Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Gian lận thi cử: Bố mẹ là thủ phạm, con là …nạn nhân!

Nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành.


Việc được (hoặc bị) nâng điểm (một cách gian dối) trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, thí sinh chắc đều biết. Có điều biết trước hoặc biết sau khi thi mà thôi!
 

1
Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó. Ảnh minh họa.


Trong số những học sinh đó nhiều em nhận được kết quả trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân. Có em vui, có em mừng pha chút hổ thẹn. Họ thầm cảm ơn bố mẹ? Họ trách móc cha mẹ đã làm một việc không đúng? Tâm trạng đó đều có thể xảy ra nhưng tất cả đều tặc lưỡi cho sự đã rồi. Chưa thấy trường hợp nào đứng lên tố cáo… mình?! Thế là bỗng dưng các em thành tòng phạm - thành kẻ dung túng và đồng lõa cho một việc làm sai trái của người lớn. Và dừng lại ở đó, giờ đây các em còn là nạn nhân. Cả thí sinh thi đỗ và những em gần đỗ trong kỳ thi vừa qua đều là nạn nhân.

Những học sinh học thực, thi thực nhưng không sức nào chọi lại với học tiền thi tiền thì buồn bã, chán nản; mất niềm tin ở chính nơi luôn dạy họ niềm tin và những điều tốt đẹp. Tương lai liệu đã khép cánh cửa hẹp trong khi các em còn cả cuộc đời phía trước?

Những sinh viên ngồi chưa ấm ghế dưới mái trường đại học thì sự việc vỡ lở, giờ chia tay các bạn trong sự xấu hổ, bẽ bàng, trở lại quê nhà cũng khó tránh khỏi những ánh mắt diễu cợt pha chút hả hê, thương hại. Ai trong số các em dám dũng cảm đứng lên, vượt qua cú ngã ngựa (có thể không mong muốn) này để tiếp tục dự thi vào kỳ thi tiếp theo, hay lại tiếp tục trượt dài theo vết xe đổ của chính mình và của cha mẹ? Các em còn cả một cuộc đời phía trước!

Không gì đau xót hơn trong phiên tòa mà thủ phạm-bị cáo là cha mẹ, là người thầy; còn nạn nhân (đồng thời cũng là tòng phạm) là con mình, là học sinh của chính mình! Tấn bi hài kịch đó đã làm vấy bẩn hình ảnh thiêng liêng, mô phạm, mực thước cần có của đạo học, nhất là với các nước Á Đông có truyền thống tôn sư như Việt Nam.

Học sâu học rộng, dạy cao siêu cỡ nào chưa biết nhưng nhà trường tiên tiến trên khắp hành tinh này đều dạy học sinh hai chữ TRUNG THỰC. Học chưa giỏi có nhiều nguyên do nhưng không thể chấp nhận thiếu trung thực trong trường học. Trung thực là cái gốc để làm NGƯỜI, là căn cốt để tạo nên sự LƯƠNG THIỆN.

Rồi đây cuộc cách mạng KH-KT và công nghệ có thể lên đến 4 chấm, 5 chấm nhưng sự lương thiện mãi mãi là vốn quý của sản phẩm NGƯỜI trong tương lai, ở mọi nơi, trong mọi thể chế chính trị. Không có lương thiện thì càng nhiều chấm càng nhanh dẫn loài người tới chỗ diệt vong!

Ấy vậy mà một số thầy cô, cha mẹ, một số người có chức có quyền đã phỉ báng vào sự trung thực khi trâng tráo nâng điểm cho học sinh. Sự việc đó diễn ra có thể trước mắt, có thể sau lưng thí sinh, nhưng diễn ra ở thời điểm các em đang ngập ngừng và bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một vết đen theo suốt cuộc đời các em.
 
Tại sao phần lớn thí sinh được hoặc bị nâng điểm lại theo học quân đội, công an? Câu trả lời ai cũng biết: Những trường này được “bao cấp” tận răng; khả năng thải loại trong quá trình học không nhiều; ra trường được sắp xếp việc làm, ít phải cạnh tranh thi thố như các ngành nghề khác. Những bậc cha mẹ có tiền, có quyền thật giỏi toan tính khi chấp nhận bỏ ra tiền tỉ để “đầu tư” một lần, cho tương lai con mình, trong một cuộc thi. Một cái giá quá hời?

