Ngô Thiệu Phong
Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014
Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014
Bà con giàu có hơn chúng ta tưởng.
hãy cảm thông khi bà con dân tộc thiểu số chưa biết làm giàu. Đọc ở đây ạ.
http://vov.vn/blog/dung-trach-ba-con-khi-chua-biet-lam-giau-341820.vov
Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014
Miền hành khất.
Sáng nào cũng ngồi ở đây, quán cà phê này, ngóng ra phía lộ mong có dịp nhìn thấy các tỳ kheo bưng y bát nhón chân chậm rãi ngang qua, nhưng chưa một lần, dù chỉ với tầm mắt qua mấy dãy nhà cao tầng là đụng ngay tháp chùa chót vót vàng rựng. Hỏi Lộc, từng là lục cả nhiều năm, nay là biên dịch viên tiếng Khmer, Lộc chỉ cười.
Lộc có thâm niên tu tập khá lâu, tuổi đạo với tuổi đời chẳng chênh nhau là mấy, đã được cấp giáo chỉ tấn phong lên hàng lục cả-sư cả, một phẩm vị được cộng đồng Khmer tôn
kính. Thế nhưng Lộc vẫn nợ câu hỏi về hành khất-đi bình bát. Và vì sao chư tăng
không được phép đội mũ, đi dép trong khi khất thực cũng như trong sinh hoạt. Lộc
chưa trả lời không phải Lộc không biết mà Lộc muốn tôi, một người “ngoại đạo”,
tự trả lời và tự thấy trách nhiệm phải trả lời.
Có thể vì phố phường hiếm một
bóng cây, đường tráng nhựa bỏng rát nên sư khất thực hiếm dần? Còn một lý do
nữa. Ấy là thành phố này không phải nơi có đông bà con Khmer sinh sống, càng không phải cái nôi của phật giáo Nam Tông. Cư dân nơi đây
khắp nơi đổ về, nhiều người không phải tín đồ phật giáo Tiểu thừa nên chắc chắn sẽ thờ ơ với
y bát đi qua. Với nữa, chốn thị thành suốt ngày cửa đóng
then cài, nơi mà một cử chỉ bất thường sẵn sàng bị săm soi dưới ánh mắt ngờ
vực; bọn bất lương đội lốt chư tăng mặc sức tung hoành, thì làm gì còn chỗ
cho khất thực của bậc chân tu?
Hai hoạt động chính của các chư
tăng là khất thực (xin vật thực của người đời để nuôi thân) và khất pháp (xin pháp của Phật
để nuôi tâm). Khất thực
là chính sách thực hành giáo pháp. Các thầy tỳ kheo phải giữ tâm bình
đẳng mà đi khất thực từng nhà, bất kể giầu nghèo sang hèn; ai cho gì ăn nấy,
không phân biệt ngon dở, chay mặn, ít nhiều. Làm như thế mới giữ đúng Pháp Khất
thực, hợp với nguyên lý Trung đạo để không xa vào thái cực: sung sướng thái quá
và khổ hạnh thái quá.
Lộc nói bây giờ ở các thành phố,
thí chủ đến phát tâm cúng dường tại chùa. Không đi khất thực nữa.
Một nỗi lo mơ hồ, xa xăm: Không
đi khất thực vì đã có thiện nam tín nữ đến tịnh xá “để bát” và lo tứ sự cúng
dường, thì liệu chư tăng, chư ni còn biết đến cái rát bỏng dưới chân trần, cái
hầm hập trên đỉnh đầu buổi hạ lúc ban trưa để mà cứu khổ chúng sanh?
Còn ngay lúc này đây, bên ly cà
phê rất thực, rất đời này, vẫn thấy thiêu thiếu một hình ảnh, một “thiết chế”
tạo dựng nên đặc trưng văn hóa miền Tây. Thật tiếc!
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014
Cấm rượu ư?
Từ thời Lưu Linh (đời Tấn) đến nay có lẽ cả ngàn chiếu chỉ cấm rượu được ban hành nhưng rồi đều như gió thoảng mây bay. Gần đây còn có cả Chỉ thị cấm rượu trong giờ làm việc còn chả ăn ai nữa là cấm bán rượu sau 22 giờ. Rồi lại như cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay ngực lép lái xe?
Cấm bán rượu sau 22 giờ đến 6
giờ. Nghĩa là ngoài giờ đó thì “ vô tư”, là nằm “ngoài phạm vi điều chỉnh”? Uống
từ 6 giờ, đến 8 giờ liêu xiêu vào làm việc là đủ phê, đủ phiêu, đủ hưng phấn và
thăng hoa. Rồi thế nào cũng có hội trộm của Nhà nước nửa tiếng để hợp quân tại
quán lúc 16 giờ. Từ đó quất một nhát tới 22 giờ là êm, dzề là đẹp. Hoặc lì lợm hơn
thì gọi sơ cua vài thùng đặt dưới chân. Đoàn kiểm tra hỏi thì nói không, quán
bán lúc 21 giờ 59 phút.
