Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

20-10

Qua ngày 20/10 nói câu chuyện này có lẽ hợp. Nói sớm mất vui!
Tôi đến nước Đức vào mùa thu, ở tại Pestana Hotel, cạnh công viên mà bây giờ nhiều người Việt biết: Tiergarten.
Đây là khách sạn 4 sao, không quá to nhưng vừa đủ để sang trọng, không quá đông nhưng chẳng tới mức lèo tèo, không quá đắt nhưng chắc chắn đi tua không dám vào.
Sáng thứ nhất, sáng thứ hai và những buổi sáng tiếp theo, phục vụ tại phòng ăn nhỏ xinh ở tầng một là hai người đàn ông, thi thoảng có một thiếu phụ hay nhoẻn cười nhưng cũng không thể gọi là trẻ.
Dù họ có nhanh nhẹn, chuyên nghiệp và lịch lãm cỡ nào thì một người Việt như tôi vẫn thấy hơi lạ bởi vị trí ấy lẽ ra phải thuộc về những chân dài vú mẩy tuổi măng tơ. Xứ tôi là vậy!
Trên các chuyến bay của châu Âu vẫn còn những cô gái trẻ xinh đẹp làm tiếp viên nhưng cũng sẽ không hiếm các bà và cả các ông đầu hói.
Dĩ nhiên rồi, các quốc gia này đang già hóa dân số, lao động trẻ rất hiếm hoi. Ngoài ra còn có lý do nào khác?
Cách đây mấy hôm tôi có viết một tút . Tút ấy trích vài câu khẩu ngữ trong dân gian như: Chè Thái gái Tuyên, Chè Phỏng Lái Gái Thuận Châu... Dù giải thích kiểu gì thì hai mệnh đề cạnh nhau cũng khiến người ta không thể không so sánh một nửa thế giới với... thực phẩm. Đấy là chưa kể có những câu ví von ngoa ngoắt, xem thường: Trà hâm lại gái ngủ trưa.
Tại sao không lấy một hình ảnh nào đó để ví mà cứ lôi chị em ra?
Trong một lần dự tiệc ở một tỉnh trung du, chắc muốn thể hiện sự hiếu khách và chịu chơi, chủ nhà đã gọi các cô gái trẻ ở một trường CĐ-ĐH nào đó ra "chung vui". Nhìn các cháu co ro cúm rúm trước khách lạ tự dưng thấy thương và ái ngại! Chả lẽ cứ phải “có gái” mới vui, mới sang?
Xe hơi hiện nay và nhiều năm nữa vẫn là niềm khát khao của người Việt, trong suy nghĩ của một số người, vẫn thể hiện phong cách và đẳng cấp giàu sang. Chúng ta sẽ còn được chứng kiến nhiều màn ra mắt xe hoành tráng mà ở đó hội tụ đủ hoa hậu, á hậu, người đẹp … của các cuộc thi trong và ngoài nước.
Về phương diện giới tính, tôi ngắm xe sang một thích ngắm người đẹp mười. Về phương diện lý trí tôi tự hỏi sao không để lực sỹ Lý Đức, Phạm Văn Mách... đến vận cơ bắp cuồn cuộn bên cạnh những cỗ máy có mã lực hung hãn mà chưa một cao tốc nào ở xứ này đáp ứng nổi? Thực ra các hãng xe sang ở các nước văn minh đang dần nói không với mẫu nữ thiếu vải.
Nói như Phạm Thị Hoài: Phải chăng chị em đứng đó để tháp tùng trí tưởng tượng của cánh mày râu hướng đến một bộ các-ta-lô (catalog), một óp – sần (option) rất phổ thông và đầy tính hưởng thụ của dân một nước nghèo mới nổi: Xe sang, gái đẹp, ví dày.
Đến khi nào chị em không có mặt trong bất kỳ gói phụ kiện hay trang sức nào dù đắt đỏ; khi nào đứng độc lập với cách sét (set) đồ dung tục kia; khi nào không bị đem ra ví von này nọ; khi nào đẹp cho chính mình; khi nào thoát khỏi gông cùm của "giường chiếu", "bếp núc"; khi không buộc phải thuộc về một ngành nghề cố định thì 20/10 mới trọn vẹn. Hay nói đúng hơn là tiễn 20/10 về đúng chỗ của nó: Một ngày kỷ niệm chỉ có giá trị hành chính. Chị em không cần nó trang điểm cho mình. /.