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh hôm nay vẫn quyết “ôm ấp bao bọc” và giành quyền tự quyết tương lai con mình kể cả khi chúng đã trưởng thành. Một vài trường hợp cá biệt làm theo lối đó có thể công thành danh toại theo quan niệm của người Việt, nhưng tôi tin bất hạnh sẽ nhiều hơn khi một thế hệ tem phiếu, đánh máy chữ, viết thư tay..., lại đi thay đôi chân, nghĩ thay cái đầu của 9X trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và công dân toàn cầu.

Bất hạnh không chỉ cho các cháu mà bất hạnh cho cả cộng đồng - nơi các cháu sống tầm gửi trong đó, vì với phẩm chất ấy, các cháu chỉ tác oai tác quái thay cho những ý tưởng cải tạo xã hội để ngày một tốt đẹp hơn.
Thứ hai, việc gian dối trong kỳ thi vừa qua cũng lưu ý ngành giáo dục nên xem xét cách tuyển sinh.

Anh đi mua vàng 9999 ở cửa hàng A, khi đến cửa hàng B bán, bảo 9999 thì họ không bao giờ tin mà phải thử lại.  Anh nội soi ở bệnh viện A, nếu muốn khám hiệu quả ở bệnh viện B thì họ vẫn khuyến cáo anh nội soi lại.

Việc công nhận kết quả của nhau chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh sự nghiêm túc và chất lượng thiếu đồng nhất và rất xôi đỗ như ở Việt Nam.

Không phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục trong việc giảm bớt gánh nặng cho nhà trường và thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh nhưng nên chăng hãy lấy mục đích của thi cử làm chính để xây dựng phương án thi cử. Một công việc có hiệu quả khi nó đạt được mục đích. Nếu không, dù kỳ thi luôn được đánh giá là “nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc, tiết kiệm” thì cũng chẳng có giá trị và nghĩa lý gì!   

Tháng ba, Tây Bắc đến mùa ban nở rồi anh ạ!

 Tây Bắc bạt ngàn hoa dã quỳ, hoa tớ dày, hoa mận, hoa đào... nhưng hoa ban vẫn được coi là biểu tượng.

Người Tây Bắc trước đây thường phát nương khi hoa nở và tra hạt lúc hoa tàn. Năm nào hoa ban nở trắng rừng là năm đó mưa thuận gió hoà. Hoa ban không chỉ là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thuỷ mà còn là chỉ dấu báo hiệu vụ mùa bội thu, là “tờ lịch” mẹ thiên nhiên trao tặng bà con thiểu số chúng em nơi này.

Là loài hoa đẹp nhưng ban không đỏng đảnh kiêu kỳ. Hoa ban có sức sống mãnh liệt! Đất cằn cỗi sỏi đá cỡ nào ban cũng mọc được, mưa dầm nắng hạn cỡ nào ban cũng chịu được. Để tránh sạt lở vùng duyên hải có sú, vẹt, bần, mắm... thì Tây Bắc có ban. Ban có bộ rễ chắc khoẻ bấu chặt vào vách núi dựng đứng, hiên ngang vững vàng đứng đó giữ đất, giữ nước, giữ những hạt đất màu quý báu cho bà con chúng em.

Tháng ba, Tây Bắc đến mùa ban nở rồi anh ạ!

Anh đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều kỳ hoa dị thảo nhưng em tin về độ đậm đà thì nhiều loại rau củ quả ở miền núi Tây Bắc có phần hơn. Sở dĩ có sự khác nhau một phần do mảnh đất quê em mà các anh cầu kỳ gọi là thổ nhưỡng đấy! Đất Tây Bắc chưa bạc màu, chưa bị các loại thuốc hoá học và phân vô cơ làm chai đất. Những lớp thực bì được cây rừng gom góp trong hốc đá hốc đất hàng trăm năm có nguồn dinh dưỡng quý giá giúp hạt thóc nương, bắp ngô nương và rau quả vùng này ăn một lần là nhớ.

Trong đóng góp ấy có công của cây ban. Nó kiên cường đứng đó giữ lớp màu, giữ mạch nước ngầm cho đất để tạo nên hương vị ngọt ngào hôm nay.



Hoa ban xưa nở trắng rừng chứ hôm nay anh lên đã vơi đi ít nhiều. Gỗ cây ban không tốt, củi cây ban thì khói, song nó vẫn bị cuốn phăng đi trong tiếng trống tiếng chiêng của phong trào khai hoang năm nào, kể cả khi ông bà chúng em nơi này vẫn biết hoa của nó là thứ có thể làm no bụng lúc mất mùa hay khi giáp hạt.

Giờ người ta nhân giống và trồng ban ở dọc một vài đoạn đường Tây Bắc. Cũng rất tốt! Du khách không cần phóng tầm mắt tìm ban nữa mà chúng ngay bên cạnh mình, thoả sức “check-in”.

