Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Cách mạng 4.0 còn xa lắm!


Chả biết nhà mình đã cách mạng 4.0 chưa nhưng giờ nhìn đâu cũng thấy máy móc thay con người. Chỗ nào không có máy, ví như quán ăn thì có người bóc bưởi, lột vỏ chuối hộ; tiệm karaoke thì có chân dài cắn hạt dưa giùm, khỏi phải nhấc tay,  tay làm việc khác bổ ích hơn.   

Sướng vậy đó! Nhưng ngẫm cái thân, toàn bị gọi là lều báo, thì mấy bữa nữa 4.0 nó nhào tới, mạng mẽo nó nhanh và hấp dẫn vô cùng, mình có theo kịp không?

Chúng ta đã không còn phải đào mương bằng tay, rèn mài công cụ từ kim loại thô hay phải làm kế toán thủ công nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trên thị trường Mỹ hôm nay lại cao hơn so với 125 năm về trước (năm 1890) và nó dần tăng lên ở mỗi thập kỷ.

Ở một ngành cụ thể là ngân hàng, thì 45 năm sau khi ra mắt máy rút tiền tự động và các máy bán hàng tự động, số lượng giao dịch viên ngân hàng tại Mỹ đã tăng xấp xỉ gấp đôi, từ khoảng 250.000  lên đến 500 ngàn.

Điều này như một nghịch lý vì máy móc dần làm công việc thay cho chúng ta cơ mà? Mình cứ kê cao gối ngủ chờ kách mệnh 4.0?

Hóa ra câu chuyện như thế này. Lại lấy 1 ví dụ đơn giản với ngành ngân hàng. Máy móc thay thế nhiều công đoạn nhưng cuộc sống đòi hỏi mở nhiều chi nhánh hơn, phát sinh những phần việc mới chưa hề có trước đó (như chăm sóc khách hàng, giới thiệu thẻ tín dụng). Bởi thế nên vẫn cần lao động là con người.  Tuy nhiên lúc này con người đòi hỏi phải có tri thức và kỹ năng hơn.

Vậy công việc nào “có tri thức và kỹ năng” để không bị máy móc đe dọa triệt tiêu?

Lều báo như mình biết đánh bóng bàn, ti toe làm thơ, thi thoảng quét nhà và năm thì mười họa vào bếp.  Nhưng khó như làm thơ-sản phẩm của tinh thần, xúc cảm và đầy sáng tạo - thế mà giờ có cả thơ máy, một phần mềm (thomay.vn) mà trẻ nít cũng có thể down load, thì còn cái gì máy không làm được!
Thơ máy 

Tay vợt thần tượng của mình, Timo Boll, xém chút nữa bị cánh tay máy Kuka hạ cho đau đớn thì chả cái gì máy không làm được!

Hãy xem nó là cái quái quỷ gì mà  kinh thế! Thế kỷ 21 là thế kỷ của trí tuệ nhân tạo mà machine learning (dịch là gì cả nhà?) là ngành công nghệ có tác động mạnh mẽ nhất.

Machine learning bắt đầu xâm nhập ngành công nghiệp những năm đầu thập niên 90. Đến nay thì machine learning có khả năng xử lý những việc cực kì phức tạp. Năm 2012, các nhà khoa học đã tạo ra một thuật toán biết chấm điểm các bài luận cấp III. Thuật toán đã chấm điểm được như  thầy cô giáo. Năm 2013 còn có một thử thách cam go hơn: Qua các bức ảnh về mắt, hãy chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường! Một lần nữa, máy chẩn đoán đúng như kết quả của bác sỹ khoa mắt.

Một giáo viên có thể đọc 10.000 luận án, một bác sỹ nhãn khoa có thể khám 50.000 đôi mắt trong sự nghiệp 40 năm. Nhưng máy có thể đọc hàng triệu bài luận án hoặc khám hàng triệu đôi mắt trong vòng vài phút.

Kết luận: Chúng ta không có cơ hội nào để chiến thắng máy móc ở những việc có khối lượng lớn và tần suất cao.

