Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Bác Sáu Mẫn


Tối qua nhân buổi họp mặt được ngồi với mấy bác từng công tác ở Đài TNVN thời trước giải phóng, trong đó có bác Trần Quang Mẫn (Sáu Mẫn), năm nay đã 85, yếu lắm rồi!

Biết tôi hậu sinh, nhân lúc ngưng tiếng nhạc, bác tranh thủ nghé tai: “Tôi 16 năm ở Đài TNVN và 19 năm làm truyền hình. Tôi vẫn xem Đài là nơi dạy nghề cho tôi.”

Mặc dù ngồi cạnh nhưng hai bác cháu chỉ nói được ngần ấy. Bác Sáu Mẫn ăn uống qua quýt nhưng vui vì gặp lại 3 đồng nghiệp cùng thế hệ.  Ông vài lấn cố nhoài người tới gần hơn để tâm sự, hỏi han 3 bà bạn già nhưng phải thụt lại vì biết lượng sức mình với sức micro.

Ông ngồi đó lặng lẽ nhìn đám trẻ hè nhau “dzô”, nhìn các cháu nhân viên phục vụ bàn thoăn thắt chỗ này chỗ kia, nhìn khách khứa tạt bàn này ghé bàn nọ để “giao lưu”;  ông khẽ giật mình luống cuống đưa tay lên vỗ khi trên loa giới thiệu tên một quan chức. Âm thanh, ánh sáng, màu sắc… chói loà.

Phải tới gần cuối buổi, tranh thủ lúc ngớt nhạc, bác Sáu Mẫn ghé tai tôi nói.

“Hồi tôi đi làm còn chẳng biết lương của mình là bao nhiêu nữa.”

Tiếng nhạc cắt rời câu nói của mỗi người nên chả ai hiểu ai, chỉ có mỗi hai câu trên là trọn nghĩa. Dìu ông xuống cầu thang để bắt xe ôm về mà tôi cứ tiếc mãi vì quên không chụp với các bậc tiền bối một kiểu ảnh. 


Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Chém…với tục chém lợn đây!


Động chạm vào những vấn đề liên quan tới văn hoá, đặc biệt là văn hoá truyền thống, văn hoá tâm linh không hề đơn giản. Người ta có thể phán xét nó tuỳ vào góc nhìn của mỗi người.

Lễ hội chém lợn đang có nhiều ý kiến tranh cãi là một ví dụ.

Với lễ hội chém lợn thì nên chăng đừng tách hành vi “chém con lợn” ra khỏi khỏi ngữ cảnh cụ thể - một lễ hội truyền thống có điển tích hẳn hoi.

Khi xem xét một sự việc cụ thể nào đó mà ta đưa đối tượng ra khỏi bối cảnh của nó để đánh giá thì sẽ thiếu đi sự chính xác, rất dễ rơi vào hồ đồ.

Nếu chỉ nghe (xem) 4 tiếng (chữ) “tiên sư bố mày” thì ai cũng bảo đó là câu chửi. Nhưng nếu nó phát ra ở miệng người bà đang nựng cháu thì người ta lại gọi là mắng yêu.



Dưới góc nhìn của một số người ngày nay, tục cà răng, căng tai; tục bó chân; tục độn vòng cho cổ cao ngỏng lên… là hủ tục, là cái gì đó rất ác vì hành hạ con người, khiến con người - mà nhiều khi là đứa trẻ mới sinh ra chưa biết mô tê gì - phải chịu đau đớn dai dẳng. Thế nhưng nếu đặt tất cả những điều đó vào trong phạm vi một bộ tộc, với tập quán ngàn đời, trong một giai đoạn nhất định, thì  không làm như thế mới là xấu, mới là độc ác.



Cuộc sống không như toán học, sinh học… mà có thể tách từng thành tố, từng đơn vị phân tử ra nghiên cứu riêng rẽ. Làm vậy chắc chắn sẽ chỉ nhận được kết quả sai.

Nói cụ thể hơn là can thiệp vào văn hoá phải hết sức thận trọng. 

Trong bữa nhậu, có anh bạn chém gió rằng ở xứ ta cứ cái gì được công nhận, thành di tích lịch sử, từ cấp tỉnh, cấp quốc gia cho tới quốc tế, là y như rằng NÓ sắp tiêu đời.

Chuyện tếu táo trên bàn nhậu chẳng ai xem là nghiêm túc, song ngẫm cho kỹ thì cũng phản ánh một thực tế là chỗ này chỗ kia, sau khi đổ tiền ra “sáng tạo”, “bôi son trát phấn”... đã làm cho di tích, di sản méo mó đi nhiều./.