Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Khi lòng tin bị đánh cắp.

Mọi người cứ nói dân thành phố ghê gớm, nhìn người bằng nửa con mắt. Không phải là tất cả nhưng đó là sự thật. Gần đây lại có nhiều chuyện hành xử thiếu tình người. Tại sao vậy ?

Thực ra phần lớn cư dân Hà Nội và nhiều thành phố khác hiện nay đều từ các vùng quê ra. Vậy thì vì sao họ lại lột xác nhanh đến vậy để từ những người hồn hậu, bỗng chốc trở thành (một thiểu số) ghê gớm, nhìn người bằng nửa con mắt? Tôi cố thử lý giải và thấy nguyên nhân có nhiều. Tuy nhiên câu chuyện dưới đây lại gợi ý một nguyên nhân bắt nguồn từ thực tiễn.

Hàng xóm cạnh nhà tôi là dân ở một vùng quê xa Hà Nội hơn trăm cây. Vì mưu sinh, hai vợ chồng trẻ quyết trụ lại Hà Nội. Công việc tiến triển tốt, họ mời bố mẹ ra ở cùng gọi là chăm sóc những ngày cuối đời để trả ơn sinh thành. Bố mẹ của họ, cũng như nhiều người dân quê ra sống cùng con cháu ở thành phố, suốt ngày lủi thủi trong nhà.

Một hôm người thu tiền nước và vệ sinh đến yêu cầu ông bà nộp lệ phí. Ông bà nói không biết, đợi đến tối, khi các cháu về thì mới có tiền. Qua khe cửa hẹp, nhân viên thu ngân nói xẵng rằng nếu không đóng thì chiều sẽ cắt nước và không ai đổ rác cho gia đình. Sợ con cái nghĩ có hơn trăm bạc mà bố mẹ tiếc, chiều lại chẳng có nước thổi cơm, nên ông bà đồng ý đóng tiền nhưng phải có biên lai. Chưa dứt lời, nhân viên thu ngân xé biên lai cái roạt ném vào trong nhà.

Khổ thân hai cụ, chiều các con về phát hiện biên lai rởm, cho dù có đủ cả con dấu và chữ ký. Thế là mất toi gần hai trăm bạc! Số tiền không lớn, không tiếc, nhưng qua thái độ, ông bà biết chúng tức giận quân lưu manh lừa đảo. Con ông bà chẳng nói gì nhưng bữa cơm chiều trôi qua trong im lặng.

Sau vụ ấy, ông bà quyết đóng chặt cửa không thèm trả lời bất kỳ ai cho dù người đó có kiên nhẫn bấm chuông. Bẵng đi vài tháng, một hôm có vị sư vận đồ nhà chùa kiên nhẫn lần tràng hạt và lầm rầm cầu kinh trước cửa hơn 10 phút. Thấy vị sư đứng đó không bấm chuông cũng chẳng gõ cửa nên ông bà ló đầu ra hỏi cần gì. Vị sư cung kính gập người chào rồi nhỏ nhẹ đáp: Tôi được cử đi bán hương cho các tín đồ phật tử để gây quỹ tu sửa chỉnh trang lại nhà chùa. Đây là địa chỉ chùa và danh sách những người ủng hộ bằng việc mua hương. Xin thí chủ hãy mở lòng hảo tâm.

Một hành động phúc đức thế sao lại không làm? Mà người ta bán hương chứ có yêu cầu mình nộp tiền vệ sinh như cái lũ thất đức kia đâu? Nghĩ vậy, hai ông bà mua vài bó hương gọi là ủng hộ, lại còn được ghi tên vào bảng vàng công đức. Gớm, bỏ ra có trăm ngàn mà được lưu danh hậu thế! Đúng là nhà chùa làm gì cũng có trước có sau. Vị sư đảo mắt nhét tiền vào tay nải rồi rảo chân quay gót để lại đằng sau lời cảm ơn rối rít của hai ông bà.

