Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Dối nhau như thế đã đủ chưa?

http://vov.vn/blog/bao-cao-tong-ket-cuoi-nam-cha-le-cu-noi-doi-mai-sao-374607.vov

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thanh niên Giao Chỉ ở Đức (P4)


Năm 1990, anh rể mình đi Đức về bảo ở bển (CHDC Đức) chỗ nào cũng có đồng hồ. Mình trố mắt dỏng tai nghe. Hồi đó, với mình, cả Việt Nam chỉ có mỗi cái đồng hồ trên nóc nhà bưu điện ở Bờ Hồ thôi.  Còn trong mỗi gia đình thì Gimiko với biểu tượng con ngựa, ơn nhờ Đổi Mới, mãi sau này mới có. Giờ qua Đức, mà lại là nước Đức thống nhất, mới thấy ông anh mình không bốc phét.


Ở hai trung tâm quyền lực nhất là quốc hội Đức và văn phòng thủ tướng Đức thì như các bạn đã xem trong phần 1 (P1) và phần 2 (P2), chỗ nào cũng thấy đồng hồ.  



Chiếc đồng hồ 4 mặt trong phòng họp nội các chính phủ Đức được đặt ở giữa bàn nhắc nhở mọi người luôn đúng giờ. Ai đi muộn chắc xấu hổ lắm. 

Còn chiếc đồng hồ treo trên tường kia ở Quốc hội Đức. Hai chiếc đèn gắn trên đồng hồ, trong đó có 1 đèn màu đỏ, nghe nói để nhắc nhở có cuộc họp toàn thể quan trọng. Đừng có mà quên. Đồng hồ không chỉ để biết giờ mà còn là biểu tượng  của sự trân trọng thời gian.  

Người Đức bố trí để đoàn của TNGC sang Đức vào ngày cuối tuần với mục đích tiết kiệm 13 tiếng ngồi trên máy bay, để vừa đặt chân xuống đất, sáng hôm sau, thứ 2, có thể làm việc ngay với đối tác.  Trên xe từ phi trường về khách sạn thấy bên đường có chợ đồ cũ, đúng món tủ của TNGC biệt danh "Phong đồng nát". Thế là vừa chân ướt chân ráo xuống xe, quẳng đổ lên phòng, TNGC dò đường nhao ngay ra chợ (ở Strabe des 17 Juni).  

TNGC học hành không đến nơi đến chốn nhưng cũng biết chút ít về tính kỷ luật của người Đức nên dù đắm đuối ngất ngây với thập cẩm những món đồ cũ, vẫn nhìn đồng hồ để về KS theo đúng lịch. Thế nhưng khốn nỗi lúc về, chắc quá hưng phấn với vài món đồ mua được nên đi lạc, vẫy taxi thì không chiếc nào chịu dừng nên về KS chậm khoảng mươi phút so với kế hoạch ghi ở trong cái này



Cả hội về tới KS thì xe đã chuyển bánh thăm một vài địa điểm theo kế hoạch ghi trong lịch trình. 10 trong tổng số 11 vị khách quý của đoàn VN về muộn đã "chấp nhận đau thương" ngồi  ở lễ tân tẩn mẩn mân mê đống đồ lạc-xoong để rồi tự sướng và không quên âm thầm nguyền rủa:  Ngày chủ nhật cũng không tha, "bắt" đi tham quan nơi này nơi kia. Rồi không thèm đợi, dù chỉ có mươi phút, dù nhóm đi lạc về muộn lên tới 10 trong tổng số 11 thành viên trong đoàn; rồi còn để mặc cho con Rồng cháu Tiên ngậm ngùi ngồi tơ hơ ở lễ tân KS phải chống cằm suy tư chiêm nghiệm về tính kỷ luật và lòng tự trọng. 

Đúng là "bọn phát - xít"! Giời đánh tránh miếng ăn, thế mà ngay trong khi ăn, người Đức cũng mời nhân vật này nhân vật kia cùng ăn để thảo luận về một chủ đề nào đó. TNGC có thói quen không thể bỏ là sau bữa trưa kiểu gì cũng phải đánh một giấc rõ dài, thức dậy pha ấm trà nhẩn nha uống  sau đó mới làm gì thì làm. Thế mà ở đây họ không cho TNGC ngủ, ăn trưa xong là vội vàng chùi mép để bắt đầu lịch làm việc chiều. Quá dã man!  

Tính cách và kỷ luật của người Đức như thế đấy! Dù chỉ có 1/10 người nhưng kiên quyết không chờ, đúng giờ là đi. Một bài học thấm thía. Một cái tát vào lòng tự trọng của TNGC.   

