Quán ngõ.
Tôi có thói quen hay ăn vặt. Nhỏ
ở quê ngày hai buổi chăn trâu chăn bò thì tìm quả sung quả ổi, khi ra phố thì
lê la quà vặt ở quán cóc.
Thời tôi mà vướng vào thói quen ăn
quà vặt như thế là bị liệt vào loại chẳng ra gì. Hồi đầu cấp III, chỉ vì một
lần thấy tôi ngồi quán nhai kẹo mà con bé bí thư đoàn lớp họp kiểm điểm, bắt
tôi đứng dậy, rồi nó cầm cái thước gõ xuống bàn cạch cái, nói đồng chí Phong có
biết ăn quà vặt là hủ tục, là tàn dư của chế độ cũ, là thói quen tiểu tư sản
còn rơi rớt lại không. Tôi sợ không dám hé mắt nhìn nó nhưng sau vẫn không cai
được quà vặt.
Quà vặt bị mang tiếng xấu nhưng lân
la quán cóc cũng có cái thú là được tận hưởng hơi thở của cuộc sống. Thời buổi
mấy anh trật tự tận tụy làm việc hết mức nên quán cóc vỉa hè phải lui dần vào
ngõ và biến thành quán ngõ.
Ngõ của Hà Nội là cả một thế giới
khác. Nó tách biệt với cái hào nhoáng, ồn ào, đầy chất chợ búa bên ngoài. Lân
la những quán ngõ tôi thấy Hà Nội là ở trong ngõ chứ không phải ở mặt tiền. Như
cái quán phở ngõ Hàng Khay tôi hay ăn là điển hình.
Quán không tên, trong cái ngõ cụt
ngắn hủn phố Hàng Khay, tiếp giáp với phố Bà Triệu nên tôi gọi là phở ngõ Hàng
Khay. Đây là quán phở duy nhất ở này cho tới thời điểm cách đây hơn năm, khi
Phở 24 mở một tiệm rõ sang ngay cạnh, nhưng khách thì chưa biết bên nào đông.
Phở ngõ Hàng Khay có lẽ là quán
phở nhỏ nhất Hà Nội. Mỗi khi khách ra vào thì chị chủ phải chạy ra vỉa hè để
nhường lối. Cứ thế, khách vào chị ra, khách ra chị lại vào. Khách đến ăn phải
ngồi ép sát vào ngõ, hơi bất tiện nhưng bù lại phở ngon, rẻ và chị chủ lúc nào
cũng tươi như hoa.
Sáng nay, đang ăn ở phở ngõ Hàng
Khay thì ông bàn bên cạnh ném mạnh cái giấy lau miệng xuống sàn, với cái tăm
cắm vào miệng, nói xăng lại tăng nữa rồi. Ông ngồi đằng sau đang xì xụp húp
ngửng phắt lên, nói thế à, sao nghe đâu trên TV bảo chưa tăng. Bà sồn sồn ngổi
kế bên giọng tỉnh quơ, nói gớm, người ta bảo nhà văn nói láo nhà báo nói hay mà
ông cũng tin…Cứ thế chuyện râm ran lan từ chuyện nọ sang chuyện kia, đang xăng
tăng giá nhảy phắt sang xung đột ở bán đảo liên Triều!
Quán xá là nét đặc trưng của phố
phường, nhưng quán ngõ xem ra vẫn lưu luyến nhiều nét mộc mạc của làng xã, thôn
quê. Cứ ngồi xuống quán ngõ là tứ hải giai huynh đệ, ông đi xế hộp cũng như anh
xích lô, ai cũng như quen nhau từ lâu
lắm, rồi chuyện đông chuyện tây, người nào cũng có quyền bình luận, chẳng sợ gì
đúng sai.
Tiệm sang ở Hà Nội đâu thiếu
nhưng vào phải có tiền và phải sắm cho mình bộ mặt nghiêm trọng và lịch duyệt.
Với ai đó, đấy chẳng phải chỗ để cho họ là chính mình.
Quán ngõ bệ rạc và tạm bợ nhưng
có sức hút riêng. Ngồi nhấm nháp đĩa bún đậu mắm tôm còn được đắm mình trong không
gian sống và sinh hoạt của dân Kẻ Chợ, vẫn vẹn nguyên, chưa bị luễnh loãng bởi
cơn lốc của đô thị và văn minh; ngồi ở đó thấy được nhiều hơn những thận phận ẩn
dật sau vẻ rực rỡ chốn phồn hoa.
Với quán ngõ thì khái niệm bàn
ghế cũng chỉ tương đối. Tôi ăn phở ngõ Hàng Khay hay ăn bún đậu, bánh đa cua ở
ngõ Chùa Vũ Thạch (phố Bà Triệu) cách đó mươi bước chân, thì bàn là ghế mà ghế
cũng là bàn. Ghế cao gọi là bàn còn ghế thấp để ngồi. Bàn ghế theo đúng nghĩa ở
quán ngõ thật xa xỉ. Bảo nó là cái ghế nhưng đâu phải ghế, đặt bát bún lên nó
là cái bàn? Thú vị chưa? Hóa ra ở mình, nó là cái gì thì cứ phải xem người ta sử
dụng nó để làm gì thì mới phán được. Định danh một vật phải dựa vào công năng
có lẽ là đặc sắc Việt Nam?
Cũng chính vì thế mà ngõ đâu chỉ là ngõ (để đi) mà còn là quán ngõ.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