Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Tiếng rao

(VOV) - Tiếng rao của người Việt, nhất là ở Hà Nội, đặc trưng lắm! Nó không tào lao, khuếch trương, khoe mẽ, đánh bóng…

Giữa những năm 80, tôi chuyển từ Sài Gòn ra Bắc sống, đêm hè nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả thèm đến cồn cào một que kem. Giờ ăn uống chẳng thiết, mới hơn hai giờ sáng đã không ngủ được, nhớ quay quắt tiếng rao đêm.

Hồi nhỏ ở Đà Lạt, cũng tầm này nhìn ra ngoài chỉ thấy mù, nhưng độ tiếng nữa là có tiếng chân ngựa từ đầu dốc. Còn ở Sài Gòn, ngoài tiếng lóc cóc leng keng của xe thổ mộ chở hàng từ ngoại ô vào, còn thêm tiếng xích lô máy, cái âm thanh rất Sài Gòn, nghe như anh chàng tuổi dậy thì đang vỡ giọng. Sau tất cả những âm thanh ấy mới đến tiếng rao.

Trước đây, dọc phố Bà Triệu, trước cổng Đài TNVN có lão bán tào phớ rao rất ngộ. Lão nhấn trọng âm vào chữ “phớ”, còn “tào” thành âm câm nên nghe chỉ thấy mỗi PHỚ…Ớ…Ớ…Ớ. Ai không quen đố biết lão bán gì. Một hôm hỏi, ông ơi, sao không rao TÀO- PHỚ cho dễ nghe mà lại ú ớ như mất trộm vậy? Lão cười méo mó nói, một lần ốm, cố đẩy xe đi bán kiếm chút, sức yếu không rao nổi cứ thều thào, chữ TÀO mất tiêu chỉ còn chữ PHỚ, thấy rao vậy khỏe, đỡ nhọc, nên dần thành quen.

Lâu lắm không thấy, không biết lão còn đủ sức PHỚ… Ớ… Ớ… Ớ lên một tiếng hay chữ “phớ” cũng mất luôn như chữ “tào”; liệu lão còn dắt được cái xe đạp cà tàng ở con phố Bà Triệu một chiều mà hai vỉa hè kín những ô tô xe máy?

Cách đây hai chục năm, ai lông gà lông vịt bán đê được nâng đời thay vào đó là giấy vụn đồ điện hỏng bán đê. Tham gia đội quân lông gà lông vịt là những người ở Xuân Trường - Nam Định đổ về thành phố kiếm sống. Phần lớn họ chuyển sang đi xe đạp với lời rao cũng hiện đại hơn: đầu đài- quạt cháy- máy bơm/ ti vi- tủ lạnh- nồi cơm- đầu màn. Được tiếp cận với đồng nát ve chai văn minh như thế nên dần dà họ áp dụng công nghệ rao bằng máy.

Chẳng thể đem tiếng rao mồm mà thi đấu với tiếng còi xe, với sự ồn ào đang ngày một lần lướt của nhịp sống đô thị nên mới dùng máy, chứ tôi đồ rằng, nghe mãi cái âm thanh đơn điệu, vô hồn vô cảm như thế, bản thân họ cũng thấy đau đầu.

Trước những năm 80, Sài Gòn ồn ào nhưng vẫn thấy tiếng rao. Tôi ấn tượng nhất tiếng mì gõ rao đêm. Cái xe hủ tiếu tận đầu hẻm nhưng người bán luồn lách khắp các ngõ, gõ vào thanh tre tạo ra âm thanh lách cách nghe tươi, giòn, vang và đanh hơn tiếng mõ. Hôm nào nhịp gõ rời rạc hoặc không đều thì đích thị hôm ấy ế khách hoặc chú gõ gặp chuyện buồn.

Bây giờ nhiều khi người ta không rao nữa mà dí luôn mặt hàng vào mặt khách hoặc suồng sã đưa ra lời đề nghị. Việc bán mua đã nhắm tới đối tượng cụ thể để đạt hiệu quả cao hơn nhưng lại có cảm giác như bị ép buộc, bị quấy rầy. Tiếng rao bằng miệng, vì thế, vẫn có gì đó thanh tao, mềm mại và lịch lãm.

