Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Bác Thường & Chú Lợi.



Thế hệ chúng tôi vào Đài (1996) thì những cây bút như Trúc Thông, Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường, Lê Đình Cánh, Trương Hữu Lợi… của Ban VH-NT được giới văn nghệ cả nước biết đến từ lâu. Chính vì thế tụi con nít như tôi nhìn các chú các bác với một thái độ ngưỡng mộ, kính phục và nói thực là không dám bỗ bã  như các bạn phóng viên trẻ bây giờ.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc và qua quan sát thấy các chú các bác sống chân thành, giản dị, không ham hố và thực sự “vị nghệ thuật” nên càng ngày càng quý mến.

Bác Thường vẫn tồng tộc chiếc xe đạp cũ đến cơ quan. Bác Thường cận nặng nên dắt xe cẩn trọng lắm, lò dò từng bước, nghe rõ tiếng cá trong líp xe đá tạch tạch. Bước lên cầu thang, cúi đầu chào, bác vẫn ngó lơ, đấy là vì bác đâu có nhìn rõ ai với ai ở khoảng cách quá 3 bước chân.

Chú Lợi cũng thế. Nhiều lúc thấy chú tòng teng cái túi vải trên vai ngang qua, tôi chào mà chú cứ như không thấy. Chú Lợi không bị cận nhưng tâm hồn thường xuyên “treo ngược ở cành cây”, chắc ngoài thời gian ngủ thì phần còn lại chú ở trong “tháp ngà” thi ca. Có bữa tình cờ gặp chú trong quán với một em gái rất trẻ, cỡ sinh viên năm 2 năm 3. Đang trò chuyện với em gái, chú đột ngột đứng dậy khoác cái túi vải lên vai chạy ra dắt xe đi thẳng một mạch, không lời chào, không cử chỉ thể hiện sự chia tay, mặc kệ em gái tròn mắt ngẩn ngơ. Đấy là lúc người thơ trong chú trỗi dậy và chắc chắn chú đi về phía “tháp ngà” thi ca riêng của chú để trú ẩn và đắm mình trong đó. 



Như đã kể, với các bậc cha chú, lại là cây đa cây đề trong nghề nên tôi không dám gần gũi, thân mật, chỉ dám đọc, nghe tác phẩm và quan sát các bác các chú từ xa. Vợ tôi có cái tản văn muốn ti toe thử sức với văn nghệ cũng rút ra cất vào dăm bận mới dám nhờ anh Chu Nhạc đem lên chú Lợi đọc thử. Bài được phát sóng, đích thân chú Lợi đem văn bản đã duyệt, có chỉnh sửa cho hay hơn xuống cho tôi. Đến giờ những bài viết có chữ ký của chú tôi vẫn lưu giữ nguyên vẹn.

Mãi sau này, khi bác Thường về hưu, tôi mới dám mon men ngồi gần trò chuyện mỗi khi bác được mời đến VOV2 để tham vấn. Một hôm bác đột ngột hỏi: “Này ông Phong này, ông viết về giáo dục, tôi thấy có hiện tượng này ông thử tìm hiểu xem…”

Hoá ra bác chẳng “ngó lơ” ai cả, bác vẫn nghe, vẫn đọc lớp trẻ như chúng tôi, biết từng điểm mạnh điểm yếu của mỗi người để chân thành góp ý như con như cháu trong gia đình với một thái độ tôn trọng. Cũng như chú Lợi, biết tôi thích viết lách nên có bận ông say sưa ngồi cả tiếng để thuyết minh quan điểm sáng tác thơ…


Hôm nay bác Thường và chú Lợi đã đi xa mãi mãi. Có vài dòng như nén tâm nhang để chia buồn và nghiêng mình trước những con người sống thực bụng; tận lực, tận hiến với nghề; tận tuỵ, tận tâm với tất cả mọi người.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