Vài người bảo hoa ban phải ở trong rừng mới đẹp, mới thấy sự nổi bật của nó giữa ngút ngàn rừng xanh. Em thấy ý kiến hơi cực đoan! Chắc chỉ vì luyến tiếc sự tồn tại của cây ban ở đại ngàn Tây Bắc từ ngàn năm, rồi mai một, nay xuất hiện như đồng phục trên đường mà nói vậy thôi. Trồng được thế cũng quá tốt rồi! Như áo cóm váy nhung e ấp thấp thoáng bên cầu thang nhà sàn hay trên đường nhựa thì cũng đều đẹp cả thôi anh nhỉ. Giờ mỏi mắt mới thấy bóng váy Mông dọc đường quốc lộ, sợ ít bữa nữa cũng chả còn.

Anh tìm cho em một loài hoa, loài cây nào đó dưới xuôi để ví với cây ban đi! Có loại cây nào sẵn sàng chút sạch sành sanh lá xánh lộc nõn trên mình, chắt chiu dành dụm chút nhựa sống ít ỏi nơi đất cằn để cựa mình rực rỡ đơm hoa cho đời như cây ban không, anh nhỉ?

Tháng ba, Tây Bắc, mùa ban nở rồi anh ạ!/. 


Phương pháp… khen

Khen cũng là một phương dạy học. Chúng ta nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học nhưng đơn giản nhất là lời khen lại ít người để tâm.



Xét cho cùng thì khen cũng là khoa học đánh giá. Điểm nghiêng về định lượng, còn khen hoặc phê bình thiên về định tính. Trong khi đó, với cấp học dưới, khoa học đánh giá lại nghiêng về định tính hơn định lượng. Do đó, lời khen tiếng chê đặc biệt có ý nghĩa đối với các cháu mầm non, học sinh tiểu học và THCS.

Phát phiếu bé ngoan là một hình thức biểu dương, là vật chất hóa lời khen của cô sau một ngày sinh hoạt trên lớp. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường, tình trạng phát phiếu bé ngoan một cách dễ dãi, thiếu chọn lọc và cân nhắc đang diễn ra phổ biến. Một chuyên gia GD ở nhóm Cánh Buồm kể, tan lớp, một bà mẹ hỏi: Con hôm nay không được phiếu bé ngoan à? Thế là cháu vội chạy vào xin cô một chiếc rồi chạy ra dúi vào tay mẹ. Cô giáo hồn nhiên cười rạng rỡ vì vừa có một cử chỉ ban phát làm vui lòng… phụ huynh.

Vẫn biết lứa tuổi mầm non thì nên khen nhiều hơn chê, nhưng khen có chừng mực thì học sinh mới cảm thấy trân trọng lời khen và phần thưởng bé ngoan. Chỉ khi nào học sinh thấy quý tấm phiếu bé ngoan, các em mới hiểu rõ vì sao cô khen mình. Và chỉ khi ấy, các em mới nhớ và lặp lại những thao tác (mà cô đã nhận xét là tốt) trong buổi học hôm sau. Và lúc đó tấm phiếu bé ngoan mới thực sự phát huy giá trị. Hay nói cách khác, khi đó, tấm phiếu bé ngoan mới làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.

Cách khen học trò là một kỹ năng đòi hỏi cha mẹ cũng như giáo viên phải am hiểu tâm lý lứa tuổi cũng như phương pháp sư phạm. Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”. Lời khen tương tự như vậy. Khen bằng cái gì (tức là phần thưởng vật chất) không quan trọng bằng cách khen như thế nào.

Hiện nay lời khen có phần đơn điệu và nhàm chán. Ở trên lớp, giáo viên hầu như lặp đi lặp lại câu: Cảm ơn em. Em đã trả lời đúng; em có tinh thần xung phong nhưng câu trả lời chưa đúng; em làm rất tốt, cả lớp cho một tràng pháo tay... Cách khen như thế không sai nhưng xem ra nó vẫn chưa phát huy tối đa tác dụng của lời khen. TS Nguyễn Thành Nam ở nhóm Cánh Buồm tâm sự: Cách khen như thế nào để học sinh biết rằng, giáo viên và phụ huynh quan tâm tới cả quá trình thực hiện công việc, chứ không hẳn chỉ vì kết quả cuối cùng. Chẳng hạn như thấy một học sinh mầm non xếp được căn nhà thật cao, thay vì khen, “con giỏi quá”, giáo viên hay phụ huynh có thể ngạc nhiên, reo lên: Con làm thế nào mà xếp được cái cột cao như thế này? Đấy cũng là một lời khen. Khen như thế các cháu sẽ phấn khởi hơn. Và quan trọng là, các cháu biết người lớn đã bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện công việc của mình. Khi đó, mọi thao tác để thực hiện công việc, dù đơn giản hay phức tạp, một lần nữa lại được tái hiện, giúp trẻ hiểu bài sâu hơn. Đây cũng là cơ hội để xem xét khả năng thuyết minh của trẻ, đồng thời hướng dẫn các em mở rộng phương án giải quyết vấn đề, rèn tư duy mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo.