Tối đến, khi kể lại câu chuyện trên, con trai ông bà nhăn nhó nói bố mẹ ơi hương rởm đấy, toàn hóa chất, đốt lên không khéo ngộ độc. Nghe vậy, ông bà cứ ngẩn ra. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Sau hai cú lừa ấy, lại được con quán triệt, ông bà quyết thực hiện ba không (không nghe, không thấy, không nói) với tất cả mọi người. Gì chứ cái này thời chống Pháp ông bà đã biết rồi. Bởi thế bây giờ đi tới nhận thức chung và quyết tâm thực hiện chẳng khó gì.

Mà đúng thật, cách đây vài hôm, ông bà nhất định không cho hai mẹ con đứa em họ tôi trú mưa ở mái hiên cho dù cháu đã thanh minh là có họ với tôi, vừa ở quê ra đúng lúc tôi không có nhà.

Ông bà suy nghĩ lung lắm, lại còn chụm đầu hội ý, phân tích để nhận định, phán đoán tình hình. Đối tượng này chưng đứa bé ra để lấy lòng trắc ẩn của mọi người đây. Lại tìm đến đúng lúc cơn mưa để hợp lý hóa và đưa con mồi vào thế khó xử, đáng ngờ, rất đáng ngờ, vì thế cần phải kiên quyết. Thế là ông bà đuổi em tôi, một thiếu phụ đang ôm con trong cơn mưa tầm tã, như đuổi tà. Lúc ấy, chẳng thể tìm được vẻ phúc hậu và chất phác của người dân quê trên khuôn mặt ông bà, chỉ thấy lồ lộ ra vẻ ghê gớm và nhìn người bằng nửa con mắt.

Kể lại câu chuyện này, tôi cứ băn khoăn, liệu người ta có thể bột phát độc ác khi niềm tin của họ đã bị đánh cắp và đồng thời được trang bị một thứ giáo điều khả tín nào đó? Liệu tình huống và môi trường có phải là nguyên nhân làm cho người thiện trở thành kẻ ác?
Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Khủng hoảng niềm tin.

Tưởng rằng công nghệ GD (CNGD) với mô hình trường thực nghiệm đã rơi vào quên lãng nào ngờ lại sôi sùng sục sau sự kiện phụ huynh đạp đổ hàng rào để xin cho con vào học.

Nói sự kiện xô đổ cổng trường phải quay trở lại với CNGD mà GS Hồ Ngọc Đại là cha đẻ và lấy Trường PTCS thực nghiệm Hà Nội để triển khai.

Nếu để ý thì sẽ thấy nực cười và mỉa mai khi hai chữ “thực nghiệm” kia tồn tại đã gần ba chục năm. Khi tiếng súng chống quân bành trướng phương Bắc vang lên cũng là thời điểm khai giảng năm học đầu tiên của Trường thực nghiệm.

Thực nghiệm đến hơn 30 năm mà vẫn còn thực nghiệm? Có lẽ không ai khác ngoài GS Hồ Ngọc Đại hiểu số phận chìm nổi của CNGD. Đằng sau nó, ôi chao ơi, là cả một cuộc chiến mất còn.

Khi thấy cổng trường bị xô đổ, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Tôi thương phụ huynh quá”. Người am hiểu GD, đặc biệt những người biết nội tình số phận hẩm hiu của CNGD, sẽ thấy câu nói trên của GS Đại rất nhiều nghĩa.

GS Đại bảo CNGD bị “bóp mũi chết” quả không sai, mà bóp đến hai lần. Lần thứ nhất là Luật GD năm 2000 ra đời với quy định thống nhất một chương trình, một bộ SGK; lần thứ hai sáp nhập trung tâm của ông - nơi có Trường thực nghiệm - vào Viện Khoa học GD.

Nói nhỏ nhé! Bây giờ có những cái cái thí điểm còn vượt ra ngoài cả khuôn khổ của bộ luật cao nhất cơ, thế nhưng, với CNGD, dù có đeo thêm hai chữ “thực nghiệm”cho đến tận hôm nay, thì cũng không thể cứu vãn nổi vì người ta không muốn nó tồn tại.

