Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Cần người giúp việc

 Bà cụ nhà tôi 85, tạm cho là khỏe nhưng đôi lúc cũng "nhớ nhớ quên quên" đến mức thực thà.

Tìm mãi mới được chị Osin, chị đến chiều tối hôm trước thì sáng sớm hôm sau chị xin về.
Bà dì môi giới bảo, mẹ mày nói với nó là vợ mày kỹ tính sạch sẽ, làm gì cũng làm 2 lần, lau nhà hai lần, rửa bát cũng 2 lần. Nghe thế nó...sợ.
Tôi bảo bà cụ, bà nói vợ con thế thì ai người ta dám ở.

Rồi cũng tìm được một chị khác. Lần này bà cụ rút kinh nghiệm không nói vợ tôi nữa mà rỉ tai : - Con giai tôi cẩn thận lắm, làm gì nó cũng làm 2 lần... Chị mắt rực sáng long lanh, bẽn lẽn nói thế ạ thế ạ.
Được 1 tháng, sau chị cũng khăn gói đi nốt. Bà cụ hỏi sao, chị ấy nói:
- Anh ấy..."lười" lắm 🥲!

Làng Lại Đà

 Hồi bé về quê (Lại Đà) ấn tượng nhất vẫn là cổng làng, đường làng và quán lò rèn ngay cổng chính.

Đường làng sống trâu để dễ thoát nước, được xếp nghiêng bằng gạch thẻ, đều và ngay ngắn, qua năm tháng, mạch vữa mòn lõm sâu nên chỉ còn trơ gạch, dắt xe đạp cứ nhảy lồng cồng nhưng vẫn thích.
Ông già mình bảo thời trước lấy vợ làng này phải góp gạch xây đường, thế mới có đường đẹp như vậy. Hóa ra các cụ đã "xã hội hóa", "nhà nước và nhân dân cùng làm" từ lâu.



Đặc sản của Lại Đà là rau cần. Xưa làng chỉ 1 trục chính như đã kể. Bên trái là các xóm, từ Xóm 1 đến Xóm 15, thiết kế rất khoa học, còn bên này đường làng là ao. Chỉ riêng ao có loại bùn rất đặc biệt ở Lại Đà mới trồng được loại rau cần to như ngón út, trắng nõn nà, ăn giòn sần sật, ngọt lịm. Tết đến nhà nào cũng làm món rau cần xào bún, ăn mát ruột lắm các bác ạ!

Lại nói về cổng xóm, mỗi xóm ở Lại Đà có một cổng, cổng nào cũng cổ kính rêu phong, thiết kế mềm mại, hài hòa. Rồi nhu cầu làm đường bê tông, phải nâng cốt đường lên làm cho cổng xóm tụt xuống; rồi xe công nông xuất hiện, chiếc cổng xóm nhỏ xinh ngàn đời bỗng dưng thành kẻ thù.
Xưa, họ Ngô Thiệu hầu hết tập trung ở Xóm 2 (sau cải cách ruộng đất thì khác). Cho nên khi bàn phá cổng xóm ông bác mình cố giữ nhưng rồi cũng... thua. Mình về quê, nói bác ơi, bảo tồn và phát triển là câu chuyện của thế giới chứ chả riêng gì Lại Đà🤪.
Ảnh: TBT về làng, chỗ này là cổng Xóm 7, còn tôi đứng ở cổng Xóm 2. Những chiếc cổng này nay không còn nữa.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Cụ Bùi Lương

 Hôm nay xem trên mạng tình cờ thấy bác Bùi Lương đang dạy chạy online.



Hồi tôi làm thể thao, hay lui tới các giải điền kinh, trung tâm Nhổn ... cũng hay gặp bác. Dân điền kinh ở VN không ai không biết bác Bùi Lương (sinh 1938) , người giữ kỷ lục 14 năm liền ở cự ly 5000-10000m.
Anh Xuân Bách, sếp tôi, đồng thời cũng là một VĐV điền kinh cự ly dài, kể giai thoại.
Tối đó có thằng trộm đột nhập vào Trung tâm huấn luyện Nhổn, khu vực đội điền kinh. Bị phát hiện, nó chạy, VĐV Bùi Lương đuổi theo. Nhổn thời đó xung quanh toàn cánh đồng. Tên trộm thông thổ ban đầu chạy rất nhanh, dù cánh đồng vừa cày vỡ, bác Lương cứ thũng thẵng chạy bám theo. Đến lúc mệt quá nó dừng, bác cũng dừng cách chục mét cho nó nghỉ, hết mệt nó lại chạy, bác lại đuổi...🤣.
Cuối cùng kiệt sức nó nằm vật, đành thúc thủ. Bác bắt trộm rất nhân văn!

PS : Cụ mất hôm 1/7/2024 . Sau clip dạy chạy chưa đầy 1 tháng

Nhân 21/6, ngày của các nhà báo, kể chuyện vui.


Hồi còn làm thể thao hay lui tới UB TDTD, thời ông Hà Quang Dự làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm. Hôm đó ẹn chú Hoài Sơn, bố anh Lê Hoài Anh, nguyên TTK VFF. Trước đó, cụm tên "Hoài Sơn - Đình Khải - Xuân Bách" đã nổi danh, hầu như ai yêu bóng đá đều biết.

