Tiếng rao
(VOV) - Tiếng rao của người Việt, nhất là ở Hà Nội, đặc trưng lắm! Nó không tào lao, khuếch trương, khoe mẽ, đánh bóng…
Giữa những năm 80, tôi chuyển từ Sài Gòn ra Bắc sống, đêm hè nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả thèm đến cồn cào một que kem. Giờ ăn uống chẳng thiết, mới hơn hai giờ sáng đã không ngủ được, nhớ quay quắt tiếng rao đêm.
Hồi nhỏ ở Đà Lạt, cũng tầm này nhìn ra ngoài chỉ thấy mù, nhưng độ tiếng nữa là có tiếng chân ngựa từ đầu dốc. Còn ở Sài Gòn, ngoài tiếng lóc cóc leng keng của xe thổ mộ chở hàng từ ngoại ô vào, còn thêm tiếng xích lô máy, cái âm thanh rất Sài Gòn, nghe như anh chàng tuổi dậy thì đang vỡ giọng. Sau tất cả những âm thanh ấy mới đến tiếng rao.
Trước đây, dọc phố Bà Triệu, trước cổng Đài TNVN có lão bán tào phớ rao rất ngộ. Lão nhấn trọng âm vào chữ “phớ”, còn “tào” thành âm câm nên nghe chỉ thấy mỗi PHỚ…Ớ…Ớ…Ớ. Ai không quen đố biết lão bán gì. Một hôm hỏi, ông ơi, sao không rao TÀO- PHỚ cho dễ nghe mà lại ú ớ như mất trộm vậy? Lão cười méo mó nói, một lần ốm, cố đẩy xe đi bán kiếm chút, sức yếu không rao nổi cứ thều thào, chữ TÀO mất tiêu chỉ còn chữ PHỚ, thấy rao vậy khỏe, đỡ nhọc, nên dần thành quen.
Lâu lắm không thấy, không biết lão còn đủ sức PHỚ… Ớ… Ớ… Ớ lên một tiếng hay chữ “phớ” cũng mất luôn như chữ “tào”; liệu lão còn dắt được cái xe đạp cà tàng ở con phố Bà Triệu một chiều mà hai vỉa hè kín những ô tô xe máy?
Cách đây hai chục năm, ai lông gà lông vịt bán đê được nâng đời thay vào đó là giấy vụn đồ điện hỏng bán đê. Tham gia đội quân lông gà lông vịt là những người ở Xuân Trường - Nam Định đổ về thành phố kiếm sống. Phần lớn họ chuyển sang đi xe đạp với lời rao cũng hiện đại hơn: đầu đài- quạt cháy- máy bơm/ ti vi- tủ lạnh- nồi cơm- đầu màn. Được tiếp cận với đồng nát ve chai văn minh như thế nên dần dà họ áp dụng công nghệ rao bằng máy.
Chẳng thể đem tiếng rao mồm mà thi đấu với tiếng còi xe, với sự ồn ào đang ngày một lần lướt của nhịp sống đô thị nên mới dùng máy, chứ tôi đồ rằng, nghe mãi cái âm thanh đơn điệu, vô hồn vô cảm như thế, bản thân họ cũng thấy đau đầu.
Trước những năm 80, Sài Gòn ồn ào nhưng vẫn thấy tiếng rao. Tôi ấn tượng nhất tiếng mì gõ rao đêm. Cái xe hủ tiếu tận đầu hẻm nhưng người bán luồn lách khắp các ngõ, gõ vào thanh tre tạo ra âm thanh lách cách nghe tươi, giòn, vang và đanh hơn tiếng mõ. Hôm nào nhịp gõ rời rạc hoặc không đều thì đích thị hôm ấy ế khách hoặc chú gõ gặp chuyện buồn.
Bây giờ nhiều khi người ta không rao nữa mà dí luôn mặt hàng vào mặt khách hoặc suồng sã đưa ra lời đề nghị. Việc bán mua đã nhắm tới đối tượng cụ thể để đạt hiệu quả cao hơn nhưng lại có cảm giác như bị ép buộc, bị quấy rầy. Tiếng rao bằng miệng, vì thế, vẫn có gì đó thanh tao, mềm mại và lịch lãm.
Tiếng rao của người Việt, nhất là ở Hà Nội, đặc trưng lắm! Nó không tào lao, khuếch trương, khoe mẽ, đánh bóng cho sản phẩm của mình như tôi đã từng nghe ở phố Tầu; nó dung dị, nhẹ nhàng, tuồng như một ký hiệu, cốt chỉ để gợi cho người ta chú ý đến một thứ cần bán cần mua nào đó chứ không hề có ý thúc dục hay khoa trương.
Một xã hội công nghiệp, văn minh thì siêu thị, mua bán qua mạng sẽ thế chỗ cho hàng quán rong. Phong cách mua bán mới với những chuẩn mực nhất định sẽ xuất hiện. Hàng rong và tiếng rao không còn đất, chắc chắn thế! Có lần, trên TV, thấy GS Vũ Quý lặn lội vào rừng thu tiếng chim hót, tôi đã nảy ra ý định làm một bộ sưu tập âm thanh tiếng rao, nhưng cứ lẫn lữa mãi trong khi cuộc sống đã cuốn phăng đi những tiếng rao tự hồi nào./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