Chuyện thằng răng, thằng lưỡi và thằng mồm.
Bạn có thể cho vợ xem đủ thứ,
nhưng dám cá rằng chưa một lần bạn há miệng khoe răng. Ngay như mình đây, sở
hữu một “bộ nhai” mà mấy tay quảng cáo kem đánh răng ao ước thế mà vẫn chưa một
lần đủ tự tin làm chuyện ấy.
Tại sao ư? Đây : Antoni van
Leeuwenhoek (1632-1723), người Hà Lan, người phát triển kính hiển vi đã quan sát bựa răng và chứng minh số lượng vi khuẩn trong miệng đông đúc hơn
cả dân số Hà Lan. Thậm chí các nhà khoa học còn chứng minh vi khuẩn trong bàn
chải răng nhiều hơn cả ở bồn cầu.
Tây y bảo não chỉ huy mọi thứ. Đông
y cho rằng thận là tinh hoa của ngũ tạng. Mình phán: Mồm quan trọng nhất. Chẳng
thế mà các cụ nói “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” - bệnh từ mồm vào,
họa từ miệng ra là gì. Đấy là chưa kể những hành vi từ sung sướng nhất (như ăn tiệc)
đến đau khổ nhất (ăn tát) cũng tập trung cả vào cái mồm.
Nói thế thôi chứ công tội đâu chỉ
mỗi cái mồm gây nên. Miệng chỉ là bình phong thôi, quan trọng là răng và lưỡi. Mất
lưỡi thành câm mà thiếu răng thì thành móm, khẩu hình thay đổi, âm thanh phều
phào.
Mà nguyên nhân chính là do hai anh
em thằng răng và lưỡi tham ăn tục uống làm cho “dân số Hà Lan” trong miệng
không ngừng tăng. Đến một lúc nào đó hai tên này “tự diễn biến” gây bao đau khổ
cho ông mồm. Kể cả khi chưa “tự diễn biến” nhưng vì cứ chén chú chén anh, phối
hợp không nhịp nhàng nên thằng răng phập cho thằng lưỡi phát…, há mồm.
Quan sát một người ăn mình có thể
đoán người đó có bị bệnh về răng hay không. Người đau răng khi ăn “nghĩ vào
trong mồm”. Khi đó bạn có nói giời nói bể gì người ta cũng chẳng thể để tâm. Họ
đang chau mày dồn hết tâm trí vào khoang miệng để chỉ huy thằng lưỡi di chuyển
thức ăn vào đúng thằng răng khỏe nhất.
Tạo hóa cho loài người bộ răng đủ
loại để chén đủ thứ. Mỗi loại răng đảm nhận một phần việc: răng nanh để xé,
răng hàm để nhai còn răng cửa để cắn. Vì thế nếu một cái răng nào đó hy sinh thì
vai trò bị đảo lộn.
Thằng lưỡi đã được lập trình từ
thời mẹ Âu Cơ rằng cứ ngô khoai sắn quẳng vào răng hàm, đu đủ hồng xiêm đẩy ra
răng cửa, thịt chó thịt gà lùa sang răng nanh… thế mà bây giờ phải reset và lập
trình lại mới đau. Vậy nên nó mới lúng túng, lúng búng trong miệng mãi mà vận
hành cũng đâu có trơn tru.
Kể cũng lạ! Mình chưa tìm ra động
vật nào ăn tạp như người. Gần gũi với chúng ta nhất là loài vượn cũng chỉ ăn
hoa quả cho dù bộ răng phát triển tương đối đầy đủ? Phải chăng vì thế nên cổ
nhân mới phán “bệnh tòng khẩu nhập”? Chữa cái này tưởng dễ mà khó vì ông mồm
luôn phải chiều thằng răng, thằng lưỡi vốn dĩ háu ăn.
Chẳng những gây đau khổ, thằng
răng thằng lưỡi con gây họa cho ông mồm khiến cho ối kẻ phải ôm mồm rồi đấy
thôi. Già như ông 60 mà bồ nhí hỏi, tinh tướng nói phình phường (vì thiếu răng) coi như tiêu. Trẻ chút mà thằng lưỡi
chưa uốn 7 lần đã nói, gọi là nổ, cũng chết. Có người may mắn sở hữu thằng lưỡi
dẻo bẩm sinh, uốn đi uốn lại mấy lần khiến thằng mồm khi nói phải cong veo thành
hình số 8, gọi là thẽ thọt nịnh nọt, đãi bôi…, rồi cũng toi. Điên nhất là 4 thằng
răng út ít, sinh sau đẻ muộn có tên là Khôn hẳn hoi nhưng lại rất ngu, tiềm
tàng hiểm họa, đáng được xếp vào thế lực thù địch của thằng mồm.
Cái chỗ để nói những điều ngọt
ngào yêu thương, ăn những thứ bổ dưỡng đâm ra lắm chuyện. Mình quyết giữ thằng răng thằng lưỡi ngon
lành để thằng mồm thật chuẩn mà không
biết giữ được không. Khó phết!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