Tự động hóa đang cướp đi việc làm của chúng ta. Đó là thực tế! Xe tự hành (self-driving car) đang thử nghiệm rộng rãi ở các quốc gia tiên tiến. Theo một nghiên cứu của ĐH Michigan (USA) tỷ lệ tai nạn của xe tự hành cao gấp đôi xe thường và lỗi chưa bao giờ thuộc về xe tự hành. Chúng thường bị tông vào “mông”.  Đơn giản vì chúng luôn có phản ứng nhanh hơn xe có tài xế nên (để an toàn tuyệt đối) dừng ngay trong những tình huống chưa cần thiết phải dừng (nếu là tái xế lái xe).

Ở Mẽo còn thế, về VN mình í à, xin lỗi, ba ngày xe bẹp dúm vì bị tông trước tông sau. Nên mình vẫn còn cửa cho nghề xe. Nhưng cận thị hơn 10 diop sao lái đây?

Cơ hội nào để sống sót những ngày sắp tới? Ơn giời! Có những việc lều báo mình làm được nhưng máy móc thì không. Máy móc tiến bộ rất chậm khi giải quyết những tình huống mới. Chúng không thể giải quyết những việc chưa từng gặp thường xuyên. Những hạn chế cơ bản của machine learning là nó cần phải học từ nguồn dữ liệu khổng lồ trước đó. Con người thì không như vậy. Chúng ta có khả năng kết nối các sợi chỉ gần như không liên quan để giải quyết các vấn đề chưa gặp phải bao giờ.

Các bạn muốn có dẫn chứng? Đây: Percy Spencer, một nhà vật lý làm việc với radar trong thế chiến thứ II, khi nhận thấy magnetron làm chảy thanh sôcôla, anh đã kết nối hiểu biết về sóng điện từ và  việc nấu ăn để phát minh ra lò vi sóng.

Vì thế, tương lai của bất cứ nghề nào cũng đều nằm ở câu trả lời của câu hỏi: Công việc đó đơn giản, hay lặp lại; có khối lượng lớn thế nào, có liên quan đến giải quyết các vấn đề mới ra sao?

Ơn giời! Việt Nam ta là trùm của “nói zzậy mà hổng phải zzậy” “ con gái nói có là không” nên các bạn yên tâm đi! Không có việc nào giống nhau (ở tính lặp lại) nên machine learning (nền tảng của trí tuệ nhân tạo)  với những thuật toán ghê gớm kiểu gì thì cũng bó tay chấm com nhá. Có tài thánh!  Máy phải học ở nguồn dữ liệu khổng lồ trước đó nhưng ở VN ta tống vào máy dữ liệu nó nuốt không trôi vì thiếu, cọc cạch và không đồng bộ. Còn những tình huống mới thì liên tục xuất hiện ở VN và có thể nói độc nhất vô nhị toàn cầu luôn nên đừng hy vọng nhập máy mà chạy đc ở VN.

Trong khi đó khả năng kết nối các sự kiện, hành vi để có những sáng tạo thần thánh – điều chỉ con người mới có thế mạnh – thì ta nhất quả đất. Giả sử như chỉ nhìn thủ trưởng cái là mình biết kết nối ABCD… Đó! Ưu việt ở chỗ đó! Mà cái kết nối này nó rất …vi diệu. Chẳng đâu có cả, chỉ ở mỗi VN. Vì thế các cụ cứ yên tâm đi! Cách mạng 4.0 còn xa lắm!

Con người hiếm khi hành xử theo cách hợp lý nhất trong khi đó máy móc luôn chuẩn xác và hoàn mỹ. Relax!  


(PS: Số liệu chuẩn vì lấy trên mạng Ted, nghiên cứu nghiêm túc, rải rác ở vài chỗ khác không nhớ nguồn) 

