Chuyện của bà.
Mình nghiệm thấy trò chuyện với những
người không cùng thế hệ, khác biệt văn hóa, sở thích, học vấn, nghề
nghiệp…không bao giờ vô ích. Nếu như người trẻ luôn phá cách, sáng tạo, đổi mới
thì người già chiêm nghiệm và đúc kết. Điều mà người già còn có thể nhớ tới hôm
nay hầu hết đều có giá trị rất lớn. Nếu
không nó đã bị lớp bụi thời gian và hỉ nộ ái ố của cuộc đời phủ lấp.
Cũng chính vì thế mà mình khoái
nghe bạn trẻ nói chuyện tương lai và sẵn sàng ngồi hàng giờ cùng người già hoài
niệm câu chuyện của hôm qua.
Miếu làng ( trên đường từ xã Thanh Tân vào Đình Phùng)
Tết này về Kiến Xương-Thái Bình,
quê vợ, cũng được nghe bà ngoại đằng vợ (hơn 90
tuổi) ôn lại chuyện những năm 50 thế kỷ trước.
Người già hay ôn cố tri tân. Nay
ngồi trong căn nhà khang trang cùng con cháu đề huề thường nhớ những cái tết
chạy loạn.
Trước năm 1954 người nông dân ở
Kiến Xương Thái Bình vừa lo chạy lính bảo hoàng, vừa lo chạy giặc Tây. Hồi đó
du kích (đội Thái Hùng) hoạt động mạnh. Hễ thấy ai vào bốt địch, cho dù chỉ
là buôn thúng bán mẹt, cũng bị nghi ngờ là chỉ điểm, Việt gian, có thể bị du kích ám
sát bất cứ lúc nào. Nhiều người bị oan. Tình hình vốn chẳng thân thiện giữa hai
bên lương giáo càng trở nên căng thẳng. Đốt - phá - giết chóc diễn ra hàng
ngày. Đau nhất là người nông dân của hai thôn lương giáo tàn sát nhau.
Nhà thờ Giáo Xứ Giáo Nghĩa (Đình Phùng)
1954 hòa bình lập lại. Người nông
dân chưa kịp trọn niềm vui độc lập thì không khí cải cách ruộng đất xộc
tới. Đầu tiên là giảm tô với khẩu hiệu “Phát động giảm tô, tiến tới thoái tô,
chuẩn bị cải cách.”
Không khí nóng ran với hàng đoàn
người đi vòng quanh khắp xóm hô hào khẩu
hiệu. Đến 1955 thì cải cách ruộng đất. Khi ấy ông ngoại (bên vợ) mình đang đi bộ
đội ở tận vĩ tuyến 17 cũng bị Đội (đội cải cách) vào tận nơi xách cổ về để đấu
tố vì gia đình có chút của ăn của để nên bị quy địa chủ. Hơn nữa, ông ngoại
mình còn bị nghi ngờ là Quốc dân Đảng.
Người sống qua thời đó đều biết
câu “nhất đội nhì giời”. Đội bảo bắn là bắn.
Miễn kêu ca! Thật ra thì Đội về xã có dựa vào cán bộ cốt cán (là những bần cố
nông trong thôn). Những người đói rách cùng cực nhất trong làng, chuyên đi làm
thuê hoặc ở đợ bỗng dưng quyền hành chỉ sau Đội. Lúc đó bí thư và chủ tịch sợ
cốt cán một phép. Chỉ cần bần cố nông tức khí (hoặc khoái chí) nói “thằng này
là Quốc Dân Đảng”, "Thằng này địa chủ gian ác" thì gần như nắm chắc án tù hoặc bị lôi ra sân đình, bùm phát, lăn
quay.
Chẳng biết Đội ở chỗ khác thế nào
chứ nghe bà mình kể, Đội ở Đình Phùng- Kiến Xương, cũng đã biết lợi dụng quyền
lực. Hồi đó chưa tham nhũng nhưng hủ hóa thì có. Vì thế mới có vè: Đội về đội
dựa vào mông/ Đội đi Đội để trống bồng cho ai.
