Xem cải lương "Chuyện tình Khau Vai" ở Nhà Hát Lớn
Thơ viết nghìn câu, chưa dễ câu thơ mừng thọ mẹ/ Đối làm trăm vế, khó tròn vế đối tỏ tình con (Thạch Quỳ)
# Kể từ hồi trong Nam ra dễ đến mấy chục năm mới đi xem cải lương, vở "Chuyện tình Khau Vai", lại xem ở Nhà Hát Lớn mới đặc biệt.
Tôi đến sớm phần tránh đông, phần muốn ngắm công trình tuyệt mỹ nhất Đông Dương của Pháp. Lúc đến cũng đã lác đác người, ghế của tôi có một cô gái trẻ và một bà già ngồi từ trước.
Quay ra định bụng ngồi đại chỗ nào nhưng cô hướng dẫn nói không được, hôm nay có yếu nhân, phải ngồi đúng vị trí vì liên quan đến an ninh. Nói xong cô đưa vé của tôi cho một cô khác, hất hàm ra lệnh, đành phải lẽo đẽo đi theo.
Về cổ nhạc giọng miền Nam rất hợp còn tân nhạc giọng miền Bắc được chọn để hát nhiều hơn. Ca sỹ gốc Nam hát bolero ít ai ca đúng giọng và ngược lại người miền Bắc hát cải lương cũng hay bắt chước giọng Nam.
Chuyện giọng ở đâu hát cái gì hay hơn còn nhiều ý kiến nhưng có điều một chắc chắn người Bắc mê ca cổ không thua kém người Nam. Cái sự mê ấy không ấn định vào một nhóm nào. Điển hình là mẹ tôi, nông dân Bắc Bộ đặc, lớp 3 bình dân học vụ, thích chèo nhưng cũng cực kỳ mê cải lương. Có bữa mê mẩn xem trên TV rồi sụt sùi khóc.
Ở miền Bắc ối anh nông dân đang cày có thể dừng trâu ngửa cổ ca ngon lành vài câu vọng cổ mà trước đó chỉ nghe qua đài, chả khác gì dân gộc miền Tây ai cũng ca được vài câu “Tình anh bán chiếu” hay “Võ Đông Sơn-Bạch Thu Hà”.
Hai mẹ con (đang ngồi chỗ của tôi) buộc phải sang ghế bên cạnh. Người mẹ dù khoác lên người tấm áo rất mới nhưng vẫn lộ rõ vẻ chân quê; còn cô gái chắc lên Hà Nội đã lâu, dạn dĩ, xinh đẹp và thời trang.
Hai mẹ con chưa ấm chỗ thì lại có người đến giơ vé đòi ghế. Cô gái cười cười như hối lỗi kéo tay mẹ lên hàng ghế trước. Bà mẹ bám theo vấp lên vấp xuống nhưng mắt vẫn không rời sân khấu đang chẳng có gì ngoài tấm màn nhung khép kín. Người mẹ có vẻ do dự chưa muốn ngồi thì cố gái ấn vai mẹ xuống, quyết đoán và tự tin.
Ấy là cô cố ra vẻ thế để mẹ yên lòng thôi vì tôi thấy khi người mẹ ngồi chăm chú nhóng cổ lên sân khấu chưa mở màn thì cô gái trẻ bồn chồn không yên, mặt hết quay bên phải lại sang mé trái, vừa nhìn lên trước lại ngó ngược về sau, mồ hôi rịn thành hột trên trán khiến một bên mắt trang điểm đậm lem thành vệt.
Thấy người từ xa tiến lại là cô đã chuẩn bị sẵn một nụ cười, rồi ngước nhìn dò đoán xem chỗ đang ngồi có thuộc về họ. Mấy lần nhấp nhổm kéo tay mẹ dậy trả ghế nhưng hóa không phải, người mới đến chỉ ngồi bên cạnh.
Hồi nhỏ tôi theo cha vô Sài Gòn, nhà mé Cầu Kiệu (Võ Di Nguy), đi xuống đoạn Võ di Nguy - Nguyễn Huỳnh Đức có rạp xi-nê Văn Cầm. Sau này nghe nói Văn Cầm chuyển thành rạp cải lương nhưng trước chỉ chiếu phim. Thế nên muốn coi cải lương phải qua cầu Kiệu vào Quận 1, rạp cải lương nhóc luôn!
Hồi đó chết mê chết mệt tài ca của Lệ Thủy, Mỹ Châu, đắm đuối với giọng ca sắc lẹm, lả lướt của Thanh Kim Huệ… Có đêm coi Thoại Khanh Châu Tuấn mà nước mắt đầm đìa.
Cứ suy từ mình ra thì chắc mẹ cô gái cũng thuộc hàng mê cải lương. Bị đuổi nhiều nên bà có vẻ ngại, bà nhìn xuống dãy ghế cuối ghé tai cô con gái thì thầm. Chả nghe thấy gì chỉ thấy cô gái nói cứng, “Mẹ mắt kém phải ngồi đây mới nhìn rõ”. Có lẽ đó là lý do vì sao hễ bị đòi chỗ là cô lại dắt mẹ sang ghế bên hoặc tiến lên chứ quyết không lùi.
Gần đến giờ diễn, từ phòng VIP một vài người nhanh nhẹn, lạnh lùng thoát ra, tác phong của những nhân viên an ninh. Họ tiến đến chỗ hai mẹ con…
Lần thứ tư cô kéo mẹ đứng dậy, hất mạnh đầu để mớ tóc dài đen nhức ngược ra sau, khuôn mặt thanh tú cố tỏ vẻ thản nhiên, lì lợm trước hàng hàng con mắt đang nhìn trong khi người mẹ lúng túng, ngượng ngùng quờ chân tìm dép rồi líu ríu bước theo sau.
Nhìn cảnh đó bỗng dưng tôi thấy có lỗi vì làm hai mẹ con vất vả, lúc này ai đến đòi ghế chắc hai mẹ con hết chịu nổi! Cô gái chắc cùng tâm trạng nên cái vẻ bướng bỉnh và bất cần khi nãy nhường chỗ cho sự đăm chiêu, lúc lúc lại lấm lét nhìn quanh, rất tội.
Còn người mẹ thì hình như niềm đam mê khiến bà quên ngay những khó xử ngại ngùng trước đó cũng như rủi ro bị đòi chỗ đến bất cứ lúc nào. Hễ ngồi xuống là bà nhỏng cái cổ gày gò, mắt không chớp, mặt bất động hướng lên sân khấu vẻ háo hức tột cùng.
Nếu con gái luôn chuẩn bị một nụ cười “làm lành” khi ai đó đòi chỗ, thì bà sắm sẵn một nụ cười như thể sợ cười không kịp, ai đó sẽ tranh mất niềm vui.
Mỗi khi nghe ca sỹ xuống xề bà vỗ tay nhiệt tình, không quan tâm đến xung quanh, quên hẳn thân phận bị “xua đuổi” trước đó. Lúc này cả nhà hát chỉ có bà với sân khấu; còn cô gái thì nhìn mẹ, mắt lấp lánh.
Ánh mắt ấy khiến người khó tính và nguyên tắc nhất cũng dễ bỏ qua cho việc không vé, thậm chí cả vẻ bất cần và bướng bỉnh được cố gắng tạo ra để quyết tâm bảo vệ đến cùng một mục đích, cũng trở thành…dễ thương.
Chút xíu nữa cô gái đã không tìm được chỗ trống trong cái nhà hát sang trọng này, nhưng cô làm được, vì cô đã dành cả một chỗ trống thênh thang trong trái tim nhỏ bé của mình cho mẹ./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