Hôm nay đọc một số tài liệu TNGC mới biết ở Đức, nguyên thủ chuẩn bị đi thăm nước nào thì kế hoạch đã phải lên từ tháng 10 năm trước.  Có thể nhiều người cho là máy móc, nhưng để một nước Đức có vị thế trong EU và quốc tế như hôm nay không thể không máy móc như thế. Gần đây TNGC cũng được "mở mắt" về tính kỷ luật và điều mà chúng ta thường chê bôi là "máy móc", cũng có ở người Nhật.  

Hôm đi thuyền trên Sông Spree, anh Lê Quang, dịch giả, người sinh sống ở Đức nhiều năm, chỉ toà nhà của Thủ tướng Đức Angela Markel kể : Sau khi nhậm chức thì bà vào ở hẳn trong khu nhà đó. Bà thủ tướng muốn có một không gian thoáng đãng ở phía trên sân thượng để nghỉ ngơi thư giãn nên muốn dựng thêm một mái che bằng vật liệu nhẹ.  Tuy nhiên ý kiến này của bà không được kiến trúc sư thiết kế toà nhà đó chấp nhận vì nó phá vỡ cảnh quan chung, làm hỏng thiết kế tổng thể khu nhà... Nghe nói cũng căng thẳng phết, cuối cùng thì kế hoạch "cơi nới" của bà Angela Markel bị phá sản.  Đến đây chắc bà mới thấm thía sự thiệt thòi khi không có may mắn được làm việc ở VN - nơi mà "tư duy cơi nới" trăm hoa đua nở, trăm nhà khoe sắc, được "nhất trí cao và được quán triệt một cách sâu sắc." He hé.


Đèn laze từ thuyền trên Sông Spree chiếu lên hai bờ

Đây mới gọi là cơi nới này.

Đến vị thủ tướng đáng kính đầy quyền lực còn phải tuân thủ những nguyên tắc chính đáng như thế thì đúng là kỷ luật đã ăn vào trong máu của người Đức rồi. Nó chính là sức mạnh Đức! 

Để kết thúc phần 4 (P4), TNGC dẫn ra đây một đoạn trích trong Status của bạn Phươngi, hình như đang làm nghiên cứu sinh ở Đức.


Tính tổ chức kỷ luật cao: Bắt nguồn từ thời kỳ cổ đại. Ngay trong thời kỳ các nước Hy lạp cổ đại người ta đã phát triển cách nghĩ phải có trách nhiệm cộng đồng xã hội. Trong đời sống của thời kỳ Hy Lạp cổ đại, việc sống chung tồn tại trong cộng đồng đã được đề cao và thể chế hóa qua các luật lệ, và nhiều nhà triết học đã từng nghiên cứu Sokrates, Aristoteles và Plato. Trong thời kỳ này, tư tưởng của sự bình đẳng và lý trí đã tạo nên những trụ cột cho các luật lệ thời La Mã. Cách suy nghĩ và hành xử theo luật pháp của La Mã đã tạo nên nền tảng cho những cấu thành các nhà nước Châu Âu sau này. 

Ngay từ thời kỳ sơ khởi của dân tộc, các bộ lạc Đức đã nhiều lần nằm dưới sự kiểm soát của các đội quân La Mã và đế chế La Mã thần thánh. Ảnh hưởng của tính tổ chức, kỷ luật cao đã phát triển và hình thành từ khi ấy và kéo dài đến tận ngày nay.
     
Có kế hoạch thời gian và đúng giờ: Đức trải qua một thời kỳ chiến tranh nội bộ và cạnh tranh quyền lực lâu dài ngay từ khi phân chia thành khoảng 1000 nước nhỏ với những thể chế nhà nước hoàn chỉnh. Số lượng nhà nước nhỏ nhiều như vậy làm hạn chế số lượng dân cư trong mỗi nước. Tuy nhiên, các thể chế nhà nước lại rất hoàn chỉnh, nên mỗi người dân trong một quốc gia như vậy đều phải chịu trách nhiệm rất rõ ràng và cần phải phân chia thời gian một cách rất sát sao để hoàn thành công việc của mình. 

Ngày nay, việc phân chia thời gian sát sao và đúng giờ đã trở thành một giá trị chung của xã hội Đức. Các phương tiện giao thông công cộng từ xe bus, tàu điện, máy bay… đều chạy theo bảng giờ đã định, các cửa hàng, công sở cũng có những thời gian biểu được ghi rõ ràng… buộc người dân cũng phải sống tôn trọng thời gian và đúng giờ. Tại nước Đức, khái niệm tôn trọng kế hoạch thời gian được coi là một trong những biến thể của việc đánh giá cao các thể chế và luật lệ.

P4 đã dài, sợ các cụ mệt, TNGC sẽ viết tiếp P5 sau. 







