Ngô Thiệu Phong
Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017
Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017
Made in Germany
Nói ra sợ ...nhục! Gì thì gì năm 88 mình làm một nhát cũng 21 điểm rưỡi vào Khoa Tiếng nước ngoài, ĐH Tổng hợp HN, thiếu có nửa điểm là đi Liên Xô zoo học như ai.
Thế mà giờ không há khẩu ra nói đc một câu Eng -lích cho ra hồn. Hôm rồi đi mua nồi xoong theo chỉ thị của vợ, mình hỏi có dùng đc cho bếp từ không thì quên béng từ induction, nhớ mỗi cái lò vi sóng thành thử hỏi: suitable for microwave oven? Nghe vậy đứa nào cũng trợn mắt lắc đầu, tưởng mình hỏi đểu :V .
Hôm qua đọc anh Nguyễn Danh Lam kể có cô bé ngồi trên xe hơi cứ đi tới đi lui. Cảnh sát thấy lạ tiến lại hỏi có cần giúp đỡ không thì em nhoẻn miệng cười nói: I'm finding f*cking area (thay cho parking area) :P
Đấy, người Mỹ với nhau còn nghe không ra huống hồ mình-Giao Chỉ.
Viết tút này để cảnh báo các bố sang Đức chọn mua nồi thì lật đít lên, thấy Made in Germany thì phang nhá! Còn cái nào có mỗi Germany thì... cân nhắc vì loại này làm ở nước thứ 3 (chủ yếu ở Trung Quốc, một số ở các nước Đông Âu) . Cùng loại mà chênh nhau cả trăm oi-gô.
Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017
Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017
Truyền thông thời số hóa
55,6 triệu người Đức trên 14 tuổi (79%) vào mạng. Năm 2014 mỗi người vào mạng 5,9 ngày một tuần và mỗi ngày vào mạng 166 phút. Cứ hai người lại có một người lướt mạng bằng di động.
Cuộc cách mạng số hóa đã đưa ra một khái niệm công luận mới. Các phương tiện truyền thông xã hội và không gian Blog là tấm gương phản ánh một xã hội mở và đối thoại, mà trong đó mỗi người đều có thể đóng góp ý kiến.
Số hóa là yếu tố khởi phát một quá trình chuyển đổi cơ cấu sâu sắc. Truyền thông Đức đang trong giai đoạn reform và bước đầu đã có những kinh nghiệm.
Chúng ta-những người làm báo, làm phát thanh- đã biết gì về thính giả của mình? Trong khi đó Mark Zuckerberg quá hiểu về hơn 700 triệu người đang sử dụng Facebook, từ giới tính cho tới sở thích, từ khuôn mặt thật của bạn cho tới những tâm sự kín đáo giữa 2 người. Không tin cứ thử vào trang sex 1lần/ngày, trong 3 ngày liên tiếp! Ngày thứ 4 bạn sẽ được mời sex miễn phí mà chẳng mất công gõ địa chỉ.
Ta chỉ có 24 giờ còn mạng xã hội > 24 hour .
Một nửa người dùng mạng xã hội trên thế giới <35 tuổi. Ai là đối tượng cần nhắm tới nhiều nhất của truyền thông? Độ tuổi nào có khả năng tiến hành thay đổi, tạo dư luận xã hội? Ai là tương lai nhân loai? Tụi <35 này chứ còn ai!
Chúng ta phải làm theo những quy tắc cứng nhắc, đôi khi khắc nghiệt còn Mark Zuckerberg thì không.
Vậy ai sẽ là người chiến thắng đây?
Đã đến lúc phải nghĩ cách để làm chậm quá trình diệt vong của chính mình chứ không phải vỗ ngực huyênh hoang về truyền thống hay quá khứ vinh quang.
Với truyền thông, mạng xã hội đã làm thay đổi 2 lĩnh lực : Trách nhiệm và bản quyền. Đây vừa là thế mạnh vừa là hạn chế của nó. Do đó NỘI DUNG ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG THỰC, hay nói cách khác, khách quan, trung thực sẽ là thế mạnh duy nhất của báo chí truyền thống chúng ta.
PS: Tào lao tí thôi! Tin hay không thì tuỳ- believe it or not, it 's up to you! Chủ yếu khoe cái ảnh đang học tập nghiêm túc về truyền thông Đức
Mặc quần sooc lên giảng đường
Vụ thầy giáo mặc quần sooc lên giảng đường (đang khiến cho dư luận bàn tán) làm mình nhớ ông Nguyễn Văn Trang, cựu Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT.
Đồng nghiệp iêu quý của mình làm GD những năm 90-2000 hẳn vẫn nhớ bác Trang, quê Quảng Ngỡi thì phải.