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Nhân ngày của cha

Bố
Con địa chủ nhưng ...lam lũ
Con địa chủ nhưng theo ông bác lên chiến khu từ thời rất trẻ
Con địa chủ , làm cách mạng, nhưng không cứu nổi ông bác ruột mình (địa chủ kháng chiến) lúc bị quy nhầm.
Con địa chủ , nhưng đời trớ trêu, lại được phân công đi cải cách, giảm tô?! Đọc kiểm thảo thấy bị phê nhiều lắm, chắc làm rất tệ !
Bố! Là đảng viên nhưng rất thích nghe nhạc vàng và đọc chưởng Kim Dung. Sợ mang tiếng nên thường nghe rất nhỏ và đọc lúc đêm về.
Biết uống rượu và không từ chối bia. Thuốc cũng hút. Trà không tha. Cà phê có thể mỗi ngày một cữ.
Nhạc cũng phập phùng dăm bài của Dương Thiệu Tước
Cờ tướng biết sơ sơ nhưng không mê bằng đánh chắn
Thích đồ Tây, phong cách Tây, nhưng hễ lý luận thể nào cũng trưng ra bài kinh tế Mác - Lê; học lâu lắm rồi, hình như ở ... đường Nguyễn Phong Sắc?
Thấy kèn cựa bè phái bố xin về sớm, trước cả tuổi hưu.
Bạn bè chỉ căn biệt thự to đùng vô chủ đang khoá bằng hai thanh gỗ đóng chéo hình dấu nhân trên Đà Lạt, bảo " lên làm với tụi em", ông lắc.
Từ chiếc Peugeot 404 ở chốn phồn hoa, về xứ Bắc kỳ,
lại thũng thẵng đạp xe,
lại theo đít trâu lội ruộng cày ,
lại lê la tán phét với mấy bà nông dân hồn hậu.
Thấy đau cái đầu bố xin miễn sinh hoạt đảng. Người ta chấp thuận và bố rất mừng! Được ít lâu bố than : Phong ơi ! Phải đi sinh hoạt đảng! Hỏi sao? Bố bảo: Chúng nó làm bậy quá Phong à!
Bố không đẹp giai giàu có nhưng lãng tử đào hoa
Bố kiên trì 1 vợ nhưng chắc chắn có bồ.
Còn mình có em không thì có giời mới biết

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Dạy trẻ không rung đùi và day đôi tay biết nói chuyện


http://vov.vn/blog/day-tre-con-khong-rung-dui-va-noi-chuyen-voi-doi-tay-636703.vov

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Đất sân bay

V. là bạn học cấp III với mình. Bố V là thế hệ phi công dân sự đầu tiên của Việt Nam, được cử đi Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên học những năm sau 1945.
Nếu ai từng là học sinh Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội, có nhiều bạn trong khu sân bay Gia Lâm thì biết những phi công "đời đầu" ở đây cứ 10 người thì 8 người quê Nghệ An. Mình đoán chọn người vùng này cho nó cách mạng triệt để, họ chịu khó , chịu khổ , lại ... trung thành .
Trở lại chuyện bạn V. Tốt nghiệp phổ thông , V làm việc ở ngành hàng không, tiếp viên hay an ninh trên máy bay gì đó mình không rõ lắm vì không gặp nhau nữa.
Nghe loáng thoáng bạn đã có nhà ở gần sân bay Tân Sơn Nhất nên một hôm tranh thủ transit vài tiếng ở đây mình điện ngay để ghé thăm V .
Vừa điện được vài phút bạn đã ở lù lù ngay trước mặt. Hóa ra nhà V ở sát sân bay luôn. Vào khu nhà V mình cứ ngơ ngác, không hẳn vì sự to đẹp mà rõ ràng những năm cuối 79 và những năm 80 , hồi mình còn ở trong Sài Gòn này , thì đây là phần đất của sân bay.
Nghĩ vậy thôi nhưng không hỏi...
Năm 1979 mình đã vào khu vực quân sự của sân bay Tân Sơn Nhất để đi nhờ máy bay ra Hanoi , đáp xuống sân bay Gia Lâm chứ Nội Bài hình như hồi đó chưa có. Mình với ông già đi ké được là nhờ cô Xuân ( Phó tiến sỹ , học ở Liên Xô về, Chủ nhiệm Công ty Rau hoa Quả Tp HCM, nơi bố mình làm việc ) có chồng làm gì đó rất to ở khu vực sân bay quân sự này .
Trong lúc chờ lên máy bay quân sự để bay ra Gia Lâm, mình đi lang thang trong khu này, cực rộng , những thiết bị của Mỹ để lại còn nguyên, nhiều cái nằm lăn lóc hoen rỉ; lau lách ngang đầu gối, có những nhà hai mái thấp thấp lắp ghép bằng vật liệu nhẹ ...
Nói thế để biết, không chỉ có sân golf mà khu vực dân cư hiện nay cũng có vài chỗ "ăn" khá sâu vào đất của khu sân bay.
Hai lần mình đi máy bay quân sự thì cả hai đều để lại những điều không bao giờ quên . Lần thứ nhất, như vừa nói ở trên , đi "con" DC-4 (Douglas DC-4) và lần thứ 2 đi "con"" Mi 171 .

