dưng nghĩ tới người Mông

 

Tôi không rõ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống miền Trung và Tây Nguyên thế nào chứ Tây Bắc chỉ có người Mông ở trên núi cao. Người Thái, nhóm cư dân đông đúc và được coi là đại diện cho Tây Bắc, với truyền thống làm lúa nước lâu đời, nên phần lớn ở dưới vùng thấp, cạnh các con suối để thuận tiện việc canh tác.

Cũng chính vì ở dưới thung lũng, chân các ngọn núi lớn, đất đai tương đối bằng phẳng để làm lúa nước nên hiện nay khả năng bị sạt lở đất rất cao.
Tìm hiểu lịch sử của các nhóm cư dân bản địa Tây Bắc thì chưa thấy nói tới các vụ sạt lở đất nghiêm trọng, diễn ra trên phạm vi rộng như gần đây.
Rõ ràng tác động của con người khiến thiên nhiên nổi giận. Những năm tháng công tác ở Tây Bắc tôi nhiều lần hỏi các bô lão người Mông rằng tại sao thích sống trên núi cao, cao hơn bất cứ dân tộc bản địa nào khác; thích di cư tìm nơi ở mới sau vài vụ ngô..., thì họ chỉ trả lời đại ý các cụ từ xưa đã vậy. Rất tiếc tiếng phổ thông của họ không đủ để giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu.
Và rất thú vị đã là bản Mông ở vùng sâu vùng xa thì 100% là người Mông. Họ sống tách biệt với đồng bào thiểu số khác, không sống chung, sống càng xa càng tốt.
Sau những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như vừa rồi, đặc biệt các vụ sạt lở đất bỗng dưng tự hỏi phải chăng tổ tiên người Mông đã biết trước những gì sẽ diễn ra hôm nay?
Lại đọc từ thầy NguyenLeanh về lịch sử di cư của các tộc người trên thế giới với mục đích tránh dịch bệnh thì lại càng bất ngờ hơn khi soi chiếu vào đại dịch Covit đang diễn ra. Covit cho chúng ta bài học: Những nơi quần cư, mật độ dân số cao sẽ là miếng mồi ngon của dịch dã.
Chạy trốn thế giới văn minh để bảo vệ mình, bảo vệ thiên nhiên từng được đề cập trong phim "Thượng đế cũng phải cười" . Văn minh là cái loài người hướng tới nhưng văn minh không phải không có điểm mờ.
Chúng ta lên án đốt nương phá rừng. Nhưng chúng ta biết xửa xưa người ta đốt nương thế nào không? Chúng ta từng phê phán di cư tự do nhưng có lẽ chưa lúc nào đặt được một câu hỏi thấu đáo vì sao phải di dịch cư.
Hình như hoạt động này không chỉ toàn là vô tổ chức và tác hại? Họ ra đi để không khai thác mảnh đất ấy cho đến kiệt quệ cằn cỗi; họ ra đi khi thiên địch chưa kịp nảy nở sinh sôi; ra đi để không phải dùng thuốc hóa học, phân vô cơ... thì đó có phải giải pháp bền vững không?
Đốt một khoảnh rừng có kiểm soát để phát quang, tạo chất màu cho đất (tro) và dùng thuốc diệt cỏ như hôm nay thì cái gì hơn?
Chúng ta cứ bảo bà con phá rừng nhưng thử tìm hiểu xem dân số người thiểu số có tăng không, từ đó suy ra nhu cầu dựng nhà có tăng không; nhà cửa bà con làm có cần cây gỗ lớn như cột đình? Kể cả có phá thì ai đứng đằng sau? Phục vụ nhu cầu của ai?
Đốt rừng bừa bãi gây cháy lớn một diện tích rộng, di cư vô tội vạ bất chấp luật pháp cần lên án. Nhưng dù sao cũng vẫn phải thừa nhận mình hiểu quá ít về đồng bào thiểu số. Mình cứ đinh ninh hạ sơn là tuyệt vời, là đem lại hạnh phúc ấm no cho bà con nhưng giờ ngẫm lại, chưa chắc ./.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Lại chuyện seo-phì khi đi làm từ thiện

Bản chất hay thông điệp của bức hoạ phía dưới đã được anh Đặng Hoàng Giang viết rất hay trong "Thiện ác và Smartphone." Mọi người nên đọc cuốn này, rất trí tuệ.

Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ thêm chút xíu để mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn về việc chụp ảnh, Livestreams.


Không phải ai đi tặng quà rồi chụp ản, seo phì đều có ý đồ đánh bóng tên tuổi. Tất nhiên những người có ý định "làm màu" thông qua từ thiện thì không nói làm gì, vì họ không hẳn đã xuất phát từ tình thương kẻ khó mà họ thương... chính họ.

Với một số người, việc chụp ảnh, lai-chim đôi khi để phục vụ những nhà hảo tâm đóng góp nhưng không đi trao tận tay được. Họ muốn nhìn thấy hoạt động thiện nguyện mà ở trong đó có công sức của họ. Chụp ảnh hay quay phim khi đó như tờ biên lai bằng hình ảnh. Tôi viết thế này chắc CLB thiện nguyện của anh Nguyễn Trung Hiếu cũng đồng cảm.

Hồi còn công tác ở miền Tây Nam Bộ hay Tây Bắc tôi cũng tham gia một số chuyến từ thiện do VOV ĐBSCL, VOV Tây Bắc đứng ra kêu gọi. Việc chụp ảnh còn phục vụ công tác tư liệu, lưu ở phòng truyền thống, làm tin viết bài để cảm ơn các Mạnh Thường Quân.

Về phương diện cá nhân, rất nhiều người muốn lưu lại hình ảnh đó làm kỷ niệm cho bản thân, chứ để treo phòng khách phòng làm việc thì họ chọn đứng cạnh Thủ tướng, chọn bồng lai tiên cảnh làm nền cho sang, ai đi chụp với mấy em rách rưới làm chi.

Có một số anh chị đi làm thiện nguyện còn muốn chụp thật nhiều để về...giáo dục các con các cháu ở nhà-những đứa sinh ra đã được cuộc đời trải chiếu hoa.

Một vài anh chị còn cho các cháu nhỏ cùng đi để nó thấm cái nghèo cái khổ mà thấy quý trọng hơn cuộc sống chúng đang hưởng. Có đúng không chị Yen Pham - cô giáo làm từ thiện tôi rất trân trọng?

Ai đó cứ hay soi, nói họ nhân thể đi du lịch?! Không phải đâu! Họ có tiền, họ thừa sức đi Vin, Sun, FLC, châu Âu, châu Mỹ...hà cớ gì chui vô mấy cái bản ngập bùn, đi ỉa còn chùi đít bằng que. Tôi thừa sức viết hoa mỹ bóng bẩy chỗ này nhưng cứ thô thế, bởi đời luôn rất thật, thật như cái khổ cái nghèo cái oan ức quanh ta vậy.

Làm từ thiện, nếu nói để cho mình thì là để lòng nhẹ tênh, bớt đi cái ưu tư về phận nghèo của đồng loại. Còn để PR bản thân thì từ thiện xong họ vẫn còn nguyên "cục nặng" trong lòng, chả bao giờ có được cái HẠNH PHÚC CHO ĐI bởi họ đang muốn LẤY VỀ.

Vì thế, nên có cái nhìn bao dung, cởi mở hơn chuyện ảnh ọt, lai-chim hay seo-phì. Kể cả những ai đang làm màu, đang đánh bóng... thì thôi, hãy cứ nghĩ lấy cái phần tốt của họ (là từ thiện) cho nhẹ lòng.

Chuyện cô Thuỷ Tiên đi từ thiện ở miền Trung 10/2020

Cô Thuỷ Tiên,
cô ấy cầm tiền từ thiện của thiên hạ bằng cả hai tay
tay phải cầm tiền
tay trái neo lại niềm tin.

Cũng như buổi thiên hạ khóc Đại Tướng lúc về trời.
Giọt lệ con mắt phải chảy xuống cho người đã khuất,
giọt buồn con mắt trái nhỏ xuống
cho người
đang sống
phởn phơ (1).