App độc

Giờ trên điện thoại có nhiều áp (app - phần mềm) rất hay và rất ...độc😬.
Mình vừa cài phần mềm Measure (đo đạc). Khoái nhất là đo được ở những vị trí mình không với tới, không dám ...sờ vào. Ví dụ chân dài đi qua, đưa điện thoại quét phát biết chân dài cỡ nào ngay.
Cũng vừa mới tải về cái phần mềm dịch bằng hình ảnh "WhatsIt" (Nó là cái gì) quá tuyệt vời! Dốt ngoại ngữ mà khoái đi chợ cỡ mình có cái này không cần lạy lục mấy cha phiên dịch kiêu căng nữa.
Ra chợ, chỉ cần gí máy điện thoại gần quả táo, camera của máy chụp, phân tích dữ liệu rồi tự khắc kêu "Quả táo", thích dịch sang tiếng Anh thì máy kêu Ếp-pồ (Apple). Đêm qua thử rồi!Tiếng Hà Nội, chuẩn lắm!
Sáng tung tăng xuống phòng phóng viên buôn chuyện chém gió với mấy em thì chúng đang ăn hồng. Thấy sếp chúng nó đứng cả lên mời. Mình khoái rồi nhưng còn cảnh vẻ vờ vĩnh nghiêng người khó nhọc đút cái điện thoại vào túi quần bò rồi mới nhón tay cầm một miếng.
Vừa rút tay về thì trong túi, đúng "chỗ ấy", vang lên tiếng Hà Nội ngọt ngào: Quả ớt! Quả ớt! 😥😥
Chạm phím kích hoạt "Nó là gì" rồi nên mình "té nước theo mưa" chữa ngượng, cười, nói quả hồng chứ! Đúng lúc ấy máy lại nhắc lại : Quả ớt ! Quả ớt! 😬
Định rút ra tắt đi nhưng vẫn còn tí thông minh để không làm điều dại dột ấy!

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Cởi truồng

Chuyện này nếu anh Đoàn Quang không kể thì mình cũng chẳng bao giờ dám nói ra.
Hôm tiếp quản "cơ ngơi" của anh (phòng công vụ) để anh về nghỉ chế độ thì anh bảo: Đấy ! Ở đây nhiều khi anh chả cần mặc gì, cứ cởi truồng tồng ngồng đi lại thoải mái, vì có ai đâu...
Mình vờ như không nghe thấy nhưng bụng cười thầm: Hóa ra ông nào đi thường trú cũng thế. Hồi mình trong Cần Thơ y chang. Một mình một phòng, tha hồ...tung tăng😝!
Cũng có vài bận nghe tiếng gõ cửa nhào ra mở chợt nhìn xuống lại vội quay vào. Những hôm được về nhà ít ngày vẫn mắc hội chứng cởi truồng. Bước vào phòng cái là tụt luôn quần. Vợ mắt trợn mồm há tưởng đi xa lâu ngày nên hăng hái, nhiệt tình nhưng đâu ngờ😥
Chắc ông nào đi thường trú cũng thế thôi, nhất là ông QuocHung Le. Hai chân đút gầm bàn suốt ngày nên áo quần cũng sạch. Tuy có quần đùi áo lót là ngày nào mình cũng giặt, nhưng chẳng lẽ bỏ mỗi cái quần con vào máy giặt 9 kí lô? Thế là đành đắp đống đấy 4-5 hôm giặt một thể cho... tiết kiệm.
Sáng nay là ngày thứ 5, đang phơi thì mấy đứa nữ trong khu tập thể "Ngôi nhà vui vẻ" ngang qua. Chúng nó dừng lại chào, ngó dàn phơi, nói anh Phong sáng ra hay giặt nhiều quần đùi nhỉ😬?
Nói xong chúng nó đấm lưng nhau thùm thụp, cười rinh rích rồi ù té chạy!
Mình cay đắng cầm cái chậu đi về phòng, vừa đi vừa nói một mình, giọng đầy xót xa: Tao mà được như chúng mày nghĩ thì phúc tổ bảy mười đời!

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Thuốc ơi là thuốc

Hôm "ở bển" mình viết một tút về oánh răng nhầm kem bôi trĩ vì anh Dong Manh Hung để bừa bãi trong nhà tắm. Về nước, ai gặp cũng tò mò nghiêng ngó xem lưỡi mình có bị tụt vào không🤭.
Về nước được vài bữa nghe tin bạn Hiệp về VN kiểm tra một số đại lý dược. Hiệp cùng lớp K36 Báo chí (ĐHTH) nhưng đa tài, năng động, dám nghĩ dám làm, con người chỉ có tiến chứ không dừng. Nó sang Mỹ mở hãng, thuê cả người Mỹ làm.
Không nhớ hai anh em nói câu chuyện nứt nẻ gót chân gì đó mà nó vỗ vai mình, nói anh yên tâm, mai em đưa cho anh tuýp thuốc tụi em vừa bào chế, đảm bảo giải quyết hầu hết các bệnh về da,mấy vết đứt tay nhè nhẹ bôi phát êm liền. Thuốc này mấy bà sau sinh cực kỳ thích... !
Cứ ai nói sắp cho cái gì là mình sướng âm ỉ, lúc đó giả đò đánh trống lảng sang chuyện khác, ra cái điều lơ đễnh không để ý, không quan tâm (kỳ thực thích bỏ mẹ) nên không dám hỏi sao lại là mấy bà sau sinh😜.
Nó cho mình một tuýp, Hoang Manh một tuýp. Bà ngoại bôi nước ăn chân khen hết lời vì khỏi liền. Nhưng một hôm Mạnh gọi giọng rên rẩm như sắp chết, nói anh ơi vợ em cứ gằn hắt tra hỏi tuýp thuốc mua cho ai vì thuốc ấy chủ trị chữa nứt cổ gà dành cho chị em đang cho con bú😝.
Lên Sơn La rượu nhiều đau hết lưng, khản cả giọng. Nhắn tin về cho thằng Hồng Hiếu Đặng hỏi mua thuốc chống say, giải độc gan cho anh chưa thì nó cười cành cạch, bảo sắp. May ở cơ quan trên này có cái Bảo Thiên bán hàng xách tay Nhật – Hàn online. Hàng chuẩn, giá đúng nên bán không ngửng mặt lên được. Mặt hàng đang hot là thực phẩm chức năng: thuốc giảm béo thuốc tăng cân, thuốc căng da mặt chùng da rốn, đủ cả; trong đó chạy nhất là thuốc giải rượu. Tây Bắc mà bán món này thì đắt như tôm tươi, khỏi phải bàn.
Nó đưa cho mình một lọ, uống được vài lần! Bỗng dưng hôm qua nó hớt hải xô cửa vào, hỏi lọ thuốc đâu anh. Mình lấy ra nó dúi ngay vào túi, đỏ mặt, cười rú lên nói nhầm nhầm rồi chạy mất dạng.
Hóa ra đấy là thuốc giúp phục hồi và tăng trương lực cơ sàn đáy chậu cho chị em sau sinh. Má ơi! Hẳn nào mấy bữa nay cứ tưởng bị ... táo😬 .
Ảnh thuốc đây: Corine Eva!

