Nhìn lại lịch sử các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì thấy hầu hết đều sống cùng rừng núi. Người Mẹ thiên nhiên, Mẹ rừng, Mẹ núi, Mẹ sông… đã sinh ra và nuôi nấng họ. Đến khi chết, con người xác thịt, thậm chí cả linh hồn họ cũng về với Mẹ rừng, tan ra với đất của Mẹ núi. Điều này có thể thấy rõ nhất trong tục bỏ mả của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Ngay cả khi còn sống, người dân ở quanh dãy núi Ngok Linh hùng vĩ có tục bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ lại tất cả những gì của thế giới vật chất hiện tại để đi sâu vào rừng, sống cuộc sống nguyên sơ hoang dã. Cứ thế mỗi năm một lần, họ về với Mẹ rừng, dùng cái cây để hái lượm, hòn đá để ném con thú, kéo tre làm ra lửa…Đấy gọi là tục Ninh Nông mà hôm nay không còn nữa.
Sống dựa vào thiên nhiên, thậm chí phó mặc cho thiên nhiên, đã tạo cho người dân tộc thiểu số một cách ứng xử hài hòa, thân thiện với người Mẹ thiên nhiên của họ. Họ không bao giờ lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên. Chỉ vừa đủ ăn, vừa đủ dùng. Hãy xem lại một số luật tục xưa của đồng bào quanh dãy Trường Sơn thì thấy rõ điều này. Họ không dùng thuốc độc để đánh cá; biết chừa lại con cá nhỏ; không bắn con thú mang thai, không vặt trụi đám rau mà chỉ lấy nhành lấy lá.
Xưa, bà con ở Tây Bắc hiếm khi đụng đến một cái cây ở đầu nguồn-mó nước. Luật tục của cộng đồng không cho phép họ làm như thế! Dù chưa tiếp cận với văn minh, hiện đại nhưng bà con thiểu số, từ đời này sang đời khác, bố nói với con, ông nói cho cháu, rằng hái cùng diệt tận không phải tập quán và đạo đức của dân tộc mình.
Nước là nguồn gốc của sự sống. Chân lý khoa học ấy bà con thiểu số chưa hiểu hết, nhưng trong hành động của họ lại thể hiện và chứng minh được điều này. Nếu một lần được tham gia vào những lễ hội cúng rừng, mời nước, xin nước… thì mới thấy người dân tộc thiểu số trân trọng đến thiêng liêng nguồn nước mát lành. Người Dao có những cách lấy nước vào đồng ruộng rất khoa học. Một hệ thống khóa, chỉ bằng tre nứa thôi, nhưng sẽ tự động đóng lại khi nước đầy. Đây là thái độ thân thiện, coi trọng Mẹ rừng, Mẹ nước…Chính điều này giúp người thiểu số tồn tại qua hàng ngàn năm.
Mẹ thiên nhiên đã sinh ra ta và nuôi ta sống nên phải biết kính trọng Mẹ thiên nhiên. Lấy của Mẹ vừa đủ để tồn tại là cách tồn tại bền vững của người thiếu số trong lịch sử phát triển của mình.
Miền Trung vừa vật vã trong cơn khô khát thì đùng cái bão số 3, nước mênh mông khắp nơi. Nhìn người đàn ông ở Quan Sơn, Thanh Hóa bám vào bụi cây giữa dòng lũ gào thét cuồn cuộn, phó thác số phận của mình cho ông trời, tôi đã lặng đi! Đã bao giờ trong lịch sử của mình bà con bị thiên nhiên trừng phạt nặng nề như thế này chưa?