Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Chuyện vui nghề báo nói.

Chuyện đọc.
Làm phát thanh phải biết cách trình bày trước micro để chuyển tải bài viết tới thính giả. Không biết mọi người thế nào chứ mình gian nan việc này lắm! Kiểm soát được nhịp thở đã khó, đọc đúng, đọc hay còn khó bội phần. Sau này có người khen sao đọc hay thế. He he, mình khoái, mặt vênh, nhưng vờ khiêm tốn, tặc lưỡi, nói có gì đâu, tập rồi quen ấy mà. Đợi cho người ta nài hỏi thêm lần nữa, mình mới kể. Hồi mới vào đài, mỗi tối, tới Chương trình Văn nghệ, mình lại nằm lẩm nhẩm đọc theo các phát thanh viên (PTV) trứ danh như Hoàng Yến, Hà Phương, Việt Hùng, Kim Cúc... Nghe đến đây, Minh Phú (VOV2) cười khực khực, nói sao mà khổ thế! Mình biết thừa tay này đang hình dung một thằng gầy tong, quần đùi may ô nằm trên giường, chân vắt chữ ngũ, gối đầu bằng hai tay, mắt chăm chú nhìn lên trần, mồm lầm bầm đọc theo, lại còn cố nhấn nhá diễn cảm như PTV Hà Phương nữa chứ.

Nói về “tai nạn” thì đọc trực tiếp “dính” nhiều nhất! Cái này hỏi PTV có mà cả kho, mình chỉ hóng hớt vài chuyện.

Có bữa đang đọc trực tiếp thì chiếc cần micro, với hệ thống tay đòn và lò xo loằng ngoằng, từ từ nâng dần độ cao. Không dám vít xuống vì sợ phát ra tiếng động, PTV Việt Hùng đành phải từ từ đứng dậy theo trong khi miệng vẫn “bám chặt” vào míc, mắt vẫn nhìn văn bản. May sao đến đúng tầm đứng cao hết cỡ thì chiếc micro dừng lại. Hú vía! Cũng may chú Hùng cao gần 1m8 nên xử lý sự cố này ngon ơ.

Lẽ ra đọc “Ngôi nhà đẹp như một chiếc vi-la” thì PTV Vân Anh lại đọc thành “Ngôi nhà đẹp như một chiếc va-li”?! Không biết có bịa không nhưng một bận, vì văn bản đánh máy không dấu, lại không chuẩn bị trước nên vào phòng thu, từ câu: “Đạo Phật và Đạo Cao Đài”, người đọc lúng túng “sáng tác” thành “dao phát và dao cạo dài”?!

Đọc bản tin sáng sớm rất buồn ngủ nên có lần Mạnh Thắng (VOV1) đọc “nước ổi đóng hộp xuất khẩu” thành “nước ối đóng hộp xuất khẩu”?! Thính giả nghe chắc giật bắn vì công nghệ chế biến…“phụ sản” của Việt Nam. Cũng may tây không biết tiếng Việt!

Một diễn viên kịch truyền thanh thể hiện cảnh nhân vật bực dọc hét toáng lên:“Chúng ta phải dạy sao cho thầy ra thầy, trò ra trò chứ không thể…không thể…”, thì lại thành:“Chúng ta phải dạy sao cho thầy ra trò, thò ra chầy chứ không thể…không thể…”. Bây giờ thì câu này phổ biến rồi nhưng đồ rằng nó có nguồn gốc từ mấy diễn viên ở Đài. Chính vì thế, hồi ở Sơn La, có lần phải trịnh trọng xướng tên cụ Lò Văn Xôn (nhà cách mạng lão thành người Thái) mình phải lấy bút đỏ gạch từng chữ. Nói lộn phát chết liền! Hè hè.

Chuyện viết.
Chuyến tác nghiệp đầu tiên ở Đài mình được đi cùng chị Thủy (VOV2). Đêm đó, Trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức văn nghệ để phát động một chiến dịch gì không nhớ nữa. Cuối giờ, chị Thủy bảo đi cùng. Mình vừa háo hức vừa hồi hộp. Giữa đường, chị Thủy dừng xe, vẻ mặt nghiêm trọng, nói chị em mình phải làm tường thuật trực tiếp sự kiện này. Mình vâng vâng dạ dạ nhưng đầu óc rối bời, mồ hôi túa ra, có hai chị em với cái máy ghi âm thì trực tiếp kiểu gì đây?

Đến trường một lúc thì buổi biểu diễn bắt đầu. Chiếc máy ghi âm Marrant mà lúc đi trưởng phòng trịnh trọng trao cho kèm câu “2000 đô đấy” được mình khoác chéo qua vai, chắc lắm, không mất được. Thực hiện đúng yêu cầu của chị Thủy, mình bắt đầu tác nghiệp: Một tay cầm míc, tay kia điều chỉnh mức thu, mình nói: A lô! Một hai ba bốn…chúng tôi đang thử máy. Một… một…hai. Tốt rồi! A lô a lô…ô…ô. Chúng tôi đang có mặt ở sân Trường ĐH Giao thông vận tải…A lô A lô…

Trời tối, một vài sinh viên đứng bên cạnh hết nhòm vào mặt mình lại cúi xuống ngó cái máy ghi âm đèn sáng xanh lè, kim đồng hồ quật qua quật lại. Ghê! Mình nhón chân, ưỡn ngực, hướng lên sân khấu, lại nói a lô.. a lô…

He he! Nhiều chuyện hay lắm! Thôi để dành tới Ngày thành lập Đài 7/9 kể.

