Áp đặt
Tôi đã có lần chứng kiến một bà mẹ phải vật lộn với cậu con trai chừng 5- 6 tuổi trên phố bán đồ chơi Lương Văn Can - Hà Nội chỉ vì cậu thích một cây kiếm nhựa nhưng mẹ dứt khoát không nghe vì chơi kiếm đồng nghĩa với bạo lực.
Thực ra cây kiếm nhựa không có tội, cái chính là cháu sẽ chơi với cây kiếm ấy như thế nào. Nếu cháu nhập vai một hiệp sỹ, dùng kiếm để giệt ác trừ gian, bảo vệ công bằng và lẽ phải thì quá tốt. Nhưng thôi, chuyện này nói ở một chủ đề khác. Trong câu chuyện trên, bà mẹ không thích kiếm nhưng con lại rất thích. Bà mẹ nghĩ mình đã không thích thì con cũng không được thích và dùng quyền lực đề áp đặt quyết định cuối cùng.
Những câu chuyện như trên xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống, trong các quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Tại cổng một trường tiểu học, lúc cha mẹ đưa con đi học rồi chia tay con với những câu dặn dò quen thuộc như chơi ngoan, chú ý nghe giảng… Một người mẹ nhất định bắt con phải buông ống quần bò xuống, không được xắn lên. Cháu nói không thích mặc quần ông vẩy nên xắn cho gọn. Người mẹ không đồng ý. Ở một chỗ khác, có bà một mực buộc thằng bé phải xắn cao ống quần bò lên, không được để gấu quần lệt xệt quét đất. Thằng bé có lẽ thích phong cách hiphop nên do dự, nó ngước nhìn mẹ vẻ cầu xin sự thỏa hiệp, nhưng đáp lại là cái trừng mắt, thế là cu cậu buộc phải thực hiện đúng yêu cầu.
Tâm trạng của hai người mẹ đang trên đường tới công sở có lẽ hài lòng và phấn khởi lắm vì lũ trẻ đã thực hiện quyết định của mình một cách vô điều kiện. Nhưng họ đâu biết khi bóng mình hút vào dòng người trên phố thì hai đứa bé lập tức cúi xuống, đứa buông đứa xắn theo đúng ý mình.
Cái mà người lớn cho rằng đẹp, rằng hay thì nhiều khi trẻ nghĩ ngược lại. Điều này không phải các con hư hỏng, không vâng lời mà là con trẻ có những suy nghĩ riêng, có những chuẩn giá trị riêng, có năng lực và gu thẩm mỹ riêng… Tất cả mọi việc mà người lớn đang làm cho trẻ là hướng những suy nghĩ riêng ấy đi vào đúng quỹ đạo. Song, khó nhất là việc “định hướng” ấy được thực hiện theo phương cách nào. Bản thân hai chữ định hướng đã nhuốm màu áp đặt và lộ rõ sự phiến diện. Vậy nên có lẽ tốt nhất là người mẹ hãy tôn trọng ý kiến của con, lắng nghe chúng, cùng chúng mổ xẻ, phân tích những sự việc còn bất đồng để sao cho sau đó trẻ thực hiện đề nghị của cha mẹ trên tinh thần tự nguyện và nhận thức được vấn đề. Muốn vậy, người mẹ chỉ nên giải thích, thuyết phục chứ đừng áp đặt và cấm đoán.
Vẫn biết việc này khó lắm, mất thời gian lắm, nhưng nếu thực hiện được thì thành công không chỉ dừng lại ở việc trẻ vâng lời, hơn thế, người mẹ còn truyền cho con một cách sống, một phương pháp tư duy khoa học.
Ngô Thiệu Phong