Cả thế giới này uống rượu. Nhưng
dân ta là “tới bến” nhất, là “sương sương” nhất? Chẳng hiểu sao? Hình như rượu
giúp con người ta một chút sức mạnh để
nói ra những điều, làm những việc mà khi tỉnh táo còn do dự, cân nhắc vì không
tự tin vào trí tuệ và năng lực của mình hoặc sợ hãi một thế lực nào đó.
Nói thật, ở ta, chỗ này chỗ kia,
không biết nhậu rồi cũng biết tuốt bởi có ti tỉ chuyện chỉ có rượu là chất xúc
tác để (đủ can đảm hoặc đủ mặt dày) nói ra thành lời. Đấy là chưa kể mọi thứ
đều có thể trở thành cớ để nhậu. Sếp trên về, lính tráng ở dưới lên… đều có thể
nhậu. Sống có vay có trả, phải đá lượt đi rồi đá tiếp lượt về mới công bằng,
phe-blây chứ! Cái vòng xoay ấy cứ tít mù với nhằng nhịt các mối quan hệ, từ
công cho tới tư, từ thân cho tới sơ, mà nhiều khi oải quá, muốn trốn cũng chẳng
được.
Nhậu hăng và đều nhất chắc đám
thợ thuyền? Vui cũng uống, buồn cũng uống. Nhưng niềm vui ở đâu nhiều đến thế để
làm cớ mà nhậu mãi được? Với họ nhiều khi cuộc sống bấp bênh, cuộc đời ngang
trái, quá khứ thì xa xôi, tương lai cũng chẳng có gì để nghĩ về, cũng là cái cớ
để đến với rượu.
Hạn chế bán rượu cũng là cách
hay, nhưng hay nhất, bền nhất vẫn là làm thế nào để người ta đừng bước chân vào
quán nhậu; đừng coi rượu như một thứ để giải sầu; và không cần phải mượn rượu
cho những chuyện tào lao, chẳng đâu vào đâu./.
Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014
MH17: PHẬN NGƯỜI MONG MANH (Version 2)
http://vov.vn/blog/tham-hoa-mh17-bi-ban-roi-phan-nguoi-mong-manh-339922.vov
Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014
Thân phận.
Trong vòng có mấy tháng mà hàng
không Malaixia phải nhận 2 tin dữ. Đó là máy bay MH - 370 mất tích, dìm xuống
đáy bể hơn 253 người, và mới đây, MH - 17
nổ tung trên bầu trời Ucraina, nơi đang có chiến sự.
MH - 370 mất tích bí ẩn gây đau
đớn cho bao gia đình. Tai nạn của máy bay MH-17 không dừng lại ở đó, nó còn gây
phẫn nộ và sửng sốt cho cả thế giới.
Còn quá sớm để khẳng định nguyên
nhân khiến MH-17 bị rơi, nhưng người ta sửng sốt và phẫn nộ là vì có sự liên hệ
thảm họa trên với chiến sự đang diễn ra. Người ta không chấp nhận con người văn
minh ở thế kỷ 21 lại dùng súng đạn với thường dân vô tội. Nhưng chiến tranh là
vậy! Thân phận nhỏ bé mong manh của con người, ở một thời điểm nào đó, có thể
được đem ra đánh đổi, thậm chí chỉ là để gây sức ép hoặc tạo bất lợi… cho một
bên, một phía, một phe phái nào đấy.
Dù lý do gì đi nữa thì chúng ta
cũng phải khẳng định một điều rằng thân phận con người trong cuộc đời này thật
mong manh. Cũng vì sự mong manh ấy mà quyền được sống là tối thượng, quyền con
người luôn được đề cao ở tất cả các quốc gia. Và trong các tác phẩm văn học
nghệ thuật, cái gì gắn với thận phận, cái đó có sức sống bền lâu, thậm chí vĩnh
hằng, trường tồn cùng thời gian.
Thân phận quá mong manh nên đã có
lúc người ta không còn tin vào sự hiện hữu, chỉ coi đời là cõi tạm: Sống chỉ
gửi còn thác mới là về. Tâm linh và tôn giáo có sức sống mãnh liệt chính là vì
con người không thể bảo vệ chính mình,
thậm chí loài người luôn tìm cách gây hại cho đồng loại. Chính vì thế người ta
cần một đức tin, một thế giới khác làm bệ đỡ tinh thần, là niềm an ủi, là chỗ
dựa khi cái thân phận nhỏ bé mong manh này chẳng còn
biết bấu víu vào đâu hoặc đến lúc phải về nơi nó sinh ra.
Thường thì khi đã nếm đủ
hỉ nộ ái ố của cuộc đời, hoặc phải chịu những tổn thất mất mát quá lớn, chúng ta mới
giật mình nhận ra thận phận sao mong manh quá!
Những người vô thần thường nhận
xét tôn giáo có thái độ “mũ ni che tai”, đại khái là không có “tinh thần đấu
tranh”. Tôi cũng đã có lần bạo miệng hỏi một anh bạn cũ, nay là nhà sư, về đấu
tranh, với cái ý là có khi nào nhớ vợ nhớ con không, thì anh chỉ cười, nói trong Phật không có đấu tranh.