Ngô Thiệu Phong.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Không phải cháu!

Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào báo chí lại khui ra vụ “cây lêu” và đi “ăn dỗ” đúng vào dịp kỷ niệm Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6. Tôi đang nói tới cái vụ viết sai chính tả trong Vở luyện tập Tiếng Việt 1 của NXB Đà Nẵng. Tập vở này do NXB Đà Nẵng cấp phép, bà Đặng Thị Lanh là tác giả và in tại Hà Nội.

Sự chểnh mảng và vô trách nhiệm với “tương lai con em chúng ta” rõ mười mươi nên báo chí truy trách nhiệm. Bộ GD-ĐT khẳng định: Sách tham khảo, tớ vô can; nhà in nói: Đúng quy trình; tác giả - nguyên Vụ phó Vụ GD tiểu học, Bộ GD&ĐT - bảo bản gốc không sai… Hỏi bản gốc đâu thì…chẳng ai biết. Lạ!

Nếu theo dõi giáo dục hẳn mọi người đã biết tới PGS-TS Đặng Thị Lanh với các bài tranh luận về dạy chữ e trước hay a trước trong SGK Tiếng Việt 1 do bà chủ biên hồi đầu những năm 2000. E trước hay A trước thì cũng chẳng quan trọng vì bộ sách trên sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó khi mà Bộ GD-ĐT loan báo đến 2015 sẽ thay đổi căn bản về chương trình và SGK. Thế nhưng vụ “cây lêu” thì khó chấp nhận. Và càng khó chịu hơn khi “sư nói sư phải vãi nói vãi hay.”

Vụ “cây lêu” này nhắc nhớ sự kiện ông Nguyễn Hải Châu, nguyên Vụ phó Vụ GD trung học, Bộ GD&ĐT chủ biên 8 bộ sách ôn tập thi tốt nghiệp, trong đó có cả các môn xã hội, cho dù ngành học của ông vụ phó là tự nhiên.

Thể nào rồi vụ “cây lêu” cũng sẽ âm thầm lùi vào dĩ vãng như sự kiện ông Châu đồng chủ biên 8 bộ sách ôn tập bởi vì cuối cùng thì chẳng ai có lỗi cả. Thế mới tài! Trên TV đang chiếu Tôn Ngộ Không phục vụ “tương lai”. Chắc có lẽ phải dùng tới cái kính chiếu yêu của con khỉ già này để xem nguồn cơn từ đâu.

Có người bảo kính chiếu yêu của lão Tôn chỉ nhận chân ra được quỷ dữ đội lốt người, còn với những sự việc như trên thì phải dùng kính chiếu yêu lợi ích.

Chẳng phải riêng vụ bà Lanh hay ông Châu mà ở nhiều vụ việc khác, người ta cần phải mượn danh để phục vụ cho đầu ra của kinh doanh.

Ở vụ ông Châu chủ biên 8 đầu sách thì cần nhớ thời điểm sự việc xảy ra (cách nay hơn 2 năm) ông Châu đang tại vị ở một bộ phận có trách nhiệm quản lý hoạt động chuyên môn trong hệ thống GD&ĐT. Ai chẳng biết chỗ ông Châu (Vụ Trung học phổ thông) là một trong hai đơn vị có quyền sinh quyền sát trong việc ra đề thi tốt nghiệp. Do đó, cái tên ông trên trang bìa sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn trong kinh doanh. Ở ta nhiều khi cứ “dọa ma” thế mà ối kẻ sợ. Chẳng biết ông Châu có được đồng nào không mà hồi đó báo chí “ném đá” ông ầm ầm. Khổ thân! Biết đâu vụ “cây lêu” của bà Lanh cũng thế? Ông, bà nhiều khi cũng chẳng biết mặt mũi sách, vở nó thế nào. Hay thật!

Đấy! Nhiều sự việc ở ta tựa hồ đi vào ngõ cụt, tưởng không thể giải thích, hóc búa chẳng kém Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu… nhưng nếu nhìn qua cái kính chiếu yêu lợi ích thì sáng rõ như ban ngày.

Ai có thể giải thích được vì sao một trường tiểu học lại bắt học sinh (vừa kết thúc) lớp 5 lại đi mua sách lớp 6, cho dù họ thừa biết năm sau, lứa học sinh này sẽ lên THCS và sang học trường khác? Mà thời điểm yêu cầu mua sách cũng rất nhạy cảm: trước khi công bố kết quả học tập.

Thôi, lại nghiến răng mua thôi! Rồi vài bữa nữa trường mới đề nghị phụ huynh mua sách lại nghiến răng phát nữa. Chẳng lẽ không mua? Biết đâu thầy, cô lại đánh giá “con mới nhập trường mà đã…keo.”

Khổ thế đấy! Cũng như bao vụ ì xèo khác khi truy tránh nhiệm thì các bên liên quan đều, “dạ, không phải cháu!”, chỉ “tương lai” của chúng ta và chính chúng ta là nạn nhân./.

Ngô Thiệu Phong