Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thầy Đản - Tô Tịch

Ai ở Phố Tô Tịch (Hà Nội) cách nay trên 20 năm đều biết Công ty may Chiến Thắng nằm trên con phố ngắn ngủi này.  Công ty may thực chất là nhà của đại gia đình thầy Đản-một gia đình tư sản-bị nhà nước trưng thu trong những năm sau 1954. Tôi và nhiêu trò khác đã học tiếng Anh trên căn gác xép ngôi nhà đó trong nhiều năm với người thầy kính yêu: Thầy Đản.



Cũng may người ta còn chừa lại cho Thầy căn gác gỗ sát tầng mái nên thầy còn chỗ tá túc và dạy bọn học trò chúng tôi. Những ngày mưa, tiếng long bong trên mái tôn cơi nới át cả tiếng thầy. Nước long tong nhỏ xuống vài chỗ. Bọn học trò được phen xê dịch đầy thích thú.

Với lý lịch con gia đình tư sản, thầy Đản sống chật vật những năm bao cấp. Thi thoảng, lúc nghỉ giải lao giữa giờ học, thầy lại lôi cái hòm gỗ chữa khoá ra hì hụi làm một việc gì đó. Thầy kể, trước khi là công nhân Nhà máy cao su Sao Vàng, thầy làm nghề chữa khoá ở vỉa hè. 

Thầy chơi ghi ta cổ điển rất hay. Chỉ cần nhìn dáng ngồi biết ngay thầy được học hành bài bản từ tấm bé. Lúc buông đàn, thầy nói thầy thích nhạc, muốn dạy nhạc, nhưng thời thế hôm nay (cuối những năm 80) chưa phù hợp nên thầy chọn dạy tiếng Anh. Thầy bảo, Phong học tiếng Anh được đấy! Phong sẽ giỏi hơn thầy, sẽ có tương lai. Đến hôm nay, thấy không nghe theo lời thầy là quá dại.

Có điều này thầy không nói nhưng tôi biết, thầy học tiếng Anh trước đó để trốn đi nước ngoài nhưng hình như cả mấy lần đi đều bị bắt. Thầy bị đuổi khỏi nhà máy cao su. Thế là cái nghiệp dạy tiếng Anh quyện chặt lấy thầy, vừa mưu sinh, nhưng có lẽ cũng vừa để toan tính và hy vọng cho một cuộc trốn chạy khác?

Cũng may đất nước Đổi Mới. Cuộc sống dễ thở hơn. Lớp học của thầy ngày càng đông. Căn gác sép cổ kính có cái cầu thang gỗ dốc đứng không còn đủ chỗ nữa, thầy phải thuê thêm vài địa điểm khác gần Tô Tịch để dạy.

Mừng nhất là thầy đòi lại được căn nhà mà những năm sau giải phóng thủ đô nhà nước đã trưng thu. Đây là toà nhà cổ lớn nhất ở phố Tô Tịch với hai chữ Hán trước nhà mà tôi quên mất nghĩa.

Thầy vẫn dạy tiếng Anh cho học trò nhỏ. Thầy bảo thầy chỉ thích trẻ con, không thích dạy người lớn, cho dù vẫn có vài người lớn chuẩn bị đi nước ngoài, bằng cách nào đó, cũng xin học và học chung lớp với đám trẻ con chúng tôi. 

Những ngày đầu học ở đây tôi chú ý tới một ông già lụ khụ giúp việc cho thầy. Thầy bảo đấy là bõ già ở với gia đình thầy từ thời Pháp, lúc thầy còn bé. Đến khi gia đình thầy trắng tay vì công tư hợp doanh, ông bõ nhớ cái tình cái nghĩa với chủ nên không nỡ bỏ đi mà ở lại, rau cháo cùng với gia đình thầy những ngày khốn khó. 

Những năm cuối 80 đói lắm! Tôi nhớ có tháng phải khất thầy học phí. Thầy vỗ vai, nói em cứ về đi! Kể từ đó, mỗi khi tôi đóng tiền học, thầy lại xua tay, nói thầy hiểu em mà Phong, cầm tiền về đưa bố mẹ đi!

Tôi thi đại học được điểm cao cũng nhờ thầy. Tôi “kiếm cơm” đủ sống qua ngày trong những năm bỏ dở đại học để đi lang thang cũng nhờ vốn liếng tiếng Anh của thầy. Tôi học tiếng Anh của thầy nhiều, nhưng thấm nhiều hơn cả vẫn là tính cách và lối ứng xử của một người Hà Nội gốc.

Cuộc sống đang lúc thuận lợi với thầy thì bệnh tim đột ngột làm thầy ngã quỵ khi đang giảng bài. Học trò đưa ngay thầy vào viện, chỉ vài bước chân, thế mà không kịp.

