Radio trong tương lai
Dự hội nghị đấy về mình cũng phát cuồng với nó. Dẫu hiểu biết về kỹ thuật nghèo nàn nhưng mình vẫn nhanh nhảu biên kín vài trang báo cáo.
Nhưng hôm nay, với sự phát triển mạnh của mạng Internet, dường như người ta đang dè dặt với nó.
BBC bắt đầu ứng dụng DAB năm 1995, trước khi Mp 3 và các thiết bị Ipod, Ipad, smartphone ra đời. Như vậy người ta sẽ đặt câu hỏi nếu các thiết bị nói trên ra đới sớm hơn 5 năm (Ipod ra đời năm 2001) thì liệu BBC có liều lĩnh vào cuộc “chơi” DAB không? Theo một nghiên cứu mới đây thì DAB với low -bit - rate còn tệ hơn FM về chất lượng âm thanh.
Có vẻ ví dụ trên thiên về âm nhạc, không phản ánh toàn cảnh báo phát thanh, nơi tin tức vẫn chiếm phần chủ đạo? Điều đó không sai! Nhưng cũng cần nhớ âm nhạc là động lực chính để giới trẻ đến với radio. Trong khi đó thị phần âm nhạc trên radio lại đang bị đe dọa nghiêm trọng khi các công cụ như Apple music, Deezer, Spotify, Pandora, Youtube… xuất hiện thay thế cho cách nghe truyền thống.
Với từ khóa “radio in digital age” sẽ có hàng tá các kết quả nghiên cứu từ nhỏ lẻ cho tới to đùng về sự đe dọa của kỷ nguyên số với công cụ truyền thông có tuổi đời lão làng này.
Theo Hội các nhà phát thanh quốc gia, năm nay, ở Austin, bang Texas, Hoa Kỳ, thanh thiếu niên độ tuổi 12-24 đã không còn nghe radio mặt đất.
Mỹ hiện 10 % dân số nghe radio online. Ở Mỹ việc nghe đài AM/FM ở thanh thiếu niên đã giảm 50% từ 2005-2016. Thế hệ sinh sau 1995 ở Mỹ gọi là thế hệ Z (Z generation). Họ sinh ra trong môi trường kỹ thuật số, không thể bắt họ phải quay lại làm quen với một công nghệ cũ, nếu không dám chắc họ là những nhà sưu tầm.
Và đến 2020, chỉ 2 năm nữa thôi, chính họ- Z generation, sẽ chiếm 40% trong tổng số người tiêu dùng Hoa Kỳ. Họ có phải là đối tượng chính của radio không, có phải là đối tượng đích của các doanh nghiệp đang cân nhắc quảng cáo trên radio không thì mỗi chúng ta đã có câu trả lời.
Sự đe dọa tiếp tục đến từ các hãng xe hơi. Ford Motor loan báo sẽ không có FM trên các ô tô mới, thay vào đó là Apple Carplay, Android Auto…với đủ tính năng chiều chuộng ve vuốt người dùng. Tới 2020, 75% xe hơi có kết nối kỹ thuật số. Tất nhiên FM vẫn tồn tại như một tùy chọn (option) cho những ai còn lưu luyến và có nhiều kỷ niệm với công nghệ của quá khứ.
Radio sẽ không mất đi trong tương lai gần. Xã hội hiện đại sẽ ngày càng thừa mứa và luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh. Vì thế, ở một phương diện nào đó, những hạn chế (không có hình ảnh) của radio lại trở thành lợi thế khu biệt, lại phù hợp với một xã hội náo nhiệt và bộn bề.
Khởi thủy, radio có lợi thế là tăng trí tưởng tượng thông qua nội dung được phát sóng, và đến kỷ nguyên số này, lợi thế đó có phần phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, nền tảng kỹ thuật số ,nếu áp dụng đúng, sẽ khiến radio có một hình hài mới, sống động, xinh đẹp và quyến rũ hơn rất nhiều.
Ông chủ bướng bỉnh và đầy tham vọng của SpaceX, Elon Musk, quyết tâm phóng 4.425 vệ tinh lên không gian vào năm sau -2019. Khi đó, trước mắt Hoa Kỳ và các vùng phụ cận, sẽ phủ sóng wifi tốc độ cao.
Các thông tin gần đây cho thấy chẳng có lý do gì khiến dự án có phần ngông cuồng của vị tỷ phú tuổi trẻ tài cao (thật), hihi, bị rút lại.
Khi Ủy ban truyền thông Hoa Kỳ (FCC , chả biết dịch đúng không) và NASA lo ngại về nhiễm quang phổ và rác vũ trụ từ vệ tinh SpaceX , thì Elon Musk mắt trợn tay chỉ về phía VN, nói “lo bò trắng răng”. Tổ sư, Hội thánh đức Chúa trời ở đó bảo còn mấy tháng nữa hành tinh này đi tong. Vậy nghĩ cách để dân sướng mấy hôm hay ngồi đó nhỏng cổ đợi rác. He he!
Thực tế là đã rò rỉ thông tin về giá các gói cước được truyền đi từ SpaceX – wifi vũ trụ. Và vui mừng thay, nó không hề đắt, kể cả so với các gọi cước hiện hành ở VN.
Cái gì sẽ xảy ra với radio khi trái đất được phủ sóng wifi? Internet radio đã xuất hiện nhan nhản trên thị trường với giá bèo và chất lượng âm thanh của nó được đồn đoán ngang ngửa với âm thanh phòng thu. Nói thế là biết sự lựa chọn của thượng đế rồi.
Nhớ lại những năm 40-50 của thế kỷ trước, khi Television ra đời, người ta dự đoán chuẩn bị tiễn radio vào viện bảo tàng. Thế nhưng đúng lúc đó sự phát triển rầm rộ và có tính thương mại của định dạng âm thanh stereo cùng với cuộc sống công nghiệp ở phương Tây phát triển, ô tô là phương tiện đi lại phổ biến… đã khiến radio tiếp tục hiện diện một cách đĩnh đạc trong làng truyền thông thế giới. Thời đó mà công nghệ đã tác động như thế rồi cơ mừ!
Về lý thuyết, tớ học mòn sách về lợi thế của từng loại hình truyền thông, và nó luôn bổ sung để bù lấp các khiếm khuyết của nhau. Một loại hình nào đó không đi vào quá khứ cũng bởi lẽ ấy.
Song trong bối cảnh hôm nay, còn phải kể đến mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghệ và radio. Ngoảnh mặt đi hoặc không dự báo được sự phát triển của công nghệ là “đặng thị… tèo”!
Truyền thông nói chung và radio nói riêng hôm nay, ở mọi phương diện, mỗi sáng thức dậy, trước khi oánh răng rửa mặt, nên định nghĩa lại một lần!