Thôi, chuyện bếp núc đầy những khoảng mờ,đau đầu lắm, chỉ nói cái chuyện đơn giản, bình thường mà mỗi phụ huynh mong đợi ở ngôi trường mang danh thực nghiệm đó là con họ được học nhẹ nhàng, được vui chơi, được phát huy cá tính, sáng tạo, được yêu thương thực sự…

Phụ huynh chỉ cần có vậy? Ông Lê Tiến Thành, Vụ Trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD-ĐT đã xác nhận với báo chí rằng tất cả những ước nguyện ấy cũng là chủ trương của GD Việt Nam. Các trường học đang theo hướng ấy.

Hình như không đủ thời gian để ông Vụ trưởng giải thích rằng “theo hướng ấy” nhưng sao phụ huynh lại cứ lao vào thực nghiệm.

Vâng, cho dù định hướng chung của ngành GD là vô cùng chuẩn mực như thế nhưng các điều kiện để thực hiện không có và không cho phép. Chỉ xin nói 2 điểm: Có được học “nhẹ nhàng, thoải mái” không khi mà chương trình và SGK soạn nặng nề như hiện nay (cho dù đã có giảm tải)? Có tránh được áp lực không khi nhiều trường chạy theo thành tích? Ngành GD đừng đổ tại khách quan nhé vì năm 2000 chưa xa đâu.

“Tôi thương phụ huynh quá” vì nhiều người chẳng cần biết CNGD là cái quái gì. Và chưa chắc thực nghiệm hôm nay còn giữ nguyên được đường lối của CNGD. Họ chỉ muốn con họ không bị áp lực và được tôn trọng. Hai điều vô cùng giản dị như thế mà nhà trường không đáp ứng nổi thì không “thương phụ huynh” mới là lạ.

Sự kiện ở Trường PTCS thực nghiệm Hà Nội không phải chuyện riêng của nhà trường mà là câu chuyện của nền GDVN. Câu chuyện đấy là gì? Nói cho nhanh, đấy là sự khủng hoảng về niềm tin và phương pháp GD./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Tấn bi hài.

Đầu tuần, nghe lời phát ngôn và xem hành động của hai vị lãnh đạo mà chưa biết xếp nó vào dạng gì. Thôi thì tạm xếp vào hạng hành động và phát ngôn bi hài.

Một là của ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đi kiểm tra tình hình thực tế và thưởng nóng cho một số cá nhân, tập thể kiểm lâm vì đã tìm được vài mẩu gỗ sưa còn sót lại sau vụ trộm gỗ sưa kỷ lục ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tin này chắc chắn được ngành kiểm lâm quan tâm lắm lắm vì sự sâu sát của lãnh đạo chính quyền với công việc của ngành mình. Thế nhưng dân đen như tôi đọc song thấy tức…cười.

Rõ ràng công việc của anh là bảo vệ rừng, đến khi để mất rừng rồi mới vội vội vàng vàng tìm được vài cục gỗ sưa, chẳng biết gốc hay cành, thì lại được tuyên dương. Chẳng biết ông chủ tỉnh tuyên dương cái nỗi gì?

Chuyện thứ hai là phát ngôn của ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên nói với báo chí sau vụ hành hung hai phóng viên của Đài TNVN – VOV liên quan đến sự kiện cưỡng chế đất đai ở Văn Giang. Ông Thanh khơi khơi nói rằng thế “lúc bị đánh có xưng là nhà báo không” và yêu cầu “phóng viên phải đưa ra băng gốc của đoạn clip đó thì mới xử lý được” .

Thưa với ông chánh thế này, nếu ông bị vụt túi bụi như thế thì ông có ba đầu sáu tay cũng không thể tự quay phim được.