Xóm Lò 21/10/20
(1) Chôm chỉa tứ này của NV Nguyễn Ngọc Tư

Xôi chị béo

Gần chỗ làm có hai hàng xôi ngon, tồn tại hàng chục năm nay. Xôi Mai ở ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt và xôi chị Béo, ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu.

Xôi Mai có lần viết rồi. Bàn tay chị Mai lúc véo xôi là "Bàn tay nhanh nhất Việt Nam"! Còn xôi chị Béo thì bình dân hơn nhưng cũng đông khách.

Hôm nay mua xôi chị Béo. Mình ăn quà ở đây từ lúc chị còn thiếu nữ, theo mẹ bán xôi. Thấy ít khách nên mình vẫn ngồi trên xe, nói cho anh gói ngô. Chị nhìn mình cười cười. Mình tưởng chưa nghe thủng, lại nói: - Cho anh gói xôi ngô. Lúc này chị mới xởi lởi, nói sao lâu không thấy anh. Anh chỉ được cái trẻ lâu. Em ngờ ngợ rồi nhưng đến lúc anh nói em mới nhận ra. Anh đi đâu lâu thế?

Hóa ra mấy chị bán rong như chị Béo, chị Mai nhận ra khách quen bằng giọng nói chuẩn hơn cả nhìn mặt, bởi họ đông khách nên luôn phải vục mặt xuống đơm xôi, thời gian đâu ngước lên ngắm, chỉ nghe thôi.

Giọng con người ta ít thay đổi hơn khuôn mặt. Cái gì bên trong cũng ít thay đổi nhưng mình cả giọng và mặt đều...vẫn thế, "vẫn trẻ"🤣, bởi mình luôn tin cái tốt, điều tử tế kiểu gì cũng sẽ đến và luôn ở bên cạnh mọi người.

Mẹo vặt đi đường núi

Trong hình là phóng viên Hồ Thanh Hiếu (VOV miền Trung) đang đi vào hiện trường, nơi xảy ra vụ lở núi vùi chết 22 quân nhân.

Tin tức này sẽ được các phóng viên Hồ Thanh Hiếu, Lê Hiếu, Lê Hải SơnĐình Thiệu VovThanhha Phan … của VOV liên tục cập nhật trên Báo Điện tử VOV (vov.vn) và trên sóng phát thanh VOV1.

Còn giờ lại nói chuyện mưa lũ sạt lở thế này thì đi giày, đi dép hay đi chân trần.

Nói thực là không có câu trả lời chung, không có một quy tắc chung bất biến mà tuỳ mỗi người, mỗi hoàn cảnh, bối cảnh, hiện trường...

Kinh nghiệm của tôi, từ đi Tây hay đi vào bản - nơi rừng xanh núi đỏ - cứ quan sát người bản địa họ làm thế nào mình làm theo. Đảm bảo đúng 80%.

Đi vùng cao mùa mưa này, những nơi chỉ có đường mòn thì hãy nói không với ủng, cảnh giác với giày, cẩn trọng với dép.

Lên các bản vùng cao, đặc biệt bản giáp biên với Trung Quốc, thấy bà con có đôi dép quai hậu màu đồng đỏ, tựa dép rọ quân đội, bà con nói mua “bên kia”.

Không phải ngẫu nhiên quân nhu họ nghiên cứu và duy trì sản xuất đôi dép rọ cho lính và cho cả sỹ quan suốt ngần ấy năm. Mặc dù đôi giày vải quân đội cực bền, có lỗ thoát nước khi lội suối, có lưới bằng đồng chặn không cho vắt chui vào từ lỗ này, nhưng thực tế đi rừng cho thấy, đường khô không sao, nhưng lội suối là sinh chuyện.

Khi giày sũng nước nặng như đeo chì, lúc nhảy trên mỏm đá có rêu lại rất trơn, đi một hồi da chân bợt ra, nhũn ra, cọ vào thành giày khiến da chân bị lột hết ra như phải bỏng. Lúc rút chân ra sẽ thấy da thịt nhầy nhụa một màu hồng tươi🥵

Lúc này chỉ có đôi dép rọ lính là hợp. Tất nhiên khi gặp chỗ bùn nhão quánh như bột, ngập đến gần đầu gối thì lột dép ra treo lên cổ mà đi chân không. Cứ cố đi thì sẽ, chân đi dép xin ở lại dưới bùn. Mặc quần sóoc như Hiếu ảnh dưới là ngon rồi. Tốt nhất là quần đùi lính, rộng, co chân cho dễ. Vào chỗ này thì lịch sự chải chuốt xin để lại phía sau.

