Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Xem "nhảy lửa" của Khắc Kiên

 Bài này (link) của Khắc Kiên, đồng nghiệp cũ của tôi ở VOV Tây Bắc.



Các bạn đọc đến dòng cuối cùng sẽ phát hiện ra một điều thú vị.
Đọc xong bài của Kiên, tôi nghiệm ra loài người chúng ta mang tiếng khôn ngoan giỏi giang nhưng phần lớn tri thức có được là học từ tự nhiên.
Có một loài sóc -tên quên mất rồi- cứ đến mùa động dục là con cái "thử tài" mấy con đực bằng cách vờ e thẹn bỏ chạy thục mạng để con đực đuổi theo. Con cuối cùng đủ sức bắt kịp mới xứng đáng được ăn trái cấm
Đương nhiên phải là những con có sức khỏe, sức mạnh và sự quyết tâm thì mới dành chiến thắng cuối cùng trong cuộc rượt đuổi chăn gối ái ân như thế. Những con đuối sức đành ngậm ngùi đứng rỏ rãi nhìn người tình của mình rên rỉ trong hoan lạc với kẻ khác. Chấp nhận thôi con ạ!
Suy cho cùng đó cũng là một trong những cách chọn lọc tự nhiên về giống một cách thực dụng của thiên nhiên. Tự nhiên là cứ "chơi sát ván" vậy đó! Chả cần rụt rè xem hông xem mông xem tổ tông để đoán như đâu đó vẫn làm.
Trở lại với bài ảnh của Kiên. Những chàng trai người Dao sau những nghi lễ đậm chất thần bí để có được sức mạnh trời cho, dám đương đầu với lửa, đùa chơi với lửa... thì họ được giải phóng, được giải tỏa, thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Điều này là có thực nếu xét về yếu tố tâm lý.
Và cuối cùng, những chàng trai dũng mãnh như thế sẽ lọt mắt xanh các cô gái Dao. Sức mạnh, lòng can đảm, và hơn thế, cả năng lực kết nối với thần linh chắc chắn sẽ là những tố chất cần có của một người đàn ông gánh vác gia đình. Người như thế không lấy làm chồng thì lấy ai.
Mình mấy bận tham dự nhưng không có khả năng thông linh với siêu nhiên, bản tính lại hèn, nhát, đếch dám nhảy lửa, cứ né né, đứng lấp ló phía sau. Có lần cũng nốc vài hụm diệu cho máu, cho liều, nhưng vừa nhảy vào bốc than đã đái mẹ ra quần. Bạn bè khênh ra còn sĩ, nói không sao không sao, tao "đái nghiệp vụ" cho khỏi nóng. Ý văn học là đái có kiểm soát😎!
Cũng may anh
Hoàng Cầu
, khi đó là giám đốc, thấy kém quá, chán, tống về dưới xuôi làm việc mới lấy được vợ.
Ảnh dưới chụp hôm "đi thăm chiến trường xưa" . Cụ bà đã cho tôi ăn nghỉ cả tuần ở giữa rừng đấy .
Image may contain: 3 people, including Ngô Thiệu Phong, people standing and outdoor
You, Nguyễn Mạnh Thắng, Anh Duc and 141 others
23 comments
3 shares
Like
Comment
Share

Hãy thêm nhiều đêm Noel cho trẻ

 Đã gần đến Noel mà nó không đòi hỏi gì, cứ vùi đầu ôn thi. Chả bù những năm trước, thuở lớp 1 lớp 2, sát Noel là háo hức.

Dĩ nhiên ngày đó tôi vẫn phải hỏi nó thích quà gì của ông già Noel. Có bận nó ước mơ sau này lớn lên làm chủ hiệu bán bim bim để có bim bim ăn thỏa thích, nhưng mong muốn nhận quà của ông già Noel không bao giờ “tầm thường” như thế, quà có thể là cái khăn quàng cổ, đôi găng tay và sách. 

Trong mấy năm liền nó háo hức viết những món quà mà nó mong muốn vào mảnh giấy nhỏ, đút vào trong tất, để ở cuối giường. Sáng sớm sau đêm Noel, thể nào ông già Noel cũng chọn cho nó món quà như ý. Mấy năm liền ông già Noel không những không quên mà nó cứ ghi gì thì được tặng đúng như vậy.

Tôi đã cố tìm những mảnh giấy nhỏ viết những món quà đấy của nó nhưng không thấy, thầm trách mình vô tâm. Những mảnh giấy viết những ước ao nhỏ bé như thế không nhiều, đâu đó vài ba cái, tương ứng vài ba năm, lúc nó còn nhỏ; ông già Noel với nó khi đó có thực, hiện hữu chứ không phải là ông bụt chỉ xuất hiện trong cổ tích.

Nó không cần biết để đi phát quà cho trẻ em cả thế giới chỉ trong một đêm thì chín con tuần lộc kéo xe cho ông già Noel một giây phải chạy được hơn 2000 cây số, một vận tốc không tưởng với khoa học hôm nay; nó chỉ cần biết ước mơ về món quà sẽ thành hiện thực trong đêm và xuất hiện ở cuối giường vào sáng sớm.

Nó thích thú, thậm chí phấn khích không hẳn vì giá trị món quà mà vì ước mơ bé bỏng đã được một ông già xa lạ, ở tận Bắc Cực xa xôi lưu tâm và đáp ứng. 

Nhưng bỗng một hôm nó hiểu được rằng món quà ấy thực sự của ai và rồi không còn hứng thú viết thư gửi ông già Noel nữa. Sự việc ấy đến với nó một cách tự nhiên và rất từ từ nhưng tôi, và có thể nhiều người khác, lại hoảng hốt, thấy chống chếnh và hụt hẫng. Cảm giác nó cứ xa dần vòng tay của mình là có thật, rất thật.

