Đừng sỹ!
Cường
là con trai lớn của anh Bách. Từ hồi nó
vào ĐH, rồi du học ở bên Mỹ mình không gặp lại. Hôm thằng Cường từ Sài Gòn xuống
trời mưa như trút. Nó bảo cháu xuống đây một ngày, mục đích là tiếp cận với các
cửa hàng điện tử để tìm hiểu và giới thiệu một mặt hàng mới.
Mưa
trắng trời! Đường xá ở Cần Thơ mình chưa biết đành nhờ Điền, bảo vệ cơ quan chở
đi giúp. Nhìn nó chui vào cái áo mưa đằng sau thằng Điền lao vào trời mưa mà ái
ngại quá.
Thằng
Cường học ĐH Bách Khoa Hà Nội, làm việc ở FPT, rồi du học Mỹ, rồi trở về Sài
Gòn kinh doanh. Mới trên dưới 30 mà nhảy việc ào ào. Là con trai phố cổ Hà
Thành chính gốc, nhà cũng thuộc diện “có điều kiện”, lại sở hữu cả bằng tốt
nghiệp “ở bển” nhưng nó xông xáo năng động vô cùng, chẳng ngại ngùng nề hà việc
gì, kể cả việc đến từng cửa hàng, chờ cho bớt khách, nói với chủ tiệm hàng mới
đây, mời anh chị xem! Mình phục nó quá! Tuổi trẻ phải thế chứ!
Chuyện
thằng Cường lại nhớ hồi sinh viên, mình với Hoàng Mạnh được nhà trường cử đi thực
tập tận Báo Thái Nguyên. Hai thằng ngơ ngác, lếch thếch đi tàu lên, vào báo,
nói chúng em xin thực tập. Báo nhìn hai đứa gầy gò đen đúa, quần thằng Mạnh lại
bị bục chỉ đúng chỗ chym nên ai cũng cảm kích, nhận ngay, và hôm sau gợi ý vài
địa điểm để viết, trong đó có một HTX gạch ngói, cách Thái Nguyên chừng chục
cây. Hai thằng bàn tính đùn đẩy nhau mãi cuối cùng mới mạnh dạn mở lời mượn chiếc
xe đạp để đèo nhau đi tác nghiệp. Chuyến đó Mạnh thai nghén tác phẩm “Cái lò gạch
bỏ hoang” hơn 400 trang, chưa thèm in. Nghe đâu mấy nhà xuất bản có máu mặt
đang tranh giành. Hoàng Mạnh bảo đang chờ được giá. Mạnh giờ đang làm “chủ bút”
của tờ báo điện tử HanoiTV rồi, là tay máy cứng cựa, ứng cử viên sáng giá của
Pu-lít-ze năm sau, tiền bạc, danh vọng với hắn không thành vấn đề.
Cùng
khoá với mình còn rất nhiều bạn lăn lộn bươn chải ngay từ hồi còn sinh viên. Ngọc
Quang dành dụm tháng hè để vác máy ảnh vào bãi biển Sầm Sơn - quê hắn - kiếm
ăn. Sau một tháng gặp nhau, hỏi được nhiêu. Nó gãi đầu cười… mắt trố lồi vì
đói, da đen nhẻm vì nắng và gió biển.
Giờ
thì Ngọc Quang đang giữ vị trí khá khá ở VTV1 Đài THVN. Dịp sau tết vừa rồi, điện
cho nó bảo tao đang ngồi bia hơi, có ra được không. Mãi mới thấy nó bốc máy,
nói em đang ở Anh, đang làm việc với một đối tác cung cấp thiết bị. Hôm rồi ra
Bắc, ngồi cùng các bạn đồng môn, hỏi Quang đâu, lại thấy bảo đi Đức tham quan.
Mình
thì hơi phọt phẹt so với các bạn cùng lớp nhưng tinh thần khởi nghiệp cũng hừng
hực không kém. Hồi mới ra trường chưa xin được việc cũng sẵn sàng nhảy ào vô một
công ty TNHH kinh doanh máy tính làm. Làm gì? Làm bảo vệ. Sáng sáng rửa ấm chén,
đun nước, pha trà rồi ngồi ở một góc, há mồm ra hóng, chờ sai vặt. Mấy đứa chủ
công ty cũng cỡ tuổi mình nhưng học công nghệ. Mình được làm quen từ những chiếc
cấu hình 386 đầu tiên, được chúng nó chỉ cho đủ thứ mánh khoé, từ phần cứng đến
phần mềm. Mình thông minh, lại đẹp trai, và hơn hết là không ngại việc gì nên
chúng nó thích và say đắm mình kinh khủng. Hôm tạm biệt để về VOV nhận việc
chúng nó khóc như mưa.
Hồi
đầu ở VOV mình chỉ nhõn việc ngồi gõ máy chữ cho các cô chú. Gõ tới mức đầu
ngón tay tê buốt nhưng không vì thế mà nản. Cô chú nào bảo, “Phong, đánh hộ cô
bài này” là mình cười tươi, vâng ạ rất to, không hề do dự hoặc tỏ ra mệt mỏi. Mình
không ngại việc, lại làm tốt nên ai cũng yêu, mấy cô/chú đòi gả con gái. Anh
Bách, cô Song Phương thi thoảng lại dúi cho mớ tiền. Sướng ngây ngất!
Các
bạn trẻ hãy lao vào làm việc đi, đừng sĩ diện, đừng ăn bám bố mẹ nữa, đừng khoe
mình bằng này bằng nọ, con ông này bà kia để rồi kén cá chọn canh, rồi rên lên vì không may mắn hay số phận hẩm
hiu. Các bạn đều giỏi giang cả! Không thua kém mình là mấy đâu.
Thôi,
tạm dừng đã! Mình phải email cho cô bạn - PGS Huyền - ở Khoa Báo chí ĐH Tổng hợp
để hoãn chuyến gặp mặt vì chiều nay phải bay sang ĐH Harvard, trường cũ, đặt vấn
đề đào tạo thế hệ phóng viên VN trong tương lai. Tương lai gần sẽ rất khác đấy các bạn. Đừng
sĩ diện, hãy chăm chỉ lên!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