Hồi mới gặp bác này mình thấy tay bác í xăm trổ phát ớn, thuốc lá phì phèo, thấy mất cảm tình. Nhà giáo ai lại thế! Vẫn nhớ bác í cùng với bác Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa Học GD "chiến đấu" với mình hơi bị kinh, vụ phân ban. Gặp nhau toàn "quay mặt bước đi như không hề quen biết". Chán!
Sắp hưu bác í chuyển sang làm thanh tra. Thời điểm đó, nhiều lúc vào phòng bác í tỉ tê tâm sự (cay đắng ngọt bùi ...) lại thấy iêu bác í mới chết! Lúc đó nhìn xăm trổ loằng ngoằng trên cánh tay bác í lại thấy bình thường. Hi hi !
Ảnh: Đang dạy về hệ xương. Hôm nào dạy về giải phẫu sinh lý thì mình đi học. Sẽ ngồi bàn đầu vì mắt kém :P
Sài Gòn với tôi
Tôi đặt chân vào Sài Gòn cuối năm 1978. Sài Gòn thời điểm đó có lẽ cũng chẳng khác mấy so với sau 4/1975, có chăng là mùi vị chiến tranh không còn rõ rệt nữa.
Người lính VNCH đầu tiên tôi biết là...( quên tên rồi). Anh là nhân viên Công ty rau hoa quả Tp HCM chỗ cha tôi. Nhiệm vụ của anh là cùng kế toán ra kho bạc nhận và chuyển tiền. Mỗi lần đi là anh lại giắt khẩu K54 vào lưng quần. Anh hiền lắm, chỉ cười, chẳng biết do mặc cảm hay anh hiền thật.
Người lính VNCH thứ hai tôi biết là bố Huu Chi Dinh. Chú là người Bắc di cư 1954! Ông thừa biết tôi là con một cán bộ cộng sản gộc được miền Bắc biệt phái vào Sài Gòn truyền bá và thực hiện những tư tưởng, đường lối của nền kinh tế XHCN ... :P nhưng ông vẫn rất quý tôi, coi như con. Gia đình Trí là nơi tôi hay lui tới nhất thuở học trò.
Một người nữa tôi biết là một vị cảnh sát chế độ cũ, là thầy giáo của tôi. Thật khó hiểu trong không khí căng thẳng và nghi kị thời đó, với niềm kiêu hãnh của kẻ chiến thắng đang hừng hực... mà một cảnh sát VNCH lại được bố trí làm giáo viên. Thầy này cao lớn, tướng mạo phương phi, nhà ở chỗ hẻm kế bên nhà thờ Đa Minh đi vào, Nga Bui, Huu Chi Dinh , Nguyen Thai Hoc còn nhớ? Hay mình nhầm?
Nhìn chung tôi có ấn tượng khá sâu sắc với những người kể trên !
Bên chỗ cha tôi làm thì có thể chia thành 4 thành phần chủ yếu : R (trên rừng, trên chiến khu về) , biệt động thành, tập kết và biệt phái (như bố tôi) . Nơi đây cũng rất nhiều khuôn mặt. Rất phức tạp! Lúc khác tôi sẽ kể.
Sài Gòn - với những con người tôi từng biết - rất phong phú và đa dạng. Nó giúp cho suy nghĩ của một thằng nhóc Bắc Kỳ thay đổi khá nhiều.
VÌ SAO HS NƯỚC NGOÀI CÓ KHẢ NĂNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP TỪ RẤT SỚM?
Ở stt trước anh Nguyễn Danh Lam đã giới thiệu trang web (Kids.gov) rất bổ ích cho trẻ em và cho cả người lớn nữa.
Đọc qua trang này mình mới ngộ ra vì sao học sinh ở nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng có định hướng nghề nghiệp khá sớm, không nhắm mắt nhắm mũi đâm đơn bằng mọi giá để vào trường ĐH như ở ta.
Tất nhiên họ định hướng nghề nghiệp bằng nhiều cách nhưng chỉ cần xem 1 cách phổ biến và dễ làm như thế này thôi cũng đã thấy hiệu quả rồi.
Trong trang web có mục Jobs& Careers (công việc, nghề nghiệp). Ở đó họ liệt kê danh sách công việc theo mẫu tự chữ cái từ A-Z, ví dụ đầu tiên là (A) air traffic controler (nhân viên điều khiển không lưu) cho tới (Z) zoo keeper (người trông vườn thú); phân chia công việc thuộc chính quyền (government jobs), như đầu bếp của Nhà trắng, nhà khảo cổ, kiến trúc sư, CIA, phi công...; công việc trong lĩnh vực khoa học như kỹ sư vũ trụ, phi hành gia...