VOV Tây bắc với Y & I

Hôm rồi đi trao quà từ thiện của thính giả và cán bộ nhân viên VOV Tây Bắc cho bà con xã Căn Co - Sìn Hồ - Lai Châu mới thấy việc thống kê, sổ sách ở vùng cao vô cùng khó khăn.
Năm 1998 mình theo một đội vào bản để làm thống kê dân số. Hỏi phụ huynh thằng bé này sinh năm nào thì bố mẹ cứ ngơ ngác, nói cái năm nương ở bên kia núi bị cháy😥.
Thôi thì đành nhìn nó rồi ước lượng tuổi ghi đại vào chứ có hỏi nữa cũng đến thế.
Lần này đi trao quà, cái Thùy Vy đọc năm lần bảy lượt chẳng thấy cháu nào đứng lên, bố mẹ cũng ngồi dưới im thin thít. Mình bảo cái Chẻo Thu hay em nói tiếng Dao xem! Cái Thu nhăn nhó bảo "Dao này nói khác Dao em".
Lúc về, trên xe, anh cán bộ huyện Sìn Hồ (người Kinh từng ở xã này) bảo có những cái tên bố mẹ chúng đọc mấy lần mình mới phiên âm được ra tiếng phổ thông, cũng tương đối giống thôi, nhưng khi đánh máy thì phần mềm phông chữ hiện hành không thể viết nổi cái tên ấy, hầu hết không đánh được dấu thanh điệu. Thế là đành viết đại khái, chứ chẳng lẽ lại thò bút mực vào sửa?
Vậy là nghe một lần đã hơi sai, viết lần sau hơi sai nữa thành sai hẳn. Đó là lý do tại sao cái Thùy Vy gọi mấy lần chẳng cháu nào nhúc nhích cho dù mắt các cháu chăm chăm nhìn vào món quà không chớp.
Đấy là chuyện tận Căn Co. Còn VOV Tây Bắc chỗ mình thì vụi cực: Mông Dao Thái Mường Kinh Tày... đủ hết. Mọi người quây quần như gia đình, trong VOV Tây Bắc, mệnh danh "Ngôi nhà vui vẻ".
Anh Hoàng Khải, Phó giám đốc , người Tày, một hôm rượu về hứng chí hô Ngôi nhà vui vẻ tập hợp, nói bây giờ trên tinh thần cả nước đổi mới chữ viết, hay chúng mình bỏ chữ Y dài đi, chỉ dùng chữ I ngắn thôi. Bác sĩ , nước Mĩ... đều i ngắn hết. Xong anh nghiêng đầu hất hất mấy lọn tóc loe hoe lấp vào phần đầu hói, nói vậy nhé, từ giờ chúng mày gọi anh là người Tài.
Anh Vừ A Chu, người Mông, cúi mặt gật gù lẩm nhẩm đọc người Tài, người Tài ... rồi ngẩng lên, nói ơ đúng mà! Mình vẫn đọc là người dân tộc Tài mà! Đúng thì làm theo thôi!
Mấy chị trong Tổ tiếng Thái thấy sếp Khải đề xuất cũng phải, thì thầm với nhau là càng đỡ nhầm! Vì nhiều người cứ nói dân tộc Tháy. Làm gì có Tháy mà Tháy! Thế là cả hội đồng thanh hoan hỉ giơ tay hô nhất trí, nhất trí!
Nãy giờ ở góc phòng có một anh cứ vò đầu bứt tai không rõ lập trường tư tưởng thế nào. Đến lúc này mới vụt đứng lên, giọng vô cùng đanh thép: Tôi không đồng ý!
Hóa ra anh này người Dáy.