Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thanh niên Giao Chỉ ở Đức (P4)


Năm 1990, anh rể mình đi Đức về bảo ở bển (CHDC Đức) chỗ nào cũng có đồng hồ. Mình trố mắt dỏng tai nghe. Hồi đó, với mình, cả Việt Nam chỉ có mỗi cái đồng hồ trên nóc nhà bưu điện ở Bờ Hồ thôi.  Còn trong mỗi gia đình thì Gimiko với biểu tượng con ngựa, ơn nhờ Đổi Mới, mãi sau này mới có. Giờ qua Đức, mà lại là nước Đức thống nhất, mới thấy ông anh mình không bốc phét.


Ở hai trung tâm quyền lực nhất là quốc hội Đức và văn phòng thủ tướng Đức thì như các bạn đã xem trong phần 1 (P1) và phần 2 (P2), chỗ nào cũng thấy đồng hồ.  



Chiếc đồng hồ 4 mặt trong phòng họp nội các chính phủ Đức được đặt ở giữa bàn nhắc nhở mọi người luôn đúng giờ. Ai đi muộn chắc xấu hổ lắm. 

Còn chiếc đồng hồ treo trên tường kia ở Quốc hội Đức. Hai chiếc đèn gắn trên đồng hồ, trong đó có 1 đèn màu đỏ, nghe nói để nhắc nhở có cuộc họp toàn thể quan trọng. Đừng có mà quên. Đồng hồ không chỉ để biết giờ mà còn là biểu tượng  của sự trân trọng thời gian.  

Người Đức bố trí để đoàn của TNGC sang Đức vào ngày cuối tuần với mục đích tiết kiệm 13 tiếng ngồi trên máy bay, để vừa đặt chân xuống đất, sáng hôm sau, thứ 2, có thể làm việc ngay với đối tác.  Trên xe từ phi trường về khách sạn thấy bên đường có chợ đồ cũ, đúng món tủ của TNGC biệt danh "Phong đồng nát". Thế là vừa chân ướt chân ráo xuống xe, quẳng đổ lên phòng, TNGC dò đường nhao ngay ra chợ (ở Strabe des 17 Juni).  

TNGC học hành không đến nơi đến chốn nhưng cũng biết chút ít về tính kỷ luật của người Đức nên dù đắm đuối ngất ngây với thập cẩm những món đồ cũ, vẫn nhìn đồng hồ để về KS theo đúng lịch. Thế nhưng khốn nỗi lúc về, chắc quá hưng phấn với vài món đồ mua được nên đi lạc, vẫy taxi thì không chiếc nào chịu dừng nên về KS chậm khoảng mươi phút so với kế hoạch ghi ở trong cái này



Cả hội về tới KS thì xe đã chuyển bánh thăm một vài địa điểm theo kế hoạch ghi trong lịch trình. 10 trong tổng số 11 vị khách quý của đoàn VN về muộn đã "chấp nhận đau thương" ngồi  ở lễ tân tẩn mẩn mân mê đống đồ lạc-xoong để rồi tự sướng và không quên âm thầm nguyền rủa:  Ngày chủ nhật cũng không tha, "bắt" đi tham quan nơi này nơi kia. Rồi không thèm đợi, dù chỉ có mươi phút, dù nhóm đi lạc về muộn lên tới 10 trong tổng số 11 thành viên trong đoàn; rồi còn để mặc cho con Rồng cháu Tiên ngậm ngùi ngồi tơ hơ ở lễ tân KS phải chống cằm suy tư chiêm nghiệm về tính kỷ luật và lòng tự trọng. 

Đúng là "bọn phát - xít"! Giời đánh tránh miếng ăn, thế mà ngay trong khi ăn, người Đức cũng mời nhân vật này nhân vật kia cùng ăn để thảo luận về một chủ đề nào đó. TNGC có thói quen không thể bỏ là sau bữa trưa kiểu gì cũng phải đánh một giấc rõ dài, thức dậy pha ấm trà nhẩn nha uống  sau đó mới làm gì thì làm. Thế mà ở đây họ không cho TNGC ngủ, ăn trưa xong là vội vàng chùi mép để bắt đầu lịch làm việc chiều. Quá dã man!  

Tính cách và kỷ luật của người Đức như thế đấy! Dù chỉ có 1/10 người nhưng kiên quyết không chờ, đúng giờ là đi. Một bài học thấm thía. Một cái tát vào lòng tự trọng của TNGC.   

