Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Chuyện ma chay, nhưng mà vui


Có dịp mình sẽ viết chi tiết hơn chuyện hiếu hỉ, hôm nay biên mấy dòng kể chuyện hiếu cho khỏi quên cái đã.


Đám ma ở miền Tây Nam Bộ thường không quá bi luỵ sầu thương. Nếu như phường bát âm ở miền Bắc thổi kèn kéo nhị buồn tê tái thì ban nhạc lễ đám ma ở miền Tây nghe tưng bừng, giai điệu cứ như hành khúc. Tới đây nếu có nhỡ miệng cười phát cũng không mang tiếng thiếu văn hoá. Đến viếng đám ma ở đây là phải đánh chén, nhiều bố say bét nhè.

Hồi bố mình mất, hội các cụ cao tuổi phụ giúp nhiệt tình. Lúc chuẩn bị di quan từ nhà ra xe tang, các cụ xếp hàng chỉnh tề. Chủ lễ hướng mắt ra ngoài trang nghiêm, nói tất cả im lặng để chúng tôi “đi một bài”. Tưởng bài võ bài quyền hoá ra bài… kinh.

Phần lễ của các cụ dài lắm! Các cụ đọc “10 thương” nhưng có khi đến mấy chục thương. Đại khái là kể lể tình cảm thương yêu giữa người sống và người chết,  1 thương thì thế này thế kia, 2 thương thì thế kia thế này…

Giờ hạ huyệt gần tới mà các cụ cứ ê a kể lể kiểu này cháy giáo án là chắc, thế nên ban tổ chức mới rỉ tai… Được cái vị chủ lễ tiếp thu ngay, quay xuống chỉ đạo: “Thôi không thương nữa nhá!”. Khổ quá! Nói thầm nhưng quên tắt mic nên tiếng phát ra loa cứ oang oang, mất hết cả thiêng.

Có một đám người chết lại “đi trước” cả bố mẹ. Một bà chẳng biết họ hàng thế nào cứ lăn ra khóc, thảm lắm! Bà ấy tra hỏi ông giời rằng sao lá xanh lại rụng trước lá vàng. Hỏi mãi một câu đâm ra nhầm thành “lá vàng sao lại rụng trước lá xanh”. Mọi người thấy vật vã khóc sai kịch bản bèn đến gần nhắc vở. Bà này giật bắn, nháo nhác hỏi: “Thế à? Bỏ mẹ!Nhầm à?”

Trong số các nhạc sỹ mình phục nhất Lưu Hữu Phước. Ông này “đỏ” từ đầu đến chân, cộng sản gộc, sáng tác bài Sinh viên hành khúc, thế mà Quốc hội lập hiến VNCH vẫn chọn làm Quốc ca. Ông này cũng là tác giả của Hát giang trường hận (Hồn tử sỹ), nhạc bài này luôn vang lên tê tái trong lễ truy điệu.

Người thứ hai mình phục là Y Vân, tác giả bài Lòng Mẹ. Bài này tình cảm da diết vì thế người ta có thể dùng cho các loại đám, từ đám ma cho tới đám tân gia, đám khao thọ mừng thọ, đám thôi nôi, kể cả đám cưới. Như Quỳnh, bà hoàng nhạc sến bên trời Tây hát cũng được mà ngọn cờ đầu của ca khúc cách mạng Anh Thơ hát cũng OK.  Cứ “lòng mẹ bao la như biển Thái B…ình …ình…ình… ngọt ngào” thì nhét vào đâu chẳng đúng?

Nói thật, nếu thu bản quyền tính theo lần tấu diễn thì Quốc ca của cụ Văn Cao làm gì có cửa so với Lòng Mẹ của Y Vân. Không biết anh Phó Đức Phương đã lé mắt đến việc này chưa?

Có bận mình đưa một cụ ra đồng, cụ cũng thượng thượng thọ rồi nên cái sự ra đi coi như lẽ thường của tạo hoá. Vì thế hầu hết chỉ im lặng thành kính mà không khóc lóc bi thương. Suốt 1 cây số ra đồng, thằng bạn đi bên cạnh lặng lẽ, mặt cúi gằm. Không nhìn vào mặt nó nhưng thế đủ biết nó sầu bi cỡ nào. Lúc về mình ghé tai hắn động viên:
- Cụ đi thế là mát mẻ rồi…
- Quá mát luôn!- Nó ráo hoảnh .
- Thế sao ông cứ cúi gằm lặng lẽ, trông kinh bỏ mẹ!

Đột nhiên nó cười phá, vỗ vai mình cái đốp, nói nhìn tránh "mìn" ông ơi! Đường làng toàn "mìn" ông không thấy à?

Mình nghiệm thấy cái niềm khao khát khắc khoải mơ ước đến một cái gì đó sang chảnh (dẫu là phù phiếm) không chỉ của đám người trần tục nơi dương thế mà của cả người âm. Cái đận vào viếng cụ thân sinh của chú Huy Dung (sếp mình) ở Quốc Oai, Hà Tây thấy chiếc xe tang đưa cụ ra đồng đăng ký biển Hà Nội hẳn hoi- 29A…Dường như chưa thoả mãn, phía đầu kia của xe còn gắn thêm biển phụ 80B - 8888 mới ăn chơi chứ!

Chuyên xa đi Tây Trúc chơi 2 biển đẹp cỡ này thì đúng là đã chạm tới ranh giới tột cùng của sự xa xỉ! Thế mới biết cái bác PQH ở Quốc Hội khi trả lời về xe công nói quá đúng: “Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến cuộc họp thì “trông không được đẹp”. Đến người chết còn có hoài bão cháy bỏng 80B cơ mừ! Bác nói quá đúng bác ạ!

Mình đồ rằng nếu không sớm có biện pháp “cải tổ một cách sâu sắc” thì sẽ chẳng còn ai động lòng trắc ẩn với các bài điếu kiểu văn mẫu, đao (down load) từ mạng về dễ như luận văn thạc sỹ.

Tang chủ cũng lúng túng túng khó xử với điếu văn mẫu nhưng tang gia bối rối biết làm sao. Có vị trưởng thôn ngọng “níu” ngọng “no” trịnh trọng cầm míc e hèm vài cái gây sự chú ý rồi đọc, giọng đai ra cho có vẻ diễn cảm:

Kính thưa hương hồn cụ ABCD
Kính thưa gia đình tang chủ
Hôm lay, trong không khí cả xã đang tưng bừng bước vào nàm cỏ vụ đông-xuân; cả lước đang hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc nần thứ XII của Đảng thì cụ nại đột ngột ra đi…

Đọc đoạn này chắc văn phong khiến bố tưởng tượng đang họp chi bộ hay sao mà giọng hùng hồn mới chết, tone lên cao khiếp! Mình, mặc dù đang thành kính cúi đầu mặc niệm nhưng không thể không tư duy về “mối quan hệ biện chứng” giữa chuyện “cụ ra đi” và “nàm cỏ vụ đông.”

Thôi, tạm thế, mai biên tiếp


















0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