Chú Sơn hỏi "hỏi gì, làm cốc nước đã". Vừa nói chú vừa bỏ viên C sủi vào cốc, nói Phong uống đi, chú hút thuốc nhiều nên phải uống cái này. Nói xong, như thấy đã tròn trách nhiệm với cơ thể, chú tự tin rung đùi rút điếu thuốc ngửa mặt châm, khói nhả mịt mù.
-Mỗi điếu tao chơi kèm một viên sủi. Thế là hòa! Thế mới giữ được sức khỏe!
Hết cuộc phỏng vấn thấy chú đốt 3 điếu nhưng cốc C sủi vẫn còn nguyên.
Lần khác đến phỏng vấn một giáo sư đầu ngành, rất giỏi, nổi tiếng trong và ngoài nước. Thoạt đầu ngó vào căn hộ của thầy mình hơi chột dạ, tưởng nhầm, định lui ra vì nó quá đơn sơ.
Xong việc, thầy bảo "em ngồi uống nước đã" rồi lúi húi moi trong ngăn tủ ra lọ lạc rang, nói, thầy tự rang đấy, ngon lắm, ăn đi. Thế là 2 thầy trò ngồi văn lạc chén, chuyện nổ như ngô rang. 😂
Trước đây đi tác nghiệp "thanh đạm" thế thôi.
Thôi, bốt cái ảnh "đang đi tác nghiệp" ở Sơn La cho sinh động

Viết xấu viết đẹp

Hồi mới ra trường (1995) mình quăng hồ sơ xin việc các nơi. Nhớ khi đó bác Lương Viên, PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội, người cùng làng Lại Đà, giới thiệu đến tạp chí Điện ảnh.


Ảnh: Ở nhà thầy Đỗ Việt Khoa. Không rõ ai chụp nhưng tay ở giữa thầy Khoa với Bộ trưởng Nhân là mình. Thầy Khoa lúc này không khác gì thầy Minh Tuệ bây giờ.

Mình rón rén cầm giấy tờ đến. Một bác trai tóc dài, buộc đuôi gà trông rất chất nghệ, chắc tổng biên tập, gẩy gẩy tờ lý lịch mình để trên bàn, mặt lạnh te nói, cháu viết xấu thế này không làm được báo đâu...âu...u...u !
Đến khoảng 2007, 2008... , lúc đó đã vào VOV, mình có chuyến công tác vào Thanh Hóa cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Trong 1 hội nghị, PTT ngồi chăm chú nghe, ghi chép rất cẩn thận. Lúc PTT vừa kết luận chỉ đạo hội nghị xong, mình chạy lên xin bài phát biểu làm tư liệu viết bài nhưng về không tài nào đọc nổi PTT viết cái gì 🥲. Thề luôn!
Lúc đó cứ tiếc, giá viết xấu hơn tí nữa thì làm PTT rồi, đâu lẹt đẹt phóng viên quèn😂 .

Đi thường trú

Gửi cho anh Tạ Toàn- Bach KY cái ảnh thi đấu bóng bàn kỷ niệm 21/6 sáng nay mới biết anh gửi cho mình cái ảnh này. Chả biết ai chụp, nhưng chắc chắn trước khi mình đi thường trú lần thứ 3, lên Tây Bắc.


Có những câu chuyện chỉ dân đi thường trú của Đài mới chia sẻ được cho nhau và hiểu nhau.
Anh Toàn thường trú ĐBSCL trước mình. Giờ anh em trong đó vẫn nhớ cái cảnh nửa đêm anh hớt hải điện thoại cho gia đình hướng dẫn cách cấp cứu cho con (anh Toàn học y khoa), vừa điện anh vừa khóc!
Xa gia đình khổ lắm! Có bác ở Đài mà 5 người con đều sinh cùng tháng. Đơn giản là 1 năm bác chỉ được về nhà vào dịp Tết.
Khi người cha xa gia đình lúc con đang ấu thơ, cái tuổi cần sự gần gụi của cả cha lẫn mẹ thì lại đi xa. Khi trở về ... con đã lớn... dễ gì còn cơ hội ôm con vào lòng và hôn hít nó như xưa?
Vẫn biết Đài tin tưởng giao phó, vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi, nhưng những hy sinh đó mấy ai thấu!

Anh Đặng Quang Thương

 

Hôm nay chia tay anh Đặng Quang Thương. Anh đến tuổi nghỉ hưu. Nhanh thật! Năm 96 mình vào Đài anh còn chưa vợ, phong thái rất tây và là cây viết mảng kinh tế ra trò.



Đến 98 mình lên Tây Bắc thường trú thì đi đâu người ta cũng hỏi thăm cụ Đặng Quang Tình, cụ thân sinh ra anh, một nhà báo lão luyện và cần mẫn, làm việc trên này thời còn khu tự trị thì phải? Anh được thừa hưởng cái gien làm báo, thảo nào!
Tôi và anh ít gặp nhau, nhưng hễ gặp chỉ nói chuyện nghề, chuyện chuyên môn. Anh tâm sự thích bài này bài kia; hỏi tôi về một ý tưởng mới rồi ngồi im nghe. Chưa bao giờ thấy anh bình phẩm xấu hay chê bai người nào. Nếu có nghe nhận xét về 1 người, 1 việc thì anh sẽ ào vào bắt ngay lấy cái việc tốt, việc tích cực của người đó để góp chuyện.
Anh buồn cả tuần lễ khi thi trượt lái xe ô tô. Cả cơ quan báo đi thi mỗi anh trượt 😂. Anh em nhân viên ái ngại lắm nhưng anh là vậy. Với anh có những việc ở hiện tại nhưng anh giải quyết nó ở “thì quá khứ.”
Anh không phải không "hiểu chuyện" nhưng anh có lối đi riêng cho mình và chưa bao giờ thấy anh băn khoăn hay hoài nghi về sự lựa chọn ấy. Anh không phải là người của đám đông vì anh chọn cho mình một cách suy nghĩ và một thái độ biểu hiện của riêng anh. Tôi kính trọng anh cũng là vì vậy!

Ảnh Toàn cà