Không chỉ cách khen, thái độ khi khen hoặc chê học sinh cũng vô cùng quan trọng. Bằng trực giác, học sinh, dù ở mầm non, dễ dàng phát hiện ra những lời khen hời hợt, chiếu lệ. Khen không thực lòng dễ tạo tâm lý háo danh, hư danh, ảo tưởng; chê không đúng, không chừng mực, dễ đẩy học sinh vào trạng thái tâm lý bất cần.

Dạy học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học rất khó. Cái khó không hẳn ở nội dung bài học mà ở cách dạy. Dạy học sinh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Phụ huynh đôi khi cũng không hiểu hết phương pháp dạy con. Chẳng hạn cháu chơi ngoan một mình thì bố mẹ mải mê làm việc khác. Đến khi quấy khóc thì vồ vập chạy lại cưng nựng. Lúc cháu nín lại bỏ đi tiếp tục với công việc của mình. Làm thế khác nào khuyến khích cháu không ngoan. Vô tình phụ huynh đã giúp con hình thành phản xạ có điều kiện về sự ngoan và hư. Nghĩa là chỉ quấy khóc mới nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Có bà mẹ muốn con ăn no, bèn bảo, “ăn nốt miếng này, không mai mẹ cho đi lớp?!” Nói như thế, vô hình trung, chính mẹ cũng ngầm coi việc đến trường như một hình phạt. Trẻ nuốt nốt miếng cơm đồng thời “nuốt” vào trong lòng ý tứ của người mẹ, rằng: Đến trường là một cái gì đó khổ sở. Cháu bé đã ăn, nhưng từ nay trở đi, trong suy nghĩ của nó, đi học không còn là niềm vui nữa.

GS Hồ Ngọc Đại có lần nói: Dạy trẻ con khó lắm! Đừng căn cứ vào quy định tốt nghiệp trung cấp sư phạm là dạy được mà đánh giá thấp vai trò người thầy ở tiểu học. Cho tới hôm nay, khi giáo dục đã hoàn thành một số mục tiêu phổ cập, lượng học sinh tiểu học đã giảm đáng kể, có lẽ chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo giáo viên tiểu học cũng nên xem lại./.

230 cái tát của những học trò "câm lặng", vì sao?

 230 học sinh không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình đã nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn hạn chế...

 


Hồi con gái lớn học Tiểu học, cháu được cô "biên chế" vào đội sao đỏ của nhà trường.

Trẻ con được giao nhiệm vụ thì thích lắm, thi thoảng được thầy cô xoa đầu khen lại càng phấn khích, hăng hái!

Về nhà cháu kể sao đỏ như thế này, sao đỏ như thế kia. Chả biết khuyên cháu thế nào, đành nói: - Thôi kệ các bạn! Đừng bắt các bạn làm gì!

Nó còn bé không thể hiểu được! Trong một xã hội còn đang vỡ vỏ thì đôi khi không làm một việc nào đó (tưởng đúng) có khi lại tốt.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế này. Các con đến trường để học, để vui chơi, các hoạt động liên quan suy cho cùng chỉ phục vụ cho giáo dục, còn những việc khác thì thôi.

Sao đỏ đứng ở cổng trường bắt bớ, rồi đi ngó nghiêng các lớp ghi sổ à? Thôi! Đừng biến các cháu thành những thanh tra Giave (Những người khốn khổ - Victo Huygo), đừng huấn luyện các cháu có cái nhìn nghi kỵ, săm soi, dò xét; và tệ hơn là trong đầu thường trực những suy nghĩ tăm tối về người khác, có xu hướng chỉ nhìn vào những hạn chế khuyết điểm mà không để ý tới những mảng sáng cho dù le lói.

Ở Việt Nam, "sao đỏ" còn lên tới tận đại học. Lúc này trí khôn của các em đã biết đấy là một hình thức mượn tay của nhà trường núp dưới các câu từ mỹ miều. Ai dám chắc những công dân đó sau này thành công bộc không áp dụng những điều đã học: Mượn xã hội đen tác oai tác quái dân lành theo kiểu ném đá giấu tay, dùng người này để hạ bệ hoặc tiêu diệt người kia?