Một thời điểm thích hợp mình sẽ kể về hai chuyến đi này. Còn giờ dành thời gian để xem cuộc chiến lấy lại đất cho sân bay thế nào đã.

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

KHI SỰ BẤT LỰC LÊN TIẾNG

http://vov.vn/blog/khi-su-bat-luc-len-tieng-633462.vov

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Anh công an ơi, đừng núp!

http://vov.vn/blog/anh-cong-an-oi-dung-nup-632049.vov

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

ĐI NHUỘM...TÓC



Thú thật hôm nay mình đi nhuộm lại tóc. Tóc mình bạc trắng lâu rồi nhưng cứ giấu, len lén tự mua thuốc về nhuộm. Cũng lạ! Người ta bạc từ chân tóc ra, mình lại bạc từ ngọn tóc bạc vào. Nhẽ ra tóc bạc trước đằng này lông mày mình bạc trước. Chính vì thế nên dễ nhuộm, dễ giấu, chẳng ai biết.
Vợ bảo thuốc nhuộm trôi nổi cực độc! Tuyệt đối không tự làm! Mình tuyệt đối nghe vợ. Thế là ra quán cắt tóc gội đầu.

Muốn có thuốc xịn phải vào cửa hàng trông sang trọng tí. Đúng như phỏng đoán, các cô gái ở đây toàn xinh và đẹp, trắng và cao, ngoan và hiền. Chuyên môn nghiệp vụ thì miễn chê, làm cứ nhẹ như không, mình thiêm thiếp đi mấy lần…
Nhuộm tóc xong các bạn í còn nhuộm cả lông mày, vừa làm vừa nói: Anh không có râu chứ nếu có, tụi em làm cho đẹp..ẹp …ẹp luôn. Mình bảo ừ, anh để râu không đẹp nên toàn cạo đi thôi.
Rồi lông mày cũng hoàn thành, mình toan đứng dậy thì các bạn í ấn xuống, cười khúc khích, nói chưa xong, còn phần dưới nữa. Chưa kịp nghĩ ra cái gì thì bạn í túm lấy thắt lưng …
Mình cuống quá khuỵu chân xuống hình chữ X để cố thủ , hòng cự tuyệt. Mình dùng cả hai tay gỡ tay bạn í ra, miệng cười méo mó trực van nài một câu gì đó nhưng chẳng nghĩ ra.
Càng cố gỡ, bạn í càng cười, càng… quyết tâm hơn. Lại còn huy động thêm vài bạn nữa lao vào giúp sức. Một bên phản ứng yếu ớt và có phần như do dự, phía kia lại rất mạnh mẽ, tự tin và quyết liệt . Cuối cùng mình đành buông xuôi, rên rỉ trong tuyệt vọng:
- Cũng như râu thôi, để không đẹp nên anh cạo đi rồi.
- Không được! Tụi em làm nghề phải có trách nhiệm chứ !
Mọi người muốn gọi các bạn í là cái gì thì gọi, nhưng các bạn í không hề hối tiếc và chưa thu lại quyết định của mình như ông Bộ văn thể du  bao giờ, hi hi !




Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Nguyên tắc của người Đức


Cách đây mấy năm, trong khi làm thủ tục ở sân bay Frankfurt để về VN , một chị đồng nghiệp đi cùng bị ách lại vì mấy hộp thực phẩm chức năng dạng nước (hay kem gì đó) chị mua về biếu bố mẹ.

