Chuyện đọc của nhà đài
Làm phát thanh phải biết cách trình bày trước micro để chuyển tải
bài viết tới thính giả. Không biết mọi người thế nào chứ mình gian nan việc này
lắm! Kiểm soát được nhịp thở đã khó, đọc đúng, đọc hay còn khó bội phần. Sau
này có người khen sao đọc hay thế. He he, mình khoái, mặt vênh, nhưng vờ khiêm
tốn, tặc lưỡi, nói có gì đâu, tập rồi quen ấy mà. Đợi cho người ta nài hỏi thêm
lần nữa, mình mới kể. Hồi mới vào đài, mỗi tối, tới Chương trình Văn nghệ, mình
lại nằm lẩm nhẩm đọc theo các phát thanh viên (PTV) trứ danh như Hoàng Yến, Hà
Phương, Việt Hùng, Kim Cúc, lại còn cố lên bổng xuống trầm, nhấn nhá diễn cảm nữa.
Có hôm mẹ mình tưởng ngủ mê, sáng hôm sau tức tốc khoe với cả làng thằng Phong
mới làm ở Đài TNVN được mấy hôm mà ngủ mê cũng đọc y như Đài, nói mớ có giai điệu hẳn hoi.
Biết đọc cũng có lợi phết! Hồi công tác ở Quảng Ninh, trong bữa tiệc,
ngồi cùng bàn với khá nhiều vị chức sắc trong và ngoài Đài. Mình hễ chỗ lạ thường không vồ vập nên ngồi im, lọt thỏm giữa huyên
náo những mời chào chúc tụng.
Hình như có ai đó thấy thương thương, chỉ tay về phía mình, nói
Phong, phóng viên giáo dục. Thế là có một anh ở Hải Dương nhổm hẳn dậy, nói
Phong hay nói ở Chương trình Giáo dục &Đào Tạo phải không! Một anh ở Hưng
Yên ngồi bàn bên cạnh cũng quay sang hỏi lớn: Cũng là Cả Chiêm – Bạn hãy
nói với tôi phải không! Nghe giọng quen lắm! Tôi nghe phát nhận ra ngay! Mọi
người xúm lại bắt tay, cạn ly, xin danh thiếp (mình có bao giờ in danh thiếp
đâu), thế là có em còn nằn nì mình viết số điện thoại lên… đùi nữa chớ! Vô cùng hãnh diện!
“Vinh quang” nhiều mà “đau thương” cũng không phải là ít. Nói về tai
nạn thì đọc trực tiếp dính nhiều nhất! Cái này hỏi PTV có mà cả kho, mình chỉ
hóng hớt vài chuyện.
Có bữa đang đọc trực tiếp thì chiếc cần micro, với hệ thống tay
đòn và lò xo loằng ngoằng, từ từ nâng dần độ cao. Không dám vít xuống vì sợ
phát ra tiếng động, PTV Việt Hùng đành phải từ từ đứng dậy sao cho miệng
vẫn phải “bám chặt” vào míc, mắt vẫn nhìn văn bản. Ơn giời, đến đúng tầm đứng cao hết
cỡ của chú Hùng thì chiếc micro dừng lại. Hú vía! Cũng may chú Hùng cao 1m8 nên xử lý sự cố
này ngon ơ.
Lẽ ra đọc “Ngôi nhà đẹp như một chiếc vi-la” thì PTV Vân Anh lại đọc
thành “Ngôi nhà đẹp như một chiếc va-li”. Chính vì thế, hồi công tác ở Thường
trú Sơn La, có lần phải trịnh trọng xướng tên cụ Lò Văn Xôn (nhà cách mạng lão
thành người Thái) mình phải lấy bút đỏ gạch riêng từng chữ. Nói lộn phát chết
liền! Hờ hờ.
Hồi mình mới vào Đài vẫn phải dùng máy đánh chữ, chưa có máy tính nên hạn chế lắm. Một số văn bản không dấu,
lại không chuẩn bị trước nên vào phòng thu, từ câu: “Dao Phat và Dao Cao Dai” (Đạo
Phật và Đạo Cao Đài), người đọc lúng túng sáng tác thành “dao phát và dao cạo
dài”.
Đọc bản tin sáng sớm rất buồn ngủ nên có lần anh Mạnh Thắng (VOV1)
đọc “nước ổi đóng hộp xuất khẩu” thành “nước ối đóng hộp xuất khẩu”. Chị em sản
phụ nghe chắc mừng húm vì có thêm khoản thu bù vào viện phí. Còn thính giả thì ngạc nhiên vì công nghệ chế
biến của nước ta đã vươn lên một tầm cao mới.
Mình thì không phải đọc trực tiếp nhưng vì dốt ngoại ngữ nên
cũng mấy phen ngượng không dám ngẩng mặt. Ấy là hồi mới làm thể thao, đội bóng Sparta Prague
mình tương luôn thành Spác-ta-pra-goe. Bên ngoài, một em ở Hệ Đối ngoại VOV5
đang chờ thu nghe thế tròn mắt nhìn mình rồi bụm miệng cười nghiêng ngả. Lại có
bữa đọc đội Ả Rập Xê Út (Sauddi Arabia) thành Sau-đi-a-ráp-bi-a mới điên chứ!
Chú Đình Khải nghe được hôm sau lên quát ầm. Anh Xuân Bách, trưởng phòng của
mình, hai tay đút túi quần thủng thẳng đỡ lời: Bây giờ người ta tuyền đọc như
thế!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