Thân phận.
Trong vòng có mấy tháng mà hàng
không Malaixia phải nhận 2 tin dữ. Đó là máy bay MH - 370 mất tích, dìm xuống
đáy bể hơn 253 người, và mới đây, MH - 17
nổ tung trên bầu trời Ucraina, nơi đang có chiến sự.
MH - 370 mất tích bí ẩn gây đau
đớn cho bao gia đình. Tai nạn của máy bay MH-17 không dừng lại ở đó, nó còn gây
phẫn nộ và sửng sốt cho cả thế giới.
Còn quá sớm để khẳng định nguyên
nhân khiến MH-17 bị rơi, nhưng người ta sửng sốt và phẫn nộ là vì có sự liên hệ
thảm họa trên với chiến sự đang diễn ra. Người ta không chấp nhận con người văn
minh ở thế kỷ 21 lại dùng súng đạn với thường dân vô tội. Nhưng chiến tranh là
vậy! Thân phận nhỏ bé mong manh của con người, ở một thời điểm nào đó, có thể
được đem ra đánh đổi, thậm chí chỉ là để gây sức ép hoặc tạo bất lợi… cho một
bên, một phía, một phe phái nào đấy.
Dù lý do gì đi nữa thì chúng ta
cũng phải khẳng định một điều rằng thân phận con người trong cuộc đời này thật
mong manh. Cũng vì sự mong manh ấy mà quyền được sống là tối thượng, quyền con
người luôn được đề cao ở tất cả các quốc gia. Và trong các tác phẩm văn học
nghệ thuật, cái gì gắn với thận phận, cái đó có sức sống bền lâu, thậm chí vĩnh
hằng, trường tồn cùng thời gian.
Thân phận quá mong manh nên đã có
lúc người ta không còn tin vào sự hiện hữu, chỉ coi đời là cõi tạm: Sống chỉ
gửi còn thác mới là về. Tâm linh và tôn giáo có sức sống mãnh liệt chính là vì
con người không thể bảo vệ chính mình,
thậm chí loài người luôn tìm cách gây hại cho đồng loại. Chính vì thế người ta
cần một đức tin, một thế giới khác làm bệ đỡ tinh thần, là niềm an ủi, là chỗ
dựa khi cái thân phận nhỏ bé mong manh này chẳng còn
biết bấu víu vào đâu hoặc đến lúc phải về nơi nó sinh ra.
Thường thì khi đã nếm đủ
hỉ nộ ái ố của cuộc đời, hoặc phải chịu những tổn thất mất mát quá lớn, chúng ta mới
giật mình nhận ra thận phận sao mong manh quá!
Những người vô thần thường nhận
xét tôn giáo có thái độ “mũ ni che tai”, đại khái là không có “tinh thần đấu
tranh”. Tôi cũng đã có lần bạo miệng hỏi một anh bạn cũ, nay là nhà sư, về đấu
tranh, với cái ý là có khi nào nhớ vợ nhớ con không, thì anh chỉ cười, nói trong Phật không có đấu tranh.
Trí tuệ và sự hiểu biết của tôi
quá mỏng để có thể hiểu được sự huyền diệu của vô ngã vô thường, nhưng trong lờ
mờ nhận thức, một cách mông muội và thô thiển, thì biết đâu, đấu tranh
lại chính là khởi nguồn của lòng dục và kiếp nạn, là căn nguyên của tội lỗi và
tội ác?
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