Ông bảo ông không nhìn rõ mặt hai nhà báo. Vâng, thưa ông chánh, bị đánh như thế mà chường mặt ra thì họa có là… Không nhìn rõ mặt của hại nạn nhân, nên ông nghi ngờ? OK, nhưng chắc ông nhìn rõ mặt của đội cưỡng chế - những người đang chịu sự chỉ huy trực tiếp của ông ở sở chỉ huy dã chiến? Ông hỏi họ thì biết!

Ông có đủ quyền hành để nhấc máy hỏi nhân viên Trạm y tế xã Xuân Quan xem phóng viên Long có vào đó cấp cứu không. Ông cũng có thể đề nghị gặp những người dân tốt bụng đã đưa Long đi cấp cứu tại đó. Vậy hà cớ gì ông cứ yêu cầu hai phóng viên trình băng gốc? Chẳng nhẽ ông nghĩ họ dùng khổ nhục kế để nổi tiếng như hôm nay? Chẳng nhẽ ông không tin quyết định của lãnh đạo Đài TNVN cử hai phóng viên về đây nắm tình hình?

Thêm nữa, ông bảo ông “ngồi ở sở chỉ huy dã chiến chỉ đạo liên tục”, thế mà phóng viên bị còng tay dẫn giải lên Công an huyện, vào Viện Kiểm sát Văn Giang trong suốt cả ngày 24/4, rồi lại có cả đơn kiến nghị của hai phóng viên gửi lên Công an tỉnh Hưng Yên mà ông không can thiệp (hoặc đề nghị can thiệp) thì kể cũng lạ.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Lại nói về “bởi” và “đến từ”.

Hai từ này tôi đã có lần bàn trong tiết mục “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt”. Nay thấy cần nhắc lại vì một số anh chị lạm dụng quá mức.

Tiếng Việt của chúng ta thừa sức diễn đạt, không chỉ duyên dáng mà còn chính xác, tất cả các từ chỉ vị trí và nơi chốn: Lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam, lên ngược về xuôi, từ Hải Phòng lên, từ Tuyên Quang xuống … Vậy hà cớ gì cứ phải “đến từ”? Phải chăng các bạn học theo MC truyền hình: Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Đăng Quang đến từ ĐH Thái Nguyên.. ên…ên..n..n Oh …Ohh …Yeah…Yeah! Điên!

Thực ra mấy MC “xinh đẹp như con vẹt” này cũng là nạn nhân của “sát thủ đầu mưng mủ”. Có thể đấy là mấy GV dạy tiếng Anh chứng chỉ A-B-C nhưng tiếng Việt còn chưa thạo. Từ mẫu câu: S + to be + from + somewhere cô cứ lải nhải dịch là: Nam đến từ Tp HCM, Mai đến từ London… mà không phân tích kỹ cho học sinh hiểu khiến nó ăn vào đầu lớp trẻ, vốn hăng hái với cái mới, cái lạ.

Cách sử dụng từ bởi cũng có thể cũng bắt nguồn từ từ “by” (bởi) trong tiếng Anh mà ra. Trong văn phạm Anh ngữ có lối nói bị động rất hay, và trong cách nói này thường dùng by, nhưng tiếng Việt rất ít khi sử dụng thể bị động. Nói: “Chiếc xe của tôi đang được sửa chữa bởi một người thợ” thì trúc trắc và khó lọt tai. Tất nhiên, sau bởi là một tập hợp nhiều danh từ thì có thể chấp nhận được, ví dụ: Ngôi nhà này được xây dựng bởi Công ty A, Nhà máy B, Xí nghiệp C…

Tôi hồ đồ nói rằng có thể nó xuất phát từ cách dạy tiếng Anh không đến nơi đến chốn vì trước khi làn sóng dạy và học tiếng Anh ở Hà Nội xuất hiện, chưa có cách nói này.

Các bạn đã biết quy luật vay mượn của ngôn ngữ, tôi không bàn thêm, nhưng ở đây muốn nói một điều thế này: Sự xâm lăng văn hóa nhiều khi nó âm thầm nhưng dữ dội, ngọt ngào mà đắng cay như thế đấy! Mất ngôn ngữ là mất văn hóa, mất văn hóa là mất dân tộc.