Bảo tàng US
Mình ít có cơ hội được đi đây đi đó nên có nhận xét như thế này không biết đúng không. Đấy là bảo tàng, tượng đài, công viên... ở các nước (nhất là các quốc gia Âu-Mỹ) đều rất mở.
Với bảo tàng thì tính tương tác với người xem rất cao, thường ở mức tối đa trong khả năng cho phép. Nếu như bảo tàng ở ta thường có biển "cấm sờ vào hiện vật" sặc mùi răn đe, dọa nạt là thì mình không (hoặc chưa) thấy điều đó ở một vài nước mình đã đến. Người ta cũng cố gắng tháo bỏ những hàng rào mềm ngăn cách hiện vật với người xem.
Ở Bảo tàng không gian Hoa Kỳ người xem có thể tự tay điều khiển cần lái để hiểu rõ hơn nguyên lý dẫn hướng của máy bay; tự tay sờ, nâng và quan sát đồng hồ để biết độ nặng nhẹ của vật liệu dùng chế tạo máy bay, tàu không gian... ; khách được đi vào bên trong tàu vũ trụ để quan sát khu làm việc và sinh hoạt của phi hành gia...
Còn tượng đài (thậm chí nghĩa trang) thì luôn gần gũi, không hề có cảm giác lạnh lẽo, xa cách hay rợn ngợp bất kể đó là bậc khai quốc công thần hay những nhân vật mà công lao, uy tín, tầm ảnh hưởng đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Nó hoàn toàn khác với các cụm công trình tượng đài hay nghĩa trang cửa đóng then cài, chỉ sáng đèn đỏ nến và có chút hương hoa trong những ngày kỷ niệm.
Công viên thì sao nhỉ? Công viên là đem thiên nhiên và sự thư giãn đến cho tất cả mọi người chứ không hề quây lại để tận thu những đồng bạc lẻ của du khách hay người sở tại. Công viên ít bị giới hạn bởi tường rào bao quanh với lối ra vào có barie, có nhân viên bảo vệ mặt mày nghiêm trọng luôn trong tư thế sẵn sàng... thu vé 😎 .
Người ta chủ động kéo công viên đến gần với con người hơn chứ không đẩy công viên ra khỏi tầm với của dân, nhất là những đối tượng yếm thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người già, người nhập cư, người khuyết tật...
Mình không (or chưa) thấy chuyện chính quyền trao nó vào tay một vài cá nhân có máu mặt để quản lý, khai thác, bán vé thu tiền dưới cái danh "xã hội hóa" như cách làm xuất hiện ở đâu đó. Vì họ quan niệm đây là thiết chế tối thiểu mà mọi người dân đều có quyền được thụ hưởng, nhà nước có trách nhiệm đầu tư.
Một điểm thú vị là khách ruột của bảo tàng, công viên, tượng đài, di tích, thậm chí nghĩa trang nơi đây không chỉ là du khách mà còn là các em học sinh. Khái niệm trường học không còn bó hẹp trong 4 bức tường.
Ảnh: Trong Bảo tàng Không gian (Mỹ)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