Tiếng rao của người Việt, nhất là ở Hà Nội, đặc trưng lắm! Nó không tào lao, khuếch trương, khoe mẽ, đánh bóng cho sản phẩm của mình như tôi đã từng nghe ở phố Tầu; nó dung dị, nhẹ nhàng, tuồng như một ký hiệu, cốt chỉ để gợi cho người ta chú ý đến một thứ cần bán cần mua nào đó chứ không hề có ý thúc dục hay khoa trương.

Một xã hội công nghiệp, văn minh thì siêu thị, mua bán qua mạng sẽ thế chỗ cho hàng quán rong. Phong cách mua bán mới với những chuẩn mực nhất định sẽ xuất hiện. Hàng rong và tiếng rao không còn đất, chắc chắn thế! Có lần, trên TV, thấy GS Vũ Quý lặn lội vào rừng thu tiếng chim hót, tôi đã nảy ra ý định làm một bộ sưu tập âm thanh tiếng rao, nhưng cứ lẫn lữa mãi trong khi cuộc sống đã cuốn phăng đi những tiếng rao tự hồi nào./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Lên và khao

Hắn, bạn tôi, chưa bao giờ mừng thế. Hắn bá vai tôi kéo về phía cổng, chân đi miệng nói, ông đi với tôi, tối nay mấy anh em mình nhậu chơi, tớ khao.

Vợ hắn đến bạn bè còn sợ, sao nay dễ tính thế nhỉ, cho hắn đi nhậu, lại còn khao. Biết tôi nghi ngờ, hắn nháy mắt tinh quái thì thầm, tối qua nộp thuế rồi, hoành tráng, lại còn nộp thêm cả giá trị gia tăng nữa, hôm nay vợ thưởng. Tôi cười phì nói, hóa ra ông cho tụi này nhậu cái vụ đêm qua của vợ chồng ông. Bố khỉ, đến lên giường cũng khao.

Nghĩ bụng ở xứ ta dễ khao thật. Lên nhà mới, lên xe hoa, lên bố lên mẹ lên ông lên bà… khao đã đành, vợ chồng hắn lên đỉnh còn khao tưng bừng thì hết biết. Chẳng trách người Việt được đánh giá là lạc quan nhất thế giới.

Tất nhiên mấy cái lên… đó khao hay không còn tùy tính nết và hoàn cảnh gia chủ. Song lên chức thì ở xứ ta hầu như ai cũng khao.

Chỗ tôi có ông mới trúng tổ trưởng dân phố, cái chức tí ti thế mà khao ầm ĩ mấy đêm liền. Bạn bè chưa được đánh chén, gặp nhất định sẽ hất hàm nói, thế nào, khao đi, rửa ghế đi chứ. Giả thử là người không thích bày vẽ rình rang mà gặp cảnh huống ấy cũng khó xử.

Lên chức có nghĩa là nhận nhiệm vụ cao hơn, khó khăn hơn, đòi hỏi phải nỗ lực và cống hiến nhiều hơn. Tóm lại là vất vả hơn, vậy hà cớ gì khao?

Hình như trong xã hội đã mặc định việc lên chức đồng nghĩa với lên xe xuống ngựa, tiền hô hậu ủng, quyền cao chức trọng, bổng lộc danh vọng đầy mình? Tức là nhiều người nhìn cái việc lên chức ở mặt quyền lực và quyền lợi chứ ít ai xem nó ở khía cạnh nghĩa vụ và trách nhiệm. Thế mới khao và đòi khao.

Nhưng tại sao lại có cái “hình như” và “mặc định” ấy trong xã hội? Cả đám bạn đang được nhậu nhờ vụ lên đỉnh của vợ chồng hắn nhao nhao tranh luận, chẳng ai nghe ai. Bất chợt hắn dằn mạnh chai rượu, mắt long lên sòng sọc nói, các ông chữ thầy giả thầy, có biết “tồn tại xã hội thế nào thì ý thức xã hội thế ấy” không? Cả hội xanh mắt, chắc hắn say.