Hôm nay đọc một số tài liệu TNGC mới biết ở Đức, nguyên thủ chuẩn bị đi thăm nước nào thì kế hoạch đã phải lên từ tháng 10 năm trước.  Có thể nhiều người cho là máy móc, nhưng để một nước Đức có vị thế trong EU và quốc tế như hôm nay không thể không máy móc như thế. Gần đây TNGC cũng được "mở mắt" về tính kỷ luật và điều mà chúng ta thường chê bôi là "máy móc", cũng có ở người Nhật.  

Hôm đi thuyền trên Sông Spree, anh Lê Quang, dịch giả, người sinh sống ở Đức nhiều năm, chỉ toà nhà của Thủ tướng Đức Angela Markel kể : Sau khi nhậm chức thì bà vào ở hẳn trong khu nhà đó. Bà thủ tướng muốn có một không gian thoáng đãng ở phía trên sân thượng để nghỉ ngơi thư giãn nên muốn dựng thêm một mái che bằng vật liệu nhẹ.  Tuy nhiên ý kiến này của bà không được kiến trúc sư thiết kế toà nhà đó chấp nhận vì nó phá vỡ cảnh quan chung, làm hỏng thiết kế tổng thể khu nhà... Nghe nói cũng căng thẳng phết, cuối cùng thì kế hoạch "cơi nới" của bà Angela Markel bị phá sản.  Đến đây chắc bà mới thấm thía sự thiệt thòi khi không có may mắn được làm việc ở VN - nơi mà "tư duy cơi nới" trăm hoa đua nở, trăm nhà khoe sắc, được "nhất trí cao và được quán triệt một cách sâu sắc." He hé.


Đèn laze từ thuyền trên Sông Spree chiếu lên hai bờ

Đây mới gọi là cơi nới này.

Đến vị thủ tướng đáng kính đầy quyền lực còn phải tuân thủ những nguyên tắc chính đáng như thế thì đúng là kỷ luật đã ăn vào trong máu của người Đức rồi. Nó chính là sức mạnh Đức! 

Để kết thúc phần 4 (P4), TNGC dẫn ra đây một đoạn trích trong Status của bạn Phươngi, hình như đang làm nghiên cứu sinh ở Đức.


Tính tổ chức kỷ luật cao: Bắt nguồn từ thời kỳ cổ đại. Ngay trong thời kỳ các nước Hy lạp cổ đại người ta đã phát triển cách nghĩ phải có trách nhiệm cộng đồng xã hội. Trong đời sống của thời kỳ Hy Lạp cổ đại, việc sống chung tồn tại trong cộng đồng đã được đề cao và thể chế hóa qua các luật lệ, và nhiều nhà triết học đã từng nghiên cứu Sokrates, Aristoteles và Plato. Trong thời kỳ này, tư tưởng của sự bình đẳng và lý trí đã tạo nên những trụ cột cho các luật lệ thời La Mã. Cách suy nghĩ và hành xử theo luật pháp của La Mã đã tạo nên nền tảng cho những cấu thành các nhà nước Châu Âu sau này. 

Ngay từ thời kỳ sơ khởi của dân tộc, các bộ lạc Đức đã nhiều lần nằm dưới sự kiểm soát của các đội quân La Mã và đế chế La Mã thần thánh. Ảnh hưởng của tính tổ chức, kỷ luật cao đã phát triển và hình thành từ khi ấy và kéo dài đến tận ngày nay.
     
Có kế hoạch thời gian và đúng giờ: Đức trải qua một thời kỳ chiến tranh nội bộ và cạnh tranh quyền lực lâu dài ngay từ khi phân chia thành khoảng 1000 nước nhỏ với những thể chế nhà nước hoàn chỉnh. Số lượng nhà nước nhỏ nhiều như vậy làm hạn chế số lượng dân cư trong mỗi nước. Tuy nhiên, các thể chế nhà nước lại rất hoàn chỉnh, nên mỗi người dân trong một quốc gia như vậy đều phải chịu trách nhiệm rất rõ ràng và cần phải phân chia thời gian một cách rất sát sao để hoàn thành công việc của mình. 

Ngày nay, việc phân chia thời gian sát sao và đúng giờ đã trở thành một giá trị chung của xã hội Đức. Các phương tiện giao thông công cộng từ xe bus, tàu điện, máy bay… đều chạy theo bảng giờ đã định, các cửa hàng, công sở cũng có những thời gian biểu được ghi rõ ràng… buộc người dân cũng phải sống tôn trọng thời gian và đúng giờ. Tại nước Đức, khái niệm tôn trọng kế hoạch thời gian được coi là một trong những biến thể của việc đánh giá cao các thể chế và luật lệ.

P4 đã dài, sợ các cụ mệt, TNGC sẽ viết tiếp P5 sau. 







     




























0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