     




























Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Thanh niên Giao Chỉ ở Đức (P3)

Tiếp tục hầu bà con những mẩu chuyện bằng hình ảnh ở nước Đức. Hình ở trên, chú thích ở dưới.


Cái két cũ kĩ này ở Toà nhà Quốc Hội Đức hoá ra là để vũ khí của khách. Nghe nói có lần tổng thống Hoa Kỳ vào đây thì đám cận vệ trang bị tận răng cũng phải hí húi ngồi cởi bỏ hết vũ khí, cho vào cái két này mới được lên.

Không hẳn là chuyện an ninh mà đây là động tác có tính chất biểu tượng cho hoà bình, không chiến tranh, không vũ khí của quốc hội Đức.

Sau thế chiến I và II, nước Đức đã quá bị mang tiếng rồi. Giờ đây họ không muốn ai nhìn họ như một quốc gia hiếu chiến nữa. 

Hôm tới làm việc, Thanh niên Giao Chỉ (TNGC) cũng tự nguyện giao nộp "vũ khí" nhưng nhân viên an ninh cười lắc đầu ngán ngẩm nói: "Vũ khí" của mày không có khả năng sát thương.  Thôi, nhét vào, lên đi! 


Giấy trên bàn, đồng hồ trên tường, các ông bà nghị đến Quốc hội làm việc thì ký vào nhé. Đa đảng lên phức tạp rườm rà quá! Nghị đảng này nghị đảng kia, quản lý thực không dễ, rồi cãi nhau như mổ bò. Cứ một đảng quang vinh như ở đất nước của TNGC có đơn giản không?  

Mà tụi Đức này bảo thủ và hoài cổ kinh! Thời đại công nghệ, xác nhận sự có mặt bằng dấu vân tay, thế mà ở đây vẫn dùng bút ký.  Ký tá cẩn thận thế này không biết lúc họp các bác nghị Đức có vắng mặt nhiều không nhỉ.  Nếu có thì đích thị là học mót ở đâu đấy, những chắc chắn không phải của VN.


Lịch làm việc (họp, tiếp khách...) của các bộ phận, của các đảng phái trong quốc hội Đức đây. Anh giai đang chỉ tay là sếp ở Văn phòng QH, có bộ comple (đang mặc) may tay ở Việt Nam mà khoe mãi, đến nỗi mình phải kêu lên, thôi mày ơi, nước tao còn thêu dệt nên đủ thứ ấy chứ, cái áo vét của mày nhằm nhò gì.  Nói sẵng vậy nó mới thôi, không thì cứ xuýt xoa tấm tắc khen VN khéo tay, VN thông minh, VN anh hùng, VN tươi đẹp... 




Đây là Thư viện  Amerika-Gedenkbibliothek, tiếng Anh là  American Memorial Library, khánh thành năm 1954. Thư viện lớn nhất nhì nước Đức này do Mỹ hỗ trợ xây cho Tây Bá Linh. Phải nói rằng cho tới lúc bức tường bị phá thì nước Mỹ giúp Tây Berlin khá nhiều, nghe nói có thời gian không lực Hoa Kỳ còn thả dù cả giống rau, giống cây xuống giúp người dân nơi đây trong thời gian Tây Berlin bị cô lập. Vì thế, thật dễ hiểu khi dân chúng phía Tây vẫn còn mang ơn nước Mỹ. 

Viết thêm vài dòng nữa TNGC lại sa đà vào chính trị, nhạy cảm. Dẹp nhé! Điều mình muốn đề cập ở đây là cái này:


Không phải chị thủ thư nha! TNGC dù vẫn vẹn nguyên "bản sắc văn hoá" như ngồi co chân lên ghế, ngáp và xỉa răng quèn quẹt..., nhưng dẫu vậy chưa hề thích mấy chị thủ thư ục ịch này. Lễ tân và bồi bàn cũng thế, đầu hói trọc, lấy đâu ra chân dài tới nách như xứ ta? Già hoá dân số các cụ ạ. 

Thế nhưng cái sự phục vụ thì chuyên nghiệp. Mình "100 năm nữa" không biết có được như vậy không. Cái bàn của chị thủ thư này hay lắm! Nó có thể nâng lên hạ xuống tuỳ chiều cao của người đọc, người mượn. Nếu là em nhỏ thì chị thủ thư bấm cái, bàn hạ  xuống vừa vặn với em nhỏ, ngược lại người nào cao thì bấm cái, bàn lại nâng lên, không phải cúi. Còn cái bậc nhô ra kia là để túi sách và sách cho đỡ phải ôm khệ nệ. 


Thuận tiện, thân thiện và văn minh thế thì làm gì mà hai cô bé này  chả muốn "đọc".  Ngắm hai đứa trẻ chưa biết mặt chữ này tung tăng trong thư viện mà TNGC  ngậm ngùi cay đắng nhớ lại những lời hô hào sáo rỗng về việc báo động văn hoá đọc ở VN  mà chính TNGC cũng đã hồn nhiên góp sức. 

