Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

CHIẾC ĐIỆN THOẠI TREO CỦA ÔNG BẢO VỆ GIÀ


Chiếc điện thoại treo lủng lẳng ở cửa sổ phòng bảo vệ của trường. Nó hiện diện ở đó đã lâu và dĩ nhiên chẳng còn xa lạ với bọn học sinh. Hàng ngày chúng vào ra, cúi đầu chào, đằng sau chiếc điện thoại lủng lẳng là ông bảo vệ già, khẽ gật.

Hễ ngồi là tay ông chống cằm, tư lự nhìn ra khoảng sân. Chiếc điện thoại tòng teng trước mặt, đứa nào muốn gọi điện cho bố mẹ cứ việc tới xin ông, tự bấm móc khóa lấy ra mà gọi.
Những lúc như thế, chả biết ông có nghe chúng hỏi xin không, chỉ thấy đầu ông khẽ gật. Lâu thành quen, có đứa chả hỏi, mồ hôi nhễ nhại cứ thế xộc tới bấm móc khóa... Lúc trả lại ông, chúng vội vã cảm ơn rồi vụt chạy đi, ông bảo vệ già cũng mặc, tay chống cằm, tư lự nhìn ra sân trường. Nơi đó có hàng cây phượng, bụi hoa, bảng thông báo trên có mai che bằng tôn, dưới có ghế đá cho học sinh ngồi.
Chính chỗ cái ghế đá là nơi ông hay đặt mắt vào, là nơi ám ảnh ông nhất.
Ba năm trước. Một chiều chạng vạng, sấm chớp ì ùng. “Lập đông, lạnh rồi mà trời còn sấm”, ông lẩm bẩm với tay lấy cặp lồng cơm chuẩn bị bữa tối. Đang lúi húi thì có tiếng lí nhí ngoài cửa số, giọng run run.
- Bác cho cháu mượn điện thoại để gọi cho mẹ cháu đến đón được không ạ? Điện thoại cháu bị hỏng.
Vừa nói con bé vừa ngập ngừng giơ chiếc điện thoại của nó ra trước mặt. Chiếc điện thoại bong tróc, nham nhở, các phím mờ hết số.
Quên sạc pin chứ hỏng gì! Đừng lừa lão già này! Chúng mày phải có ý chứ, phải biết cái thân già như ông làm bảo vệ được vài triệu tiền đâu để chúng mày gọi nhờ. Đã là học sinh phải học cái tính cẩn thận từ bé đi, phải biết chuẩn bị cho bản thân, phải biết tự lập. Giờ trẻ con đứa nào cũng như vàng như ngọc, ăn sung mặc sướng, vô lo vô nghĩ, bố mẹ hầu hạ tới tận đầu giường, cái ngữ ấy ra đời không làm gì ra hồn. Không cho chúng mày mượn, không thể chiều chúng mày được. Chiều là hỏng. Kệ chúng mày. Những bài học như thế này sẽ dạy chúng mày nên người…
Nghĩ tới đây, tự nhiên ông điên tiết trừng mắt quát:
- Không có! Quên ở nhà rồi!
Con bé lí nhí gì đó rồi lủi thủi ra chỗ bảng thông báo ngồi. Ông hài lòng vì đã dạy cho nó một bài học về sự cẩn thận, chỉn chu.
Bữa cơm tối và chương trình thời sự trên TV khiến ông quên luôn con bé, quên cả cơn mưa, gió rét ập tới.
Có người thập thò gọi cổng. Một thiếu phụ môi thâm tím vì rét lập cập hỏi ông còn lớp nào ở lại học không. Ông nói không. Thiếu phụ mếu máo nhìn quanh, nói đến đón con, gọi cho con thấy tắt máy, đinh ninh con đang học nên cứ đứng ngoài cổng chờ. Đến khi trời tối hẳn, không thấy phòng học nào sáng đèn mới đánh liều chạy vào hỏi.
Đến lúc này ông bảo vệ già mới sực nhớ cô bé mượn điện thoại. Ông cầm đèn pin cùng thiếu phụ lao vào trường. Sân trường tối đen. Gần tới chỗ bảng thông báo thì nghe có tiếng gọi khe khẽ “mẹ ơi”.
Mẹ cô bé hỏi sao không chạy vào trường trú mưa. Nó nói ngồi đây thấy ánh đèn phòng bác bảo vệ đỡ sợ hơn, ngồi đây mới nhìn thấy mẹ vào đón.
Ông không ngờ đấy là câu nói cuối cùng ông nghe được từ cô bé. Sau chiều tối hôm đó nó bị ốm, được một tuần thì bệnh viện trả về.
Nhà chỉ có 2 mẹ con, tính nó nhút nhát, lại có bệnh từ nhỏ nên dù đi làm về sớm hay muộn, chị đều đạp xe tới trường đón con. Chị chờ nó ở một ngách nhỏ xa cổng trường. Chị ngại vẻ nhếch nhác, lam lũ của mình làm con ngượng với chúng bạn. Chờ phụ huynh về vãn chị mới đạp xe ra, vờ như đúng lúc đó mới tới để nó khỏi bận tâm.
Làm thuê làm mướn chả có giờ giấc, lúc về sớm, khi về muộn, chị tìm chiếc điện thoại cũ, giá rẻ mua để con tiện gọi mẹ lúc tan trường. Tiết kiệm tiền, nó giao hẹn, cứ thấy tắt máy hoặc không nghe thì mẹ biết con vẫn đang học, mẹ chờ con.
Sau đám tang, ông bảo vệ già buồn lắm! Giá như chiều tối hôm đó ông cho nó mượn điện thoại gọi cho mẹ…
Không ai biết câu chuyện của ông với cô bé. Mẹ cô bé cũng không hề biết. Chứng tỏ cô bé không kể lại. Nhưng ông thì day dứt, ám ảnh. Ông dằn vặt bản thân, tự vấn lương tâm, nếu con bé không phải ngồi thu lu chờ mẹ trong mưa đêm lạnh lẽo thì liệu căn bệnh mạn tính kia có thể đem nó đi xa được không…
Ông định xin nghỉ làm vì cứ nhìn ra phía bảng thông báo lại văng vẳng tiếng gọi “mẹ ơi”, rồi hình ảnh cô bé tóc tai ướt đầm dính bết vào bờ vai gầy lại hiện ra. Không. Ông không thể trốn tránh. Ông cần đối mặt. Ông phải làm một việc gì đó.
Nhiều năm sau, người ta vẫn thấy ông ngồi sau cửa sổ phòng bảo vệ, tay chống cằm, tư lự nhìn ra sân trường, trước mặt là chiếc điện thoại lủng lẳng treo. Đứa nào cần gọi tự lấy, ông không trả lời, chỉ khẽ gật đầu, mắt ánh lên niềm vui như trẻ được mẹ cho quà, nhưng cũng có lần bọn trẻ thấy ông giàn giụa nước mắt./.