Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Trong phòng chờ, lại viết về GD.





Ngồi chờ lên máy bay, đang hình dung về Cần Thơ sông nước thì cô bạn bên VietnamNet gọi điện trao đổi về giáo dục. Cụt hứng! Lại vẩn vơ nghĩ về  việc học của con.

Mình không thuộc tuýp người cực đoan, nhắm mắt chỉ trích, đả phá, nhưng thành thực mà nói, vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm.”

Tiếp xúc với một số đoàn học sinh Việt Nam dự Olimpic mình thấy các em rất thông minh, giỏi giang nhưng hầu hết đều bị chê là ngoại ngữ yếu, thiếu  hòa đồng, không mạnh dạn, chủ động, tự tin khi cùng sinh hoạt với học sinh quốc tế.

Mặc dù gần đây có khá hơn chút nhưng rõ ràng “con người xã hội” của học sinh chúng ta thua xa bạn bè cùng lứa ở các nước.

Học sinh tuyển quốc gia còn thế, số còn lại thế nào mọi người đều biết.

Ban đầu mình nghĩ do nước mình nghèo, các cháu nghèo, ít được ra nước ngoài, lại kém ngoại ngữ nên rụt rè và bị khớp trước sự giàu có, văn minh là đương nhiên. Song sau này, khi có con đi học, mình lại thấy cái lý do ấy đúng những chưa đủ, chưa bao trùm.

Thử nhìn vào lịch học của con em chúng ta thì sẽ có ngay câu trả lời. Các cháu phải học cả ngày lẫn đêm nên không còn thời gian tiếp xúc với xã hội. Ngay cả việc nhà, như rửa bát, nấu cơm…, những việc mà ai cũng muốn con mình phải biết, nên biết, thì giờ đây, sau khi chứng kiến cảnh con học quá vất vả, phụ huynh đều tặc lưỡi cho qua. Trong hai việc cần phải lựa chọn: ngồi vào bàn học và đi lau nhà, thông thường bố mẹ đều lắc đầu nhìn con giọng xót xa, nói thôi con đi học đi, để bố mẹ lau nhà cho.

Đến việc phụ giúp gia đình tối thiểu như thế chúng ta còn phải ngậm  ngùi đánh đổi lấy cái sự học thì đòi hỏi các cháu tiếp xúc với cuộc sống, những mong chúng trưởng thành toàn diện thật quá xa xỉ.

 ( Các ảnh của Trần Thế Hùng Fb)
 
Ai từng xin học bổng du học hoặc xin việc ở nước ngoài thì biết họ coi trọng sự trưởng thành về mặt xã hội của học sinh sinh viên như thế nào. Ứng cử viên nào tham gia nhiều hoạt động xã hội coi như có điểm cộng.

Thời gian làm việc của mỗi người không dài. Ra trường mà bỡ ngỡ, lúng túng vài ba bốn năm coi như mất đứt giai đoạn thăng hoa sáng tạo. Mặt khác, khi không có kiến thức cuộc sống thì việc học, dẫu có đẹp về điểm số, cũng vẫn là sự thiếu hụt và mất cân đối nghiêm trọng.      


                 

  

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