Có ai lên chức mà bạn bè đến động viên chia sẻ, nói, anh ơi, phía trước là gian lao, là hy sinh gian khổ và đầy cạm bẫy; bảo trọng, chân cứng đá mềm… anh nhé! Có nói thế không ạ? Người ta chỉ nói thế với thanh niên lên đường (làm nghĩa vụ quân sự), còn lên chức á? Có mà hâm !

Ngô Thiệu Phong.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Rừng trả thù

Hơn chục người chết và bị thương trong vụ lật xe chở gỗ ở Nghệ An. Những người liên đới trong ngành kiểm lâm đang ra sức thanh minh mình vô can còn dân lành chết thảm vì sự trả thù của rừng.

Nhà văn Nguyên Ngọc có quá nửa đời người sống với núi rừng Tây Nguyên kể rằng, ngày trước, người Tây Nguyên trước khi chặt một cây trong rừng phải cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây. Chẳng biết vì tín ngưỡng vạn vật hữu linh hay tự cổ xưa người Tây Nguyên đã biết tới giá trị của rừng.

Còn ở Luang Prabang – Lào, mỗi sáng, sau khi dâng thức ăn cho sư hành khất, người Lào dành lại một ít xôi trong giỏ, đem về nhà, đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc cây để "cho cây ăn". Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây. Hai hành vi được thực hiện với thái độ thành kính và thiêng liêng.

Không chỉ “cho cây ăn”, ở nhiều vùng bên Lào, người dân còn phong sư cho các cây trong rừng. Dân làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải màu vàng buộc vào từng cây. Cây được buộc vải vàng cũng như người được khoác áo cà sa, được đánh thức tính Phật, được phong sư.

Có lẽ vì tôn trọng rừng, tôn trọng cây như thế nên trong cơn lốc tàn phá tự nhiên, quốc gia này vẫn còn gần nửa diện tích là rừng.

GS Tô Ngọc Thanh đã dành hầu hết thời gian của thập niên 60, 70, 80 với Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên. Ông kể rằng, luật và tín ngưỡng tôn giáo của người Thái trước đây quy định, bản nào cũng có hai khu rừng hoang dại mang tên rừng kiêng (đông căm) hay rừng ma (đông phi) và một khu rừng cấm chặt phá để bản tổ chức "Ngày hội hái măng" (Há nó pá hẳm).

Vì không ai dám chặt phá nên đã giữ được rừng nguyên sinh. Chẳng riêng gì người Thái, cả người Mông trên núi cao, người Khơ Mú, Kháng, La Hả... trong rừng sâu đều tự nguyện tuân theo luật Thái. Bởi đó là quyền lợi lâu dài của tất cả các dân tộc trong vùng.

Đừng đổ lỗi phá rừng cho dân bản địa. Họ là người hiểu hơn ai hết về sự trừng phạt của rừng và thực tế họ đang bị trừng phạt. Hôm nay, chỗ nào rừng còn nhiều cổ thụ thì chỗ đó là mó, là nguồn nước nuôi sống cả bản, là rừng thiêng… người dân quyết giữ. Họ giữ, cố giữ như cha ông tổ tiên họ từng làm. Nhưng liệu họ còn giữ được bao lâu?


Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Thi đua

Cuối năm, các bộ ban ngành chuẩn bị tổng kết, thể nào cũng có màn trao bằng khen, giấy khen rồi cờ khen. Người lên nhận xếp hàng dài, chen chúc, nhầm lẫn loạn xì ngậu, cười, bắt tay một cách vội vàng và chiếu lệ.

Có lần đang ngao ngán với màn trao tẻ nhạt này, tôi với sang anh Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT, nói anh ơi, riêng vụ này không thể họp trực tuyến được anh nhỉ. Anh Ngọc tít mắt: Sao không được? Thích ông bộ trưởng trao hoa tặng bằng khen tao photoshop phát được ngay, khó gì.

