Miền hành khất.
Sáng nào cũng ngồi ở đây, quán cà phê này, ngóng ra phía lộ mong có dịp nhìn thấy các tỳ kheo bưng y bát nhón chân chậm rãi ngang qua, nhưng chưa một lần, dù chỉ với tầm mắt qua mấy dãy nhà cao tầng là đụng ngay tháp chùa chót vót vàng rựng. Hỏi Lộc, từng là lục cả nhiều năm, nay là biên dịch viên tiếng Khmer, Lộc chỉ cười.
Lộc có thâm niên tu tập khá lâu, tuổi đạo với tuổi đời chẳng chênh nhau là mấy, đã được cấp giáo chỉ tấn phong lên hàng lục cả-sư cả, một phẩm vị được cộng đồng Khmer tôn
kính. Thế nhưng Lộc vẫn nợ câu hỏi về hành khất-đi bình bát. Và vì sao chư tăng
không được phép đội mũ, đi dép trong khi khất thực cũng như trong sinh hoạt. Lộc
chưa trả lời không phải Lộc không biết mà Lộc muốn tôi, một người “ngoại đạo”,
tự trả lời và tự thấy trách nhiệm phải trả lời.
Có thể vì phố phường hiếm một
bóng cây, đường tráng nhựa bỏng rát nên sư khất thực hiếm dần? Còn một lý do
nữa. Ấy là thành phố này không phải nơi có đông bà con Khmer sinh sống, càng không phải cái nôi của phật giáo Nam Tông. Cư dân nơi đây
khắp nơi đổ về, nhiều người không phải tín đồ phật giáo Tiểu thừa nên chắc chắn sẽ thờ ơ với
y bát đi qua. Với nữa, chốn thị thành suốt ngày cửa đóng
then cài, nơi mà một cử chỉ bất thường sẵn sàng bị săm soi dưới ánh mắt ngờ
vực; bọn bất lương đội lốt chư tăng mặc sức tung hoành, thì làm gì còn chỗ
cho khất thực của bậc chân tu?
Hai hoạt động chính của các chư
tăng là khất thực (xin vật thực của người đời để nuôi thân) và khất pháp (xin pháp của Phật
để nuôi tâm). Khất thực
là chính sách thực hành giáo pháp. Các thầy tỳ kheo phải giữ tâm bình
đẳng mà đi khất thực từng nhà, bất kể giầu nghèo sang hèn; ai cho gì ăn nấy,
không phân biệt ngon dở, chay mặn, ít nhiều. Làm như thế mới giữ đúng Pháp Khất
thực, hợp với nguyên lý Trung đạo để không xa vào thái cực: sung sướng thái quá
và khổ hạnh thái quá.
Lộc nói bây giờ ở các thành phố,
thí chủ đến phát tâm cúng dường tại chùa. Không đi khất thực nữa.
Một nỗi lo mơ hồ, xa xăm: Không
đi khất thực vì đã có thiện nam tín nữ đến tịnh xá “để bát” và lo tứ sự cúng
dường, thì liệu chư tăng, chư ni còn biết đến cái rát bỏng dưới chân trần, cái
hầm hập trên đỉnh đầu buổi hạ lúc ban trưa để mà cứu khổ chúng sanh?
Còn ngay lúc này đây, bên ly cà
phê rất thực, rất đời này, vẫn thấy thiêu thiếu một hình ảnh, một “thiết chế”
tạo dựng nên đặc trưng văn hóa miền Tây. Thật tiếc!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