Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Cụ Sướng.


Đang ở Cần Thơ thì điện thoại kêu. Nhấc máy nhận ngay ra cụ Sướng. Cụ nói Phong ơi, cụ Sướng đây! Cụ xin ý kiến mày... Hạng con cháu lìu tìu như mình được cụ “xin ý kiến” mừng muốn tắc thở!


(Cụ Sướng bìa trái )

Gọi theo tên khai sinh phải là cô Vương Thị Sướng, bút danh Song Phương. Thế nhưng lũ phóng viên trẻ bọn mình ở Hệ 2 (VOV2) chẳng bao giờ gọi theo cái bút danh trang trọng ấy mà suốt ngày réo tên tục: Cụ Sướng. Láo thế! Được cái cụ chả giận, chả chấp. Không những vậy, cụ còn có vẻ khoái. Chẳng thế? Ở Hệ 2, có 2 người được gọi bằng cụ: cụ Sướng và cụ Tùng (Thanh Tùng Chương trình CLB người cao tuổi.)

Mình vào Ban VH-XH (tiền thân của Hệ VOV2) thì cụ Sướng đã lừng lững như một tượng đài. Tới bệnh viện hay sở y tế, vừa giới thiệu ở Đài TNVN là người ta hỏi luôn: Có biết chị Song Phương không? Chưa kịp trả lời, họ đã nói cái chị tu phát hết cốc rượu í.

Bởi thế những lần sau đi công tác mình toàn “cáo mượn oai hùm”, nói em chỗ cô Song Phương, cô Phương là sếp em. Thế là khỏi cần trình bày, giải thích, phân biệt đài tiếng nói, đài truyền hình, thông tấn xã, mệt!

Nghe đâu những năm 80 cụ Sướng đã cưỡi kim vàng giọt lệ. Lúc mình vào đài (năm 1996), cụ lên đời con rim (Dream). Hồi đó cụ chạy con rim lùn, mặc quần bò ống vẩy, chân dài tới nách, ngang qua bia hơi Hoàng Diệu, vẫn ở nguyên trên xe, đá chân chống tạch phát, búng tay tạch phát, ngay lập tức có đứa bê cốc bia vàng óng lao tới. Tay trái cụ trả tiền, tay phải cụ cầm cốc bia làm một hơi cái ực. Uống xong rồ máy đi luôn. Chẳng biết thiếu đủ thế nào nhưng chưa bao giờ cụ lấy lại tiền thừa. Mấy bợm bia ngồi đó tròn mắt, mồm không ngậm lại nổi.

Hồi đó bác Kiểm là trưởng phòng. Mỗi khi nói đến cụ Sướng, bác Kiểm trề môi dài cả thước, nói con này là đàn ông lâu rồi. Bác Kiểm cứ ngoa ngôn trêu vậy thôi chứ cụ Sướng mềm mại lắm!

Mình với Trang còi cắp tráp hầu cụ nhiều bận. Đến sở y tế, cụ rối rít cầm tay mình dắt đến trước mặt ông giám đốc, cười tươi, nói đây là cháu Phong, cháu nó vừa thi vào đài, đỗ cao lắm, phóng viên giỏi nhất chỗ em đấy! Mình vinh dự và tự hào muốn chết, mặt vênh lên. Hôm sau xuống bệnh viện, gặp chị giám đốc, cụ lại cười tươi vỗ vỗ vào vai cái Trang,  nói cháu Trang, phóng viên trẻ nhưng giỏi nhất ban em đấy!

Làm việc cùng phòng nên cụ cháu hay thì thụp nhỏ to rủ nhau ăn quán. Đi ăn với cụ không lo bị đói. Đã thế lúc về thể nào cụ cũng kêu thêm vài xuất. Đến cổng cơ quan cụ đưa anh bảo vệ một túi, dúi vào tay cô trông xe một gói, nói ăn đi ăn đi, phần cháu đấy. Đôi khi chỉ là cái bánh rán nhưng nó khiến cho người ta thấy mình được quan tâm. Thế thôi! Cho nên trong công việc, nhiều người chả hiểu, cứ vò đầu bứt tai, chân giậm bành bạch, hỏi sao cái bà này quan hệ hay thế!

Trong ban hễ công to việc lớn gì ới cụ một tiếng là yên tâm. Ngày sinh nhật, cụ sáng kiến góp tiền mua 1 chỉ vàng làm quà. Nghe thế anh chị em chỉ cười cười, ai dè cụ làm thật. Giờ mình vẫn giữ chỉ vàng ấy làm kỷ niệm. 

Chuyện đi chơi hay thăm nom hiếu hỉ ở phòng có 2 người vô cùng chu đáo: cụ Sướng và anh Bách (trưởng phòng). Hễ anh Bách mặc đẹp, cười từ ngoài cổng cười vào thì y như rằng hôm đó có tiệc cưới. Cụ Sướng dù việc ngập đầu nhưng tầm trưa trưa, thấy anh Bách hai tay đút túi quần đi qua đi lại là hiểu ý, quẳng mớ hồ sơ ở đấy, lật bật gỡ kính đứng dậy, nói thôi đi ăn cưới các em ơi, đi đi các em ơi!  

Cụ Sướng tuổi Dần, sinh giờ Mùi, nhờ có sao Nguyệt Đức chiếu mạng nên gặp hung hoá cát, trăm sự đều thành, danh lợi khá, số được hưởng niềm vui trọn đời; lại được cha mẹ đặt tên VƯƠNG -SƯỚNG thì không làm vua một cõi cũng thuộc hạng người sang.  Nghe đâu có dạo cụ lấy bút danh Vương Sướng nhưng sau một thời gian tung hoành trong làng báo, thấy cái bút danh ấy “kêu” quá bèn đổi sang Song Phương cho nhã và hợp hơn với cụ.

Cụ mà điên lên là cụ mắng sa sả, nhưng mắng có kiểm soát. Như mình, hạng con cháu lìu tìu, cụ mắng rít qua kẽ răng. Kinh cực! Với cơ sở, mồm cụ mắng nhưng miệng cụ vẫn cười, mắt vẫn đong đưa. Cơ sở chỉ biết ngồi đó mà cười trừ. Càng thanh minh cụ càng mắng tợn. Lớn tiếng mắng mỏ đấy nhưng nghe cứ như là mắng yêu. Ai không hiểu tính cụ lỡ “bật” lại là cụ chuyển từ công sang thủ, nói không…ôn…ông…! Đấy là em kể vậy thôi… Nếu tình hình vẫn chưa chuyển là cụ im bặt, làm mặt lạnh, xán lại gần, mắt long lanh, nói anh…, anh! Cạn với em ly này rồi em kể tội anh tiếp…

Biết tiến biết thoái như thế đến Trương Phi cũng chả giận được cụ. Có bận cụ vẫy mình lại, nói như rít lên: Mày ngu lắm con ạ! Có ý tưởng tốt thì phải biết triển khai cái ý tốt đó cho mọi người cùng làm..., như thế là giúp mọi người chứ không phải vì mình! Ngu lắm ngu lắm!

Mình vẫn nhăn răng cười trừ. Định trêu sao lúc đi công tác cụ giới thiệu cháu “giỏi nhất ban” nhưng lại thôi, vì cụ nói mình ngu là nói thật, nói với con cháu trong nhà./.



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