Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Vừa thả vừa trói.





Tôi có cháu 6 tuổi sống ở khu dân cư rất phức tạp về an ninh trật tự nên thường bảo nếu người lạ dỗ dành hoặc đe nẹt thì con cứ chạy ra chỗ đông người rồi kêu ầm lên. Nhớ là chỉ kêu khi chạy được tới chỗ đông người. Cháu hỏi tại sao, tôi nói kẻ xấu luôn sợ việc làm tồi tệ của mình bị nhiều người phát hiện.

Mấy hôm nay đọc báo biết ngành GD quy định không cho phát tán chứng cứ tiêu cực thì thấy câu chuyện con trẻ hóa ra lại là chuyện người lớn.

Nói như thế tôi không có ý ví ngành giáo dục là kẻ xấu mà chỉ muốn nhấn mạnh cái xấu luôn sợ hãi sự công khai, minh bạch. Thực ra khi soạn cái thông tư có nội dung cấm phát tán thông tin tiêu cực dưới mọi hình thức kia thì mấy bác làm GD cũng chỉ nghĩ quy định như thế là để tránh làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng không tốt tới công tác thi cử.


Thế nhưng một hành vi mờ ám mà không được thanh thiên bạch nhật thì rất dễ bị ém nhẹm rồi cho “chìm xuồng”. Nếu hành vi ấy chỉ khu trú ở một nhóm nhỏ thì kẻ xấu cũng sẵn sàng mua đứt, thậm chí diệt khẩu chứ chẳng chơi. Thi quốc gia cơ mà!

Thời đại của thông tin nên sự minh bạch được đề cao và là xu thế không cưỡng được. Việc “đóng cửa bảo nhau” không còn phù hợp kể cả khi thông tư nói trên được ban hành. Tuy nhiên, lúc này, tôi đoán các bác ở 49 Đại Cồ Việt đang soát xét lại cái quy định gây tranh cãi và bị cho là trái luật. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT có văn bản mâu thuẫn. Một Bộ có cả một vụ pháp chế mà để lọt những thông tư chưa chuẩn như vậy thì cũng nên xem lại.

Nội dung cấm phát tán thông tin tiêu cực thi cử cho người khác có lẽ xuất phát từ quy định cho phép thí sinh đem các phương tiện ghi âm ghi hình vào phòng thi từ năm trước.

Quy định như vậy thực chất là gián tiếp cổ vũ và ngầm trao cho các cháu trách nhiệm tố cáo gian lận thi cử.  Thí sinh có quyền tố cáo tiêu cực trong phòng thi nhưng không nên cổ vũ. Thực ra ngay từ đầu tôi đã không đồng tình với việc cổ súy này. Liệu đó có phải là bài thuốc cuối cùng khi mà Bộ thấy các biện pháp thanh tra tỏ ra không hiệu quả, khi mà sự tin cậy giữa Bộ và địa phương ngày càng trở nên mong manh?

Thi cử cần sự giám sát của nhiều lực lượng, trong đó có cả thí sinh, nhưng không có nghĩa hô hào các cháu quay phim để rồi tới lúc thấy quy định như vậy là quá “mở”, có thể khiến ngành lúng túng, khó xử thì vội vàng “trói” lại. Các bác làm GD theo kiểu “đâm lao phải theo lao” như thế thì chỉ khiến  thi cử rối thêm.  

 

   



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