Trí tệ đỉnh cao!
Mình đã nghĩ nhiều và đi đến một kết luận chắc như đinh đóng cột rằng: Sự thông minh, giỏi giang hay đần độn dốt nát có ranh giới rất mong manh. Hoặc biết đâu có lúc chúng giao thoa vào nhau. Đó là lý do vì sao nước Mỹ luôn chấp nhận những ý tưởng điên rồ nhất.
Chính vì thế nên nhiều lúc mình cũng không biết mình thuộc loại nào, thuộc đối tượng có hộ khẩu thường trú ở Trâu Quỳ - Sài Đồng hay cố lấy cái thẻ xanh để định cư lâu dài bên nước Mỹ.
Hồi còn thiếu niên, có bận phải dọn một cái rãnh nước, cỏ dại um tùm, đầy muỗi và côn trùng đốt rất ngứa. Mình chạy vào nhà lấy hộp xịt kiến, gián, muỗi của Tàu ra xịt nhưng không ăn thua vì cái rãnh nước rất dài, cây cối rậm rạp.
Đúng lúc đó trí thông minh của Anh-Xtanh trỗi dậy. Mình đặt câu hỏi: Muỗi đốt vào chân vào tay. Vậy hà cớ gì không xịt thẳng thuốc muỗi vào tay vào chân mình –một diện tích bề mặt không lớn để đảm bảo nồng độ đậm đặc hơn- hiệu quả chắc chắn cao hơn?
Mắt muỗi bé tin hin nhưng cũng đủ nhận ra hai cẳng chân cẳng tay mình đỏ như tôm luộc, bắt đầu phồng rộp, rát bỏng. Nó thấy ớn quá, không thèm đốt mình nữa.
Hồi nhỏ nghe bố kể trước khi đi biển hay lặn biển, gặp những ngày đông giá rét, ngư dân thường uống một bát nước mắm nguyên chất. Mình học dốt, trường làng mà phải học 2-3 ghép đấy, nhưng ai kể chuyện gì thì nhớ, nhớ đại ý.
Hôm đó làm rơi cái gầu xuống giếng. Lặn xuống cái giếng sâu 5 m đối với mình là chuyện nhỏ nhưng trời lạnh nên ngại. Nhớ chuyện bố kể, mình vào chạn lôi ra chai nước mắm. Vì là người có trí tệ, mình tính toán với 50% trọng lượng cơ thể so với ngư dân nên mình húp ½ bát. Vừa húp xong, đi được tới bờ giếng thì loạng choạng nôn ra mật xanh mật vàng.
Đúng lúc đó bố mình đi làm về, thấy mình loay hoay lúng túng bên bờ giếng bèn xoa đầu, nói con không tự lặn xuống giếng lấy gầu là một quyết định rất khôn ngoan và thông minh.
Càng ngày trí tệ Do Thái của mình càng vươn lên một tầm cao mới. Sự thông minh hồn nhiên nhường chỗ cho những ý tưởng sáng tạo có tính thực tiễn cao. Hồi đó Xóm Lò của mình chưa có điện. Nhờ sống sát nách Kho xăng Đức Giang nên họ thương tình cho kéo điện ra phục vụ thắp sáng. Khổ nỗi những năm 80 đào đâu ra dây điện? Mình vào kho hợp tác xã thấy có cuộn dây 3 pha to tổ bố vứt đó đã lâu, chắc để phục vụ cho ý tưởng đại công nông trường, làm ăn lớn kiểu Liên bang Xô Viết. Mình bảo ông đội trưởng đội sản xuất: Dây điện đây chứ đâu! Trong cái dây to này có rất nhiều dây con, tách ra, nối vào!
Thế là làng trên xóm dưới tưng bừng như ngày hội. Già trẻ trai gái thi nhau bóc tách để lấy lõi dây đồng làm dây điện. Toàn dây trần, không bọc cao su cách điện, cột thì sơ sài bằng mấy cây tre, phúc tổ là chưa ai bị điện giật. Thế mà cả làng sung sướng trong lung linh ánh điện, sướng âm ỉ nên quên đi giá trị của 1 mét dây 3 pha to bằng bắp chân người lớn là bao nhiêu tiền.
Đến cái đận xây nhà trẻ cho con em trong xóm thì thiếu sắt. Nên nhớ những năm cuối 80 sắt thép còn khan hiếm lắm. Làm cái xà ngang phải dùng sắt phi 12. Khốn nỗi dự toán chỉ có sắt phi 6. Thằng kỹ sư trẻ măng cứ loay hoay không biết làm kiểu gì. Mình ra thấy vậy hất hàm bảo nó: Mày có biết làm tính cộng không? 6+6 có bằng 12 không? Rồi mắt trợn tay chỉ, nói xuắn hai sợi phi 6 lại với nhau, khẩn trương! Thế mà cu con làm theo thật. Thế là có nhà trẻ.
Các cụ thử chém một câu thực lòng xem em có thuộc loại trí tệ đỉnh cao không? Có xứng đại diện cho dòng dõi Lạc Hồng không ? Nên nhặt lá đá ống bơ ở Sài Đồng (trại tâm thần) hay sang Mĩ ở?