Tôi cố bình tĩnh để không quy chụp nhưng không thể nói khác. Đã từ rất lâu tôi không hưởng ứng các trò "sao đỏ sao đen", bắt học sinh ghi sổ đầu bài, nhờ học sinh quản lý lớp để giáo viên đi đâu đó, cho học sinh cấp I đi học cầm súng, khuyến khích dùng hòm thư tố giác tội phạm...

Trong vụ học sinh bị phạt tát 231 cái, tôi cứ tự hỏi sao các con không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình? Sau đó tôi liên hệ lại với các trò kể trên thì à lên một tiếng. Đau xót!

Cũng phải nói thêm năng lực nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn hạn chế. Lối dạy một chiều và áp đặt đã thủ tiêu và dập tắt mọi phản ứng dù là tích cực của học trò. Cho dù đã có một số tiến bộ nhưng sự tôn trọng học sinh phần nhiều vẫn nằm trên giấy, bằng các biện pháp hành chính buộc giáo viên phải tuân thủ chứ trong thâm tâm nhiều giáo viên vẫn coi học trò là con nít, chúng nó phải nghe mình chứ mình không thèm nghe chúng nó.

Giáo viên được học trong trường sư phạm chả thiếu thứ gì, rất căn bản, tiên tiến, hội nhập…, nhưng nếu gõ vào Google từ khóa “những câu nói bất hủ của giáo viên”  chúng ta sẽ thấy 2/3 trong số “tuyên ngôn” đó rất sai về phương pháp sư phạm.

231 cái tát là hiện thực hóa của lối tư duy về giáo dục của Việt Nam. Những nơi nào chưa tát, không tát, hoặc tát vài cái, chắc là đang cấn cá, băn khoăn giữa văn minh và hoang dã. Thôi! Như thế cũng còn may!

Sự lột xác dang dở của giáo dục ở Việt Nam sẽ còn đem tới nhiều hệ lụy đau xót. Trên mạng đang chửi bới cô giáo 231 cái tát kia thậm tệ. Không oan! Nhưng theo tôi cô cũng là một nạn nhân!

Nạn nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rồi lúc đào tạo thành giáo viên và đáng chú ý nhất là khi đứng trên bục giảng. Cả một hệ thống chẳng chịt các tiêu chí thi đua đánh giá chằng chịt vào người giáo viên như mạng nhện. Nhà trường không chỉ chịu áp lực từ ngành dọc mà còn chịu sức ép từ chính quyền. Quan chức nào cũng muốn tiếng thơm cho nhiệm kỳ, thầy cô cũng muốn danh hiệu dạy tốt, lớp có tỷ lệ đỗ cao, đạt giáo viên dạy giỏi… để còn hút học sinh về nhà dạy thêm.

Nghe đâu cô giáo của 231 cái tát đã bị khởi tố. Cũng là một hình thức răn đe nghiêm khắc ít nhiều có tác dụng đánh động nhưng nếu xét về lâu dài thì cũng chỉ như xức dầu gió trị ung thư mà thôi./.

'Chém' trên mạng: Chữ nghĩa là gươm đao, đau đớn lắm

Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng trong sự tương tác thiếu trách nhiệm, không chính danh đang khiến những thành viên trở nên hồ đồ.



Phùng Quán có bài thơ định mệnh "Lời mẹ dặn" với những câu:

"Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu".

Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ số 21, ngày 27/9/1957 đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh khốn khổ vì bị cho là “mang biểu tượng hai mặt”, với ý đồ xấu... Ông bị chửi bới nhiếc móc thậm tệ. Trên văn đàn, trong hừng hực khí thế đấu Nhân văn - Giai phẩm, Phùng Quán bị "đập" cho tơi bời.

Trong bối cảnh đó thì bài thơ "Lời mẹ dặn- Thật hay không?" ký tên Trúc Chi xuất hiện để đả phá, chụp mũ Phùng Quán:

"Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,

Nó yêu quân gái điếm cao bồi,

Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,

Yêu những người đáng ghét của muôn người.

Quen học thói gà đồng mèo mả,

Hóa ra thân chó mái chim mồi".

Đọc "Bạn văn" của Nguyễn Quang Lập về sự việc này mới thấy cái buồn, cái đau và tức giận của thi sỹ Phùng Quán! Suốt từ đó (1957) Phùng Quán đi khắp nơi khắp chốn tìm cái bút danh Trúc Chi kia, anh Lập hỏi để làm gì, Phùng Quán buồn buồn nói để xem mặt mũi thế nào thôi.

