Co-vít rồi lở đất bỗng dưng nghĩ tới người Mông
Tôi không rõ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống miền Trung và Tây Nguyên thế nào chứ Tây Bắc chỉ có người Mông ở trên núi cao. Người Thái, nhóm cư dân đông đúc và được coi là đại diện cho Tây Bắc, với truyền thống làm lúa nước lâu đời, nên phần lớn ở dưới vùng thấp, cạnh các con suối để thuận tiện việc canh tác.
Cũng chính vì ở dưới thung lũng, chân các ngọn núi lớn, đất đai tương đối bằng phẳng để làm lúa nước nên hiện nay khả năng bị sạt lở đất rất cao.
Tìm hiểu lịch sử của các nhóm cư dân bản địa Tây Bắc thì chưa thấy nói tới các vụ sạt lở đất nghiêm trọng, diễn ra trên phạm vi rộng như gần đây.
Rõ ràng tác động của con người khiến thiên nhiên nổi giận. Những năm tháng công tác ở Tây Bắc tôi nhiều lần hỏi các bô lão người Mông rằng tại sao thích sống trên núi cao, cao hơn bất cứ dân tộc bản địa nào khác; thích di cư tìm nơi ở mới sau vài vụ ngô..., thì họ chỉ trả lời đại ý các cụ từ xưa đã vậy. Rất tiếc tiếng phổ thông của họ không đủ để giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu.
Và rất thú vị đã là bản Mông ở vùng sâu vùng xa thì 100% là người Mông. Họ sống tách biệt với đồng bào thiểu số khác, không sống chung, sống càng xa càng tốt.
Sau những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như vừa rồi, đặc biệt các vụ sạt lở đất bỗng dưng tự hỏi phải chăng tổ tiên người Mông đã biết trước những gì sẽ diễn ra hôm nay?
Lại đọc từ thầy NguyenLeanh về lịch sử di cư của các tộc người trên thế giới với mục đích tránh dịch bệnh thì lại càng bất ngờ hơn khi soi chiếu vào đại dịch Covit đang diễn ra. Covit cho chúng ta bài học: Những nơi quần cư, mật độ dân số cao sẽ là miếng mồi ngon của dịch dã.
Chạy trốn thế giới văn minh để bảo vệ mình, bảo vệ thiên nhiên từng được đề cập trong phim "Thượng đế cũng phải cười" . Văn minh là cái loài người hướng tới nhưng văn minh không phải không có điểm mờ.
Chúng ta lên án đốt nương phá rừng. Nhưng chúng ta biết xửa xưa người ta đốt nương thế nào không? Chúng ta từng phê phán di cư tự do nhưng có lẽ chưa lúc nào đặt được một câu hỏi thấu đáo vì sao phải di dịch cư.
Hình như hoạt động này không chỉ toàn là vô tổ chức và tác hại? Họ ra đi để không khai thác mảnh đất ấy cho đến kiệt quệ cằn cỗi; họ ra đi khi thiên địch chưa kịp nảy nở sinh sôi; ra đi để không phải dùng thuốc hóa học, phân vô cơ... thì đó có phải giải pháp bền vững không?
Đốt một khoảnh rừng có kiểm soát để phát quang, tạo chất màu cho đất (tro) và dùng thuốc diệt cỏ như hôm nay thì cái gì hơn?
Chúng ta cứ bảo bà con phá rừng nhưng thử tìm hiểu xem dân số người thiểu số có tăng không, từ đó suy ra nhu cầu dựng nhà có tăng không; nhà cửa bà con làm có cần cây gỗ lớn như cột đình? Kể cả có phá thì ai đứng đằng sau? Phục vụ nhu cầu của ai?
Đốt rừng bừa bãi gây cháy lớn một diện tích rộng, di cư vô tội vạ bất chấp luật pháp cần lên án. Nhưng dù sao cũng vẫn phải thừa nhận mình hiểu quá ít về đồng bào thiểu số. Mình cứ đinh ninh hạ sơn là tuyệt vời, là đem lại hạnh phúc ấm no cho bà con nhưng giờ ngẫm lại, chưa chắc ./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