Thế hệ học thầy Đản ở Tô Tịch giờ đã ngót nghét 45-50 cả rồi. Ai đã học thầy thì không bao giờ quên người thầy không có bằng đại học này. 20/11 không đến thắp hương được, em có bài viết nhỏ này để tưởng nhớ Thầy!




Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Chuyện ma chay, nhưng mà vui


Có dịp mình sẽ viết chi tiết hơn chuyện hiếu hỉ, hôm nay biên mấy dòng kể chuyện hiếu cho khỏi quên cái đã.


Đám ma ở miền Tây Nam Bộ thường không quá bi luỵ sầu thương. Nếu như phường bát âm ở miền Bắc thổi kèn kéo nhị buồn tê tái thì ban nhạc lễ đám ma ở miền Tây nghe tưng bừng, giai điệu cứ như hành khúc. Tới đây nếu có nhỡ miệng cười phát cũng không mang tiếng thiếu văn hoá. Đến viếng đám ma ở đây là phải đánh chén, nhiều bố say bét nhè.

Hồi bố mình mất, hội các cụ cao tuổi phụ giúp nhiệt tình. Lúc chuẩn bị di quan từ nhà ra xe tang, các cụ xếp hàng chỉnh tề. Chủ lễ hướng mắt ra ngoài trang nghiêm, nói tất cả im lặng để chúng tôi “đi một bài”. Tưởng bài võ bài quyền hoá ra bài… kinh.

Phần lễ của các cụ dài lắm! Các cụ đọc “10 thương” nhưng có khi đến mấy chục thương. Đại khái là kể lể tình cảm thương yêu giữa người sống và người chết,  1 thương thì thế này thế kia, 2 thương thì thế kia thế này…

Giờ hạ huyệt gần tới mà các cụ cứ ê a kể lể kiểu này cháy giáo án là chắc, thế nên ban tổ chức mới rỉ tai… Được cái vị chủ lễ tiếp thu ngay, quay xuống chỉ đạo: “Thôi không thương nữa nhá!”. Khổ quá! Nói thầm nhưng quên tắt mic nên tiếng phát ra loa cứ oang oang, mất hết cả thiêng.

Có một đám người chết lại “đi trước” cả bố mẹ. Một bà chẳng biết họ hàng thế nào cứ lăn ra khóc, thảm lắm! Bà ấy tra hỏi ông giời rằng sao lá xanh lại rụng trước lá vàng. Hỏi mãi một câu đâm ra nhầm thành “lá vàng sao lại rụng trước lá xanh”. Mọi người thấy vật vã khóc sai kịch bản bèn đến gần nhắc vở. Bà này giật bắn, nháo nhác hỏi: “Thế à? Bỏ mẹ!Nhầm à?”

Trong số các nhạc sỹ mình phục nhất Lưu Hữu Phước. Ông này “đỏ” từ đầu đến chân, cộng sản gộc, sáng tác bài Sinh viên hành khúc, thế mà Quốc hội lập hiến VNCH vẫn chọn làm Quốc ca. Ông này cũng là tác giả của Hát giang trường hận (Hồn tử sỹ), nhạc bài này luôn vang lên tê tái trong lễ truy điệu.

Người thứ hai mình phục là Y Vân, tác giả bài Lòng Mẹ. Bài này tình cảm da diết vì thế người ta có thể dùng cho các loại đám, từ đám ma cho tới đám tân gia, đám khao thọ mừng thọ, đám thôi nôi, kể cả đám cưới. Như Quỳnh, bà hoàng nhạc sến bên trời Tây hát cũng được mà ngọn cờ đầu của ca khúc cách mạng Anh Thơ hát cũng OK.  Cứ “lòng mẹ bao la như biển Thái B…ình …ình…ình… ngọt ngào” thì nhét vào đâu chẳng đúng?

Nói thật, nếu thu bản quyền tính theo lần tấu diễn thì Quốc ca của cụ Văn Cao làm gì có cửa so với Lòng Mẹ của Y Vân. Không biết anh Phó Đức Phương đã lé mắt đến việc này chưa?

Có bận mình đưa một cụ ra đồng, cụ cũng thượng thượng thọ rồi nên cái sự ra đi coi như lẽ thường của tạo hoá. Vì thế hầu hết chỉ im lặng thành kính mà không khóc lóc bi thương. Suốt 1 cây số ra đồng, thằng bạn đi bên cạnh lặng lẽ, mặt cúi gằm. Không nhìn vào mặt nó nhưng thế đủ biết nó sầu bi cỡ nào. Lúc về mình ghé tai hắn động viên:
- Cụ đi thế là mát mẻ rồi…
- Quá mát luôn!- Nó ráo hoảnh .
- Thế sao ông cứ cúi gằm lặng lẽ, trông kinh bỏ mẹ!