Sau ba chục năm đằng đẵng tìm kiếm cái tên Trúc Chi, có lúc tưởng như không còn hy vọng, tình cờ năm 1989 Phùng Quán có được tập thơ "Một đôi vần", trong đó có bài "Lời mẹ dặn-Thật hay không?" của Hoàng Văn Hoan, bút danh Trúc Chi (lúc này ông Hoan đang cư trú ở Trung Quốc). Gặp Nguyễn Quang Lập, Phùng Quán vuốt chòm râu bạc như cước, thở ra nhẹ nhõm, khẽ ngâm nga: "Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi... "

Mình không rành văn thơ, cũng không bàn quan điểm nọ kia, thi thoảng đọc bài nào tâm đắc thì nhớ đại ý, hiếm khi nhớ trọn vẹn, nhưng vừa rồi xảy ra mấy vụ cãi cọ nảy lửa trên mạng xã hội, bỗng dưng nhớ chủ đề này, càng thấy CHỮ NGHĨA ĐÚNG LÀ GƯƠM ĐAO, đau đớn lắm, chỉ người trong cuộc mới thấm, mạng ảo giờ thực hơn đời thực, còm một chữ cũng phải nghĩ, chẳng phải chuyện đùa!

Bố của cậu bé – nhân vật chính của vụ ồn ào trên mạng mới đây - có chát với tôi rằng anh chỉ lo cho cháu bé vì nó đã biết vào mạng. Tôi khuyên anh đưa gia đình đi nghỉ đâu đó xa xa, khuyên xong mới thấy ngớ ngẩn. Tránh sao được, cả thế giới này ngập tràn Internet!

Ném đá là một từ cực đắt và không thể thay thế để diễn tả hành vi đánh hôi trên mạng. Ở các quốc gia Hồi giáo, ném đá là một hình phạt. Hãy thử tưởng tượng kẻ phạm tội bị chôn dưới đất, chỉ thò cái đầu lên khỏi mặt đất, xung quanh dân tình bu vào ném đá cho tới chết thì thôi.

Dù tử tội được trùm bao bố lên đầu thì người ném đã cũng không khỏi run tay vì hình ảnh và âm thanh ghê rợn phát ra. Nhưng ném đá trên mạng thì không ai nghe thấy và nhìn thấy, cũng chẳng biết người ném là ai. Chính sự vô danh và vô hình này khiến người ta cư xử độc địa và vô cảm.

Đọc Thiện ác và smartphone của Đặng Hoàng Giang ta bắt gặp nhưng câu như thế này: “Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống như người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không ai nhìn thấy. Khi ẩn danh người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài”.

Những người sử dụng mạng xã hội, hỏi rằng đã hiểu biết tường tận về nó chưa thì tin rằng không ái dám chắc. Ngay cả những nghiên cứu nghiêm túc, bài bản về mạng xã hội hiện vẫn còn hụt hơi so với tốc độ phát triển kinh hoàng của nó.

Mạng xã hội giúp xã hội trở nên minh bạch, nhưng sự tương tác thiếu (hoặc không chịu) trách nhiệm, không chính danh (không có tên thật) vô hình trung làm cho thành viên của nó trở nên hồ đồ, thậm chí nhiều thành viên ngộ nhận là Robinhood hay Lục Vân Tiên của thời đại.

Like, comment làm cho ai cũng có cảm giác được trao quyền lực khiến nhiều người hả hê, mãn nguyện, tưởng mình đã làm được một việc có ích. Nhưng đáng tiếc là thông tin trên mạng xã hội thường thiếu tính xác thực và ít thể hiện bản chất nên nếu như cứ hồn nhiên lao vào cơn cuồng nộ tập thể để phán xét và thóa mạ một cách vội vàng sẽ gây hậu quả nặng nề.

Trở lại câu chuyện của thi sỹ Phùng Quán. Dù sau này Phùng Quán thoát khỏi cảnh rượu chịu, cá trộm, văn chui, nhưng những tổn thương tinh thần thì dai dẳng hơn nhiều. Nó khiến ông hơn 30 năm chỉ làm mỗi việc là tìm cho bằng ra người ấy, người viết ra những câu chữ cay độc, chỉ để nói với người ấy một câu, một câu thôi…

Thời thi sỹ Phùng Quán chỉ có vài ba tờ báo, sự việc cũng chỉ lẩn khuất trong giới văn nghệ mà còn làm cho thi sỹ đau như thế, thời mạng mẽo này những lời lẽ thóa mạ, chụp mũ, đánh hội đồng, lăng nhục tập thể kiểu như thế, nếu xảy ra, không biết sẽ kinh khủng như thế nào!/.