Nó đã đủ trí khôn để hiểu trên đời này không có ông già Noel bằng xương bằng thịt ngồi xe tuần lộc đi phát quà, mà việc đó không ai khác ngoài cha mẹ và người thân của nó. Hiểu thế cũng tốt! Nhưng điều đó cũng xà xẻo đi một phần thánh thiện, hồn nhiên của tuổi ấu thơ.

Nếu tưởng tượng bộ não của nó là một khối vật chất vật lý thì phần trí khôn cứ loang ra tới đâu sẽ lấn át dần chỗ của những niềm tin trong trẻo thơ ngây. Trí khôn sẽ loang lổ vào đấy cả sự dung tục và xô bồ, cả sự sòng phẳng đến lạnh lùng, nhưng niềm tin của đêm Noel thì không – bao giờ cũng tinh khôi và rực rỡ.

Những niềm tin ấy, dù mơ hồ, dù không thực nhưng âm thầm nuôi dưỡng phần người trong mỗi con người, để nó cũng như bao trẻ khác sau này trưởng thành ra ngoài đời, dù va đập, dù sóng gió, vẫn vẹn nguyên niềm tin vào những điều tốt đẹp; hoặc trước vực thẳm hang sâu tăm tối sẽ vụt lóe lên phần lương thiện rất người trong mỗi con người. 

Bỗng dưng tôi thấy tiếc đã chểnh mảng đánh mất những mảnh giấy ước mơ ít ỏi của nó, tiếc nhất là đã không sớm cho nó “gặp” ông già Noel, “tạo ra” nhiều đêm Noel để nó ghi thêm nhiều hơn nữa niềm tin vào những điều tốt đẹp, tin vào điều lành, tin vào sự nhân ái luôn xuất hiện xung quanh chúng ta.

Đêm Noel hôm nay chỉ có một, tôn giáo thì hành lễ, ngoại đạo thì đi chơi. Và tôi, một người lớn cũng tham lam mong một món quà - một điều ước - viết vào giấy nhưng không đặt trong tất mà để lên đây: Mong có nhiều đêm Noel hơn cho con trẻ./.

Giáo viên có còn là "mẹ hiền" ?

 Để trả lời câu hỏi này chúng ta gõ từ khóa “Những câu nói bất hủ của giáo viên” vào công cụ tìm kiếm Google. Câu trả lời có tần suất xuất hiện nhiều là:

- Các cô các cậu là cái lớp kém nhất mà tôi từng dạy.

- Đừng tưởng các anh chị làm gì mà tôi không biết.

- Tôi từng chủ nhiệm ở cái lớp còn “đầu gấu” hơn thế này.

Tôi thuộc thế hệ học trò sinh vào những năm 60 - 70 cũng xác nhận những câu nói trên. Chỉ đôi chút bất ngờ là đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi.

Hình như trong “làng giáo” truyền tai nhau một “phương pháp” bất di bất dịch là ngay từ buổi đầu nhận lớp phải thể hiện rõ “sự cứng rắn” để trò sợ. Còn nếu không chúng rất dễ nhờn, bảo không nghe, khi đó quản lý lớp cực kỳ mệt mỏi. Chính vì thế phải dằn mặt, phải dọa dẫm đe nẹt ngay từ lúc đầu xuất hiện để triệt tiêu từ trong trứng nước “mầm mống phản kháng” của lũ “nhất quỷ nhì ma”; muốn cười cũng không được cười, muốn nói dăm ba câu “mềm mại” với học trò cũng phải tiết chế nếu không muốn mệt xác sau này. 

Đáng tiếc là thực tế diễn biến gần giống, thậm chí có nơi giống hệt kịch bản mà các thầy các cô dự đoán, và cái “liệu pháp” dọa, “rắn” ngay từ ban đầu mà giáo viên áp dụng lại ít nhiều hiệu nghiệm.

Thầy cô nào càng rắn, càng “mặt sắt” thì lớp càng trật tự. Và dĩ nhiên giáo viên đó thường được khen, được đánh giá quản lý lớp tốt. Thực tế một số nơi diễn ra như vậy nên nhiều giáo viên, dù thuộc nằm lòng phương pháp dạy học tích cực, thấm đẫm tinh thần “Mỗi ngày đến trường một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”…thì rồi cũng bị “đồng hóa”, cũng tự giác triển khai các “biện pháp chuyên chính” như đã được rỉ tai để nhàn thân và để được… khen. Và cứ thế, vai “mẹ ghẻ” dần thế chỗ cho vai…“mẹ hiền” ở một bộ phận không nhỏ giáo viên.

Cũng phải cảm thông với nhà trường, với người thầy ở Việt Nam khi phải quản lý lớp với số học trò quá đông, một thời khóa biểu cứng nhắc, một chương trình học còn nhiều tranh cãi, một con đường thăng tiến dựa vào thành tích hình thức, một công cụ đánh giá thi đua lỗi thời…

Học trò 6X như chúng tôi thuộc thế hệ “biết vâng lời” vì luôn tâm niệm ở trường thầy cô thay mặt mẹ cha, thầy cô nói điều gì cũng đúng và bổn phận của mình phải tiếp thu, nên dễ bảo. Song mỗi giai đoạn lại có những lứa học trò khác nhau. Học trò hôm nay là công dân toàn cầu nên có nhiều điểm khác (và rất nên khác, buộc phải khác) với chúng tôi.

Thực lòng rất sẻ chia, cảm thông và kính trọng các thầy, các cô, nhưng rõ ràng các em học sinh hôm nay sẽ không dễ gì chấp nhận các phương pháp dạy dỗ hoặc hành xử mang màu sắc trấn áp và áp đặt vô lối./.