Nói tiếp về dép. Anh chị em đồng bằng thành phố chắc chắn không quen đi dép rọ, vì thế nên đi thêm đôi tất mỏng để phòng quai dép cọ xát, làm rộp da chân. Còn người miền núi chúng em đi chân trần quen rồi, da gan bàn chân chai dày, không sợ phồng rộp, lại biết cách bấm các ngón chân tạo ma sát để bám đường, biết hạ trọng tâm lấy cân bằng cho khỏi ngã…, nên đường bùn, trơn, lầy em (treo dép lên cổ) cứ chân trần là… thật chân nhất.

PS: Bà con nhớ vào VOV.VN đọc giùm tui nha! 😜

Ảnh: Phóng viên Hồ Thanh Hiếu (VOV miền Trung) đang vào hiện trường, nơi có 22 cán bộ chiến sỹ bị đất vùi.


Mẹo vặt của tôi khi đi miền núi

Kiến thức về miền núi của tôi rất ít. Tuy nhiên có thời gian ngắn công tác ở các tỉnh Tây Bắc thì cũng được bà con anh em truyền cho vài kỹ năng nhỏ dọc đường.

1. Đi bản công tác nếu lạc cứ nhìn dấu chân trâu mà đi theo. Dấu chân càng dày, càng gần tới bản.

2. Chớ uống nước mó chảy ồ ồ. Nhìn vào mé ta luy dương xem chỗ nào nước ứa/thấm ra thì chọc cái que vào đó, há miệng ra đợi từng giọt theo que chảy xuống.

3. Đi trong rừng ngửi thấy mùi phân trâu, nghe tiếng gà gáy, tiếng cối nước ụp-xòe tức là rất gần bản.

4. Phải chia sức để dành cho lúc xuống núi. Lúc xuống mới dồn và tức chân. Bỏ cuộc là ở đoạn này.

5. Dù trời đã tạnh cũng không nên ở trên lòng suối quá lâu. Nếu đang vầy nước, nghe tiếng ù ù đâu đó thi nhanh chân mà chạy, chậm vài giây là sẽ ... như hình dưới😭.

6. Dù trời đã tạnh cũng không nên đứng ở khe núi, khu vực giữa hai quả núi. Lũ thường dồn về đúng vị trí này.

7. Trời đang mưa hay đã tạnh thì cũng không nên dừng nghỉ giữa đường núi. Cố về đến thị trấn thị tứ hoặc chọn khoảng đất bằng. Đi phượt cũng vậy, chọn khoảng đất bằng trên cao mà hạ trại

8. Đi ô tô vào bản (vùng đường khó) mà thấy trời sầm sì là phải cuốn gói quay trở ra ngay nếu không rất có thể phải ở trong đó vài ngày.

9. Đừng coi thường con suối, vốn hiền hòa, nhưng khi lũ về thì kinh hoàng. Bị lũ cuốn thì chúng ta sẽ chết vì đầu va vào đá hoặc bị cây nhọn chọc trước khi bị chết đuối.

10. Khi qua ngầm nước chảy xiết, nếu nước chưa chạm gầm xe thì OK, đã chạm thì...hên xui nhưng xui nhiều hơn.


Bóng bánh vui phết


Mình đánh bóng bàn thuộc hạng vỡ lòng nên hễ gặp đối thủ nặng ký mà không từ chối được thể nào cũng xoay xoay vai cằn nhằn “đau mãi không khỏi”.

Bữa hôm đụng anh Tho Duc , trên cơ, bóng nặng lại có cú bạt vô đối, biết là đuối nên mình khịt khịt mũi, nói bâng quơ, mấy hôm nay người cứ mệt mệt. “Ý văn học” là tí thua bét nhè thì lỗi tại… ông trời, chứ mình “không phải dạng vừa đâu”😎.