Con thuyền phân ban trôi về đâu ?

  


Thứ Năm, 23/08/2007, 00:00
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức sơ kết một năm thực hiện đổi mới chương trình THPT trong cả nước. Con thuyền phân ban đã được đẩy ra đại dương nhưng dường như nó đang trôi theo hướng mà ngành Giáo dục không kiểm soát nổi.

Năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đại trà chương trình, SGK lớp 11, thí điểm phân ban lớp cuối cùng - lớp 12. Trong hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình THPT mới cũng như trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2007-2008, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời những băn khoăn, lo lắng của các địa phương về phân ban. 

Việc học sinh, đặc biệt ở phía Bắc, dồn cả vào Ban Cơ bản, theo Bộ không có gì phải lo vì học sinh vẫn học tự chọn nâng cao một vài môn nào đó. Như thế là có phân hoá, đúng theo chủ trương phân ban. Lãnh đạo Vụ Trung học cũng động viên các trường vượt qua khó khăn vì đây là “thời kỳ quá độ” của phân ban. Bộ GD-ĐT, Viện Chiến lược và Chương trình GD cho rằng, việc cho ra đời Ban Cơ bản là sáng suốt, linh hoạt... 

Tuy nhiên, nếu ai theo dõi tiến trình phân ban thì hẳn thấy hình như Bộ đang “té nước theo mưa”. Bởi ai cũng biết Ban Cơ bản thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn”, khi mà các phương án phân ban của Bộ nêu ra trước đó đều bị từ chối. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan khi làm việc với TP Hồ Chí Minh về lĩnh vực giáo dục - đào tạo và thanh thiếu nhi từng nói: “Thực chất của Ban Cơ bản là không phân ban”. 

Vì thế, việc thành phố chủ trương cho các học sinh theo Ban Cơ bản tự chọn nâng cao các khối A, B, C, D nhưng vẫn giảng dạy theo SGK thuộc Ban Cơ bản có thể dẫn đến việc thực hiện sai lệch với chủ trương của Nhà nước là phân chia theo ba ban chính: Tự nhiên, Xã hội và Cơ bản. 

    

Thế nhưng, chủ trương này hiện phổ biến trong các trường THPT cả nước. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT năm học vừa qua số học sinh theo học Ban cơ bản gần 74%. Trong hội nghị sơ kết một năm đổi mới giáo dục THPT, nhiều tỉnh cũng khẳng định năm học 2007-2008 này sẽ chỉ duy trì một Ban Cơ bản. Sau đó cho các em học nâng cao các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ tương ứng với 4 khối thi A, B, C, D hiện nay. Ngoài việc học sinh chọn SGK nâng cao để học thì việc dạy các môn nâng cao này cũng được thực hiện thêm trong tiết học tự chọn. 
      

Học sinh phần đông đều chọn Ban Cơ bản với mục đích là học các môn không thi ĐH theo một chương trình không nặng và chọn SGK nâng cao các môn thi ĐH. Còn các trường cũng đều muốn dạy một Ban Cơ bản cho dễ điều hành.  Như vậy, trường THPT liệu có biến thành một cơ sở luyện thi ĐH công khai? Thực ra điều này đã được một số hiệu trưởng dự báo từ khi bắt đầu thí điểm phân ban.
      

Theo Báo cáo sơ kết một năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT: Phân ban đại trà có tác dụng chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, dự báo sẽ làm giảm tỷ lệ học sinh chọn con đường thi vào ĐH. Với những gì đang diễn ra thì người ta khó liên tưởng kết luận trên với thực tiễn. Phân ban thực ra đang bị chi phối bởi việc thi đại học. Nếu như năm học  2008-2009 chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất với 6 môn thi thì chưa biết số phận của phân ban ra sao.


Cho trẻ tham gia “Học kỳ quân đội”: Phản tác dụng?

 


VOV.VN - Học trò bây giờ học nhiều mụ mị cả người, hè đến lại vào các học kỳ quân đội.

