Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Ôi sinh mạng người dân đen!


Cầu treo bị đứt, cả đám tang rơi tõm xuống dòng suối cạn lởm chởm đá. Nhìn cảnh mọi người gào thét, máu cháy đỏ lòm cả một con suối (clip Báo Thanh niên) mà không cầm được nước mắt.  Cái mạng dân đen sao mà rẻ rúng đến thế



Bỏ qua các nguyên nhân cộng hưởng khi tần số bước đi của đoàn người  trùng với tần số dao động riêng của cầu mà ai học vật lý cấp II cũng biết, thì chất lượng các cây cầu treo ở các xã các huyện miền núi nhìn chung kém đến thảm hại.

Những cây cầu đó từng là niềm vui cho bao người dân miền núi khi không còn cảnh phải đi quá xa, hoặc phải lội qua sông qua suối thì giờ lại là mối hiểm họa.

Nói thật! Làm đường giao thông miền núi từng là miếng mồi béo bở của nhiều doanh nghiệp. Phần lớn các đơn vị trúng thầu làm đường giao thông miền núi đều là sân sau của các quan huyện quan tỉnh. Nếu không thì cái tay trúng thầu kia chắc phải là người “biết điều” lắm lắm.

Người dân miền núi phần đông hiền hòa chất phác, trình độ học vấn không cao, cả đời khổ nên có được cây cầu là sướng lắm rồi. Họ đâu biết đến tải trọng, kết cấu, chịu lực, bảo hành, bảo dưỡng... Các sếp về khánh thành vỗ tay đôm đốp, máy ảnh chớp liên hồi, camera chạy rần rần, hấp tấp và quan trọng. Thế là xong! Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, chiếc cầu lại một mình lẻ loi cùng nắng mưa.       

Bây giờ các cụ hô rà soát tất cả các cầu treo trong cả nước. Cũng cần thiết, nhưng có làm được hết không? Rà xong thì làm cái gì? Và quan trọng hơn, hãy rà soát các khâu đấu thầu, thi công... Hãy kiểm tra xem bao nhiêu doanh nghiệp thi công cầu treo có đủ năng lực xây cầu, hay chỉ vì lại quả mà các địa phương nhắm mắt làm liều, ngó lơ sinh mạng người dân.  


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