Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Bài văn lạ.

Tiếp tục một bài văn được gọi là “lạ” khiến dư luận xôn xao. Tác giả bài văn “lạ” bị tâm lý nặng nề. Chúng tôi sẽ không bàn tới nội dung của bài văn nói trên và việc nó có đáp ứng mục đích kiểm tra của nhà trường hay không mà chỉ muốn thử đi tìm lời giải do đâu mà học sinh có những hành vi nói trên? Có cần thiết rùm beng sự việc này để đến nỗi bây giờ cả nhà trường và gia đình phải lo lắng cho sức khỏe, thậm chí sinh mạng của học sinh hay không?

Lứa tuổi THPT là thời kỳ có biến chuyển về tâm sinh lý, đặc biệt học sinh nữ. Trong thời đại Internet, việc HS tiếp xúc sớm với thông tin nên có cảm xúc suy nghĩ khác nhau là chuyện bình thường. Khái niệm tình bạn, tình yêu, cho dù ngây ngô, non nớt, đã bắt đầu xuất hiện. Chính vì thế, việc một học sinh giãi bày tình cảm của mình, có thể tình cảm đó chưa chuẩn mực và đúng thuần phong mỹ tục, cũng là điều bình thường. Trách nhiệm của nhà trường, gia đình và GV giúp các em định hướng lại.

Vấn đề đáng bàn ở đây là câu chuyện trong bài văn (nhiều khi chỉ là hư cấu) đã không có cơ hội xuất hiện ở bất kỳ một chỗ nào khác đành phải “ngồi nhầm chỗ” trong một bài văn mà thầy cô đang kỳ vọng vào một nội dung thực sự nghiêm túc. Nếu như có một diễn đàn bạn gái để học sinh trao đổi cởi mở thì tác giả bài văn lạ đã ý thức được tầm mức của vấn đề.

Điểm 0 cho bài văn là một cách đánh giá đồng thời cũng là một tác nhân khiến nó thêm “nổi tiếng”. Giá như GV gặp gỡ học sinh và trao đổi với em thì sự việc không phức tạp như hiện nay. Cần nói thêm, đọc bài văn, thấy viết rất hoạt, điều không dễ ở nhiều học sinh THPT hiện nay. Với khả năng viết như thế, thiết nghĩ GV nên cân nhắc trước khi đặt bút cho điểm 0, cho dù bài văn không đáp ứng yêu cầu.

Hình như chúng ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng; cá nhân và tập thể. Những riêng tư của học sinh cần được tôn trọng. Học sinh có thể chưa có khái niệm về cái riêng, nhưng nhà trường cần dạy cho các em nhận thức điều đó. Kết quả đánh giá học sinh cũng thuộc phạm trù riêng tư. Do vậy các nước có nền GD tiên tiến đều bí mật điểm số hoặc đánh giá, chỉ học sinh hoặc gia đình biết mà thôi. Nếu như học sinh của bài văn lạ nói trên biết rằng từ câu chuyện hư cấu mọi người sẽ suy luận sang chuyện riêng tư, thì em sẽ thận trọng hơn.

Học sinh nói lên tiếng nói cá nhân đôi khi chưa được xem xét thỏa đáng. Hình như chúng ta vẫn muốn các em phải có “tiếng nói của tập thể”, ít ra phải giống với người này người kia, quan điểm này quan điểm nọ thì mới được chấp nhận. Điều này không còn phù hợp nữa.

Học sinh hôm nay sống trong thời đại thông tin nhưng nhiều em chưa được GD một cách căn bản về tính hai mặt của nó, chưa ý thức được mức độ ảnh hưởng khi thông tin lan ra xã hội. Khi đưa lên đại chúng bài văn lạ vừa qua, ai đó cũng chưa nghĩ hết tác động của nó. Người viết cũng chắc cũng bất ngờ về tốc độ lan truyền của nó và bản thân chưa chuẩn bị tâm thế đón đợi việc xã hội sẽ bình phẩm tác phẩm của mình như thế nào./.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