Với mỗi nghề họ giới thiệu một video dài chừng 3 phút, mô tả lại công việc của nghề đó. Ví dụ với nghề thú y (veterinarian) thì sẽ có clip 1 bác sỹ (thật) đang khám cho 1 chú chó. Người thực hiện video có thể hỏi bác sỹ làm thế nào để chữa răng sâu cho chó, làm thế nào biết được con chó đang bị đau ở đâu... Bác sỹ thú ý thực hành trên một "bệnh nhân" chó thật của khách hàng mang tới để giải đáp những câu hỏi trên (thế mới hấp dẫn chứ ngồi ghế bành chém gió ai xem :V).
Sau mỗi clip 3 phút như thế HS hoàn toàn có thể hình dung ra một nghề, những tố chất thiết yếu để làm nghề đó... Cuối cùng clip giới thiệu trang web của cá nhân hoặc đơn vị chuyên thực hiện công việc này để học sinh nào hứng thú có thể tìm hiểu sâu hơn.
Còn rất nhiều mục hấp dẫn khác như giúp trẻ quản lý tiền thế nào, online an toàn ra sao.v.v và v.v... rất phù hợp với kids, teen, người lớn xem cũng khoái.Kids.usa.gov nhé!
PS: À, có cả phụ đề để ai muốn học tiếng Anh hoặc nghe chưa tốt có thể đọc
Tây làm du lịch
Hôm nay mấy anh chị vừa đi Mỹ về kể ở bển có cái hàng không mẫu hạm từ sau thế chiến thứ II (USS Midway CV-41), nếu ở VN chắc bán sắt vụn từ lâu, thế mà họ tận dụng làm điểm du lịch, hốt bộn tiền.
Lâu lâu rồi đọc anh Hiệu Minh thấy nói cũng ở xứ cờ hoa này có tuyến đường sắt trên cao nào đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, thay vì đập đi, họ cải tại thành... "vườn hoa Babylon" rất thú vị. Chẳng biết có hút khách du lịch không nhưng anh Hiệu Minh rất khoái. Có anh chị nào đang ở Mỹ cho biết địa điểm này với ạ! ( vâng, bạn mình Hiep Nguyen và anh Anh Tuan Le có còm ở dưới , nói đấy là High line ở NY:https://en.m.wikipedia.org/wiki/High_Line)
Đấy là chuyện nước Mỹ, còn ở Quế Lâm Trung Quốc thì con sông Li đã kéo về cho tỉnh này không biết bao nhiêu nhân dân tệ.
Cách đây mấy năm mình cũng đã đi thuyền dọc con sông này, ngang qua Cửu mã tọa sơn mà tương truyền rằng ai nhìn đủ 9 đầu con ngựa trên vách đá thì người đó trở về sẽ dựng nghiệp lớn, chí ít thì cũng công thành danh toại, cầu được ước thấy, con đường hoạn lộ cứ gọi là phơi phới thênh thang...
Nghe Hà Thắng, người Tàu thứ thiệt nói thế mình nhìn phát ra ngay, không chỉ 9 mà còn rõ mồn một thập mã tọa sơn, lòng mình lâng lâng vui sướng, hạnh phúc tràn trề...mặc kệ cho thằng Hà Thắng ngạc nhiên không ngớt, rồi cay đắng nhìn mình đầy đố ky...he he!
Sau khi thăm hai sông, bốn hồ và Nhật Nguyệt song tháp với hệ thống đập dâng, hạ nước (để tàu thuyền qua lại) vô cùng thích thú, lạ lẫm thì mình có một ước muốn, một ước muốn chảy bỏng là biến sông Tô Lịch, hồ Gươm, hồ Tây thành một sông hai hồ để đô la chảy ầm ầm vào xứ Việt nhưng nghiệp lớn mãi chưa thành.
Lại còn cái show diễn Impression of Liu san jie (Ấn tượng chị Ba Lưu) nữa chứ! Khổ, rét căm căm dưới 4 độ mà mình quyết đội mưa để xem cho kì được tác phẩm lừng danh của Trương Nghệ Mưu. Xem xong thì cay đắng nhận ra cái thương hiệu Trương Nghệ Mưu cũng đắt giá kinh người.
Còn chúng ta cũng đâu có thua kém thiên hạ. Cũng định đặt Kong ở giữa hồ Hoàn Kiếm đấy chớ!? Thế mới thấy người ta cảnh báo: " Hãy cảnh giác với những người chỉ đọc một cuốn sách" là hoàn toàn có thật.
