Lại nói về “bởi” và “đến từ”.
Hai từ này tôi đã có lần bàn trong tiết mục “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt”. Nay thấy cần nhắc lại vì một số anh chị lạm dụng quá mức.
Tiếng Việt của chúng ta thừa sức diễn đạt, không chỉ duyên dáng mà còn chính xác, tất cả các từ chỉ vị trí và nơi chốn: Lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam, lên ngược về xuôi, từ Hải Phòng lên, từ Tuyên Quang xuống … Vậy hà cớ gì cứ phải “đến từ”? Phải chăng các bạn học theo MC truyền hình: Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Đăng Quang đến từ ĐH Thái Nguyên.. ên…ên..n..n Oh …Ohh …Yeah…Yeah! Điên!
Thực ra mấy MC “xinh đẹp như con vẹt” này cũng là nạn nhân của “sát thủ đầu mưng mủ”. Có thể đấy là mấy GV dạy tiếng Anh chứng chỉ A-B-C nhưng tiếng Việt còn chưa thạo. Từ mẫu câu: S + to be + from + somewhere cô cứ lải nhải dịch là: Nam đến từ Tp HCM, Mai đến từ London… mà không phân tích kỹ cho học sinh hiểu khiến nó ăn vào đầu lớp trẻ, vốn hăng hái với cái mới, cái lạ.
Cách sử dụng từ bởi cũng có thể cũng bắt nguồn từ từ “by” (bởi) trong tiếng Anh mà ra. Trong văn phạm Anh ngữ có lối nói bị động rất hay, và trong cách nói này thường dùng by, nhưng tiếng Việt rất ít khi sử dụng thể bị động. Nói: “Chiếc xe của tôi đang được sửa chữa bởi một người thợ” thì trúc trắc và khó lọt tai. Tất nhiên, sau bởi là một tập hợp nhiều danh từ thì có thể chấp nhận được, ví dụ: Ngôi nhà này được xây dựng bởi Công ty A, Nhà máy B, Xí nghiệp C…
Tôi hồ đồ nói rằng có thể nó xuất phát từ cách dạy tiếng Anh không đến nơi đến chốn vì trước khi làn sóng dạy và học tiếng Anh ở Hà Nội xuất hiện, chưa có cách nói này.
Các bạn đã biết quy luật vay mượn của ngôn ngữ, tôi không bàn thêm, nhưng ở đây muốn nói một điều thế này: Sự xâm lăng văn hóa nhiều khi nó âm thầm nhưng dữ dội, ngọt ngào mà đắng cay như thế đấy! Mất ngôn ngữ là mất văn hóa, mất văn hóa là mất dân tộc.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