Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Bố Thìn dạy mình về thuật họp.


Hơn ba chục năm ngồi canh âm thanh ánh sáng cho gần chục cái phòng họp ở Bộ, bố Thìn nghiễm nhiên được tham dự, chứng kiến hàng ngàn cuộc họp lớn nhỏ với nhiều nhân vật khác nhau. Có vị từ thời còn ngu ngơ rón rén giơ tay xin phát biểu nay đã thành lãnh đạo rất rất to rồi.

Hôm nay mình sang cơ quan bố dự họp tình cờ đúng ca bố canh âm thanh ánh sáng. Tan họp tới chào bố, bố bảo chờ tí đi làm cốc bia. Đi đi tao kể nghệ thuật họp cho mày sáng mắt ra!

Vừa đặt cốc bia xuống bàn sau một ngụm to, ông mắng mình: Mày ngốc lắm con ạ! Đi họp là phải sắm một cuốn sổ thật đẹp. Mày xem lại cuốn sổ của mày đi! Lúc mọi người nói, nhất là lãnh đạo, mình phải chú ý ghi chép thật cẩn thận.



Mà dù ai phát biểu đi nữa thì cũng phải ghi. Mấy thằng nói không có cái ý gì thì vờ nghí ngoáy cho vui. Vẽ con voi con thỏ gì kệ mày. Nhưng khi thủ trưởng phát biểu thì phải ghi chép, đừng bỏ sót lời nào. Buổi họp lần sau, lúc đứng lên phát biểu, mày chỉ cần giở sổ đọc lại y chang những ý sếp nói bữa trước, rằng chúng tôi đã làm việc A, đang thực hiện việc B, chuẩn bị việc C… Tao cầm chắc sếp ngồi ngất ngây con gà tây, mũi phồng lên kiêu hãnh vì có thằng nhân viên biết vâng lời, làm đúng chỉ đạo, không sai quy trình ?!

Nhớ là khi nhịp thở thật đều mới đứng dậy phát biểu. Khi phát biểu phải trịnh trọng kính thưa cho đủ mặt. Sắp xếp thứ tự cho đúng, ai trước ai sau. Đừng dại mà làm theo cái nghị định gì đó chỉ kính thưa mỗi ông to nhất là mày chết! Phải làm cho ai cũng hài lòng, ai cũng nghĩ nó không quên kính thưa mình.

Lúc bắt đầu báo cáo thì đừng quên cụm từ ruột: “thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí…”; “tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo rất đầy đủ và sâu sắc của đồng chí…” Tiếp sau đó, khi vào nội dung chính thì hãy nói “tôi chi xin chia sẻ như thế này”, “sau đây là một vài tham góp, những ý kiến rất nhỏ để bổ sung thêm…”

Trước khi kết thúc phần phát biểu hãy cố tìm ra thành tích của cá nhân hay tập thể nào đó có liên quan trong phần phát biểu để nói câu này: “Trước khi dừng lời, thay mặt cho đơn vị, chúng tôi xin chúc mừng đồng chí…Đây không chỉ là thành tích của riêng đồng chí mà bản thân chúng tôi cũng phải học tập, cũng thấy phấn khởi và tự hào...” Nhớ chưa con !

Và khi kết thúc nhớ “rào giậu”, “bảo hiểm” cho thật kỹ bằng cách nói “đây chỉ là ý kiến cá nhân, còn đường đột, thô thiển, bỡ ngỡ lắm! Mong mọi người thông cảm, góp ý thêm…”

Nhiều người phát biểu xong nói nhõn câu “xin hết” hoặc “báo cáo hết”. Đừng làm thế! Mày phải dừng lại, ngẩng lên nhìn khán phòng một lượt thật nhanh rồi xuống giọng, nói “xin chân thành cảm ơn quý vị”.

“Xin hết” là cái gì, “báo cáo hết” là cái gì? Nghe cái âm ết nó hắt ra, kinh bỏ mẹ! Phát biểu kiểu ấy như đổ toẹt một mớ lời ra đấy rồi phủi đít quay đi. Không nhã tí nào! Nhớ chưa con!

Trong lúc phát biểu cần nhắc đến một ai đó thì tuyệt đối không được quên tên. Mà phải nhắc đủ họ tên, chức vụ, học hàm, học vị. Đừng nói anh A, chị B, nghe không trang trọng. Nhiều sếp cho rằng nói thế là xách mé, thiếu tôn trọng. Nhớ chưa con!

Bây giờ có điện thoại thông minh nên nhiều người ngồi họp cứ xoa xoa miết miết. Không được! Phải cất ngay cái điện thoại đi. Chỉ riêng hình ảnh không dí mắt vào điện thoại là mày đã ghi điểm với lãnh đạo rồi.

Trên bàn không điện thoại, tay cầm bút, trước mặt là sổ đẹp. Nhớ phải mở sổ ra nhé! Nhưng khi sếp phát biểu, ngoài những lúc ghi chép thì mắt mày không được rời khỏi sếp. Thi thoảng phải gật gù, nét mặt phải biểu lộ sự chú ý lắng nghe và quan tâm sâu sắc.

Chú ý lúc lãnh đạo ngừng lời thì vỗ tay thật to, thật lâu; vừa vỗ vừa phóng ánh mắt đến chỗ sếp với một vẻ ngưỡng mộ vô bờ bến. Hết sức lưu ý phần nói của sếp để mình phải là người tạo ra tiếng vỗ tay đầu tiên và cũng là tiếng vỗ tay kết thúc cuối cùng. Nhớ chưa!

Giờ một số vị nói trong cuộc họp cũng không hấp dẫn khiến cho nhiều người cười cợt, ngáp hay quay sang chuyện gẫu. Mình tuyệt đối không làm thế! Dù sếp nói mắc cười đến đâu thì cũng không hùa theo họ. Không bắt chuyện với họ! Càng những lúc như thế càng cần hướng mình về phía sếp để thể hiện sự hưởng ứng của mình, chứng tỏ chỉ mỗi mình hiểu và sẻ chia cùng sếp!

Lúc tan họp cũng đừng xô ghế đứng phắt dậy ngoảy đít đi về. Thái độ như thế làm cho nhiều người nghĩ mình có gì đó bức xúc hoặc không tán thành. Mày nên lán lại một tí, vờ ngơ ngác để lục tìm ánh mắt của sếp, nhìn sếp một cách thành kính. Tùy hoàn cảnh, nếu có thể tiến lại, đưa hai tay ra bắt tay sếp, nói “anh /chị chỉ đạo như thế sâu sắc lắm, đúng và trúng lắm! Tụi em là… rất thấm đấy ạ!”.

Nhớ chưa con! Cứ nghe bố! Bố chỉ cho nhiều đứa rồi! Lúc hoạn lộ hanh thông đừng quên gọi bố Thìn ra đây uống bia nhé!



  










3 Nhận xét:

Tại lúc 09:28 2 tháng 6, 2017 , Blogger hoanganhthang nói...

thấm lắm,sâu sắc lắm, chỉ đạo thế là vô cùng chuẩn mực rồi

 
Tại lúc 17:13 3 tháng 6, 2017 , Blogger Unknown nói...

Bố Thìn mà được bổ nhiệm vào vị trí nào đó thì nhanh thăng lắm anh ạ

 
Tại lúc 17:13 3 tháng 6, 2017 , Blogger Unknown nói...

Bố Thìn mà được bổ nhiệm vào vị trí nào đó thì nhanh thăng lắm anh ạ

 

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