Nhân viên an ninh mở hộp kiểm tra , còn nguyên seal. Họ chụm đầu hội ý, một chút ngập ngừng, một chút băn khoăn, một vài giây lưỡng lự... Qua ánh mắt , vẻ mặt , mình biết họ hoàn toàn tin tưởng mấy hộp thuốc đó không phải đồ chơi của khủng bố nhưng cuối cùng thì cũng không qua được.
Khổ thân, chị đồng nghiệp tiếc trào nước mắt! Chị rớm rớm thò cái thẻ nhà báo ra (mình can không kịp). Cậu an ninh trẻ cầm mà ngơ ngác chẳng hiểu gì, nhưng rồi chắc cũng hiểu. Anh ta vô cùng ái ngại, tỏ rõ sự thông cảm lẫn thương hại nhưng không là không. Anh Quang Le , Tuyet Anh Tran nhớ vụ này?
Gần đây nhất, lúc làm thủ tục hoàn thuế tại sân bay Berlin-Schönefeld . Buổi sáng sớm, đã có nhân viên đến những họ vẫn loay hoay làm gì đó trong ca-bin, đúng giờ theo quy định mới mở cửa, mặc cho đám đông hành khách bên ngoài sốt ruột đang nhỏng cổ nhìn vào trong. Nhất là đám Giao Chỉ như mình, vì chưa check in nên ai cũng lo ngay ngáy chuyện thừa cân .
Rồi thì ai cũng làm xong, cũng đc nhận tiền, nhưng trong suốt chuyến bay từ Berlin về Moscow mình cứ nghĩ mãi về sự cứng nhắc, máy móc hay là kỷ luật của người Đức .
Chúng ta sẽ hài lòng khi nhân viên hoàn thuế thấy đám đông và mở cửa sớm hơn để giải toả. Chúng ta sẽ ngợi ca, sẽ vỗ tay khen họ mềm dẻo, linh hoạt... Đương nhiên rồi, vì đó là lợi ích của chúng ta. Nhưng thử xem họ đã mất cái gì? Họ đã tự mình phá vỡ nguyên tắc giờ giấc - một nguyên tắc sắt đá của dân tộc Giéc-manh. Họ đã tạo tiền lệ xấu (không đúng giờ) cho chính họ; tạo ra thói quen không tuân thủ nội quy cho cả hành khách. Họ không muốn sáng mai, mặc dù còn lâu mới tới giờ làm việc, nhưng đã xuất hiện một đám đông dài dằng dặc ngay trước cửa phòng :V .
Vì thế, mặc dù đứng xếp hàng hơi mỏi chân nhưng mình vẫn thích sự "máy móc " và "cứng nhắc" này. Không biết mình nghĩ thế có đúng không nhỉ? Hay là cuồng Tây mất rồi!




Bố Thìn dạy mình về thuật họp.


Hơn ba chục năm ngồi canh âm thanh ánh sáng cho gần chục cái phòng họp ở Bộ, bố Thìn nghiễm nhiên được tham dự, chứng kiến hàng ngàn cuộc họp lớn nhỏ với nhiều nhân vật khác nhau. Có vị từ thời còn ngu ngơ rón rén giơ tay xin phát biểu nay đã thành lãnh đạo rất rất to rồi.

Hôm nay mình sang cơ quan bố dự họp tình cờ đúng ca bố canh âm thanh ánh sáng. Tan họp tới chào bố, bố bảo chờ tí đi làm cốc bia. Đi đi tao kể nghệ thuật họp cho mày sáng mắt ra!

Vừa đặt cốc bia xuống bàn sau một ngụm to, ông mắng mình: Mày ngốc lắm con ạ! Đi họp là phải sắm một cuốn sổ thật đẹp. Mày xem lại cuốn sổ của mày đi! Lúc mọi người nói, nhất là lãnh đạo, mình phải chú ý ghi chép thật cẩn thận.



Mà dù ai phát biểu đi nữa thì cũng phải ghi. Mấy thằng nói không có cái ý gì thì vờ nghí ngoáy cho vui. Vẽ con voi con thỏ gì kệ mày. Nhưng khi thủ trưởng phát biểu thì phải ghi chép, đừng bỏ sót lời nào. Buổi họp lần sau, lúc đứng lên phát biểu, mày chỉ cần giở sổ đọc lại y chang những ý sếp nói bữa trước, rằng chúng tôi đã làm việc A, đang thực hiện việc B, chuẩn bị việc C… Tao cầm chắc sếp ngồi ngất ngây con gà tây, mũi phồng lên kiêu hãnh vì có thằng nhân viên biết vâng lời, làm đúng chỉ đạo, không sai quy trình ?!

Nhớ là khi nhịp thở thật đều mới đứng dậy phát biểu. Khi phát biểu phải trịnh trọng kính thưa cho đủ mặt. Sắp xếp thứ tự cho đúng, ai trước ai sau. Đừng dại mà làm theo cái nghị định gì đó chỉ kính thưa mỗi ông to nhất là mày chết! Phải làm cho ai cũng hài lòng, ai cũng nghĩ nó không quên kính thưa mình.