Trí tuệ và sự hiểu biết của tôi
quá mỏng để có thể hiểu được sự huyền diệu của vô ngã vô thường, nhưng trong lờ
mờ nhận thức, một cách mông muội và thô thiển, thì biết đâu, đấu tranh
lại chính là khởi nguồn của lòng dục và kiếp nạn, là căn nguyên của tội lỗi và
tội ác?
THAY SGK: NGHIÊM TÚC RÚT KINH NGHIỆM KỲ THAY SÁCH 2000
Theo kế hoạch thì 2015 ngành GD sẽ thay toàn bộ chương trình (CT) và SGK. Cho tới giờ này, nhìn qua động tĩnh thì cái mốc năm sau chắc không kịp? Trong khi đó, trên truyền hình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận SGK cồng kềnh quá tải. Đấy là bộ trưởng nói, còn dư luận thì kêu mãi phát chán. Vì thế, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, CT-SGK rất có vấn đề, thay càng sớm càng tốt.
Tất nhiên cái mới phải hơn cái
cũ, chứ để một bộ CT và SGK nữa ra đời, tiêu tốn cả trăm cả ngàn tỷ đồng của
dân, mà không ra gì thì thà không thay còn hơn.
Trên báo chí, trong dư luận, các
nhà khoa học, các nhà giáo dục đã mổ xẻ phân tích rất nhiều về những hạn chế,
thiếu sót trong lần thay sách trước (2000). Không biết tới nay ngành GD đã có
những cuộc hội thảo để nghiêm túc rút kinh nghiệm hay chưa. Nếu chưa thì vô
cùng đáng tiếc. Bởi vì trong số những người chỉ ra những tồn tại đó có cả những
nhân vật từng tham gia xây dựng, biên soạn CT-SGK trong cuộc cải cách năm 2000.
Theo những gì tôi biết thì cách
tiếp cận trong việc xây dựng CT, biên soạn
SGK kỳ này có nhiều phương án, có nhiều điểm mới. Bộ GD-ĐT giao cho một
nhóm trong Viện Khoa học giáo dục nghiên cứu vấn đề này. Song tiếp cận theo hướng nào, mô hình nào thì
tới thời điểm này ngành GD vẫn chưa chính thức thông báo tới người dân.
Giáo dục có đặc trưng là liên
quan tới mọi nhà. Và mọi người đều có thể tham gia bàn luận trong chừng mực
hiểu biết của mình. Trên thực tế, đặc trưng này khiến cho ngành GD nhiều phen
lao đao. Song, với một thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến trái chiều và trên
tinh thần minh bạch thì phải coi đặc trưng kia là chuyện bình thường. Nó không
hề là trở ngại cho những quyết sách đúng đắn.
Và dù CT-SGK lần này được viết
theo hướng tiếp cận nào đi nữa thì nó vẫn theo một số nguyên tắc chung. Vì thế
kiểm điểm lại những thiếu sót trước đây là không thừa.
Quay trở lại với một vấn đề cụ
thể và rất cũ là nội dung SGK cồng kềnh, CT chưa khoa học. Tôi đã mục sở thị
một vài cuộc họp của các nhóm làm sách năm 2000 thì thấy việc dư luận phản ánh
cách làm sách “không có tổng chỉ huy” là có cơ sở. Trong những cuộc họp ấy, ông
tổng chủ biên nói dăm ba câu, ở dưới thì tác giả nói chuyện riêng, chẳng biết
có nghe không. Thế rồi người trong Nam về Nam, kẻ ở Bắc lại về Bắc, mỗi người
viết một đoạn, một chương, để sau lắp ghép lại thành SGK một môn. Vì không có
tổng chỉ huy nên các tác giả, nhất là những cây đa cây đề, thả sức đưa vào sách
những nội dung mình tâm đắc, những tác giả tác phẩm mình thân quý…mà sau đó, dù
không muốn, nhưng các hội đồng thẩm định cũng tặc lưỡi cho qua.
Còn việc dư luận kêu viết sách
trong khi chưa có CT chuẩn thống nhất cũng đúng nốt. Trong việc xây dựng chương
trình, theo như người trong ngành nói, đã có một vài trục trặc, chí ít là đến
tay những người biên soạn SGK hơi muộn. Trong khi đó thời gian cuốn chiếu đuổi
sau lưng nên người viết đành cứ viết mà đúng ra là phải soạn nội dung sách dựa
vào chương trình, vì chương trình được ví nhưng xương cốt, còn nội dung SGK là
da thịt.
Đề án 35 ngàn tỷ để làm sách kỳ
này vừa thò ra bị phản ứng tơi bời. Ngành GD nói đấy là lỗi kỹ thuật, là trình
bày chưa chưa hết nhẽ… Thôi thì sao cũng được, nhưng làm sách lần này, mong
ngành đừng lặp lại những lỗi như kỳ trước. 14 năm rồi (tính từ thay sách 2000).
Sách hỏng là đi tong một thế hệ phổ thông rồi còn gì? Tương lai dân tộc ở đấy
chứ còn ở đâu.