Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Chuối

“Chuối sau cau trước” là hình ảnh thân quen ở làng quê Bắc Bộ. Và nó sẽ còn là chủ đề hot của giới kiến trúc và phong thuỷ mỗi khi lần giở về với kiến trúc dân gian. Với mình, chuối (cũng như tre pheo, rơm rạ) gần gũi thân quen như hiện hữu cùng loài người.



Mỗi vùng ở nước ta có một vài loài cây đặc trưng, nhưng chuối thì vùng nào cũng có. Cái thứ cây dễ trồng và dễ tính đến thế là cùng! Nó phục vụ con người từ khi mới sinh ra cho đến lúc về già, lúc gục xuống vẫn mong làm được cái gì đó có ích với đời. Thử hỏi có thứ cây cỏ nào hào phóng và tận hiến như chuối không?

Mùa hè, bát riêu cua nấu dọc thanh ngọt mà thiếu đi vài cọng rau sống ăn kèm thì vị ngon mất đi một nửa. Trong rổ rau sống ấy lại không thể thiếu lát rau chuối thái mỏng tơ từ cây chuối non. Nói đến vị rau sống cũng phải nhắc tới hoa chuối. Cả đời chỉ sinh nở một lần, cho một buồng duy nhất, đến khi không còn sức để bung ra những nải chuối con thì hoa chuối vẫn có ích trong bữa ăn mỗi gia đình.

Thời buổi công nghiệp, có đủ thứ bao gói thay thế cho lá lẩu, nhưng gói bánh gai thì chưa cái gì thay được lá chuối khô. Rượu quốc lủi phải nút bằng lá chuối khô thì mới ra dáng quốc lủi.  Lá chuối khô cuộn tròn vừa vặn, lại gặp hơi ẩm từ rượu nở phình ra nên chẳng khác gì nút bấc trong các chai rượu vang hảo hạng.

Hồi nhỏ mình thấy ông bà trước khi đổ trà hay thuốc lào vào hũ sành (để dùng dần) đều lót một ít lá chuối khô. Hoá ra lá chuối khô có tác dụng chống ẩm cực tốt mà lại không làm mất đi mùi trà, mùi thuốc.

Còn lá chuối tươi thì khỏi phải nói, hàng chục thứ bánh, thiếu lá chuối thì không ra vị và không thể gọi thành tên. Tuổi thơ của mình quện chặt với lá chuối lá tre. Từ khi biết bò cho tới lúc biết chăn trâu giúp mẹ thì đồ chơi của mình có chiếc kèn được cuốn bằng lá chuối. Rồi mình cũng tự biết cuốn những chiếc kèn thổi kêu thật to để lên mặt với bạn bè. Đấy! Bàn tay vụng về yếu ớt của mình được rèn cho khéo léo mềm mại chỉ bằng những trò chơi lá lẩu linh tinh như thế.


Thời buổi KH-KT tiến như vũ bão, chẳng ai dám chắc mươi năm tới sẽ như thế nào. Thế nhưng mình đồ rằng, các loại bao gói tân kỳ sớm muộn cũng quay trở lại với lá lẩu tự nhiên vì hành tinh này quá bẩn với rác công nghiệp rồi. Miếng xôi sáng sẽ gói bằng lá chuối lá sen thay vì hộp xốp và ni lông như bây giờ.

Kể cũng lạ, trong các loại cây cho quả, hiếm có cây nào cứ trổ buồng xong là phải chặt bỏ, mà phải đào cho sạch gốc thì cây chuối non mới sinh trưởng khoẻ mạnh để tiếp tục cho quả phục vụ con người. Đến lúc này, sau khi đã nảy ra một mầm xanh kế tục, sau khi đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, khi không còn trực tiếp phục vụ con người, cây chuối vẫn tiếp tục làm thức ăn cho đàn lợn đàn gà. Mình biết bơi cũng nhờ thân cây chuối bị đốn hạ ấy. Nó từng là cái phao giúp lũ trẻ chưa biết bơi vùng vẫy chốn ao làng.

Bố kể, trận đói Ất Dậu 1945 nhiều người sống được nhờ củ chuối. Hôm rồi được chén một bữa giả cầy nấu củ chuối ngon tuyệt tự nhiên thấy cái đói năm 45 bình thường, hi hi.

Còn cái gì của cây chuối mà mình chưa kể nhỉ? À, cái dây chuối! Ở đồng bằng, đố tìm được loại dây nào dai và dễ buộc như dây chuối đấy! Tàu chuối khô sau khi tước lấy phần lá để gói bánh, gói quà, còn lại cái cuộng, lúc này, chỉ cần nhúng qua nước, cuộng lá chuối khô trở nên mềm mại dẻo dai lạ kỳ!



Các bạn thử tìm mà xem, không có nhiều loài cây tận hiến cho con người từ củ, thân, quả… tới lá như cây chuối đâu! Nhưng điều ấn tượng với mình không phải là nó đã cho chúng ta cái gì mà sau khi trổ buồng ra quả, chuối lại cựa mình sinh trưởng một cây non để tiếp tục dâng hiến cho đời. Chuối già vui vẻ đổ gục xuống, vui vẻ chấp nhận rời khỏi vị trí để nhường chỗ những mầm non mới đang lên. Cây cỏ vô tri còn như vậy, con người thử hỏi được mấy ai?













0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