Ở ta có cái khen đáng giá nhưng phần đông là… “vô giá”. Tôi để ý thấy người ta có thể bán mọi thứ cho đồng nát nhưng chưa thấy bằng khen giấy khen và cờ thi đua. Nếu phải dọn phòng làm việc hẳn mọi người đã hơn một lần tần ngần trước chồng bằng khen.

Hoàn thành chức năng nhiệm vụ là trách nhiệm của người lao động, không việc gì phải khen. Nếu như làm quá tốt có nghĩa là sếp chưa khai thác hết khả năng của mình, tức là chưa biết dùng người. Và bản thân người được khen cũng đã ngồi nhầm vị trí. Vậy hà cớ gì phải khen?

Liệu cái bằng khen (như hiện nay) có thực sự khơi dậy tiềm năng để biến chúng thành khả năng thực của mỗi người? Tôi không tin, nhưng tôi tin đó là những “tín chỉ”, những giá trị tích lũy để bước lên những nấc thang thành tích cao hơn, từ đó mới mơ đến danh vọng. Thế nên người ta mới chành chọe nhau tranh giành tấm bằng khen để rồi một lúc nào đó lại do dự tần ngần chẳng biết xếp vào đâu.

Dân quê tôi hễ đi đâu về là vội vàng ra cái nồi đất trong vườn, tè một bãi rõ đầy xong đâu đấy mới thở phào làm việc khác. Đến bãi nước đái còn tiếc nhưng hễ nghe trên loa thôn phát rằng nhà hàng xóm công đức ủng hộ hơn một đồng là sôi sùng sục. Lạ !

Nhiều hôm, loa thôn ra rả xướng tên người quyên góp, và đương nhiên, ai chỉ nộp dăm ba chục không bao giờ có vinh dự lọt vào danh sách này. Người ta đã dùng cả hệ thống tuyên truyền để kích động thói hám danh bằng lối cổ động đầy mẹo mực, ganh đua kiểu làng xã.

Chẳng cứ làng quê, một khu tập thể giữa thủ đô, bảng thông báo ở tầng một viết tên những hộ chưa nộp tiền vệ sinh; tầng hai, một bảng khác viết tên ba em học sinh, hai em học sinh giỏi viết lên đầu, sau đó người viết cố tình xổ ngang một nét thật đậm để tách biệt với em học sinh tiên tiến phía dưới cùng.

Thi đua, biểu dương hay bêu riếu? Họ có biết cái vạch xổ ngang oan nghiệt kia đang giết chết một con người? Chẳng biết tầng ba còn biển gì nữa?

Đất nước đổi mới gần 30 năm, còn ai làm theo lối đánh kẻng ghi tên nữa đâu mà áp dụng kiểu thi đua khuyến khích cũ kỹ, phi lý và phản khoa học như vậy nhỉ?

Ngô Thiệu Phong.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Blog Ngô: Chuyện giao thông ở ta và ở… cạnh ta

(VOV) - Đôi khi sự vi phạm giao thông ở Việt Nam hồn nhiên và bị ép buộc một cách tức tưởi!

LTS: Nhà báo Ngô Thiệu Phong đang làm việc tại Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh là tác giả của phóng sự “Tiếng cối xay ngô và tiếng Kèn lá gọi bạn tình”, vừa đoạt Giải Đồng - Giải thưởng Phát thanh Quốc tế lần thứ 23 do Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Quốc tế (URTI) tổ chức. VOV online giới thiệu góc nhìn của anh.
Nếu hỏi 10 người nước ngoài từng đến Việt Nam rằng họ sợ cái gì nhất thì chắc 8 người trả lời sợ giao thông nhất.

