Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

TỰ THOẢ THUẬN




Nếu tai nạn giao thông không gây thiệt hại lớn về vật chất và sức khoẻ, không có mặt chứng kiến của CSGT thì chẳng nói làm gì, nhưng nhiều trường hợp CSGT có mặt chứng kiến vụ việc, lại đứng ra tuyên bố: “Nếu hai bên không thoả thuận được thì chúng tôi xử” .
Ở góc độ pháp lý và quản lý nhà nước, tự thoả thuận kiểu ấy sẽ làm cho việc nhận định và đánh giá thực trang giao thông thiếu khách quan, thiếu chính xác. Nói nôm na là các ông bỏ qua “không vào sổ” nhiều vụ việc.
Tự thoả thuận sẽ gây ra bất bình đẳng kiểu cá lớn nuốt cá bé. Cứ hình dung một người ở quê ra tỉnh (lỡ va chạm giao thông) sao đọ miệng lại với mấy ông bà bặm trợn “chó cậy gần nhà”, lại thừa từng trải, khôn lanh và ma giáo?
Tự thoả thuận, vô hình trung, gián tiếp bật đèn xanh giúp hình thành tư duy và thói quen tự xử (hành xử theo luật rừng) mà không cần sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Tự thoả thuận làm cho tính thượng tôn pháp luật bị xâm phạm, làm giảm sút lòng tin vào luật pháp và cơ quan công quyền.
Tự thoả thuận gián tiếp khuyến khích đội đồng tiền lên đầu và đạp công lý xuống gót chân, là làm giảm đi tính răn đe của pháp luật.
Thật nực cười khi quyền phân xử và phán xét lại được cơ quan công quyền trao ngược lại cho “bên nguyên” và “bên bị”, còn mình - ăn tiền thuế của dân để làm mỗi việc đó - lại khoanh tay nheo mắt đứng nhìn.
Có đúng không các bác? Đúng các bác LIKE, không đúng các bác CÒM!

CÓ LẼ THẾ!

Có lần đèn đỏ ở đoạn đường vắng, không có cảnh sát, mọi người đều vọt lên, riêng mình dừng lại. Con hỏi:
- Sao mọi người vẫn đi mà bố lại dừng lại?
- Ở Việt Nam thì họ còn sống nhưng ra nước ngoài thì (đi kiểu đó) chết từ lâu.
- Nhưng họ đang ở Việt Nam mà?
Câu nói ấy khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ lúc nào đó cũng phải vượt đèn đỏ một phen, để con hiểu rằng, ở Việt Nam này không phải bao giờ đèn xanh cũng được đi (và đi được) còn đèn đỏ thì bắt buộc phải dừng.

VĂN HOÁ KẾ THỪA


Đọc đâu đó thấy có nhà nghiên cứu bẩu xứ Việt ta không có văn hoá kế thừa, triều đại sau hễ lên là tung hê triều đại trước; ông sau lên "đá" ông vừa về vườn.
Nhận định này đúng hay sai, đúng nhiều hay đúng ít các CỤ xem lịch sử hùng tráng nhưng cũng không ít bi thương, chua xót ở xứ này.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho cái văn hoá kế thừa mất dạng, nhưng cái tệ nhất là (vì một lý do nào đó, chủ quan cũng như khách quan), người ta chưa được (và chưa dám) "mở miệng" (chữ của cụ Hồ).
Ai là người lên thay? Ai là người kế nghiệp? Chẳng phải quần thần, đệ tử và viên chức dưới quyền? Chính họ là những người đập phá không thương tiếc di sản mà lãnh tụ cùng với họ mới gầy dựng trước đó không lâu.
Có thực trạng trớ trêu trên là vì khi minh chủ của họ dựng lên cái di sản đó thì dù sai họ cũng không dám lên tiếng. Đến khi nắm "vận nước" trong tay thì họ phế.
Cái tư duy duy tình, không dám phản biện một cách quyết liệt trước một sự việc gây bất bình đã có từ lâu lắm rồi, từ thời ông Trần Quốc Toản cơ!
Mọi người cứ tán ông này lên mây, mình thấy thường. Ờ thì yêu nước đấy! Nhưng hành vi bóp nát quả cam (vì không được dự Hội nghị Bình Than) là minh chứng hùng hồn nhất, thể hiện rõ nhất sự bất lực, sự bế tắc, phẫn uất cùng đường.
Giá như ông vẫn lọt vào được hội nghị, thuyết phục được vua quan nhà Trần thì mới ngon chớ! 1285 - ba năm sau khi bóp nát quả cam thì ông mất, mới 18 tuổi.
Gần đây có ông Nguyễn Trường Tộ, nhà canh tân thời Tự Đức, yêu nước hết lòng nhưng cũng chỉ dừng lại ở những bản sớ dâng lên một cách vô vọng trong những buổi chầu.
Còn thời nay ra răng?
Thôi các CỤ biên tiếp đi! Em...em...bóp nát quả cam...canh đây!

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Ở bẩn sống lâu người Tầu bảo thế?

Đọc báo hôm nay thấy có ông bác sỹ ở Mỹ tiêm máu nhiễm HIV của tài tử điện ảnh Charlis Sheen để chứng minh uống sữa con dê mắc viêm khớp có khả năng chống lại HIV thì mình tin câu nói lấy độc trị độc của cổ nhân. 



Hồi xưa, mỗi khi thầy Thái Bá Tân dạy tiếng Anh ở Bách Khoa, mình lại lảng vảng ở hành lang để hóng. Có lần thầy nói với đám học sinh, tớ hút thuốc từ thời trẻ mà chả hiểu sao giờ chụp phổi vẫn “trong veo”. Mà đúng thật! Thầy nói không cần micro tiếng vẫn sang sảng, lớp mấy trăm đứa vẫn nghe rõ. Thầy bảo chúng mày vệ sinh quá không tốt đâu, trong người phải có tí vi trùng.

Mới nghe tưởng thầy đùa nhưng ngẫm thấy đúng. Trời lạnh thế này mà mấy đứa trẻ thành phố lạnh tí là viêm họng sổ mũi ngay, chẳng bù cho đám trẻ trâu ở miền núi, phong phanh co ro trong gió núi mà chẳng bệnh tật gì.

Nguyên tắc bào chế và tiêm vacxin hình như cũng tương tự? Tức là tống virut gây bệnh đã bất hoạt vào cơ thể để cơ thể tự hình thành kháng thể.

Còn trong cuộc sống, bạn mình - thằng Quảng Hà, Báo Phụ nữ - bảo, trong đám đông cởi truồng, anh mà mặc quần thì đích thị đang khiêu dâm. Đúng thật! Hoá ra sống quá khác người, dù đúng đắn, chưa chắc đã hay?

Khi đèo con trên xe, mình tuyệt đối tuân thủ luật giao thông, đèn vàng là dừng; gặp bùng binh đi đúng chiều mũi tên…, mục đích là muốn dạy con bằng chính hành vi của bản thân.

Có lần đèn đỏ ở đoạn đường vắng, không có cảnh sát, mọi người đều vọt lên, riêng mình dừng lại. Con hỏi sao mọi người vẫn đi? Mình trả lời, ở Việt Nam thì họ còn sống nhưng ra nước ngoài thì (đi kiểu đó) chết từ lâu. Con hỏi lại: Nhưng họ đang ở Việt Nam mà?

Câu nói ấy khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ lúc nào đó cũng phải vượt đèn đỏ một phen, để con hiểu rằng, ở Việt Nam này không phải bao giờ đèn xanh cũng được đi (và đi được) còn đèn đỏ thì bắt buộc phải dừng.