Đột nhiên nó cười phá, vỗ vai mình cái đốp, nói nhìn tránh "mìn" ông ơi! Đường làng toàn "mìn" ông không thấy à?

Mình nghiệm thấy cái niềm khao khát khắc khoải mơ ước đến một cái gì đó sang chảnh (dẫu là phù phiếm) không chỉ của đám người trần tục nơi dương thế mà của cả người âm. Cái đận vào viếng cụ thân sinh của chú Huy Dung (sếp mình) ở Quốc Oai, Hà Tây thấy chiếc xe tang đưa cụ ra đồng đăng ký biển Hà Nội hẳn hoi- 29A…Dường như chưa thoả mãn, phía đầu kia của xe còn gắn thêm biển phụ 80B - 8888 mới ăn chơi chứ!

Chuyên xa đi Tây Trúc chơi 2 biển đẹp cỡ này thì đúng là đã chạm tới ranh giới tột cùng của sự xa xỉ! Thế mới biết cái bác PQH ở Quốc Hội khi trả lời về xe công nói quá đúng: “Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến cuộc họp thì “trông không được đẹp”. Đến người chết còn có hoài bão cháy bỏng 80B cơ mừ! Bác nói quá đúng bác ạ!

Mình đồ rằng nếu không sớm có biện pháp “cải tổ một cách sâu sắc” thì sẽ chẳng còn ai động lòng trắc ẩn với các bài điếu kiểu văn mẫu, đao (down load) từ mạng về dễ như luận văn thạc sỹ.

Tang chủ cũng lúng túng túng khó xử với điếu văn mẫu nhưng tang gia bối rối biết làm sao. Có vị trưởng thôn ngọng “níu” ngọng “no” trịnh trọng cầm míc e hèm vài cái gây sự chú ý rồi đọc, giọng đai ra cho có vẻ diễn cảm:

Kính thưa hương hồn cụ ABCD
Kính thưa gia đình tang chủ
Hôm lay, trong không khí cả xã đang tưng bừng bước vào nàm cỏ vụ đông-xuân; cả lước đang hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc nần thứ XII của Đảng thì cụ nại đột ngột ra đi…

Đọc đoạn này chắc văn phong khiến bố tưởng tượng đang họp chi bộ hay sao mà giọng hùng hồn mới chết, tone lên cao khiếp! Mình, mặc dù đang thành kính cúi đầu mặc niệm nhưng không thể không tư duy về “mối quan hệ biện chứng” giữa chuyện “cụ ra đi” và “nàm cỏ vụ đông.”

Thôi, tạm thế, mai biên tiếp


















Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thật và hay


Vợ giao cho nhiệm vụ ở nhà hướng dẫn Cún (lớp 3) làm bài văn tả hàng xóm. Mình bảo hàng xóm có bác Vượng, chạy xe ôm, thường đưa chị Ngọc đi học khi bố còn công tác ở miền Tây đấy, con cứ nhìn bác ấy mà tả.
Mình đã mào đầu cho nó mấy câu, đại loại như "cạnh nhà em có bác hàng xóm tên là Vượng. Bác làm nghề chạy xe ôm nên thường đi làm từ sáng sớm..." nhưng nó cứ chùng chình mãi chẳng chịu làm.
Hỏi sao? Nó chẳng nói gì, đột ngột hỏi lại:
- Hôm khai giảng trời mưa bố nhớ không?
- Nhớ.
- Nếu làm văn tả ngày khai giảng mà con viết là “ngày khai giảng trời mưa tầm tã. Mẹ em phải lặn lội đưa em đến trường” thì có được không?
- Được chứ sao!
Cún kiên quyết không nghe vì “viết như thế thì được 1 điểm; viết thế không phải là văn, văn phải hay, đẹp”(?!)

Hóa ra Cún không khoái nhân vật trong bài văn là bác Vượng vì (quả thực) bác có khuôn mặt xấu xí, dáng lại tất bật, lam lũ.
Cuối cùng Cún tả bác ruột nó, bác Hưng, người nó rất mực quý mến (vì quý mến nên cho làm hàng xóm luôn).
Mình bảo viết gì thì cũng phải THẬT con ạ, THẬT sẽ HAY! Nó cũng chưa chịu đâu, vì nó phải nghe cô giáo, vì nó chưa phân biệt được viết cái thật, dù xấu xí, nhưng hướng tới cái đẹp còn hơn vạn lần lối viết tô son trái phấn hay gào thét trong cơn mê sảng những điều cả thế giới đã bỏ lại đằng sau từ lâu.