Người quản lý ở đây cho hay, thư viện có sách của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, kể cả tiếng Ả-Rập, thế nhưng (nhún vai nhoẻn cười) chưa có tiếng...Việt của các ngài. 

Đau không! Bây giờ nó mà biết chỉ riêng 2014, 43 nhà xuất bản của xứ "đáng sống nhất" này đã cho ra lò 300 đầu sách nhăng nhít, bậy bạ phải thu hồi thì nó thà dựng lại bức tường Bá Linh còn hơn nhập sách báo lá ngón của nước ta.

Tạm thế đã, TNGC sẽ nói về những chiếc đồng hồ trong quốc hội Đức và trong phòng họp của bà Angela Merkel ở phần 4.  Trong bài có thông tin gì sai sót mong các cụ góp ý, bổ sung.  


















Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Mẹ muốn!


Mẹ muốn con luôn nhìn cuộc sống một cách thân thiện và ấm áp tình người, nhưng mẹ cũng muốn con luôn cảnh giác và đề phòng sự đểu giả, lọc lừa đầy rẫy trong xã hội.

Mẹ muốn con ra đường biết giúp người già em nhỏ nhưng lại phải đủ khôn ngoan và tinh tường nhận ra đâu là kẻ lưu manh, đâu người là lương thiện.

Mẹ muốn con có dũng khí bảo vệ cái đúng, chống lại cái ác nhưng lại nhỏ to khuyên con tránh xa đám đông hỗn loạn vì mẹ quá hiểu sự manh động và sợ con  “chẳng phải đầu cũng phải tai”.

Ảnh mạng
Mẹ muốn con đọc thật nhiều để thêm hiểu về lẽ phải và lòng nhân hậu, nhưng mẹ vẫn phải hét toáng lên khi con miệt mài bên bàn học vì đôi mắt yếu ớt của con đã làm việc hơn 8 giờ ở trường và 3 tiếng trong lớp học thêm buổi tối.

Mẹ muốn con tự đến trường bằng đôi chân của chính mình nhưng mẹ chẳng thể yên lòng với giao thông tàn bạo ở xứ này.

Mẹ muốn con tự giặt quần áo, tự lo bữa ăn, tự soạn sách vở nhưng mẹ lại muốn con có thêm chút thời gian nghỉ ngơi sau khi kiệt sức với đống bài tập về nhà.

Mẹ muốn con tin rằng quanh ta có bà Tiên ông Bụt sẵn lòng cứu giúp người ngay, trừng trị kẻ gian tà, nhưng mẹ chẳng thể nào trả lời được cho con vì sao người tốt, người tài, người tử tế quanh ta vẫn phải chịu khổ đau và bất hạnh.

Mẹ muốn con tin rằng hiện hữu cùng loài người còn có Trời có Phật, luôn phù hộ đội trì, nhưng cũng muốn con phải biết, rằng con chứ không ai khác, quyết định con đường và sự nghiệp của chính mình; con chứ không ai khác, phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của bản thân.

Mẹ muốn con có thời gian đi nghe nhạc, xem hát, thăm thú nơi này nơi kia, nhưng mẹ cũng muốn con phải học thật giỏi và thi đậu vào một trường đại học, dù ở trong nước nhưng cũng phải thật đàng hoàng.

Mẹ muốn con giỏi nữ công gia chánh, biết may vá thêu thùa, biết dọn nhà cắm hoa, nhưng mẹ đã ngấm ngầm đánh cắp tuổi thơ của con bằng cách ngày đêm, mưa nắng đều đặn chở con tới lớp học thêm cho dù con than mệt.

Mẹ luôn ngợi ca sự trung thực, thẳng thắn; lên án điều xấu xa; thế nhưng dù con có hỏi, mẹ vẫn cứ quanh co và giấu nhẹm chuyện cái phong bì gửi cô những ngày lễ tết.  

Mẹ muốn con tâm sự với mẹ những suy nghĩ của mình nhưng chính mẹ lại không thể hoặc không dám nói với con nhiều điều trong cuộc sống. Mẹ chưa một lần dũng cảm nói rằng, bản thân mẹ cũng đang vẫy vùng trong mớ bòng bong đầy mâu thuẫn kia.


                                                                           Ảnh mạng

Mẹ muốn nhận lỗi với con, rằng bố mẹ  bất tài vì đã không đem lại cho các con một môi trường học tập tốt hơn, một nơi ở an toàn hơn, nhân bản hơn, nơi mà năng lực và giá trị đích thực của mỗi người được phát huy, được trân trọng và được đánh giá đúng với những gì họ có.