Trở lại chuyện của ông ngoại.
Sau khi bị dẫn giải về xã, người ta bắt chính bà mình ra sân đình để đấu tố
chồng. Bà mình kiên quyết không đấu. Bần cố nông chạy lên chỉ mặt quát sao
không đấu. Bà mình chỉ tay vào mặt người đó, nói không có ông ấy thì không có
các ông các bà hôm nay ngồi ở đây mà đấu tố. Rồi bà mình quay sang Đội, hạ giọng, nói chồng tôi đi cách mạng mà sao các ông lại bắt tù. Đội trừng mắt quát:
Mình chồng mày mà làm cách mạng được à? Bà tôi điên tiết "bật" lại:
Mình chồng tôi không làm được cách mạng, nhưng một mình Hồ Chí Minh cũng không
làm cách mạng được. Đội cứng lưỡi.
Khi vào vĩ tuyến 17 để bắt ông
ngoại tôi, Đội thu được một chiếc bút máy Parker, một chiếc đồng hồ đeo tay
hiệu Irivin và ít tiền mặt. Dưới con mắt của Đội và nhiều người lúc bấy giờ, sở hữu những vật dụng
sặc mùi tư bản, đế quốc như thế thì chắc chắn phải là một tên tiểu tư sản
ăn chơi phè phỡn, núp dưới vỏ bọc cán bộ cách mạng. Rất nguy hiểm!
Chợ Nang-Đình Phùng
Ông ngoại cùng một số cán bộ khác
bị quy (nhầm) địa chủ nên phải đi tù ở Yên Bái. Bà
tôi, vì là con nhà thuộc hàng trung nông, được ăn học, biết chữ, nên đã viết thư kêu oan gửi thẳng
lên Bác Hồ. Biết chắc là đường thư tín khó đến tay Cụ, bà đã nhờ một người quen
làm văn thư ở tỉnh ủy Thái Bình gửi theo đường công văn.
Thật bất ngờ! Bác nhận được thư
và trả lời. Thư Bác viết tay, ngắn thôi, đại ý là cải cách có sai lầm. Cháu cứ
yên tâm. Sẽ có đội sửa sai về tận nơi làm việc. Cuối thư Bác ký tên hẳn hoi. Kể đến đây, bà thở dài tiếc hùi hụi vì lá thư ấy không còn do chiến tranh loạn lạc.
Đến giữa năm 1955 thì sửa sai. Ông
ngoại được minh oan sau hơn tháng đi tù, da dẻ vàng ệch. Sau đó nhà nước bồi
hoàn danh dự bằng cách cho đi ăn dưỡng mấy tháng, nghe đâu ở Hải Dương. Chiếc bút máy và đồng hồ
bị tịch thu, bà tôi đòi lại được gần hết.
Mình nhìn bà mà phục quá! Cả đời vì chồng vì con! Dường như đoán được ánh nhìn ấy, bà nói ngay:
Người nông dân khổ lắm cháu à!
Để phá tan sự tĩnh lặng u ám của
hoài niệm buồn, mình bảo giờ có “nông thôn mới”, đường xá bê tông sạch sẽ hết
cả rồi bà nhỉ. Bà không hưởng ứng, chỉ chép miệng, nói nhà nước cho nửa, dân
góp một nửa. Có nhà mỗi khẩu phải đóng triệu bạc, người nông dân nghèo tiền đâu
ra cháu.
Rồi bất chợt bà ngước nhìn mình,
nói chỉ thành thị các anh là sướng, được nhà nước làm vỉa hè, mắc điện nước vào
tận cửa.
Mình giật thót, định chống chế
rằng thuế đất thuế nhà của chúng cháu cao hơn nhưng kịp dừng lại. Với bà, một
người đã sống gần trọn thế kỷ thì không cần giải thích. Kể cả với mình, một thằng sinh ra từ nông thôn
thì có ngụy biện kiểu gì cũng phải thừa nhận người nông dân luôn khổ. Nghèo: khổ, có chút của ăn của để cũng vẫn...khổ!
Chợ Nang - Đình Phùng- Kiến Xương - Thái Bình
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