Lúc bắt đầu báo cáo thì đừng quên cụm từ ruột: “thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí…”; “tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo rất đầy đủ và sâu sắc của đồng chí…” Tiếp sau đó, khi vào nội dung chính thì hãy nói “tôi chi xin chia sẻ như thế này”, “sau đây là một vài tham góp, những ý kiến rất nhỏ để bổ sung thêm…”

Trước khi kết thúc phần phát biểu hãy cố tìm ra thành tích của cá nhân hay tập thể nào đó có liên quan trong phần phát biểu để nói câu này: “Trước khi dừng lời, thay mặt cho đơn vị, chúng tôi xin chúc mừng đồng chí…Đây không chỉ là thành tích của riêng đồng chí mà bản thân chúng tôi cũng phải học tập, cũng thấy phấn khởi và tự hào...” Nhớ chưa con !

Và khi kết thúc nhớ “rào giậu”, “bảo hiểm” cho thật kỹ bằng cách nói “đây chỉ là ý kiến cá nhân, còn đường đột, thô thiển, bỡ ngỡ lắm! Mong mọi người thông cảm, góp ý thêm…”

Nhiều người phát biểu xong nói nhõn câu “xin hết” hoặc “báo cáo hết”. Đừng làm thế! Mày phải dừng lại, ngẩng lên nhìn khán phòng một lượt thật nhanh rồi xuống giọng, nói “xin chân thành cảm ơn quý vị”.

“Xin hết” là cái gì, “báo cáo hết” là cái gì? Nghe cái âm ết nó hắt ra, kinh bỏ mẹ! Phát biểu kiểu ấy như đổ toẹt một mớ lời ra đấy rồi phủi đít quay đi. Không nhã tí nào! Nhớ chưa con!

Trong lúc phát biểu cần nhắc đến một ai đó thì tuyệt đối không được quên tên. Mà phải nhắc đủ họ tên, chức vụ, học hàm, học vị. Đừng nói anh A, chị B, nghe không trang trọng. Nhiều sếp cho rằng nói thế là xách mé, thiếu tôn trọng. Nhớ chưa con!

Bây giờ có điện thoại thông minh nên nhiều người ngồi họp cứ xoa xoa miết miết. Không được! Phải cất ngay cái điện thoại đi. Chỉ riêng hình ảnh không dí mắt vào điện thoại là mày đã ghi điểm với lãnh đạo rồi.

Trên bàn không điện thoại, tay cầm bút, trước mặt là sổ đẹp. Nhớ phải mở sổ ra nhé! Nhưng khi sếp phát biểu, ngoài những lúc ghi chép thì mắt mày không được rời khỏi sếp. Thi thoảng phải gật gù, nét mặt phải biểu lộ sự chú ý lắng nghe và quan tâm sâu sắc.

Chú ý lúc lãnh đạo ngừng lời thì vỗ tay thật to, thật lâu; vừa vỗ vừa phóng ánh mắt đến chỗ sếp với một vẻ ngưỡng mộ vô bờ bến. Hết sức lưu ý phần nói của sếp để mình phải là người tạo ra tiếng vỗ tay đầu tiên và cũng là tiếng vỗ tay kết thúc cuối cùng. Nhớ chưa!

Giờ một số vị nói trong cuộc họp cũng không hấp dẫn khiến cho nhiều người cười cợt, ngáp hay quay sang chuyện gẫu. Mình tuyệt đối không làm thế! Dù sếp nói mắc cười đến đâu thì cũng không hùa theo họ. Không bắt chuyện với họ! Càng những lúc như thế càng cần hướng mình về phía sếp để thể hiện sự hưởng ứng của mình, chứng tỏ chỉ mỗi mình hiểu và sẻ chia cùng sếp!

Lúc tan họp cũng đừng xô ghế đứng phắt dậy ngoảy đít đi về. Thái độ như thế làm cho nhiều người nghĩ mình có gì đó bức xúc hoặc không tán thành. Mày nên lán lại một tí, vờ ngơ ngác để lục tìm ánh mắt của sếp, nhìn sếp một cách thành kính. Tùy hoàn cảnh, nếu có thể tiến lại, đưa hai tay ra bắt tay sếp, nói “anh /chị chỉ đạo như thế sâu sắc lắm, đúng và trúng lắm! Tụi em là… rất thấm đấy ạ!”.

Nhớ chưa con! Cứ nghe bố! Bố chỉ cho nhiều đứa rồi! Lúc hoạn lộ hanh thông đừng quên gọi bố Thìn ra đây uống bia nhé!