Tương tự có bố âm thầm tìm thầy tìm thợ, học ngày học đêm, nhưng lúc bạn chơi hỏi dạo này đánh thường xuyên không thì chép miệng lắc đầu vẻ mệt mỏi chán chường, nói bận suốt, chơi bời gì đâu. Cũng “ý văn học” nếu thua là do không có thời gian văn ôn võ luyện, “chứ tôi mà tập đều thì…quên đi”

Đánh phọt phẹt như mình hay được nhường cho đánh với cao thủ Tran Manh Hung để nâng cao tay nghề. Mỗi lần như vậy mình lại đùn đẩy, giới thiệu người này người kia, thôi anh đánh trước đi, bác đánh trước đi, em đánh trước đi...Chơi vẫn còn giấu dốt. Khổ thế!

Mình đánh dở nên ai đưa bóng đúng tay là mình thích, he he. Ở CLB có bác kia cứ cầm vợt là phang tới tấp; đôi công nhưng lại giao xoáy xuống, cố hất bóng lên để đúng trạng thái chặn đẩy thì ông í nghiến răng nghiến lợi táng cái bốp sang góc ve, sướng cười he he, bảo “zô xê” (đánh séc tính điểm) thì lại ỏn ẻn, “thôi chị chả chơi được đâu”. Anh Trịnh Thế Xương gọi đánh kiểu này là đánh hỗn. Chắc không còn từ nào đúng hơn.

Vui nhất là mấy cụ, chả độ điếc gì, bia bọt gì, chỉ là chơi dưỡng sinh thế mà máu ăn thua kinh hồn, ăn gian còn hơn trẻ con. Nhiều lúc các cụ bảo làm trọng tài mà chỉ còn nước cười trừ. Có hôm các cụ tay vung miệng hét, bảo ra ngoài rồi; bên kia miệng hét tay vung, nói chạm rồi, mắt với chả mũi! Thằng Phong! Đúng không! Bên kia lại trừng mắt nhìn mình, giật giọng: Phong! Đúng không!

Có bữa được vinh dự hầu cụ. Cụ đánh hỏng một quả là giơ vợt soi, rồi lau, rồi cằn nhằn vợt chán quá, cũ quá. Bóng cụ rõ ràng ra ngoài cả gang tay nhưng mình hô “ăn rồi”, tính điểm cho cụ, thế mà cụ cũng lờ đi như… ăn rồi🤣. Vừa đánh vừa bấm bụng cười, chỉ sợ cụ biết mình lỡm quăng cho cái vợt vào mặt.

Về “đồ chơi” cũng lắm kiểu. Có ông đánh vớ vẩn thôi nhưng trong túi thủ vài ba cái vợt, nước rửa, bông lau, nilong bảo vệ mặt… đủ loại. Nghỉ giải lao là đem vợt ra… bình luận, nói hôm qua thằng Timo Boll đánh cây này bám xoáy lắm, giật tưng bừng; đút vào, rút cây khác ra, nói Ma Long cầm cây này thắng như chẻ tre trước Xu-xin.

Nói chung đánh thì ít nhưng bàn về dụng cụ thì nhiều. Nào là cây này chỉ đánh thủ, mặt kia đánh công; cây này nảy, cây kia rung, nhưng cuối cùng mình mượn, cây nào đánh mình cũng… thua🤓.

Bóng bánh chơi vui nhưng đôi khi cũng…đau đầu. Có ông thắng cười ha hả, lúc thua mặt như đâm lê, vùng vằng, gằn hắt, vỗ vợt đập bàn phát khiếp, đối phương đang cười cười nói nói phải im bặt, sợ bị cho là cười nhạo.

Nhưng suy cho cùng đấy mới là cái hấp dẫn của môn chơi đối kháng, hình bóng cuộc đời và con người luôn lẩn khuất trong đó, không có mất hay.

Quan tâm thái quá là đụng vào tự do của mỗi người

 https://vov.vn/goc-nhin/quan-tam-thai-qua-la-can-thiep-vao-tu-do-cua-moi-nguoi-780697.vov?fbclid=IwAR1pEK44MQ2txCqc_v70b6nvC2pSKgT85LMgTeXGwcH7Hut_6IXunYvyan0