Mỗi lần ngang qua Tràng Tiền, thấy người nước ngoài miệng nói tay chỉ giương máy ảnh chụp chụp cái ngã tư đặc người là tôi rất xấu hổ, có cảm giác như bị ai đó xúc phạm dẫu cho dạ bảo lòng rằng những bức ảnh ấy đang quảng bá cho “vẻ đẹp tiềm ẩn” và “điểm đến thân thiện”!

Cách đây mấy năm, một Giáo sư nổi tiếng người Mỹ sang nói chuyện với giáo viên và học sinh một số trường ĐH ở Việt Nam. May mắn tôi được ngồi cùng xe với vị GS. tên tuổi này từ khách sạn tới một trường ĐH. Trên đường đi, một chiếc xe rác màu xanh to đùng có chữ VÌ MÔI TRƯỜNG to tướng in bên hông cứ đấm còi choang choác đòi vượt. Ngồi trên xe đóng cửa kính mà vẫn cứ thấy toe toe dội vào tai, bực mình, anh lái xe chở chúng tôi thong thả hạ kính, thò tay trái ra ngoài, ngón trỏ và ngón giữa ngoắc vào nhau rồi uốn cong lên thành một hình rất tục. Từ lúc ấy xe sau tịt còi luôn.

Lần đầu đến Việt Nam, vị khách nước ngoài lạ lắm hỏi ký hiệu gì mà hay thế, xe sau hết còi luôn vậy. Tôi chẳng biết trả lời thế nào đành nói đó là ký hiệu trên xe có GS. Vị GS xúc động lắm nói sẽ phổ biến sáng kiến này khi về nước Mỹ.

Dân Tây sang Việt Nam phổ biến cho nhau một kinh nghiệm đi đường, đó là eye contact. Có nghĩa cứ nhìn vào mắt người tham gia giao thông hoặc làm sao để họ thấy mình là không bị đâm… chết. Tây thực dụng mà cũng thâm ghê! Ý nói ở Việt Nam đi đường không cần nhìn đường, nhìn đèn, nhìn biển báo… mà chỉ cần nhìn vào mắt. Quá đúng, vì bệnh “ngứa mắt” và tật “nhìn đểu” chỉ có ở ta.

Mấy năm gần đây người Việt giàu lên, ô tô đầy đường, ô tô xịn tiền tỷ không thiếu, nhưng thiếu chỗ để. Nhiều nơi ở thủ đô người ta cho xe đỗ lên vỉa hè. Thương cho cái vỉa hè hơn 3m nay phải cõng thêm chức năng mới. Thương người đi bộ bỗng dưng phải đi bộ dưới lòng đường. Đôi khi sự vi phạm giao thông ở Việt Nam hồn nhiên và bị ép buộc tức tưởi như thế.

Tôi có dịp được sang hai nước láng giềng là Malaysia và Philippines. Phố chính cũng tắc kinh nhưng không thấy tiếng còi. Một hôm đang lớ ngớ đứng ở một ngã tư vắng hoe thì một chiếc xe ô tô giảm tốc độ rồi đỗ xịch trước mặt, người lái xe hất đầu ra hiệu cho tôi qua đường, chờ tôi qua hết vạch sang đường xe mới đi tiếp cho dù chẳng có đèn tín hiệu, chẳng có cảnh sát. Văn minh!

Philippines cũng tắc đường nhưng tiếng còi xe rất ít. Cũng giống như ở Malaysia, xe đi trong thành phố với tốc độ khá cao nhưng chỉ cần giơ tay làm dấu sang đường là xe dừng.

Cảnh sát Philippines điều hành giao thông không phải bằng gậy, bằng dùi cui mà bằng một chiếc găng tay da to, màu trắng, có vạch sơn phản quang, tựa như găng của mấy anh chơi bóng chày; bên hông không đeo súng và còng số 8 mà thay vào đó là túi cứu thương. Ngắm họ điều hành giao thông thấy thân thiện chứ không thấy… sợ. Có mấy ngày ở Manila nên chưa thấy đua xe. Chẳng biết họ có sáng kiến gì hơn việc dùng lưới như ở ta không?!/.

Ngô Thiệu Phong