Nhà trường ở Việt Nam cái cần thì không dạy và cái chưa cấp bách thì lại đổ đống lên đầu thày và trò, từ an toàn giao thông, HIV/AIDS tới chống tham nhũng... Chưa xác định rõ nội dung nào chính khoá, nội dung nào ngoại khoá; việc nào của nhà trường, việc nào của gia đình; kiến thức nào chỉ cần thiết kế như một trò chơi, một chủ đề thảo luận… nên mấy chục năm rồi xã hội kêu ca, giáo dục loay hoay mà quá tải vẫn hoàn quá tải. Nhiều học trò học ngày học đêm mụ mị cả người, có em học tới lớp 7 mà quả bưởi không biết bổ, nhìn ruộng mạ nói đồng cỏ, nhìn cây sắn bảo cây ngô.

Chính vì ngáo ngơ như thế nên cha mẹ sợ! Hè đến là tìm đủ các lớp dạy khôn cho con học như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thuyết trình và học kỳ quân đội.

Học sinh tham gia học kỳ quân đội (Ảnh: Hà Nội Mới)
Mấy năm gần đây học kỳ quân đội được mùa. Cứ gõ mấy chữ này lên Google là biết ngay.

Xưa, do bối cảnh thời chiến, nhu cầu mở các trường thiếu sinh quân là cần thiết chứ thời nay tập trung các cháu lại học vài ba bữa chẳng biết để làm gì?

Ngay cả việc được dạy dỗ bài bản như trong trường thiếu sinh quân, dưới góc nhìn giáo dục, cũng chỉ nên coi là nhiệm vụ ở một giai đoạn nhất định. Một đứa bé liệu có phát triển hoàn thiện về tâm hồn, tâm lý và tính cách khi tách chúng ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là gia đình?

Trong giáo dục, phương Tây coi trọng và khuyến khích giáo dục tại nhà (homeschooling) tức là trẻ em không đến trường mà tự học, cha mẹ giúp đỡ. Tỷ lệ home schooling ở Mỹ đang tăng lên hàng năm.

Nói vậy để thấy quan điểm đưa trẻ vào trường lớp, nhồi nhét đủ thứ vào đầu chúng.., đã tới lúc báo động. Nó đang tạo ra một làn sóng, một phong trào khiến cho học sinh và phụ huynh nhắm mắt nhắm mũi chạy theo trong khi mục tiêu và kết quả rất không rõ ràng.

Quân đội-kỷ luật sắt-chiến tranh là những điều loài người có lương tri không hề muốn. Cực chẳng đã mới phải cầm súng bắn vào đồng loại. Tôi không rõ các em được học cụ thể những gì ở học kỳ quân đội nhưng nếu bắt buộc yêu cầu phải biết dùng súng như trong hình ảnh (tràn lan trên mạng) thì rất không cần thiết.

Hướng dẫn trẻ nhỏ làm bất cứ điều gì có thể gây tổn thương tình cảm, nguy hiểm tính mạng người khác chưa bao giờ là sứ mệnh của một nền giáo dục nhân văn. Tôi thực sự lo sợ, và dù không muốn nhưng vẫn liên tưởng tới thói vô cảm, hung hãn, côn đồ…


Hồi còn làm phóng viên thường trú ở Tây Bắc, trong chuyến công tác tới Mai Châu – Hoà Bình, tôi gặp một đoàn học sinh của Úc đi dã ngoại (đi từ bản này qua bản khác). Các em tự kiếm (một phần) tiền cho chuyến đi. Khi đến Mai Châu, các em phải tự lên kế hoạch từng chặng đường, tự mang vác, tự giao tiếp với người bản địa, tự cắm trại nấu nướng, tự xử lý khi gặp khó khăn…, sau đó viết báo cáo từng chặng. Giáo viên (đi theo) chỉ quan sát và can thiệp khi thấy cần thiết. Đấy là cách người ta dạy cho học sinh tính kỷ luật, tính tự lập.

Giáo dục tính tự giác, tự lập và kỷ luật (nếu chưa có điều kiện như các nước) thì gia đình cũng có thể dạy được hà cớ gì cứ phải trao vào tay quân đội, dùng tới kỷ luật sắt? Vả lại, tuổi của các em không nhất thiết đúng 5 giờ sáng trời còn chưa tỏ mặt người, còi thổi toe toe là phải vùng dậy chạy ra sân hô một - hai - một - hai, cũng không cần cầu kỳ phải gập chăn chiếu vuông như cục gạch.

Hiện nay, sẽ bổ ích nếu giúp học sinh hiểu biết thêm công việc, đời sống của người lính để làm phong phú thêm kiến thức xã hội cho các em. Nhưng dạy tập làm người lính từ lúc quá nhỏ thì thành chuyện khác mất rồi. Quân đội là công việc nghiêm túc và hệ trọng của người trưởng thành, không thể tuỳ tiện dạy cho trẻ nhỏ./.