Tào lao tí cho vui thôi chứ ngẫm cái cách xứ người biến những thứ thiên nhiên ban tặng hoặc đồ bỏ đi thành đô la mà ...tiếc ! Những đầu máy hỏa xa hơi nước cổ xưa hoạt động trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt cũng bị bán với gía sắt vụn và người Thụy Sỹ đã khôn ngoan nhanh tay mua mất; đoạn đường răng cưa hiếm hoi trên thế giới này dần dà cũng rơi vào quên lãng.
Thôi! Buồn cũng đến thế! Có một niềm vui thay thế đây. Số là anh chị đi Mỹ về kể bên đó nữ sinh đứng thẳng, tay tới đâu thì váy được phép dài tới đó. Chị em nhà mềnh nghe thế vui mừng khôn xiết, có người cứ vờ đứng lên bấm bấm ngón giữa vào đùi xem cỡ mình thì tới đâu, rồi ai cũng chép miệng ước mơ giá như tay mình ngắn lại!
(Ảnh mẫu hạm USS Midway lấy của anh Nhật Minh-
Mình ...ở cuối thế kỷ XXI
Hình như chưa có một nghiên cứu nào đưa ra số liệu thống kê từ khi mạng xã hội (hay chính xác hơn là Internet) xuất hiện thì giao tiếp trực tiếp giữa người với người giảm đi bao nhiêu lần.
Từ khi viễn thông phát triển thì ngành bưu chính mất đáng kể việc làm. Tương tác điện tử đã thay cho những lá thư viết tay.
Thử hình dung xem chúng ta ở giữa và cuối thế kỷ 21 này sẽ như thế nào? Nếu như săn bắn và hái lượm là hình thức phân chia giới tính tự nhiên thời cổ đại thì nay với tương tác điện tử, ranh giới này đã bị xóa nhòa.
Nếu như hai hoạt động này giúp loài vượn từ 4 chi dần đứng thẳng lên thành người thì điều gì xảy ra khi các thiết bị thông minh có thể thay thế gần như hoàn toàn các hoạt động của con người.
Mình là người cổ súy cho việc tạo ra các group dựa trên nền tảng có sẵn của mạng xã hội để trao đổi công việc.
Không thể phủ nhận lợi thế trong hoạt động của các nhóm kín này. Nhưng cũng chính vì sự quá tiện lợi của nó mà giao tiếp trực tiếp đang mất dần vai trò, vị trí của mình.
Đồ rằng bàn tay cầm chuột của mình rồi đây sẽ phát triển không ngừng, sẽ to cỡ chiếc găng tay bóng chày và có thể còn hơn thế. Và theo thói quen, như vô thức, đụng vào cái gì cũng nhấp phát.
Sự lệ thuộc và phó thác gần như toàn bộ vào công cụ text qua gõ bàn phím làm cho ngôn ngữ (phần ngữ âm) sẽ kém cỏi một cách tệ hại. Phát âm, thậm chí là diễn đạt, trở nên khó khăn hơn và ngôn ngữ cơ thể thì... "thôi rồi Lượm ơi"! Đứng nói với vợ ai lại đi khoanh tay trước ngực?! Đi đến phố Láng Hạ rất có thể nhầm sang Háng Lạ :V .
Thị giác, ngoài việc suy giảm chức năng nhìn xa, hiện tượng "giả cận thị" bùng phát thành dịch có quy mô toàn cầu, thì khả năng dịch chuyển con ngươi của mắt về hai phía cũng kém linh hoạt đi nhiều bởi chúng thường xuyên tập trung cố định vào một điểm - màn hình. Khi đó mắt một người bình thường nhìn cũng không khắc lắm với người khiếm thị.
Các nhóm cơ trên mặt do ít cười, ít nói, ít nhăn, ít chau...nên có dấu hiệu teo dần và biến mất. Cũng may mình thuộc giống Giao Chỉ, có tập quán ăn thực phẩm thô nên nhóm cơ nhai vẫn phải hoạt động mạnh, do đó khuôn mặt mình cũng còn đủ tư cách để không thèm so sánh với quả táo tàu.
Chân thì teo hẳn vì thiếu vận động do không cần phải gặp gỡ trực tiếp đồng nghiệp.
Để khắc phục mặt trái của giao tiếp gián tiếp qua mạng như vừa nêu. Ngay từ ngày mai mình sẽ triển khai những bài tập chống teo chân, phục hồi nhóm cơ mặt đồng thời kích hoạt các vùng ngôn ngữ trên não... . Vì thế tay nhỡ có "nhấp chuột" (do vô thức) và mắt nhỡ có hướng về ai đó lúc luyện đong đưa để duy trì sự linh hoạt thì chị em cũng đừng để ý làm gì nhe