20-10
Qua ngày 20/10 nói câu chuyện này có lẽ hợp. Nói sớm mất vui!
Tôi đến nước Đức vào mùa thu, ở tại Pestana Hotel, cạnh công viên mà bây giờ nhiều người Việt biết: Tiergarten.
Đây là khách sạn 4 sao, không quá to nhưng vừa đủ để sang trọng, không quá đông nhưng chẳng tới mức lèo tèo, không quá đắt nhưng chắc chắn đi tua không dám vào.
Sáng thứ nhất, sáng thứ hai và những buổi sáng tiếp theo, phục vụ tại phòng ăn nhỏ xinh ở tầng một là hai người đàn ông, thi thoảng có một thiếu phụ hay nhoẻn cười nhưng cũng không thể gọi là trẻ.
Dù họ có nhanh nhẹn, chuyên nghiệp và lịch lãm cỡ nào thì một người Việt như tôi vẫn thấy hơi lạ bởi vị trí ấy lẽ ra phải thuộc về những chân dài vú mẩy tuổi măng tơ. Xứ tôi là vậy!
Trên các chuyến bay của châu Âu vẫn còn những cô gái trẻ xinh đẹp làm tiếp viên nhưng cũng sẽ không hiếm các bà và cả các ông đầu hói.
Dĩ nhiên rồi, các quốc gia này đang già hóa dân số, lao động trẻ rất hiếm hoi. Ngoài ra còn có lý do nào khác?
Cách đây mấy hôm tôi có viết một tút . Tút ấy trích vài câu khẩu ngữ trong dân gian như: Chè Thái gái Tuyên, Chè Phỏng Lái Gái Thuận Châu... Dù giải thích kiểu gì thì hai mệnh đề cạnh nhau cũng khiến người ta không thể không so sánh một nửa thế giới với... thực phẩm. Đấy là chưa kể có những câu ví von ngoa ngoắt, xem thường: Trà hâm lại gái ngủ trưa.
Tại sao không lấy một hình ảnh nào đó để ví mà cứ lôi chị em ra?
Trong một lần dự tiệc ở một tỉnh trung du, chắc muốn thể hiện sự hiếu khách và chịu chơi, chủ nhà đã gọi các cô gái trẻ ở một trường CĐ-ĐH nào đó ra "chung vui". Nhìn các cháu co ro cúm rúm trước khách lạ tự dưng thấy thương và ái ngại! Chả lẽ cứ phải “có gái” mới vui, mới sang?
Xe hơi hiện nay và nhiều năm nữa vẫn là niềm khát khao của người Việt, trong suy nghĩ của một số người, vẫn thể hiện phong cách và đẳng cấp giàu sang. Chúng ta sẽ còn được chứng kiến nhiều màn ra mắt xe hoành tráng mà ở đó hội tụ đủ hoa hậu, á hậu, người đẹp … của các cuộc thi trong và ngoài nước.
Về phương diện giới tính, tôi ngắm xe sang một thích ngắm người đẹp mười. Về phương diện lý trí tôi tự hỏi sao không để lực sỹ Lý Đức, Phạm Văn Mách... đến vận cơ bắp cuồn cuộn bên cạnh những cỗ máy có mã lực hung hãn mà chưa một cao tốc nào ở xứ này đáp ứng nổi? Thực ra các hãng xe sang ở các nước văn minh đang dần nói không với mẫu nữ thiếu vải.
Nói như Phạm Thị Hoài: Phải chăng chị em đứng đó để tháp tùng trí tưởng tượng của cánh mày râu hướng đến một bộ các-ta-lô (catalog), một óp – sần (option) rất phổ thông và đầy tính hưởng thụ của dân một nước nghèo mới nổi: Xe sang, gái đẹp, ví dày.
Đến khi nào chị em không có mặt trong bất kỳ gói phụ kiện hay trang sức nào dù đắt đỏ; khi nào đứng độc lập với cách sét (set) đồ dung tục kia; khi nào không bị đem ra ví von này nọ; khi nào đẹp cho chính mình; khi nào thoát khỏi gông cùm của "giường chiếu", "bếp núc"; khi không buộc phải thuộc về một ngành nghề cố định thì 20/10 mới trọn vẹn. Hay nói đúng hơn là tiễn 20/10 về đúng chỗ của nó: Một ngày kỷ niệm chỉ có giá trị hành chính. Chị em không cần nó trang điểm cho mình. /.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